Thực trạng và tác động của hoạt động khoáng sản đến sự phát triển kinh tế - xã hội và môi trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An

NCS. HOÀNG QUỐC VIỆT (UBND tỉnh Nghệ An), TS. PHAN THỊ THÁI (Giảng viên Trường Đại học Mỏ - Địa chất)

Tóm tắt:

Trên cơ sở khái quát về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An, bài báo chỉ ra rằng Nghệ An là tỉnh giàu tiềm năng tài nguyên khoáng sản, có mặt đầy đủ các nhóm, loại khoáng sản. Hoạt động thăm dò, khai thác và chế biến tài nguyên khoáng sản ở Tỉnh cũng diễn ra sôi động. Điều đó gây nên những tác động tích cực và tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội và môi trường của Tỉnh. Những thông tin này giúp các nhà quản lý có quyết định phù hợp hướng tới mục tiêu phát triển bền vững hoạt động khoáng sản và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An.

Từ khóa: Tài nguyên khoáng sản, hoạt động khoáng sản, tỉnh Nghệ An.

1. Khái quát về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An [2]

Tính đến nay, với hơn 200 báo cáo kết quả điều tra đánh giá tiềm năng khoáng sản đã xác định tỉnh Nghệ An là tỉnh giàu tài nguyên khoáng sản, có mặt đầy đủ các nhóm loại khoáng sản như:

* Khoáng sản nhiên liệu: 4 điểm than đá gồm mỏ Khe Bố - Tương Dương và 3 điểm ở Kỳ Sơn, Nghĩa Đàn, Con Cuông với trữ lượng cấp C1+C2 khoảng 3,3 triệu tấn.

* Khoáng sản kim loại: Thiếc: 11 mỏ và 6 điểm có giá trị thuộc 2 loại hình là thiếc sa khoáng và thiếc gốc. Trữ lượng cấp B+C1+C2 là 7.390 tấn thiếc, 45.870 tấn casiterit; tài nguyên dự báo cấp P là 53.000 tấn thiếc, tập trung tại các địa bàn Quỳ Hợp, Tân Kỳ và Quế Phong; Sắt: 17 điểm, chủ yếu là quặng sắt nâu Limonit, sắt Manhetit gặp một ít ở Quế Phong. Trữ lượng mới được đánh giá ở xã Tri Lễ, huyện Quế Phong và xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương là 1,8 triệu tấn; Vàng, bạc: 6 mỏ, 4 điểm và 2 biểu hiện khoáng sản vàng. Trữ lượng cấp C1+C2 là 1.014kg vàng, 2.448kg bạc; tài nguyên dự báo cấp P là 17.000kg vàng, 5.100kg bạc, phân bố tập trung chủ yếu ở khu vực Tương Dương, Con Cuông và rải rác ở Quế Phong, Quỳ Hợp; Chì, kẽm, đồng: Tổng trữ lượng cấp C1+C2 là 37.171 tấn chì, kẽm, 288 tấn đồng, tài nguyên dự báo cấp P là 85.100 tấn chì, kẽm, tập trung các huyện Anh Sơn, Tân Kỳ và Con Cuông; Mangan phân bố ở 3 khu: Nam Tân, Hoa Sen, Núi Thành, tổng trữ lượng cấp C1+C2 là 305.778 tấn quặng.

* Khoáng sản nguyên liệu hóa và phân bón: Barit: có 3 điểm ở Nghĩa Lâm, Diễn Thọ, Sơn Thành. Điểm Sơn Thành, trữ lượng cấp C1+C2: 257.300 tấn; Than bùn ở Vĩnh Thành (Nghi Lộc); Phosphorit: gặp khá phổ biến trong các hang động đá vôi, tập trung ở 4 khu vực chính ở Quỳnh Lưu, Yên Thành, Đô Lương - Thanh Chương và Anh Sơn - Con Cuông, tổng trữ lượng cấp C1+C2: 270.000 tấn quặng; Đá vôi trắng, đá vôi dolomit trắng và đá dolomit, chủ yếu ở khu vực Quỳ Hợp, Tân Kỳ, gồm 70 thân khoáng đá vôi trắng có tài nguyên dự báo 261.471,3 ngàn tấn, 10 thân khoáng đá dolomit trắng có tài nguyên dự báo 25.449,3 ngàn tấn.

