Tóm tắt:
Trong bài viết này, tác giả giới thiệu về nhóm quyền khởi kiện nhằm bảo vệ cổ đông thiểu số trong công ty cổ phần ở Việt Nam trên cơ sở so sánh với một số quốc gia trong khu vực, cụ thể là Thái Lan, Singapore và Philipines để thấy được sự tương đồng và khác biệt giữa Việt Nam và các nước này, từ đó rút kinh nghiệm cho Việt Nam trong vấn đề bảo vệ cổ đông thiểu số.
Từ khóa: Quyền khởi kiện cổ đông thiểu số, phục hồi quyền lợi cổ đông thiểu số.
Để bảo vệ cổ đông thiểu số (CĐTS) cần phải sử dụng công cụ pháp luật trong đó quyền của CĐTS giữ vai trò quan trọng, đây là điều kiện tiên quyết và là phương tiện để CĐTS tự bảo vệ mình. Cùng với những cơ chế bảo vệ cổ đông và các thiết chế đảm bảo thực thi pháp luật là những yếu tố bổ trợ, là điều kiện cho các quyền của CĐTS được thực thi nhằm bảo vệ CĐTS. Trong thực tiễn, vấn đề bảo vệ quyền lợi CĐTS trong công ty cổ phần còn nhiều bất cập, gây bức xúc nản lòng nhà đầu tư nhỏ. Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích những quy định về quyền khởi kiện mà pháp luật Việt Nam đã ghi nhận dành cho CĐTS trên cơ sở so sánh với pháp luật bảo vệ CĐTS ở một số nước Đông Nam Á, cụ thể là Thái Lan, Singapore, Philipines, Malaysia để thấy được sự giống nhau và khác nhau giữa các nước. Từ đó, tác giả đề xuất một số giải pháp hoàn thiện nhằm bảo vệ tốt hơn cho CĐTS ở Việt Nam.
2. Nội dung
Dù pháp luật đã quan tâm tới CĐTS và trao cho họ một số quyền khởi kiện nhất định với hy vọng CĐTS có thể bảo vệ được mình trước sự lạm dụng quyền của các cổ đông lớn, mong muốn là thế nhưng thực tế lại là chuyện khác. Do đó, dẫn tới các CĐTS vẫn chịu thiệt thòi, uất ức. Sau đây, tác giả sẽ phân tích thực trạng về quyền khởi kiện để nói lên những bất cập mà CĐTS đang phải gánh chịu.
2.1. Quyền yêu cầu Tòa án hủy quyết định của đại hội đồng cổ đông
Quyền khởi kiện là một trong những quyền cơ bản của cổ đông và được ghi nhận trong pháp luật công ty của hầu hết các quốc gia trên thế giới, ở Việt Nam cũng có quy định cụ thể tại điều 147 yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của đại hội đồng cổ đông và điều 161 Luật Doanh nghiệp 2014 Quyền khởi kiện đối với thành viên hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc. Giống như Việt Nam, 4 nước Thái Lan, Malaysia, Siangapore, Philipines1 đều thừa nhận quyền khởi kiện chung của cổ đông, nếu cổ đông bị bất kỳ điều gì làm ảnh hưởng đến quyền lợi thì có quyền yêu cầu tòa án can thiệp.
