Để đạt được mục tiêu này, nhiều nỗ lực đã được triển khai. Qua đó cũng ghi nhận những kết quả khả quan sau hơn 5 năm thực hiện. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều việc phải làm để khai thác hết tiềm năng tiết kiệm năng lượng. Trong đó công nghệ và chính sách vẫn là bài toán cần sớm có lời giải nhất.
Tiết kiệm năng lượng - doanh nghiệp khó nhưng không còn đường lùi
Từ 2010 chúng ta đã có Luật sử dụng Năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và cho đến thời điểm này, Chính phủ, Bộ Công Thương và các cơ quan hữu quan đã ban hành nhiều chính sách, quy định về tiết kiệm năng lượng. Đây là những cơ sở pháp lý rất quan trọng góp phần tiết kiệm năng lượng từ 5 đến 7% cho giai đoạn trước.
Đến năm 2019, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030. Theo đó, tiếp tục đặt mục tiêu đến năm 2025 tiết kiệm 7%-10% và đến 2030, phải tiết kiệm được khoảng 10% so với kịch bản tiêu thụ năng lượng bình thường
Ngày 8/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20 về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 đến năm 2025 và các năm tiếp theo. Trong đó, yêu cầu giai đoạn này cả nước phải phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ. Việc thực hiện tiết kiệm điện tại các doanh nghiệp sản xuất là một nhiệm vụ quan trọng được đề cập trong Chỉ thị.
Nhìn lại năm 2023 và đặc biệt là các tháng của năm 2024 tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam rất cao, dẫn tới mức tăng tiêu thụ điện cũng rất lớn. Nếu cả năm 2023 mức tăng tiêu thụ điện đạt 4,29%, nhưng sang đến năm 2024, chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm thì mức tăng tiêu thụ điện đã ở mức 14%.
Như vậy, có thể thấy sử dụng năng lượng tiết kiệm đối với khu vực sản xuất có tác động rất lớn tới vấn đề sử dụng điện tiết kiệm đối với toàn xã hội cũng như bảo đảm an ninh năng lượng.
Theo những thống kê của các tổ chức quốc tế thì chúng ta có thể tiết kiệm được khoảng từ 20 cho đến 30% năng lượng sử dụng trong các ngành sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, đánh giá của Bộ Công Thương thì con số này có thể lên tới khoảng 30-35%.
Hiện ở một số ngành, chi phí điện đang chiếm từ 15 – 20% tổng giá thành sản xuất của mỗi sản phẩm. Để cạnh tranh được trên thị trường trong nước hoặc xuất khẩu, việc tối ưu hóa chi phí sản xuất để giữ nguyên hoặc giảm giá thành sản phẩm là đòi hỏi sống còn.
Đơn cử, từ năm 2026, EU sẽ bắt đầu đánh thuế đối với hàng nhập khẩu theo Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) (đã thí điểm từ năm 2023). Hoặc các thị trường khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia... cũng đã và đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao hơn đối với hàng nhập khẩu, trong đó tiêu chuẩn về "dấu vết carbon" trong mỗi sản phẩm là một trong những yêu cầu tiên quyết. Đây không còn là cảnh báo, mà đặt các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu ở thế "không còn đường lùi".
Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp, để giải được bài toán tiết kiệm điện cũng có nhiều thách thức, khó khăn. Có một số nguyên nhân sau:
Thứ nhất, nhiều doanh nghiệp đã đặt vấn đề tiếp cận giải pháp, công nghệ tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là một số các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp lớn của Việt Nam. Nhưng cũng có không ít doanh nghiệp sau khi tìm hiểu xong thì chỉ thực hiện cầm chừng, thậm chí không đầu tư.
Thứ hai, có tâm lý khá phổ biến là có những doanh nghiệp thực hiện tiết kiệm năng lượng chủ yếu để đáp ứng các quy định hơn là nhìn thấy cơ hội tối ưu hóa vận hành sản xuất.
Thứ ba, thiếu cơ chế thưởng phạt về tiết kiệm năng lượng. Cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp về tiết kiệm điện chưa đủ hấp dẫn, thiếu các ưu đãi như giảm thuế hoặc hỗ trợ vay vốn, thu xếp tài chính để đầu tư vào các thiết bị tiết kiệm năng lượng. Nguồn vốn từ các ngân hàng cho các dự án hiệu quả năng lượng còn hạn chế, lãi suất chưa hấp dẫn, khiến doanh nghiệp ngại thực hiện các giải pháp tiết kiệm.