* Khoáng sản nguyên liệu gốm sứ: Sét, kaolin: có 3 mỏ sét Nghĩa Dũng, Nhân Sơn, Đại Sơn, tổng trữ lượng cấp C1+C2 khoảng hơn 9 triệu tấn sét, 200 ngàn tấn kaolin.

* Khoáng sản nguyên liệu kỹ thuật và đá quý: Thạch anh tinh thể và các loại đá quý, bán quý như corindon, rubi, saphir, spinel, granat. Tổng hợp các tài liệu khảo sát, tìm kiếm đánh giá đã ghi nhận có 2 mỏ, 12 điểm khoáng sản. Tổng trữ lượng cấp C2 là 2.871kg (bao gồm cả corindon, rubi và saphir), tài nguyên cấp P là 69.680kg (corindon, rubi và saphir), 493.000kg spinel, 136.000kg granat, phân bố tập trung chủ yếu ở khu vực giáp ranh giữa các huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp và Tân Kỳ.

* Khoáng sản vật liệu xây dựng: Đá vôi có diện phân bố lớn như ở Hoàng Mai, Anh Sơn, Con Cuông, lèn Rỏi Tân Kỳ, hầu hết có chất lượng tốt, đạt yêu cầu sản xuất xi măng; Sét xi măng, phụ gia xi măng (bazan, sắt, cát silic...) phân bố rải rác ở nhiều địa phương; Đá ốp lát nguồn gốc magma có thành phần granit, ryolit, gabro và đá vôi có màu sắc đẹp; Vật liệu xây dựng thông thường khác: đá xây dựng, cát kết, dăm kết vôi... có chất lượng tốt và trữ lượng khá lớn. Cuội sỏi xây dựng phân bố chủ yếu dọc theo các sông, suối lớn. Sét gạch ngói, đất san lấp phổ biến ở các vùng đồng bằng và trung du.

*Nước khoáng: Đã phát hiện 8 điểm nước nóng - nước khoáng ở Nậm Giọn (Tân Kỳ), Bắc Thành (Yên Thành) và Kim Đa (Tương Dương),...

2. Thực trạng hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Hoạt động thăm dò, khai thác chế biến khoáng sản tại Nghệ An được liệt vào những tỉnh có ngành khai khoáng phát triển vào bậc nhất của cả nước.

2.1. Hoạt động thăm dò và xác định trữ lượng khoáng sản

Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về địa chất và khoáng sản trên địa bàn Tỉnh. Đến năm 2015, 100% diện tích đã được điều tra cơ bản địa chất và tìm kiếm khoáng sản tỷ lệ 1/200.000, trên 50% diện tích đã được điều tra cơ bản địa chất và đánh giá tiềm năng khoáng sản ở tỉ lệ 1:50.000 thuộc các vùng và nhóm tờ: Bắc Quỳ Hợp (1971), Phu Loi (1974), Bản Chiềng (1975), Quỳ Hợp - Nghĩa Đàn (1983), Bắc Vinh (1983), Nam Vinh (1983), Bắc Nghĩa Đàn (1983), Tây Nam Thường Xuân (1984), nhóm tờ Tương Dương (1998), nhóm tờ Mường Xén (2004). Do vậy về cơ bản các cấu trúc có khoáng sản đã được phát hiện, nhiều loại hình đơn giản đã đánh giá tiềm năng ở cấp tài nguyên, một số được thăm dò đánh giá trữ lượng, chất lượng. Hội đồng trữ lượng quốc gia và Hội đồng tư vấn đánh giá trữ lượng khoáng sản tỉnh Nghệ An phê duyệt báo cáo kết quả thăm dò, do nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp, làm cơ sở cho việc lập dự án, đầu tư, cấp phép khai thác và xem xét đến các vấn đề về bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên trong khai thác, chế biến và vận chuyển tiêu thụ.