Công ty cổ phần (CTCP) được thành lập trên cơ sở hùn vốn, hợp tác giữa các cổ đông nhưng quyền lực chi phối công ty và tham vọng đã tạo ra khoảng cách rất lớn giữa cổ đông lớn và CĐTS. Điều đó làm phát sinh những mâu thuẫn và xung đột trong quyền lợi giữa các cổ đông mà chủ yếu thông qua việc cổ đông lớn chi phối tới các quyết định của đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), lấy danh nghĩa công ty để chèn ép quyền lợi của CĐTS. Đôi khi CĐTS đến ĐHĐCĐ chỉ để cho cuộc họp được tiến hành hợp lệ theo mong muốn của cổ đông lớn, còn nghị quyết của ĐHĐCĐ đã được những ông chủ lớn chuẩn bị từ trước. Trong trường hợp này, nếu không có một cơ chế nào để loại bỏ hiệu lực của các quyết định đó rõ ràng quyền lợi của CĐTS đã không được bảo vệ. Chính vì vậy, tại Điều 147 Luật Doanh nghiệp (LDN) 2014 quy định cổ đông quyền yêu cầu Toà án hoặc trọng tài xem xét, hủy bỏ quyết định của ĐHĐCĐ trong các trường hợp trình tự, thủ tục triệu tập cuộc họp ĐHĐCĐ; trình tự, thủ tục ra quyết định và nội dung quyết định của ĐHĐCĐ vi phạm pháp luật hoặc điều lệ công ty. Với quyền năng này, cổ đông mà đặc biệt là CĐTS có thể chủ động lên tiếng, yêu cầu tòa án hoặc trọng tài can thiệp để bảo vệ quyền lợi của mình. Điều này cũng hạn chế được sự thụ động trong việc cổ đông chỉ biết trông chờ vào sự giám sát của cơ quan nhà nước, bởi vì quyết định của ĐHĐCĐ là những vấn đề mang tính nội bộ của doanh nghiệp, hơn ai hết cổ đông sẽ là người tiếp cận và bị tác động nhanh nhất, do đó, trao quyền năng này cho cổ đông để tự họ chủ động bảo vệ mình là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, với vị trí và tính cách thụ động của mình, CĐTS rất ít khi sử dụng quyền năng này. Hơn nữa, việc đưa yêu cầu tới trọng tài và tòa án lại gặp phải khó khăn từ nhiều phía, bởi để được đưa yêu cầu giải quyết đến trọng tài, đòi hỏi điều lệ công ty phải quy định nội dung này hoặc phải có sự thỏa thuận với hội đồng quản trị (HĐQT) về việc này. Trong khi đó, nếu đưa yêu cầu tới tòa án, CĐTS cũng sẽ rất khó khăn để được tòa án thụ lý do các vướng mắc từ cơ quan tài phán trong việc xác định loại vụ việc dân sự để phân công thụ lý và giải quyết. Những khó khăn này là chưa kể đến việc giải quyết của tòa án và trọng tài là mất khá nhiều thời gian và trong thời gian đó quyết định của ĐHĐCĐ vẫn có hiệu lực áp dụng, CĐTS vẫn sẽ bị tác động bởi quyết định này.
Trong thực tiễn, Tòa án nhân dân (TAND) đã xử hủy nhiều quyết định của ĐHĐCĐ do công ty cổ phần không thực hiện đầy đủ, triệt để các quy định về triệu tập về thể thức họp ĐHĐCĐ. Chẳng hạn: trong vụ án về yêu cầu hủy quyết định của ĐHĐCĐ tại công ty cổ phần ở Đắc Lắc, TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã tuyên bản án phúc thẩm hủy quyết định của ĐHĐCĐ, vì cho rằng trình tự, thủ tục họp ĐHĐCĐ là sai quy định, trong có sai phạm: doanh nghiệp tổ chức họp đại hội đồng cổ đông vào ngày 22/3/2017, nhưng công ty gửi thư mời vào ngày 13/3/2017 và không gửi kèm các tài liệu liên quan, gồm chương trình họp, các tài liệu sử dụng trong cuộc họp, dự thảo nghị quyết, phiếu biểu quyết cho cổ đông. Hoặc năm 2013, TAND TP. Hà Nội đã ghi nhận vụ kiện của nhóm cổ đông nhỏ (sở hữu hơn 1% vốn điều lệ) khởi kiện hủy Nghị quyết Đại hội đông thường niên năm 2012 của CTCP Phát triển kỹ thuật và đầu tư (ITD) thuộc Viện Máy và Công nghiệp - IMI. Nguyên cớ cũng xuất phát từ việc công ty này không gửi các tài liệu bắt buộc liên quan khác sẽ đưa vào thảo luận và biểu quyết tại đại hội như báo cáo hội đồng quản trị, báo cáo ban kiểm soát, báo cáo tài chính… Sau hơn một năm theo đuổi vụ kiện, nhóm cổ đông nhỏ cũng đạt được kết quả như mong muốn và ITD buộc phải tổ chức lại đại hội2. Đây là những ví dụ thực tế về việc hủy bỏ quyết định của ĐHĐCĐ.
