Tình hình phát triển kinh tế tỉnh Quảng Ngãi và một số định hướng giải pháp đề xuất

ThS. BÙI PHAN NHÃ KHANH (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng) - ThS. VÕ THẾ TRƯỜNG (NCS Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng)

TÓM TẮT:

Bài viết tập trung phân tích tình hình phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi, đồng thời chỉ ra những điểm mạnh, điểm yếu trong quá trình phát triển, từ đó đưa ra một số định hướng và giải pháp phát triển kinh tế của Tỉnh trong những năm tới.

Từ khóa: cơ cấu kinh tế, huy động nguồn lực, phân bổ nguồn lực, năng lực cạnh tranh.

1. Tình hình phát triển kinh tế tỉnh Quảng Ngãi

1.1. Quy mô và tăng trưởng kinh tế

Quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng trưởng liên tục không ổn định. Quy mô nền kinh tế nhỏ so với các tỉnh trong khu vực và cả nước, thu nhập đầu người chỉ cao hơn không nhiều so với mặt bằng chung cả nước.

Tăng trưởng GRDP của tỉnh liên tục từ 1995 tới 2018. Quy mô GDP theo giá so sánh 2010 tăng từ 4.750 tỷ đồng năm 1996, lên mức 29.353 tỷ đồng năm 2010 và tăng lên 51.648 tỷ đồng năm 2018. Tốc độ tăng trưởng cao nhất là 39,9% năm 2010, thấp nhất 0,7% năm 2014 và trung bình là 10,9%/năm trong giai đoạn 1995-2018. Những diễn biến quy mô GRDP như vậy nên hệ số ổn định khá biến động và hàm ý tăng trưởng GRDP tuy cao hơn tăng trưởng trung bình GDP của cả nước nhưng không ổn định.

Nếu so với cả nước thì tốc độ tăng trưởng này khá cao nhưng quy mô nền kinh tế của tỉnh so với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (VKTTĐMT) còn thấp hơn Đà Nẵng và Quảng Nam, chỉ chiếm 1,48% của cả nước. GDP/người cao hơn của Việt Nam nhưng thấp hơn so với Đà Nẵng và Quảng Nam. Nếu loại bỏ đi phần thuế trừ trợ cấp thì GDP/người của cả nước là 53,8 triệu đồng trong khi của Quảng Ngãi chỉ là khoảng gần 40 triệu đồng. Sự khác biệt rất lớn này đến từ sự hiện diện của Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn.

1.2. Động lực của tăng trưởng kinh tế

Tăng trưởng kinh tế của tỉnh có động lực chính là ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ và khu vực kinh tế ngoài nhà nước, dư địa cho phát triển của dịch vụ còn lớn. Công nghiệp kém ổn định và phụ thuộc nhiều vào ngành Dầu khí. Sức đẩy của thị trường trong nước khó có thể đẩy tăng trưởng kinh tế.

Số liệu từ Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi và Niên giám thống kê tỉnh Quảng Ngãi năm 2011, 2019 cho thấy xu hướng tăng trưởng giá trị gia tăng các ngành của nền kinh tế hầu như kém ổn định, tỷ lệ tăng trưởng trung bình của ngành công nghiệp - xây dựng (CN-XD) khoảng gần 6,1%, của ngành dịch vụ cao nhất là 11,7% và của nông, lâm, thủy sản khoảng 5,8%. Kết quả cũng cho thấy tăng trưởng VA của CN-XD ảnh hưởng rất lớn tới tăng trưởng GRDP của tỉnh. Năm 2014 và 2017 có kết quả âm khiến GRDP rất thấp. Đóng góp vào tăng trưởng của ngành CN-XD là khoảng 50%, của dịch vụ là 34.2% và của nông, lâm, thủy sản là 15.8%. Nếu theo sở hữu, tăng trưởng của khu vực kinh tế ngoài nhà nước đang có xu hướng đi lên và cùng hướng với tăng trưởng GRDP, trong khi kinh tế nhà nước giảm dần và khu vực có vốn đầu tư ngoài nhà nước có xu hướng tăng nhanh những năm gần đây. Đóng góp vào 1% tăng trưởng của khu vực ngoài nhà nước từ 2016 lớn và chi phối so với khu vực nhà nước, khoảng 64% so với 20% của khu vực nhà nước.

