Tóm tắt:
Doanh nghiệp nhỏ và vừa có vai trò rất quan trọng đối với tỉnh Quảng Nam trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cung cấp đa dạng các sản phẩm và dịch vụ, thu hút nguồn vốn trong dân, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động và đặc biệt là góp phần tăng thu ngân sách nhà nước của tỉnh Quảng Nam. Sử dụng phương pháp thu thập dữ liệu, tổng hợp, phân tích thống kê dữ liệu, bài viết giới thiệu những tiềm năng và những định hướng của tỉnh Quảng Nam để phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian tới.
Từ khóa: doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, tỉnh Quảng Nam, tiềm năng phát triển kinh tế.
1. Đặt vấn đề
Tỉnh Quảng Nam có diện tích tự nhiên 1.057.486 ha, với nguồn tài nguyên đa dạng, phong phú; lực lượng dân số hơn 1,5 triệu người, trong đó lực lượng lao động chiếm 60% dân số. Người Quảng Nam cần cù, sáng tạo và tiết kiệm. Đây là một lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của Tỉnh. Tuy nhiên, Quảng Nam cũng là tỉnh có 9/18 huyện miền núi, 3 huyện trung du, 3 huyện đồng bằng và 2 thành phố, 1 thị xã. Do đó, việc phát triển các doanh nghiệp (DN) nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nói riêng gặp không ít khó khăn. Tiềm năng, lợi thế ở nhiều vùng của tỉnh Quảng Nam, đặc biệt là lao động, đất đai, nguồn vốn và các loại tài nguyên chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả để phát triển DNNVV. Do đó, giới thiệu về tiềm năng và những định hướng để phát triển DNNVV ở tỉnh Quảng Nam nhằm thu hút đầu tư là việc cần thiết, có tính thời sự, có ý nghĩa không những về mặt kinh tế mà cả ý nghĩa về mặt xã hội.
2. Nội dung
2.1. Tiềm năng để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Quảng Nam
2.1.1. Tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên
- Về đất đai - mặt bằng sản xuất: Với diện tích tự nhiên 1.057.486 ha, tỉnh Quảng Nam có tiềm năng lớn về đất đai để phát triển DNNVV. Cụ thể, đất nông nghiệp có 974.425 ha, chiếm 89,59% tổng diện tích tự nhiên; đất chưa sử dụng có diện tích là 13.454 ha, chiếm 1,27% tổng diện tích tự nhiên. Đây là tiềm năng rất lớn để xây dựng, mở rộng mặt bằng sản xuất cho sự phát triển DNNVV. Nhưng khó khăn là do công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm chạp, công tác quy hoạch sử dụng đất đai chưa đẩy nhanh tiến độ. Trong thời gian tới, nếu chính quyền địa phương cấp huyện đẩy mạnh công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân, DN để mở rộng mặt bằng sản xuất, thì việc tiếp cận ngân hàng trong việc vay vốn để phát triển DNNVV sẽ thuận lợi hơn nhiều. Mặt bằng sản xuất của các DNNVV, nhất là các DN trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp sẽ mở rộng và tăng nhanh.
- Về khoáng sản: Tỉnh Quảng Nam có nhiều tài nguyên khoáng sản trong lòng đất, đã phát hiện và đánh giá được hơn 200 điểm quặng và mỏ với hơn 35 chủng loại khoáng sản.
- Về rừng: Diện tích rừng tự nhiên của tỉnh có khoảng 389.600 ha. Nguồn tài nguyên rừng đã và đang góp phần cân bằng sinh thái môi trường, và là nơi cung cấp nguyên liệu cho các làng nghề trên địa bàn, như: nghề mộc, tre đan, làm hương, chế biến gỗ.
- Về nguồn lợi thủy sản: Tỉnh Quảng Nam có diện tích ngư trường rộng trên 40.000 km2, có trữ lượng gần 90.000 tấn hải sản các loại, khả năng cho phép khai thác hàng năm 42- 45 nghìn tấn với 30% sản lượng có thể đưa vào chế biến xuất khẩu.