Cùng với những phương pháp trên, để bảo vệ quyền khởi kiện của cổ đông thiểu số có hiệu quả, theo tác giả cho rằng bên cạnh việc hoàn thiện các quy định của pháp luật trong công tác giải quyết của tòa án, cũng nên xem xét đến tính hiệu lực của quyết định của ĐHĐCĐ. Theo quan điểm của Tòa Kinh tế - TAND tối cao trong thời gian Tòa án chưa ra bản án có hiệu lực pháp luật tuyên hủy bỏ quyết định của ĐHĐCĐ thì quyết định của ĐHĐCĐ vẫn có hiệu lực pháp luật,3 vấn đề này chưa hợp lý bởi nếu sau khi tòa án tuyên hủy quyết định của ĐHĐCĐ giải quyết ra sao với quyết định này khi nó đã và đang được thực hiện, có thể nói rằng nhà làm luật đã đặt việc này vào tình trạng việc đã rồi. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi cho CĐTS trong trường hợp này, tác giả cho rằng nên quy định khi quyết định của ĐHĐCĐ bị CĐTS yêu cầu hủy thì quyết định này sẽ tạm thời ngừng hiệu lực cho đến khi có quyết định của tòa án hoặc trọng tài giải quyết vấn đề này. Nếu quy định như nêu trên sẽ hạn chế được sự tác động của các quyết định của ĐHĐCĐ bị chi phối bởi cổ đông lớn và HĐQT tới đa số các CĐTS, thông qua đó quyền lợi của CĐTS sẽ được bảo vệ nhiều hơn.
2.2. Quyền khởi kiện của CĐTS
Luật 4 nước: Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philipines đều cho phép mọi cổ đông nói chung và CĐTS nói riêng, có quyền khởi kiện tại tòa án về việc công ty hoặc các thành viên HĐQT hoặc những người khác có hành vi vi phạm về quyền hợp pháp của họ. Quyền này có phần khác nhau giữa các nước mà phần lớn được quy định rộng rãi theo luật công ty của Singapore và Malaysia, những nước này cũng trao quyền cho các tòa án những quyền lực cụ thể và linh hoạt để thi hành quyền của cổ đông và đền bù những sai lầm.4 Chẳng hạn, ở Singapre, Malaysia thì cổ đông có quyền kiện những hoạt động của công ty khi công ty đàn áp hoặc không công bằng đối với cổ đông, riêng những mảng sau 4 nước đều có quy định giống nhau: có quyền kiện những thành viên HĐQT hoặc các nhân viên quản lý có hành vi vi phạm pháp luật như vi phạm nghĩa vụ của thành viên HĐQT, gian lận và cung cấp thông tin sai lệch mà gây thiệt hại cho công ty, hoặc cho cá nhân cổ đông; có quyền yêu cầu tòa án giải thể công ty vì những lý do khác nhau, có quyền nhận lệnh của tòa án bắt buộc thực hiện, ngăn ngừa hoặc hủy bỏ các hoạt động vi phạm luật hoặc thỏa thuận thành lập hoặc điều lệ của công ty bao gồm nhưng giao dịch không đúng thẩm quyền.5 Ví dụ sau đây điển hình cho việc CĐTS khởi kiện công ty ở Singapore: tình huống là các cổ đông mong muốn