Tiếp tục thể chế hóa đường lối của Đảng về tiết kiệm năng lượng
Nhiều quy định trong Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có hiệu lực từ năm 2011 còn mang tính khuyến khích, cơ chế thực thi, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh; việc triển khai thi hành Luật vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực hiện thực hóa cam kết Net Zero đưa ra tại COP-26, việc xem xét sửa đổi Luật theo hướng xây dựng các chế tài mang tính bắt buộc thay vì khuyến khích thực thi các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Hiện, Bộ Công Thương đang thực hiện thể chế hóa một số nhiệm vụ đặt ra theo Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị. Trong đó, Bộ đang tiến hành xây dựng dự thảo sửa đổi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng tăng cường quản lý đối với các cơ sở sản xuất và tiêu thụ năng lượng.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức nghiên cứu, tổ chức hội thảo chuyên đề tham vấn các cơ quan liên quan để tổng kết, đánh giá việc thực thi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, qua đó định hướng cho các nội dung đề xuất sửa đổi Luật nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa chính sách sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Tại dự thảo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (sửa đổi) mới nhất, một trong 5 nhóm chính sách được tập trung đề xuất là nhóm chính sách liên quan đến quản lý năng lượng, bao gồm việc xem xét điều chỉnh mức sử dụng năng lượng đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm hiện hành trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng dân dụng; bổ sung quy định cụ thể về nghĩa vụ thực hiện các quy định của Luật đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng nghiên cứu cơ chế ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển các sản phẩm hiệu suất cao hơn có tính định hướng thị trường, từng bước loại bỏ các phương tiện, thiết bị, sản phẩm sử dụng năng lượng hiệu suất thấp, qua đó góp phần cùng với những nỗ lực tự thân của doanh nghiệp giải quyết bài toán công nghệ, hóa giải thách thức, giúp Việt Nam nâng cao tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp, hướng đến mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong thời gian tới.
Dự thảo cũng đề xuất trình các cấp xây dựng quỹ để hỗ trợ cho các hoạt động tiết kiệm năng lượng. Tăng cường việc quản lý nhà nước đối với mức tiêu hao năng lượng trong các ngành công nghiệp lớn.
Bên cạnh đó, chuẩn bị về nhân lực có đủ năng lực, trình độ để tiếp cận, vận hành các công nghệ mới, như công nghệ blockchain, AI, công nghệ điện toán đám mây.
Trên cơ sở "Danh sách các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2021" được Thủ tướng Chính phủ ban hành, các doanh nghiệp có mức tiêu thụ năng lượng từ 1.000 tấn dầu quy đổi hoặc 6 triệu kWh điện/năm trở lên hiện cả nước có 3.068 cơ sở, hầu hết là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, có mức tiêu thụ điện bình quân là 80 tỷ kWh/năm.
Nếu các doanh nghiệp này thực hành để tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/năm (theo Chỉ thị số 20 về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025 của Thủ tướng Chính phủ) thì bình quân mỗi năm cả nước tiết kiệm được khoảng 1,6 tỷ kWh, tương ứng với tiền điện tiết kiệm được hơn 3.200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu sơ bộ của Ngân hàng Thế giới, chỉ cần áp dụng các biện pháp hợp lý hoá quy trình sản xuất; thay thế, cải tạo, nâng cấp các thiết bị cũ, sử dụng hệ thống chiếu sáng hiệu suất cao… là đã có thể tiết kiệm từ 15-30% nguồn năng lượng hiện hữu tại các phân xưởng, nhà máy sản xuất. Nếu đầu tư công nghệ đồng bộ, tiêu tốn ít điện năng thì khả năng tiết kiệm năng lượng còn cao hơn nhiều.
Tuy nhiên, bên cạnh những chính sách của Chính phủ, Bộ Công Thương, các chuyên gia cũng cho rằng, doanh nghiệp cần có sự thay đổi nhận thức cơ bản về những yêu cầu chuyển đổi năng lượng xanh của quốc tế. Bởi với xu hướng xanh hóa toàn cầu như hiện nay, càng chậm trễ trong việc thực hiện tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải carbon, cơ hội của doanh nghiệp - đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu - càng ít đi.