Như vậy, tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên rất phong phú, đa dạng, tỉnh Quảng Nam cần phát huy lợi thế này để phát triển DNNVV của các ngành.
2.1.2. Tiềm năng về lực lượng lao động
Tiềm năng về lực lượng lao động của tỉnh Quảng Nam rất lớn, cụ thể: Số người thuộc lực lượng lao động có độ tuổi từ 15 tuổi đến 64 tuổi là 903.000 người, chiếm 60% tổng dân số của Tỉnh. Dân số nông thôn là 1.136.600 người, chiếm 75,7% tổng dân số. Hiện nay, số lao động chưa có việc làm ổn định và nông nhàn của tỉnh có số lượng đông. Tỉnh Quảng Nam cũng là tỉnh mà lao động nhập cư từ các tỉnh phía Bắc vào khá đông. Ngoài ra, người dân tỉnh Quảng Nam có truyền thống hiếu học, thông minh, sáng tạo, lại có tính cần cù, chịu thương chịu khó, ham học hỏi, có chí cầu tiến muốn vươn lên vượt khó để làm giàu ngay trên quê hương. Điều này sẽ tạo ra lực lượng lao động rất lớn cho tỉnh để phát triển KT-XH và là tiềm năng quan trọng có thể khai thác để phát triển DNNVV của tỉnh Quảng Nam.
2.1.3. Tiềm năng về vốn đầu tư
Nhìn chung thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Quảng Nam tăng đều qua các năm: Năm 2016, GDP/người hơn 53 triệu đồng, tăng 6,7 triệu đồng/người so với năm 2015; Năm 2018 là 62 triệu đồng, tăng 5 triệu đồng/người so với năm 2017; Năm 2019 là 66 triệu đồng và năm 2020 là 63 triệu đồng. Người dân tỉnh Quảng Nam có đức tính rất tiết kiệm. Chính nhờ đức tính quý báu này nên mặc dù làm ra không nhiều tiền nhưng qua năm tháng họ tích lũy dần dần được một lượng vốn tương đối lớn. Nếu có được cơ hội tốt họ sẵn sàng bỏ ra đầu tư để SX-KD ngay trên quê hương mình. Giai đoạn 2016 - 2020, khu vực kinh tế tư nhân của Tỉnh đóng góp khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, huy động vốn đầu tư của khối DNTN bình quân ít nhất đạt từ 12.000 tỷ đồng đến 14.000 tỷ đồng mỗi năm. Điều này cho thấy tiềm năng về vốn đầu tư của tỉnh Quảng Nam không nhỏ.
2.1.4. Tiềm năng về thị trường tiêu thụ
Tỉnh Quảng Nam có 02 thành phố, 01 thị xã và 15 huyện, với 203 xã, 25 phường, 12 thị trấn sẽ thuận lợi cho việc xây dựng hệ thống siêu thị, chợ để phát triển thị trường tiêu thụ hàng hóa. Mặt khác, tỉnh Quảng Nam có dân số là 1.501.100 người; có Khu kinh tế Chu Lai và nhiều khu, cụm công nghiệp đã cấp phép cho hàng trăm DN thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động với số lượng công nhân khá lớn được tuyển dụng từ các tỉnh tập trung về đây làm việc; có 3 trường đại học, 4 trường cao đẳng, 3 trường trung học chuyên nghiệp và 1 trường trung cấp nghề với hàng chục nghìn học sinh, sinh viên học tập, đã làm cho lực lượng người tiêu dùng gia tăng.
Tỉnh Quảng Nam có 2 di sản văn hóa thế giới là Mỹ Sơn và Hội An. Đây là điểm đến du lịch thu hút hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế về đây lưu trú, tham quan và tiêu thụ sản phẩm - cơ hội vàng cho các DNNVV trong lĩnh vực dịch vụ - du lịch phát triển.