Tuy vậy, việc đầu tư thăm dò khoáng sản chủ yếu thực hiện theo Luật cũ, chiều sâu thăm dò chỉ ở mức code 50 đến 100, do vậy chưa xác định được hết tiềm năng tài nguyên ở code sâu hơn; mặt khác diện tích được lựa chọn không tối ưu, dẫn đến hệ lụy phức tạp trong việc khoanh định và tổng hợp trữ lượng tài nguyên khoáng sản của tỉnh, gây những tổn thất không nhỏ về khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên, tạo khó khăn trong công tác quy hoạch và quản lý.

2.2. Hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản

a) Khai thác khoáng sản

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hoạt động khoáng sản diễn ra sôi động, có những lúc trở thành vấn đề nóng bỏng. Về cơ bản các điểm mỏ có chất lượng có thể khai thác đã được huy động vào khai thác. Cụ thể:

- Khoáng sản kim loại: Sắt: các mỏ Võ Nguyên, Vân Trình, Tri Lễ, Thạch Ngàn, Thọ Sơn, Trại Bò, Yên Hợp; Mangan: có các mỏ Núi Thành, Hoa Sen - Đập Bể, Anh Sơn; Thiếc: có các mỏ Suối Bắc, Suối Mai, Bản Cô, Bản Boong, Tri Lễ, Làng Sòng, Kẻ Tằng; Chì kẽm: có các mỏ chì kẽm đa kim Kẻ Tằng, chì kẽm Quỳ Châu, Khe Chai, Đôn Phục; Antimon ở Tri Lễ; Khoáng sản kim loại quý: vàng sa khoáng dọc sông Lam (Con Cuông, Tương Dương), sông Nậm Mô, sông Nậm Nơn, vàng sa khoáng Khe Líp, dọc sông Hiếu (Thái Hòa, Nghĩa Đàn, Quỳ Châu), dọc sông Nậm Quàng,...

- Đá quý, bán quý: Rubi, saphia Châu Bình, Châu Tiến.

- Khoáng sản nhiên liệu và khoáng chất công nghiệp: Barit Sơn Thành, bột canxi cacbonat Châu Quang, Châu Cường, Châu Tiến, Châu Hồng; photphorit Trù Sơn, Anh Sơn; than Đôn Phục, Than Khe Bố; than bùn Tiên Kỳ.

- Khoáng sản nguyên liệu xi măng: Đá vôi xi măng Hoàng Mai 1, Hoàng Mai 2, Tân Thắng, Tân Kỳ, Giang Sơn Đô Lương, Hội Sơn, Long Sơn; đất sét xi măng, bazan phụ gia xi măng vùng Phủ Quỳ và Tân Thắng.

- Khoáng sản đá ốp lát: Đá vôi ốp lát, đá hoa trắng ốp lát, đá vôi dolomit vùng Quỳ Hợp, đá granit Đồng Văn.

- Khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường: Đất sét gạch ngói Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc, Diễn Châu, Đô Lương, Thanh Chương, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ và Anh Sơn; Khoáng sản cát, sỏi lòng sông: dọc sông Lam, sông Giăng, Sông Hiếu, Sông Con; Đá vôi xây dựng Quỳnh Lưu, Hoàng Mai, Đô Lương, Anh Sơn, Thái Hòa, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Con Cuông, Tương Dương và Kỳ Sơn; Khoáng sản vật liệu san lấp: dọc quốc lộ 1A và phụ cận Vinh.