Nếu xem xét tỷ trọng tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ so với GRDP của tỉnh Quảng Ngãi khá cao, khoảng trên dưới 70% trong thời kỳ 2010-2018, cao hơn của Quảng Nam nhưng thấp hơn của Đà Nẵng. Nếu cộng với quy mô dân số và thu nhập bình quân đầu người đã hàm ý dư địa để tăng sức mua của thị trường nhằm tạo ra sung lực cho tăng trưởng kinh tế còn khá.

1.3. Cấu trúc kinh tế

Cấu trúc ngành đã có sự thay đổi theo hướng công nghiệp hóa nhưng vẫn chưa hiện đại và năng suất chưa cao. Khu vực kinh tế ngoài nhà nước đang chiếm ưu thế lớn nhất về sản lượng, việc làm và doanh nghiệp.

Về cấu trúc kinh tế khi bao hàm cả thuế trừ trợ cấp trong các ngành, cho tới 2018 tỷ trọng của khu vực phi nông nghiệp đã chiếm tới 82%, trong đó tỷ trọng của CN-XD gần 50% và dịch vụ là 31%. Tỷ trọng của nông, lâm, thủy sản vẫn chiếm hơn 18%. Xu thế thay đổi chậm, tỷ trọng của dịch vụ tăng 8,83% trong 9 năm qua và tỷ trọng của CN-XD giảm hơn 6%, nông, lâm, thủy sản giảm 2.79%. Điều này cho thấy tuy vai trò và vị thế của của CN-XD dù vẫn là trụ cột nhưng giảm dần, vai trò ngành dịch vụ được phát huy và dư địa còn nhiều, nông, lâm, thủy sản vẫn còn rất quan trọng. Nếu tính thêm thuế thì thay đổi chậm hơn, năm 2018 tỷ trọng của nông, lâm, thủy sản là 16,8% (giảm 2,5% so với 2010), của CN-XD là 31,3% (giảm 3,6% so với 2010) và dịch vụ là 29% (tăng 10,1% so với 2010).

Xét về cấu trúc doanh nghiệp: 60% doanh nghiệp tập trung trong ngành dịch vụ, trong công nghiệp là 38,5% và nông nghiệp là 0,5%. Về lao động, tỷ trọng lao động trong nông, lâm, thủy sản vẫn còn tới gần 49% và của công nghiệp xây dựng là 31%, dịch vụ hơn 20%.

Về cấu trúc theo thành phần kinh tế, vai trò của khu vực ngoài nhà nước tăng dần và đang khẳng định vị thế chủ đạo trong những năm tới. Quy mô kinh tế của khu vực ngoài nhà nước tuy giảm nhưng vẫn còn khá cao, hiện chiếm hơn 46% GRDP của tỉnh. Khu vực ngoài nhà nước đang chiếm hơn 90% tổng lao động và 98% số lượng doanh nghiệp. Điều này khẳng định tầm quan trọng của khu vực kinh tế ngoài nhà nước và công nghiệp dịch vụ với tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Theo số liệu thống kê của Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi và trong Niên giám thống kê của tỉnh năm 2011 và năm 2019 cho thấy, phần lớn năng lực sản xuất gồm hơn 92% số doanh nghiệp, hơn 95% vốn sản xuất – kinh doanh và hơn 96% lao động trong doanh nghiệp ở vùng Đông. Điều này hàm ý tuy nền kinh tế đã có sự tập trung sản xuất nhưng đã có sự phân hóa phát triển giữa 2 vùng của tỉnh.