Tiềm năng thị trường tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ còn thể hiện ở chỗ: Tỉnh Quảng Nam nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, nằm giữa thành phố Đà Nẵng với thành phố Quảng Ngãi và Khu công nghiệp hóa dầu Dung Quất, với lượng lớn công nhân về đây làm việc. Đây là những địa điểm có tiềm năng lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ ở khu vực miền Trung. Ngoài ra, còn có thể phát triển rộng hơn thị trường trong nước và quốc tế.
2.1.5. Tiềm năng về khoa học công nghệ
Về tiềm năng KHCN, tỉnh Quảng Nam có tiềm năng rất lớn. Chính sách “chiêu hiền đãi sĩ” của tỉnh Quảng Nam đã thu hút được một lượng lớn các nhà khoa học trong mọi lĩnh vực về công tác và định cư. Người dân tỉnh Quảng Nam có truyền thống hiếu học, cần cù chịu khó học tập. Đức tính này đã tạo nên những nhà khoa học, những nhà lãnh đạo giỏi. Những con người này có điểm chung là yêu quê hương và sẵn sàng phục vụ quê hương khi có điều kiện. Tỉnh Quảng Nam lại nằm sát thành phố Đà Nẵng, với nhiều trường đại học, có đội ngũ những nhà khoa học chất lượng và uy tín, cùng với một lực lượng tri thức đã được đào tạo sẽ là một tiềm năng không nhỏ cho tỉnh Quảng Nam phát triển. Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam cũng có hệ thống các trường đại học, cao đẳng và trung cấp nghề, nhiều cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học, tuyển chọn giống cây trồng, con vật nuôi phục vụ cho phát triển các DN trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp.
2.2. Định hướng phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2020 - 2025
Căn cứ vào Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Nghị quyết về Chiến lược phát triển KT-XH 5 năm, 2021 - 2025 của Hội đồng nhân dân Tỉnh; Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm, 2021 - 2025 của UBND tỉnh, bài viết đã rút ra những định hướng phát triển DNNVV như sau:
2.2.1. Phát triển DNNVV gắn với phát triển KT-XH.
Quy hoạch phát triển tổng thể DN gắn với quy hoạch phát triển ngành, vùng và phải xuất phát từ hiệu quả kinh tế; đồng thời phát triển kinh tế phải gắn kết với việc giải quyết các vấn đề xã hội, với mục tiêu phải đạt được khoảng 10.000 DN hoạt động vào năm 2025.
Trong quy hoạch và kêu gọi đầu tư, Tỉnh chú ý đến thế mạnh của các loại hình DN. Các DN có vốn đầu tư nước ngoài và một số DN khác có ưu thế về vốn, kỹ thuật cần được quy hoạch, sắp xếp trong các ngành sản xuất và dịch vụ kỹ thuật và chất lượng sản phẩm cao thân thiện với môi trường. Những ngành công nghệ cao mà nguồn nguyên liệu, linh kiện phải nhập ngoài nên quy hoạch ở những nơi công nghiệp tập trung như khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, khu công nghiệp Bắc Chu Lai, Khu kinh tế mở Chu Lai,... Những ngành này thường yêu cầu dịch vụ, cơ sở hạ tầng rất cao, mà chỉ có khi công nghiệp tập trung mới có điều kiện đáp ứng được. Ngược lại, với các DN có ưu thế về tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ và đáp ứng yêu cầu tiêu dùng địa phương, đồng thời giải quyết được nhiều việc làm cho lao động nông thôn, mức đầu tư thấp như ngành dệt may, giày da, làm hàng thủ công - mỹ nghệ xuất khẩu,… thì quy hoạch phát triển rộng khắp ở các vùng, địa phương, trên cơ sở đó nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, thúc đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn. Đồng thời, để khuyến khích các DN về nông thôn và giảm khoảng cách không đồng đều giữa các huyện, cần sớm hoàn thiện cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp tại các huyện đã được phê duyệt để kêu gọi và thu hút các DN đầu tư.