Đến thời điểm cuối năm 2016, nhiều điểm mỏ khai thác đã đi vào kết thúc và đóng cửa mỏ như: Mangan núi Thành, mangan Hoa Sen Đập Bể, vàng sa khoáng dọc sông Lam qua các huyện Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn và các hệ thống khe suối Tương Dương, Quỳ Châu, Quế Phong; dọc sông Hiếu qua địa phận Quỳ Châu, Thái Hòa, Nghĩa Đàn; thiếc sa khoáng Moong Xanh Châu Tiến, Chì Kẽm Lòng Thuyền Nghĩa Thọ, Barit Sơn Thành, titan Cửa Hội,... Tổng số giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp được thống kê trong các bảng sau:

Qua đánh giá thực tế cho thấy: Việc quản lý khai thác khoáng sản thiếu đồng bộ, gây lãng phí tài nguyên, nguồn thu từ khai thác rất khó kiểm soát, đặc biệt là sản lượng khai thác chỉ được xác định do kê khai nộp thuế tự giác từ các doanh nghiệp nhưng ý thức chấp hành và tính tự giác của một số doanh nghiệp chưa cao. Mặt khác, một số doanh nghiệp khi xây dựng dự án, đánh giá chưa đầy đủ các yếu tố khách quan, yếu tố chủ quan, đặc biệt là vấn đề biến động về chính sách, tài chính, thuế,... dẫn đến nhiều đơn vị hoạt động khai thác không đạt công suất, khai thác không đi đôi với chế biến sâu; Hoạt động thiếu hiệu quả, hoặc hoạt động không ổn định, dẫn tới nợ các nghĩa vụ ngân sách. Một số dự án không đảm bảo thiết kế hoặc không đảm bảo an toàn lao động.

b) Chế biến khoáng sản

Song song với hoạt động khai thác, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã hình thành hàng trăm điểm được quy hoạch khai thác, đi đôi với chế biến khoáng sản, bước đầu hình thành nhiều cụm khu công nghiệp vừa và nhỏ chế biến khoáng sản, hoạt động đang dần ổn định, đã tìm được thị trường tiêu thụ, bao gồm tiêu thụ tại chỗ, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên qua đánh giá thực tế cho thấy, còn một số tồn tại sau:

+ Vẫn tồn tại các điểm chế biến, tập kết khoáng sản tự phát, chưa được đưa vào quy hoạch, việc xóa bỏ gặp nhiều khó khăn. Ví dụ như, Quỳ Hợp có 108 xưởng chế biến khoáng sản lớn nhỏ, nhưng có tới trên 60% phát triển tự phát, nhỏ lẻ nằm ngoài quy hoạch. Toàn tỉnh có đến 316 lò gạch thủ công, 120 điểm, bãi tập kết cát chưa được quy hoạch để quản lý giám sát.

+ Sản phẩm chế biến sâu còn ít và sản phẩm đơn điệu.

+ Sản phẩm tiêu thụ chưa thực sự ổn định, cạnh tranh thiếu lành mạnh dẫn tới bán phá giá, làm tổn thất giá trị tài nguyên. Các quy định xuất khẩu khoáng sản chưa thực sự đem lại hiệu quả ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp và nguồn thu ngân sách. Nhiều sản phẩm chưa được xây dựng mã sản phẩm nhất là đá ốp lát, đá bóc chẻ, đá trang trí, đá mỹ nghệ nên không được đăng ký đơn giá tại Bộ Xây dựng làm cho các công trình xây dựng sử dụng sản phẩm này khó hạch toán.

3. Tác động của hoạt động khoáng sản đến sự phát triển kinh tế - xã hội và môi trường tỉnh Nghệ An

Hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản đã trực tiếp tác động cả tích cực lẫn tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội và môi trường của tỉnh Nghệ An, được khai quát trên một số mặt sau:

a) Những tác động tích cực

* Đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu khoáng của các ngành công nghiệp

Hoạt động khoáng sản của tỉnh phát triển đã đáp ứng nhu cầu nguyên liệu khoáng cho các ngành công nghiệp khác như:

- Cung cấp nguồn nguyên vật liệu xây dựng đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng cho phát triển xây dựng hạ tầng giao thông, đô thị, xây dựng công nghiệp, phát triển thủy điện, xây dựng dân dụng và dân sinh.

- Cung cấp nguồn nguyên vật liệu xây dựng phục vụ cho công tác xây dựng hạ tầng phục vụ bảo vệ quốc phòng an ninh dọc vùng biên giới.

- Cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp xi măng, phụ gia, chất độn.

- Cung cấp nguồn nguyên liệu cho luyện kim: thiếc, sắt, mangan,…

* Thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương

Với tổng mức đầu tư vào lĩnh vực này ước đạt 5 nghìn tỉ đồng, hoạt động khoáng sản đã đóng góp một phần vào ngân sách cũng như giải quyết công ăn việc làm cho người dân trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Cụ thể:

- Tổng doanh thu từ khai khoáng (không bao gồm các doanh thu từ các sản phẩm xi măng) trung bình các năm 2014 - 2015 đạt khoảng 2.000 tỷ đồng chiếm 3,7% tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) là 54.765 tỷ đồng; nguồn thu ngân sách từ hoạt động khai khoáng đạt 154 tỷ đồng trên tổng 7.652 tỷ đồng thu ngân sách, chiếm 2,01% tổng thu ngân sách (bao gồm cả thu từ xuất khẩu khoáng sản). Riêng năm 2016, tổng số tiền thu được từ hoạt động khai thác khoáng sản là 413,756 tỉ đồng. Trong đó: Thuế tài nguyên: 272 tỉ đồng, thuế xuất khẩu: 54,92 tỉ đồng, phí bảo vệ môi trường: 67 tỉ đồng, tiền ký quỹ phục hồi môi trường 21,447 tỉ đồng [1].

- Giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Tổng số lao động sử dụng trực tiếp đối với 118 doanh nghiệp khai thác vật liệu xây dựng thông thường (đá, cát sỏi, đất sét) là 2.121 người với mức thu nhập từ 3- 9 triệu đồng/người tháng. Ngoài ra, còn gián tiếp tạo thêm việc làm dịch vụ, phụ trợ cho lao động tại địa phương.

Mặc dù là tỉnh giàu tài nguyên khoáng sản, song kết quả đóng góp của hoạt động khoáng sản vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh đạt chưa cao, chưa xứng với tiềm năng của nó, chủ yếu là đóng góp phụ trợ cho công nghiệp xây dựng. Do vậy, mục tiêu chuyển hóa từ tiềm năng tài nguyên thiên nhiên sẵn có này sang sự thịnh vượng cho tỉnh là một việc làm đòi hỏi nhiều giải pháp, nhiều nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống quản lý nhà nước của tỉnh Nghệ An vì mục tiêu phát triển chung.

b) Những tác động tiêu cực

* Tác động của hoạt động khoáng sản đến cộng đồng nơi khai thác khoáng sản

- 100% doanh nghiệp thăm dò, khai thác khoáng sản tự thỏa thuận bồi thường cho cá nhân đang sử dụng đất bị thu hồi để thuê đất thực hiện dự án khai thác khoáng sản. Do tự thỏa thuận nên dẫn đến những bất cập nhất định gây thiệt thòi cho người dân ở vùng sâu ít thông tin và trình độ dân trí còn thấp.

- Nhìn chung các doanh nghiệp chủ yếu xây dựng, duy tu hạ tầng kỹ thuật như đường sá, cầu cống xung quanh khu vực mỏ để phục vụ cho đơn vị mình, chưa thực hiện việc xây dựng đường sá, cầu cống phục vụ cho xã hội.

- Chưa doanh nghiệp nào thực hiện xây dựng công trình công cộng (trường học, nhà trẻ, trạm y tế...).