Xét về cấu trúc sản phẩm công nghiệp chủ yếu cho thấy, dù đã có ngành công nghiệp lọc hóa dầu nhưng các sản phẩm công nghiệp vẫn là sản phẩm chế biến thô từ tài nguyên như vật liệu xây dựng, muối hạt các loại, thủy sản đông lạnh, tinh bột sắn, nhân hạt điều, đường các loại. Đây là các sản phẩm chế biến thô từ tài nguyên. Các mặt hàng chủ yếu cũng gắn với khai thác tài nguyên thô như: Thủy sản; Nhân hạt điều; Mây tre, cói; Cát xây dựng; Sắn lát; Phân hữu cơ; Dệt may; Dầu điều.

1.4. Phân bổ và sử dụng nguồn lực trong nền kinh tế

1.4.1. Với vốn đầu tư

Từ 2010 tới 2018, nền kinh tế này đã huy động được đáng kể nguồn vốn đầu tư, từ 15481.9 tỷ năm 2010 đã tăng lên 42977.7 tỷ đồng năm 2018. Tỷ trọng vốn đầu tư so với GRDP chiếm khoảng 56%. Trong các nguồn đầu tư, nguồn nhà nước đã giảm mạnh hiện chỉ còn hơn 13,46%. Nguồn ngoài nhà nước tăng nhanh hiện chiếm hơn 80%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm tỷ trọng nhỏ hiện chiếm 6,2%.    

Phân bổ vốn cho các ngành kinh tế chủ yếu tập trung vào lĩnh CN-XD và xu hướng có giảm nhưng vẫn chiếm trung bình gần 55% (Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi  và Niên giám thống kê của tỉnh năm 2011 và 2019). Tỷ trọng đầu tư cho dịch vụ biến thiên dù tăng nhưng chỉ chiếm hơn 28% và tỷ trọng vốn cho nông, lâm, thủy sản nhìn chung rất ít, chỉ chiến chưa tới 2%.

Hiệu quả đầu tư của tỉnh khá tốt so với mặt bằng chung, hệ số ICOR (hiệu quả đầu tư) năm cao nhất là hơn 5,5 thấp nhất là gần 1,8 và trung bình là 3,4, hệ số này có xu hướng giảm. 

1.4.2. Về lao động

Dù quy mô hạn chế, tăng chậm kéo theo xu thế già hóa nhanh, chất lượng của lao động thấp nhưng nền kinh tế này vẫn huy động tỷ lệ khá cao vào nền kinh tế, tuy phân bổ chưa hợp lý, năng suất lao động thấp hơn so với cả nước và các tỉnh VKTTĐMT. Đây cũng trở thành điểm nghẽn của sự phát triển.

Theo số liệu thống kê của Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi và trong Niên giám thống kê của tỉnh năm 2011,  2019, quy mô lực lượng lao động (LLLĐ) của tỉnh chỉ gần 780 ngàn người, tăng trưởng trung bình 1,08% năm. Chất lượng độ lao động của nền kinh tế này cũng không cao, tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ chiếm khoảng gần 9,4% năm 2010 và gần 18% năm 2018. Kết quả tổng điều tra dân số 1/4/2019 cho thấy tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết đọc của tỉnh là 93,3% thấp hơn tỷ lệ trên 94-99% của các tỉnh trong VKTTĐMT. Trong quá trình phát triển, nền kinh tế này đã huy động được số lượng lao động ngày càng tăng, từ hơn 714 ngàn năm 2010 lên hơn 771 ngàn năm 2018, trung bình tăng khoảng 0.7%/năm. Tỷ lệ LLLĐ trên dân số cũng tăng chậm dần trong thời gian này.

Phân bổ lao động cho các ngành của địa phương chủ yếu cho ngành nông nghiệp, tỷ trọng lao động trong nông, lâm, thủy sản vẫn còn tới 49,1% và của công nghiệp xây dựng là 31,2% và dịch vụ là 19,7%.