2.2.2. Phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc một số ngành công nghiệp chủ yếu
Phát triển DNNVV thuộc ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy, hải sản để ngành này đạt tốc độ tăng trưởng 25%/năm. Chú trọng phát triển công nghiệp chế biến lương thực - thực phẩm; sản xuất đồ uống, như: bia, nước giải khát, nước khoáng. Phát triển DNNVV thuộc ngành công nghiệp chế biến và khai thác khoáng sản để đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 15 - 16,5%/năm với các loại sản phẩm chủ yếu như đá xây dựng, than, bột thạch anh, cát khuôn đúc, Felspat. Nghiên cứu, khai thác, sử dụng nguồn khoáng sản phóng xạ (Uranium) tại tỉnh Quảng Nam. Phát triển DNNVV thuộc công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng để đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 19 - 25%/năm với các loại sản phẩm chủ yếu, như: xi măng, gạch, ngói, đá ốp lát, kính tấm xây dựng.
Ngoài ra, chủ trương của Tỉnh cũng đẩy mạnh phát triển các DNNVV thuộc các ngành công nghiệp khác, như: Đẩy mạnh phát triển các DNNVV thuộc ngành dệt - may - da - giày, để dệt vải đạt từ 10 - 15 triệu mét/năm; ươm tơ dệt lụa quy mô 5 - 10 triệu mét/năm. Phát triển các DNNVV thuộc những làng nghề và các ngành nghề tiểu, thủ công nghiệp, như: tập trung phục hồi, nâng cao khả năng sản xuất của các ngành nghề thủ công truyền thống ươm tơ dệt lụa ở Duy Trinh (Duy Xuyên), các xã ven sông Thu Bồn và Vu Gia ở Đại Lộc, một số xã ở Điện Bàn; đúc đồng ở Điện Phương; sành sứ La Tháp; gốm Thanh Hà; các làng nghề dệt may, sản xuất gạch ngói, gia công đồ gỗ,...
2.2.3. Phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các ngành dịch vụ
Tập trung phát triển những DNNVV trong các ngành dịch vụ theo định hướng sau: DN thực hiện dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu, DN dịch vụ thương mại; DN dịch vụ cung ứng vật tư, kỹ thuật; DN dịch vụ cung ứng giống cây trồng, vật nuôi; DN dịch vụ cung ứng tàu biển; DN dịch vụ vận tải và các loại hình dịch vụ công cộng khác; DN về Du lịch với các loại hình như: du lịch biển, thắng cảnh, du lịch văn hóa (đặc biệt là du lịch văn hóa Chàm, đo thị cổ), du lịch nghỉ ngơi giải trí, homestay, các di sản thiên nhiên (Cù Lao Chàm, hồ Phú Ninh (Phú Ninh), hồ Khe Tân (Đại Lộc), hồ thủy điện Sông Tranh (Trà My), Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh (Nam Giang), rừng nguyên sinh,...).
2.2.4. Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa sát thị trường tiêu thụ
Chúng ta đã biết rằng mục đích chủ yếu của sản xuất hàng hóa - dịch vụ là sản xuất ra những sản phẩm mà xã hội cần, tức là những hàng hóa - dịch vụ để đáp ứng theo nhu cầu của thị trường. Các DNNVV phải xem việc sản xuất ra hàng hóa - dịch vụ là để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, tức là để phục vụ cho khách hàng, cho thị trường. Ngoài ra, cũng cần chú ý đến đặc điểm khách hàng từng vùng, từng khu vực, thậm chí là từng nước và từng châu lục, vì ở mỗi nơi có những đặc điểm yêu cầu về sản phẩm cũng khác nhau. Một đặc điểm chú ý nữa với khách hàng là nên quan tâm đến yếu tố văn hóa và đặc điểm tôn giáo mà khách hàng đang tuân thủ. Vì vậy, các DN phải bám sát thị trường tiêu thụ để đầu tư SXKD cho đạt hiệu quả. Nói tóm lại các DNNVV muốn tồn tại và phát triển phải sản xuất những loại hàng hóa - dịch vụ mà thị trường cần, tức là phục vụ người tiêu dùng, lấy người tiêu dùng làm căn cứ để quyết định đầu tư sản xuất.
