Tính đến 6h sáng 22/9, nước thượng lưu hồ đạt mức 60,4 m (cao trình an toàn đập là 62 m), mực nước hạ lưu sau nhà máy là 4,3m và lượng nước qua tuabin phát điện là 815 m³/s, trong khi lượng nước về hồ lên đến gần 2.000 m³/s.
Tại trạm Tà Lài (thượng nguồn sông Đồng Nai) mực nước lên rất nhanh, hiện đang là 112,76 m, ở mức giữa báo động 2 (112,5 m) và báo động 3 (113 m), còn tại trạm Biên Hòa (hạ lưu sông Đồng Nai), nước đỉnh triều ở mức cao 1,95 m, gần mức báo động 2 (2 m).
Thủy điện Trị An thông báo thực hiện cắt giảm lũ cho hạ du vào lúc 10h ngày 23/9 với hai kịch bản như sau: Nếu mực nước tại trạm Biên Hòa dưới 1,8m (mức báo động 1), Thủy điện Trị An sẽ xả nước qua đập tràn với lưu lượng 150 – 300 m³/s, tổng lưu lượng nước xả xuống hạ du là 1.000 - 1.150 m³/s. Nếu mực nước tại trạm Biên Hòa vượt báo động 1, Thủy điện Trị An sẽ xả lũ qua tràn với lưu lượng 0 – 150 m³/s, tổng lưu lượng xả xuống hạ du là 850 - 1.000 m³/s.
Các vùng trũng thấp ven sông La Ngà thuộc các huyện Tân Phú, Định Quán (tỉnh Đồng Nai); huyện Tánh Linh và Đức Linh (tỉnh Bình Thuận) có nguy cơ bị ngập lụt do lũ. Bên cạnh đó, nhiều vùng trũng thấp ở hạ lưu sông Đồng Nai như huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu (Đồng Nai) và TP Thủ Đức, TPHCM cũng có nguy cơ bị ngập.
Thủy điện Trị An là thủy điện có quy mô lớn nhất miền Nam, đóng góp sản lượng điện quan trọng cho điện lưới quốc gia cũng như điều tiết nước sản xuất, sinh hoạt cho hàng triệu gia đình và tham gia vào việc điều tiết lũ cho vùng hạ du và đẩy mặn.