Năng suất lao động của tỉnh theo giá hiện hành từ 40,9 tr.đ/ ng năm 2010 đã tăng lên hơn 99,7 tr.đ/ng năm 2018 (Năng suất lao động của Việt Nam là hơn 100 tr.đ/người năm 2018). Nguyên nhân của tình trạng này có thể quy cho chất lượng lao động thấp và tình hình phân bổ lao động thiếu hợp lý.

1.4.3. Về trình độ công nghệ

Nền kinh tế của tỉnh vẫn dựa trên khai thác các nhân tố chiều rộng là vốn và lao động là chủ yếu, nhưng các nhân tố này có hiệu quả thấp và chưa phát huy được các nhân tố chiều sâu như công nghệ.

Tính toán từ số liệu Niên giám thống kê tỉnh Quảng Ngãi năm 2010 và 2014 cho thấy vốn vẫn là nhân tố chiếm tới hơn 4,07% trong tổng tăng trưởng, tiếp đó là lao động chiếm 1,45% và Năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) chiếm 2,23%. Do đó, các nhận tố chiều rộng vẫn chiếm tới hơn 71,23% và TFP chiếm gần 29%. Như vậy tăng trưởng kinh tế vẫn theo chiều rộng thay là về chiều sâu. Hơn nữa, cơ chế phân bổ và sử dụng nguồn lực chưa thực sự hiệu quả. Điều này cũng được minh chứng bằng cơ cấu hàng công nghiệp và xuất khẩu chủ yếu của tỉnh là sản phẩm chế biến thô từ tài nguyên.

1.4.4. Về chất lượng quản trị nhà nước - năng lực cạnh tranh của tỉnh

Năng lực cạnh tranh của tỉnh những năm qua đã có sự cải thiện đáng kể nhưng vẫn chỉ ở cuối nhóm khá của cả nước và xếp cuối trong 5 tỉnh VKTTĐMT. Đây cũng là 1 trong những hạn chế lớn.

Kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh trong 5 năm qua đã có sự cải thiện nhất định. Năm 2018 PCI của Quảng Ngãi thấp nhất 5 tỉnh.  Các chỉ số có sự cải thiện rõ rệt đó là Tiếp cận đất đai, Chi phí thời gian, Chi phí không chính thức, Các chỉ số không có sự cải thiện là Tính minh bạch, Hỗ trợ doanh nghiệp và Đào tạo lao động, Thiết chế pháp lý.

1.4.5. Về cơ sở hạ tầng

Về hạ tầng giao thông: dù có đủ các loại như đường bộ, đường sắt đường biển và hàng không nhưng quy mô nhỏ (mật độ đường của tỉnh nhìn chung là thấp so với mức bình quân cả nước, hiện chỉ có 0,019km /km2 và 0,78 km/1000 dân, chất lượng kém và thiếu đồng bộ nên chi phí vận chuyển đi lại khá cao).

Đường sắt Thống Nhất chạy dọc theo chiều dài tỉnh. Sân bay Chu Lai cáchThành phố Quảng Ngãi 35km, cách Khu kinh tế Dung Quất 4km về hướng Bắc có đủ điều kiện cho việc hạ cất cánh máy bay hiện đại và hạ tầng nhà ga được đầu tư tốt.

Cảng biển nước sâu Dung Quất: với lợi thế kín gió, cách tuyến hàng hải quốc tế 90km, tuyến nội hải 30km và độ sâu từ 10-19m, cảng Dung Quất đã được thiết kế với hệ thống cảng đa chức năng gồm: Khu cảng Dầu khí; Cảng tổng hợp; Khu cảng Chuyên dùng và Khu cảng thương mại.