2.2.5. Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa phải gắn với bảo vệ môi trường
Phát triển DNNVV nhằm xây dựng một nền kinh tế của tỉnh theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái. Muốn vậy phải chú ý đến việc bảo vệ và cải thiện các nguồn tài nguyên. Tỉnh Quảng Nam có địa hình và kết cấu địa chất phức tạp, khí hậu tương đối khắc nghiệt. Do đó cần ưu tiên phát triển DNNVV tập trung vào các vùng đất trống, đồi trọc nhằm tăng độ phủ xanh, cải tạo những vùng đất sản xuất không hiệu quả chuyển sang sản xuất các loại cây trồng khác hiệu quả hơn. Phát triển DNNVV theo hướng bền vững chính là góp phần bảo vệ tốt môi trường tự nhiên, không làm thay đổi hệ cân bằng sinh thái và phá hủy cảnh quan thiên nhiên. Bên cạnh đó, phải thường xuyên chú ý giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
2.2.6. Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa phải gắn với hiệu quả kinh tế và xóa đói giảm nghèo
Hiệu quả kinh tế là một vấn đề rất quan trọng trong SX-KD của tất cả các DN ở mọi thành phần kinh tế. Hiệu quả kinh tế thể hiện trình độ và năng lực quản lý, điều hành của người giám đốc, của người chủ DN và hơn thế nữa hiệu quả kinh tế quyết định sự tồn tại và phát triển của DNNVV.
Phát triển DNNVV tại tỉnh Quảng Nam phải lấy hiệu quả làm mục tiêu, có nghĩa là huy động các nguồn lực vào sản xuất phải được khai thác có hiệu quả với mục đích chính là nâng cao thu nhập và đời sống không chỉ cho chủ DN mà cả những lao động trong các DNNVV, nộp ngân sách cho địa phương, góp phần vào chương trình xóa đói giảm nghèo của Tỉnh.
3. Kết luận
Với những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh cùng với định hướng đúng đắn của lãnh đạo thì trong thời gian tới tỉnh Quảng Nam chắc chắn sẽ thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Từ đó, sẽ phát triển được nhiều DN trong các lĩnh vực mà tỉnh Quảng Nam có lợi thế. Sự phát triển của các DN sẽ phát huy được tiềm năng nói trên một cách tốt nhất để thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống cho nhân dân, tăng thu ngân sách và góp phần vào chương trình xóa đói giảm nghèo.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam (2020). Nghị quyết về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.
- Tỉnh ủy Quảng Nam (2021). Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII.
- UBND tỉnh Quảng Nam (2019). Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 và nhiệm vụ năm 2020 của tỉnh Quảng Nam.
- UBND tỉnh Quảng Nam (2020). Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.
- UBND tỉnh Quảng Nam (2021). Báo cáo kết quả thống kê đất đai năm 2020 của tỉnh Quảng Nam.
THE POTENTIAL AND ORIENTATIONS OF QUANG NAM PROVINCE IN THE DEVELOPMENT OF SMALL AND MEDIUM-SIZED ENTERPRISES IN THE COMING TIME
VO THIEN CHIN
Faculty of Human Resource and Society,
Hanoi University of Home Affairs - Quang Nam Province Campus
Abstract:
Small and medium-sized enterprises (SMEs) play a very important role in Quang Nam povince’s socio-economic development. They provides a variety of products and services, attracts idle capital from the population, contributes to the provincial economic restructuring, creates jobs for local people, and especially contributes to the increase in the provincial state budget revenue. By using the methods of data collection, synthesis, and statistical analysis, this paper introduces the potential and orientations of Quang Nam province in the development of SMEs in the coming time.
Keywords: enterprise, small and medium-sized enterprises in Quang Nam province, potential, orientation, Quang Nam province.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 13, tháng 6 năm 2022]