Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã tóm tắt các thông tin về tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại và hoạt động quản lý nhà nước trong tháng 10 và 10 tháng năm 2014; dành thời gian tập trung bàn luận về một số nội dung mà xã hội đang quan tâm: Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, vụ dầu ăn bẩn do công ty Đại Hạnh Phúc sản xuất, quy định dán tem bia, Thông tư 35 quy định việc áp dụng chế độ cấp Giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số mặt hàng phân bón, …
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã chủ trì cuộc họp báo thường kỳ tháng 10 /2014
Nhìn chung, tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2014 tiếp tục chuyển biến, đạt kết quả tích cực đặc biệt nổi bật ở một số ngành như ngành Điện, ngành Dầu khí, ngành Than và Khoáng sản, Dệt may...
Thứ trưởng cho biết: sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2014 đang tiếp tục đà tăng trưởng. Chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2014 tăng trưởng 6,9% so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 8,4% so với mức tăng 6,9% của toàn ngành).
Về tình hình tiêu thụ: Tháng 9/2014, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 14,3% so với tháng 9/2013. Tính chung 9 tháng đầu năm 2014 chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,1% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, hoạt động thương mại trong 10 tháng đầu năm 2014 cũng tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 123,1 tỷ USD (tăng 13,4%), kim ngạch nhập khẩu ước đạt 121,2 tỷ USD (tăng 11,2%).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 10/2014 ước đạt 251.195 tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước, tính chung 10 tháng đầu năm 2014, tổng mức bán lẻ ước đạt 2.399.480 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2013, tăng thấp hơn so với mức tăng 12,6% của năm ngoái. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ 10 tháng năm 2014 đạt mức tăng 6,4%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2014 tăng 0,11% so với tháng trước. Như vậy, CPI 10 tháng đầu năm 2014 đã tăng 4,47% so với cùng kỳ năm 2013, mức tăng này thấp hơn so với các năm trước (CPI cùng kỳ năm 2013 đạt mức tăng 6,83%).
Những con số thể hiện sự tăng trưởng của một số ngành nổi bật trong tháng 10 và 10 tháng năm 2014
Tình hình sản xuất công nghiệp của một số ngành
Ngành Điện: Điện sản xuất của cả nước tháng 10 năm 2014 ước đạt 11,92 tỷ kWh, tăng 11,6% so cùng kỳ. Tính chung 10 tháng năm 2014, điện sản xuất ước đạt 115,67 tỷ kWh, tăng 12% so cùng kỳ. Điện thương phẩm tháng 10 ước đạt 10,83 tỷ kWh, tăng 12,1% so cùng kỳ.
Ngành Dầu khí: Xăng dầu các loại tháng 10 ước đạt 564,6
nghìn tấn, tăng 3,0% so với cùng kỳ 2013, tính chung 10 tháng đầu năm ước đạt
4,61 triệu tấn, giảm 16,2% so với cùng kỳ.
Ngành Than và Khoáng sản: Tháng 10, than sạch khai thác của toàn ngành ước đạt 3,8 triệu tấn, tăng 1,0% so với cùng kỳ 2013. Tính chung 10 tháng đầu năm, sản lượng than sạch ước đạt 32,92 triệu tấn, tăng 0,7% so với cùng kỳ.
Ngành Thép: Tháng 10 năm 2014, lượng sắt thép thô ước đạt 282,8 nghìn tấn, tăng 15,3% so với cùng kỳ; lượng thép cán ước đạt 293,4 nghìn tấn, tăng 17,9% so với cùng kỳ; lượng thép thanh, thép góc ước đạt 314,5 nghìn tấn, tăng 33,8% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng, lượng sắt thép thô đạt 2512,1 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ; thép cán đạt 2.870,6 nghìn tấn, tăng 21,6% so với cùng kỳ; thép thanh, thép góc đạt 2.900,5 nghìn tấn, tăng 8,0% so với cùng kỳ. Nhập khẩu thép các loại từ các thị trường trong tháng 10 tăng 36,4% về lượng và 27,1 về trị giá. Tính chung 10 tháng, nhập khẩu thép các loại tăng 17,5% về lượng, tăng 10,5% về trị giá, tuy nhiên sản phẩm từ thép tăng 5,3% về trị giá.
Ngành Phân bón và Hoá chất: 10 tháng đầu năm 2014, ước sản lượng phân đạm urê đạt 1.816,7 nghìn tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2013; phân NPK khoảng 2.006,8 nghìn tấn tăng 0,1% so cùng kỳ; Trong đó, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có sản lượng phân ure 10 tháng đầu năm ước đạt 454,3 nghìn tấn, tăng 22,3% so với cùng kỳ, sản lượng phân NPK ước đạt 1.501 nghìn tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ, sản lượng phân DAP ước đạt 225,3 nghìn tấn, tăng 22,5% so với cùng kỳ. Nhập khẩu phân bón 10 tháng đầu năm 2014 cũng giảm 14,1% về số lượng và giảm 24,2% về trị giá.
Ngành cơ khí, điện, điện tử: Sản lượng ôtô 10 tháng đầu năm ước đạt 101,5 nghìn cái, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngành Dệt may: Tháng 10 so với cùng kỳ, sản xuất vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 27,8 triệu m2, tăng 7,6%; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 63,7 triệu m2, tăng 12,5%; sản lượng quần áo mặc thường ước đạt 271 triệu cái, tăng 13,8%. Tính chung 10 tháng so với cùng kỳ, sản xuất vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 269,7 triệu m2, tăng 15,5%; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 612,3 triệu m2, tăng 6,2%; sản lượng quần áo mặc thường ước đạt trên 2,47 tỷ cái, tăng 10,2%; xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt 17,62 tỷ USD, tăng 19,3%; xơ, sợi dệt các loại ước đạt 2,1 tỷ USD, tăng 19,1%.
Ngành Da giầy: Sản lượng giầy dép da tháng 10 ước đạt 17,6 triệu đôi, tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng ước đạt 201 triệu đôi, tăng 18,3% so với cùng kỳ. Giày dép vẫn là một trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu giầy, dép các loại 10 tháng ước đạt 8,2 tỷ USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ.
Ngành Thuốc lá: Sản lượng thuốc lá bao các loại tháng 10 ước đạt 375,9 triệu bao, giảm 14,7% so với tháng 10 năm 2013; tính chung 10 tháng ước đạt trên 3,4 tỷ bao, giảm 12,5% so với cùng kỳ.
Ngành Bia, rượu, nước giải khát: Sản lượng sản xuất bia các loại tháng 10 ước đạt 275,4 triệu lít, tăng 8,9% so với tháng 10 năm 2013. Tính chung 10 tháng, sản xuất bia các loại ước đạt 2,56 tỷ lít, tăng 6,7% so với cùng kỳ.