1.4.6. Về phát triển xã hội

Những thành quả của phát triển kinh tế đã cho phép cải thiện và nâng cao chất lượng giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho người dân, tạo việc làm và giảm nghèo. Tuy nhiên thu nhập đầu người còn thấp, công việc tạo thu nhập chủ yếu vẫn dựa vào nông nghiệp, chất lượng dân số thấp hơn các tỉnh khu vực.

Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh khá thấp, GRDP đầu người năm 2018 là 59.18 tr.đ/ng theo giá hiện hành, GDP/ng cao hơn cả nước một chút nhưng thấp hơn so với Đà Nẵng và Quảng Nam. Nếu loại bỏ đi phần thuế trừ trợ cấp thì GDP/ng của cả nước là 53,8 triệu đồng trong khi của Quảng Ngãi chỉ là khoảng gần 40 triệu đồng.

Quy mô dân số và tỷ lệ tăng dân số theo tổng điều tra dân số 1/4/2019 cho thấy quy mô dân số là 1.216 ngàn người (thấp hơn số liệu thống kê của tỉnh là 1.272 ngàn người), tỷ lệ tăng dân số chỉ là 0,12%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp, chỉ là 20% năm 2018.

Tỷ lệ nghèo đa chiều giảm hiện có 9,39% năm 2018, giảm so với mức 11,16% của năm 2017, tuy nhiên vùng Tây có 6 huyện đều thuộc diện 30a của chính phủ. Tỷ lệ thiếu việc làm khoảng 3% những năm gần đây.

Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin năm 2018 đạt 97,3%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với năm 2017. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cân nặng theo tuổi năm 2018 là 15% giảm 1 điểm phần trăm và tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi là 25,5% giảm 0,5 điểm phần trăm. Số bác sỹ /10000 dân là 7,5, tương đương của cả nước là 7,9 và số giường bệnh /1000 dân là 3,1 tương đương của Việt Nam.

2. Những thành công và trở lực đối với phát triển tỉnh Quảng Ngãi

2.1. Những thành công

- Quy mô của nền kinh tế đã mở rộng không ngừng, tăng trưởng GRDP liên tục, nâng cao vị thế của tỉnh trong nền kinh tế Việt Nam và góp phần cải thiện mức thu nhập đầu người của tỉnh.

- Nền kinh tế được tạo bởi cơ cấu kinh tế có tính công nghiệp hóa cao và khá hiện đại; tập trung hóa sản xuất và cực tăng trưởng phía Đông Bắc của tỉnh.

- Nền kinh tế của tỉnh đã được vận hành khá tốt, tạo ra năng lực sản xuất ngày càng mở rộng. Nền kinh tế đã dựa vào những động lực có tiềm năng lớn trong dài hạn và phát huy được những lợi thế của địa phương, đã huy động đáng kể nguồn lực để phân bổ và sử dụng vào phát triển các ngành có năng suất cao; Nguồn lực chủ yếu được huy động phân bổ và sử dụng chuyển dần từ khu vực nhà nước sang cho khu vực ngoài nhà nước để tạo ra đa phần sản lượng,

- Những thành quả của phát triển kinh tế đã cho phép cải thiện và nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho người dân, tạo việc làm và giảm nghèo. 

2.2. Những trở lực cho sự phát triển của Quảng Ngãi

- Mô hình phát triển của tỉnh trong những năm qua chủ yếu hướng tới công nghiệp hóa nền kinh tế theo chiều rộng, tính dài hạn, lan tỏa và kém hiệu quả không còn phù hợp với điều kiện của nền kinh tế đang chuyển dần sang hướng tới năng suất và hiệu quả.

- Thiếu ngành công nghiệp phụ trợ và lan tỏa tới tác ngành khác, nhất là nông nghiệp và nền kinh tế nên đã không tận dụng tiềm năng lao động, tài nguyên; không thúc đẩy nâng cao năng suất và không cải thiện nhiều mức sống người dân.