tự đánh giá tình trạng tài chính của công ty, nhưng công ty đã không tổ chức các cuộc họp thường niên (“AGMs”) trong ba năm qua. Cụ thể: Nguyên đơn, Ezion Holdings (“Ezion”), là CĐTS, Teras Cargo Transport Pte Ltd (“Teras Cargo”) là bị đơn. Vấn đề này được Tòa án tối cao Singapore giải quyết theo hướng bảo vệ quyền lợi cho CĐTS6. Hoặc một trường hợp khác của Philipines, trong Parke và Daily New (1962) chương 927, CĐTS đã tìm cách ngăn chặn việc công ty thanh toán vượt quá quy định, hoặc trong vụ án Telegraph Works của Menier và Hopper (1894) 9 ch app 350, Menier là CĐTS của công ty điện báo châu Âu đã khởi kiện Hopper, một cổ đông lớn của công ty điện báo châu Âu và được tòa án bảo vệ quyền lợi chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn nhằm bảo vệ quyền lợi của CĐTS.7
Theo pháp luật Việt Nam, về nguyên tắc, cổ đông dù lớn hay nhỏ, với tư cách là chủ sở hữu công ty, thì đều có quyền kiến nghị, yêu cầu đối với công ty và khi xảy ra mâu thuẫn, xung đột quyền lợi, thì giải pháp cuối cùng là có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với người quản lý công ty.8 Đây là một trong những quyền quan trọng nhất của cổ đông. Tuy nhiên, quyền khởi kiện ra tòa không dành cho cổ đông quá nhỏ. Chỉ cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 06 tháng trở lên mới có quyền khởi kiện và phải trả chi phí khởi kiện khi bị bác đơn.
Trên thực tế các CĐTS cũng bắt đầu thực hiện quyền mà pháp luật trao cho để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm hại nhưng việc khởi kiện của CĐTS về công ty thường rất ít. Nguyên nhân là do: thứ nhất, về mặt tâm lý, người dân Á Đông nhìn chung không thích kiện; thứ hai là về mặt thủ tục, nó rắc rối, rườm rà; thứ ba là về mặt ý thức của nhà đầu tư, họ chưa quen với việc kiện tụng, mà thường quen với việc gửi đơn kiến nghị hơn. Phần lớn các nhà đầu tư nhỏ thường khiếu nại lên Ủy ban Chứng khoán (UBCK) hay Sở Giao dịch chứng khoán, chứ họ không thực hiện quyền kiện dù đây là quyền rất lớn và thực hiện triệt để hơn. Các cơ quan như Sở giao dịch hay UBCK cũng chỉ kiến nghị các công ty giải quyết chứ không được quyền trực tiếp giải quyết những vấn đề như quyền hủy nghị quyết Hội đồng quản trị, hủy nghị quyết của Đại hội cổ đông, vì những quyền này thuộc về tòa án. Một yếu tố nữa khiến việc kiện tụng ít xảy ra là thi hành án. Ngay cả khi đã thắng kiện ở tòa, thì việc thi hành án cũng rất lâu, thêm vào đó việc kiện là vì lợi ích chung của công ty, nhưng CĐTS là người chịu thiệt ít hơn, nên cũng có tâm lý ngại khởi kiện.