Qua đây cho thấy, trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp hoạt động thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh còn chưa cao. Đồng thời, còn do các cơ quan quản lý nhà nước chưa ban hành các quy định cụ thể về trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức được phép trong việc hỗ trợ chi phí đầu tư nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

* Tác động đến môi trường

Qua thực tiễn cho thấy, hầu hết các dự án khai thác chế biến khoáng sản đều đã thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM)/ Cam kết bảo vệ môi trường nhưng vẫn còn mang tính đối phó, hình thức, hợp lý hóa hồ sơ. Các hạng mục bảo vệ môi trường đã cam kết tại ĐTM không được thực hiện, hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ. Bước đầu, các doanh nghiệp đã có ý thức trong công tác quan trắc giám sát môi trường thể hiện ở việc nhiều cơ sở hoạt động khai thác khoáng sản thực hiện việc báo cáo chất lượng môi trường thường xuyên. Tuy nhiên, nội dung báo cáo trong quan trắc giám sát môi trường chưa đầy đủ, chỉ tiêu phân tích còn thiếu, không đúng với nội dung đã cam kết trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường/ Cam kết bảo vệ môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Một số đơn vị khai thác và chế biến không xây dựng hệ thống xử lý chất thải gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến môi sinh; vận chuyển khoáng sản quá tải trọng làm hư hại hệ thống giao thông. Một số doanh nghiệp đã được cấp phép nhưng không hoàn thiện các thủ tục về thuê đất, ký quỹ môi trường để bàn giao mỏ nhưng vẫn tiến hành khai thác; sau khi hết hạn khai thác không hoàn thổ môi trường hoặc hoàn thổ môi trường không đảm bảo. Ngoài các đơn vị được cấp phép khai thác, hiện tượng khai thác trái phép loại khoáng sản quặng thiếc, quặng vàng của một số khu vực như khai thác vàng sa khoáng trái phép tại Châu Khê - Con Cuông, tại Chiêu Lưu - Kỳ Sơn, tại sông Hiếu huyện Nghĩa Đàn, tại các xã: Tam Quang, Yên Hòa, Yên Thắng, Yên Na, Nga My - Tương Dương gây hậu quả sạt lở đất nông nghiệp, gây ảnh hưởng đến khu dân cư, gây biến đổi dòng chảy, phá huỷ đất canh tác ở một số nơi; khai thác chế biến thiếc sa khoáng gây bùn, bụi tại một xã của huyện Quỳ Hợp... tạo nên bùn đỏ lọt qua các khe carto đi rất xa ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân, gây bức xúc trong nhân dân. Khai thác vật liệu xây dựng trái phép phổ biến ở hệ thống sông ngòi trên địa bàn tỉnh, dẫn đến tình trạng gây biến đổi dòng chảy, mất cân bằng dòng chảy.

4. Kết luận:

Hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An diễn ra sôi động tạo nên những tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh như tăng thêm nguồn thu ngân sách, tạo công ăn việc làm cho người lao động, tạo nguồn nguyên liệu khoáng cho các ngành công nghiệp khác phát triển, thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, chúng cũng có nhiều tác động xấu đến môi trường, đến cộng đồng dân cư nơi có khoáng sản khai thác. Để thực hiện Chiến lược Khoáng sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, Nghệ An cần có các giải pháp phù hợp nhằm phát huy tối đa và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản sẵn có góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và bảo vệ môi trường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Chiến lược Khoáng sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2427/QĐ-TTg ngày 22/12/2011.

2. Cục Thống kê Nghệ An, niên giám thống kê tỉnh Nghệ An các năm 2014 - 2016.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An (2016) “Thống kê tài nguyên khoáng sản trên địa bàn Tỉnh”.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An. Báo cáo thống kê tình hình cấp giấy phép hoạt động khoáng sản qua các năm 2008 - 2016.

Situation and impact of mineral activities on socio-economic and environmental development in Nghe An province

Post Graduate Student – Hoang Quoc Viet

People's Committee of Nghe An province

PhD. Phan Thi Thai

Lecturer of Hanoi University of Mining and Geology

Abstract:

Based on an overview of mineral resources in Nghe An province, the article points out that Nghe An is a province rich in mineral resources. Mineral resources exploration, exploitation and processing activities in the province also have taken place actively. This has had positive and negative impacts on the province's socio-economic and environmental development. This information will help managers make appropriate decisions towards the objective of sustainable development of mineral activities and promoting the socio-economic development of Nghe An province.

Keywords: Mineral resources, mineral activities, Nghe An province.