- Thành quả phát triển vùng đồng bằng hay vùng Đông chưa có tác động lan tỏa đáng kể đến vùng miền núi hay vùng Tây của tỉnh. Các huyện nghèo của tỉnh tập trung ở đây, các phương thức phát triển truyền thống không tỏ ra hiệu quả trước tác động tiêu cực của thiên tai, bão lũ và sự chia cắt địa hình.

- Quản trị nhà nước - môi trường kinh doanh của tỉnh như một trở lực lớn với quá trình phân bổ nguồn lực của nền kinh tế. PCI của tỉnh tuy có cải thiện trong những năm qua nhưng chỉ thuộc nhóm khá của cả nước, và cuối trong các tỉnh VKTTĐMT.

- Trở lực về nguồn nhân lực: nguồn nhân lực của tỉnh quy mô nhỏ, tăng chậm và chất lượng thấp là rào cản lớn cho phát triển của tỉnh. Số lượng và chất lượng nguồn nhân lực như hiện nay tỉnh sẽ đối mặt với tình trạng thiếu lao động gồm lao động phổ thông và lao động có trình độ.

- Hạn chế về vốn đầu tư trong khi nhu cầu đầu tư của nền kinh tế rất lớn, đầu tư công lấn át đầu tư tư nhân. Sự tăng trưởng dựa nhiều vào vốn vẫn chưa thể thay thế trong ngắn hạn, quy mô nền kinh tế nhỏ, khả năng tích lũy thấp trong khi nguồn vốn nhà nước ngày càng có hạn. 

- Trở lực về cơ sở hạ tầng: Cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội có trình độ phát triển chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế dẫn tới chi phí logistics cao, kéo theo sức cạnh tranh của nền kinh tế giảm. Để có thể phát triển kinh tế nói chung và định hướng phát triển Quảng Ngãi thành trung tâm công nghiệp lọc hóa dầu và năng lượng của Việt Nam thì cũng phải tập trung giải quyết trở lực này trước.

- Trở lực về tình trạng biến đổi khí hậu: Nằm trong vùng có thời thiết khắc nghiệt nhất của Việt Nam và chịu ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu, tỉnh chưa đáp ứng được nước cho sản xuất và sinh hoạt để bảo đảm cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

3. Định hướng phát triển kinh tế tỉnh Quảng Ngãi tới năm 2025 và tầm nhìn đến 2030

Thứ nhất, từng bước hình thành cơ chế tạo ra năng lực sản xuất ngày càng mở rộng, có chiều sâu nhất định của nền kinh tế đang đẩy nhanh công nghiệp hóa trên cơ sở kết hợp giữa nâng cao hiệu quả các nhân tố chiều rộng và từng bước chuyển sang khai thác các nhân tố chiều sâu, tham gia từng bước vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng vẫn giữ được tính tự chủ, đa đạng và linh hoạt. Không ngừng cải cách cơ chế chính sách, hoàn thiện và tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi thông thoáng, hấp dẫn để thu hút các nguồn lực bên ngoài với mục tiêu phát triển kinh tế nhanh và bền vững, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách phát triển so với cả nước và các tỉnh trong khu vực, đồng thời phát huy tối đa nội lực, tập trung khai thác các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh của tỉnh, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường liên kết phát triển với các tỉnh trong VKTTĐMT, các tỉnh Tây Nguyên.

Thứ hai, đẩy nhanh sự phát triển công nghiệp từ giai đoạn chủ yếu gia công chế biến sang chế biến chế tạo, chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ và tham gia mạnh vào chuỗi giá trị toàn cầu. Phân bổ lại công nghiệp giữa các vùng tạo ra sự lan tỏa. Vùng đồng bằng sẽ là vùng đô thị công nghiệp - du lịch, Vùng miền núi phát triển công nghiệp chế biến nông sản dược liệu và du lịch.