Theo cách đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), WB sẽ đánh giá cao khi cổ đông được hỗ trợ chi phí khởi kiện trong mọi trường hợp kể cả việc khởi kiện không thành công. Bên cạnh đó, còn những quy định như: trước khi khởi kiện, nhóm cổ đông nắm giữ 10% cổ phần có quyền kiểm tra các chứng từ liên quan đến giao dịch, nguyên đơn có thể yêu cầu bất kỳ chứng từ nào từ bị đơn hoặc nhân chứng trong quá trình xét xử, nguyên đơn có thể trực tiếp đặt câu hỏi cho bị đơn và nhân chứng trước tòa,… là những điểm mà WB đánh giá cao, trong khi đó Việt Nam lại không cho phép những điều này, khiến điểm của chỉ số thành phần này rất thấp.10
Do đó, để hòa nhập chung với các nước khu vực, tác giả cho rằng pháp luật cần mở rộng thẩm quyền khởi kiện cho CĐTS sở hữu dưới 01% cổ phần phổ thông. Bên cạnh đó, cần sửa đổi quy định về khởi kiện người quản lý. Cụ thể, theo Khoản 2 Điều 161 Luật DN 2014 quy định: “Chi phí khởi kiện trong trường hợp cổ đông, nhóm cổ đông khởi kiện nhân danh công ty sẽ tính vào chi phí của công ty, trừ trường hợp thành viên khởi kiện bị bác yêu cầu khởi kiện”. Tuy nhiên nên xem xét sửa đổi quy định này như sau: “Trình tự, thủ tục khởi kiện thực hiện tương ứng theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Chi phí khởi kiện trong trường hợp cổ đông, nhóm cổ đông khởi kiện nhân danh công ty sẽ tính vào chi phí của công ty”.
3. Kết luận
Qua phân tích trên cho thấy pháp luật quy định về quyền khởi kiện CĐTS ở Việt Nam hiện nay có nhiều điểm tương đồng với pháp luật một số nước trong khu vực là đều cùng hướng tới mục đích bảo vệ CĐTS một cách tối ưu. Tuy nhiên, do nền kinh tế Việt Nam có xuất phát điểm khác với các nước trên nên vẫn không thể tránh khỏi những thiếu sót, bất cập và bài viết này cũng phần nào đã đưa ra được định hướng và giải pháp để hoàn thiện hơn pháp luật về quyền khởi kiện của cổ đông nhằm hoàn thiện hơn nữa các quy định này để bảo vệ nhà đầu tư nhỏ một cách tốt nhất có thể.TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
1 Điều 216A Luật công ty Singapore, Điều 1175 Luật công ty Thái Lan, Điều 71 Luật công ty 71, Điều 464 Luật công ty Malaysia.
2 Hủy nghị quyết đại hội đồng cổ đông vì lỗi không ngờ, https://baomoi.com/huy-nghi-quyet-dai-hoi-dong-co-dong-vi-loi-khong-ngo/c/26223806.epi truy cập 22/6/2018
3 Tòa Kinh tế - TAND tối cao, Tham luận về tình hình thụ lý giải quyết các vụ việc kinh doanh thương mại năm 2007, tr. 12.
4 Báo cáo nghiên cứu so sánh luật công ty Đông Nam Á, tr.56.57
5 Báo cáo nghiên cứu so sánh luật công ty Đông Nam Á, tr.57.58
6 Cổ đông tiếp cận với tài chính của công ty: Không có quyền được biết, http://www.singaporelawblog.sg/blog/article/170 truy cập 22/6/2018
7 http://www.jinslegalstory.com/corporate-law/minority-shareholders-can-bring-proceeding-section-236-237-corporations-act-2001/ truy cập 3/7/2018
8 Điều 161 Luật Doanh nghiệp 2014
9 Cổ đông thiểu số tại Việt Nam ngại khiếu kiện, http://cafef.vn/thi-truong-chung-khoan/co-dong-thieu-so-tai-viet-nam-ngai-khieu-kien-20151110112621954.chn truy cập ngày 22/6/2018
10 Bảo vệ cổ đông thiểu số ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp, http://kinhtevadubao.vn/chi-tiet/91-8946-bao-ve-co-dong-thieu-so-o-viet-nam-thuc-trang-va-giai-phap.html truy cập ngày 22/6/2018TÀI LIỆU THAM KHẢO:
A. Danh mục văn bản pháp luật
Tiếng Việt
1. Luật Doanh nghiệp (Luật số 68/2014/QH13) ngày 26/11/2014.
2. Nghị quyết số 49/2005 của Bộ Chính trị ban hành ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Hà Nội.
3. Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.