Thứ ba, từng bước phát huy đúng vị trí trung tâm của nguồn lực con người, chú trọng phát triển nguồn lực con người. Tăng thâm dụng lao động trong tăng trưởng kinh tế, gắn chặt quá trình sử dụng với phát triển để nâng cao chất lượng lao động. Điều chỉnh cách thức phân bổ lao động theo hướng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng NSLĐ.

Thứ tư, từng bước phát huy vai trò nền tảng cho tăng trưởng của khoa học công nghệ thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa. Từng bước thay đổi cơ chế vận hành và quản lý hoạt động khoa học công nghệ lấy kết quả cuối cùng để đánh giá. Có những điều chỉnh cần thiết cho đầu tư phát triển vốn con người. Nhanh chóng tháo gỡ các rào cản như thiếu nhân lực có trình độ, thiếu vốn đầu tư, thiếu thông tin và cơ hội tiếp xúc với các nguồn thông tin (thiếu thông tin thị trường, thông tin công nghệ) nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp trong đổi mới công nghệ. Từng bước tăng tỷ trọng của yếu tố công nghệ - TFP trong tăng trưởng kinh tế.

Thứ năm, từng bước quản lý chặt và nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên. Khắc phục và giải quyết triệt để tình trạng lãng phí và hiệu quả kém trong khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên. Thay đổi tư duy ỷ lại vào tiềm năng tài nguyên thiên nhiên để tích lũy phát triển bằng đổi mới cách tiếp cận trong khai thác sử dụng tài nguyên. Hạn chế xuất khẩu tài nguyên thô dưới bất kỳ cách nào.

Thứ sáu, tiếp tục đẩy nhanh phát triển CSHTKT từng bước theo hướng hiện đại, đồng bộ, tính phát triển và hiệu quả để đáp ứng được yêu cầu tăng trưởng kinh tế. Đổi mới tư duy phát triển CSHTKT đáp ứng yêu cầu dài hạn phù hợp với cơ chế thị trường và những thay đổi nhanh của nền kinh tế. Cần phát huy được tiềm năng và nguồn lực đầu tư của nền kinh tế, trên cơ sở những thay đổi trong cơ chế, chính sách để huy động tiềm năng và nguồn lực, nhất là đất đai cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Cần hoàn thiện chiến lược phân bổ hợp lý theo cả thời gian, không gian và đối tượng để giảm chi phí đầu tư và nâng cao hiệu quả. Kiểm soát việc phát triển các khu công nghiệp và kinh tế để khắc phục tình trạng dư thừa công suất,  diện tích gây lãng phí và kém hiệu quả.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Mankiw, N.G, D. Romer và D. Weil (1992), A Contribution to the Empirics of economic Growth, Quarterly Journal of Economics, 107, 401-437.
  2. Nguyễn Kế Tuấn và nhóm tác giả (2011), Kinh tế Việt Nam năm 2010: Nhìn lại mô hình tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011-2010.
  3. Lê Xuân Bá, Nguyễn Thị Tuệ Anh (2006), Tăng trưởng kinh tế Việt Nam, NXB Khoa học Kỹ thuật 2006.
  4. Bùi Quang Bình (2012), Kinh tế Việt Nam 2012 và triển vọng 2013, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế, 4(407), 3-11.
  5. UBND tỉnh Quảng Ngãi, Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020.

QUANG NGAI'S ECONOMIC DEVELOPMENT

AND SOME PROPOSED SOLUTIONS

• Master. BUI PHAN NHA KHANH

University of Economics, University of Da Nang

• Master. VO THE TRUONG

PhD student, University of Economics, University of Da Nang

ABSTRACT:

The article focuses on analyzing the economic development of Quang Ngai province, at the same time pointing out the strengths and weaknesses in the development process of the province, thereby giving some orientations and solutions for economic development of the province. province in the coming years.

Keywords: economic structure, resource mobilization, resource allocation, competitiveness.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 2, tháng 1 năm 2021]