Tiếng nước ngoài
4. Malaysia, Companies Act 1965
5. Singapore Companies Act 2006
6. Singapore, Paprtnership Act 1890
7. Thailand Public Limited Companies Act (B.E.2535 (1992))
8. OEDC Investment Policy Reviews: Malaisia 2013
9. Philipines, Companies 1989
10. Philipines, Securities Regulation Code RA 8799
B. Danh mục các tài liệu tham khảo
Tiếng Việt
11. Vũ Thị Lan Anh (2009), “Pháp luật Singapore về các hình thức tổ chức kinh doanh”, Tạp chí Luật học (12).
12. Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Đình Cung (2009), Công ty, vốn, quản lý và tranh chấp theo Luật Doanh nghiệp 2005, NXB Tri thức, Hà Nội.
13. Dự án UNDP VIE/97/016 (1999), Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Báo cáo nghiên cứu so sánh luật công ty của bốn quốc gia Đông Nam Á: Thái Lan, Singapore, Malaysia và Philipines, Hà Nội.
14. Bùi Xuân Hải (2011), Luật Doanh nghiệp bảo vệ cổ đông, lý luận và thực tiễn, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
15. Tòa Kinh tế - Tòa án Nhân dân tối cao, Tham luận về tình hình thụ lý giải quyết các vụ việc kinh doanh thương mại năm 2007, tr. 12.
Tiếng nước ngoài
16. Nilubol Lertnuwat (2012), Legal Framework for Promoting Minority Shareholders Protection in Thailand, the Doctor of Philosophy
17. John G. Sprankling (1999), Understanding property law, LexisNexis.
18. Rafael La Porta, Florencio Lopez-de-Silanes, Andrei Shleifer, Robert Vishny, Investor protection and coporate governance, Journal of Financial Economics, 2000,Vol.58, pp.3-27
19. Robert W. McGee, Corporate governance in Asia: A comparative study of Indonesia, Malaysia, Thailand and Vietnam, woking paper,June 2008.Website
20. https://baomoi.com/huy-nghi-quyet-dai-hoi-dong-co-dong-vi-loi-khong-ngo/c/26223806.epi [truy cập 22/6/2018]
21. http://cafef.vn/thi-truong-chung-khoan/co-dong-thieu-so-tai-viet-nam-ngai-khieu-kien-20151110112621954. chn [truy cập 22/6/2018].
22. http://www.jinslegalstory.com/corporate-law/minority-shareholders-can-bring-proceeding-section-236-237-corporations-act-2001/ [truy cập 3/7/2018]
23. http://cafef.vn/thi-truong-chung-khoan/co-dong-thieu-so-tai-viet-nam-ngai-khieu-kien-20151110112621954. chn [truy cập 22/6/2018]
24. http://kinhtevadubao.vn/chi-tiet/91-8946-bao-ve-co-dong-thieu-so-o-viet-nam-thuc-trang-va-giai-phap.html [truy cập 22/6/2018]
REALITY
OF RIGHTS TO CLAIMS PROTECTION MINORITY SHAREHOLDER IN JOINT
STOCK COMPANY IN VIETNAM COMPARE WITH THAILAND, MALAYSIA, SINGAPORE
AND THE PHILIPPINES LAW
MA.
Huynh Thi Truc Linh
Department
of Law - Tra Vinh University
Abstract:
In this article, the author introduces of the group rights to claims protection
minority shareholder in joint stock companies compare with
countries on the area, namely Thailand, Singapore, Philippines and the
Malaysia, to see the similarities and differences between Vietnam and these
countries. Thereby, this draws experience for Vietnam in the protection
minority shareholder.
Keywords: Rights to claims
protection minority shareholder, restore rights minority shareholder.