Hoạt động thanh toán trong thời kỳ đầu phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam

PGS. TS. PHẠM QUỐC KHÁNH - TS. TRẦN MẠNH HÀ - ThS. NGUYỄN THANH TÙNG (Học viện Ngân hàng)

TÓM TẮT:

Sự phát triển mạnh mẽ song hành giữa công nghệ số hóa và kinh tế số đã tạo nên sự biến đổi to lớn và nhanh chóng đối với mọi mặt của đời sống, bao gồm cả hoạt động thanh toán. Đặc biệt, trong bối cảnh giãn cách do đại dịch Covid-19, việc đảm bảo tính liên tục, thông suốt cho hoạt động thanh toán, thúc đẩy kinh doanh giữa các chủ thể càng trở nên quan trọng. Điều đó đòi hỏi các quốc gia cần có những chính sách nhằm thực hiện việc quản lý và thúc đẩy hoạt động thanh toán một cách có hiệu quả.

Bài viết tập trung vào những điểm nhấn về hoạt động thanh toán trong thời kỳ đầu phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam.

Từ khóa: Thanh toán, trung gian thanh toán, kinh tế số.

1. Hoạt động thanh toán tại Việt Nam

1.1. Hoạt động thanh toán qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán của Việt Nam

1.1.1. Tổng quan hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (TGTT)

Giai đoạn sau năm 2015, thị trường đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực TGTT với nhiều sản phẩm, dịch vụ đa dạng như cổng thanh toán điện tử, hỗ trợ thu hộ, chi hộ, đặc biệt là ví điện tử. Nhiều tổ chức không phải là TCTD, các công ty Fintech, ngân hàng và các đơn vị cung ứng hàng hóa đã chủ động tìm hiểu, đầu tư và tích cực tham gia vào thị trường TGTT. Tính đến hết quý III/2019, số lượng ngân hàng hợp tác với các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT gồm: 28 ngân hàng hợp tác cung ứng dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử, 37 ngân hàng hợp tác cung ứng dịch vụ Ví điện tử, 41 ngân hàng hợp tác cung ứng dịch vụ cổng thanh toán điện tử, 47 ngân hàng hợp tác cung ứng dịch vụ thu hộ, chi hộ.

Sự hợp tác trong hoạt động cung ứng dịch vụ TGTT đã hỗ trợ các ngân hàng thương mại đa dạng hóa và gia tăng các tiện ích trong cung ứng các dịch vụ thanh toán đến khách hàng, giúp ngân hàng mở rộng phạm vi phục vụ khách hàng, góp phần thúc đẩy TTKDTM tại Việt Nam. Các đối tác tham gia hợp tác TGTT cũng được mở rộng về cả quy mô và chiều sâu. Một mặt, các tổ chức TGTT chủ động phối hợp chặt chẽ với các TCTD để triển khai dịch vụ TGTT, mặt khác cũng tích cực tìm kiếm đối tác, mở rộng phạm vi chấp nhận các phương thức TTKDTM. Theo đó, số lượng và giá trị giao dịch qua các phương thức TTKDTM đã có sự gia tăng đáng kể trong giai đoạn này.

1.1.2. Tình hình triển khai cung ứng các dịch vụ TGTT

Tính hết tháng 8/2020, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã thực hiện cấp giấy phép cho tất cả 37 tổ chức cho phép thực hiện cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, cụ thể:

- Giao dịch thanh toán nội địa theo các phương tiện thanh toán (PTTT): Số lượng và giá trị các giao dịch thanh toán nội địa được thực hiện qua các phương tiện thanh toán như thẻ ngân hàng, séc, lệnh chi, nhờ thu hay phương tiện thanh toán khác (Hối phiếu, lệnh phiếu, thư tín dụng nội địa, SMS Banking, Mobile Banking, Internet Banking,…) được thể hiện qua đồ thị Hình 1 và 2.

Hình 1: Số lượng giao dịch thanh toán nội địa theo các PTTT giai đoạn quý I/2016 đến quý III/2020

Số lượng giao dịch thanh toán nội địa theo các PTTT giai đoạn quý I/2016 đến quý III/2020

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Hình 2: Giá trị giao dịch thanh toán nội địa theo các PTTT giai đoạn quý I/2016 đến quý III/2020

Giá trị giao dịch thanh toán nội địa theo các PTTT giai đoạn quý I/2016 đến quý III/2020

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

- Giao dịch qua hệ thống thanh toán quốc gia: Hệ thống thanh toán quốc gia là hệ thống thanh toán liên ngân hàng do NHNN, tổ chức, quản lý và vận hành. Số lượng và giá trị giao dịch qua hệ thống thanh toán quốc gia trong giai đoạn sau năm 2015 như Hình 3 và 4.

Hình 3: Số lượng giao dịch của hệ thống thanh toán quốc gia giai đoạn từ quý I/2016 đến quý II/2020

Số lượng giao dịch của hệ thống thanh toán quốc gia giai đoạn từ quý I/2016 đến quý II/2020

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Hình 4: Giá trị giao dịch của hệ thống thanh toán quốc gia giai đoạn từ quý I/2016 đến quý II/2020

Giá trị giao dịch của hệ thống thanh toán quốc gia giai đoạn từ quý I/2016 đến quý II/2020

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

1.1.3. Một số đánh giá về tình hình cung ứng các dịch vụ TGTT

Thuận lợi: Các dịch vụ TGTT có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển trong giai đoạn này. Các chủ thể liên quan như khách hàng, người dân, đơn vị chấp nhận thanh toán hay ngân hàng cũng tích cực sử dụng, triển khai và đẩy mạnh dịch vụ TGTT.

Hạn chế: Việc cung ứng và phát triển dịch vụ TGTT trong giai đoạn này phải đối diện với một số khó khăn vướng mắc như sau:

Một là, vướng mắc về hành lang pháp lý cho lĩnh vực TGTT. Mặc dù cơ bản đã hoàn thiện nhưng vẫn còn một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn chưa được quy định và hướng dẫn cụ thể. Đặc biệt là việc thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm liên quan đến cung ứng dịch vụ TGTT sau khi cấp Giấy phép chưa được thực hiện triệt để.

Hai là, khó khăn khi các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT cạnh tranh với các dịch vụ thanh toán truyền thống, nhiều tính năng thuận lợi của ngân hàng và áp lực từ phía các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT của nước ngoài. Lĩnh vực TGTT tại Việt Nam giai đoạn này được đánh giá là rất tiềm năng, phát triển và thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài góp vốn. Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài giúp các tổ chức TGTT Việt Nam có thêm nguồn tài chính, cơ hội học hỏi kỹ năng quản lý, tiếp nhận công nghệ hiện đại nhưng cũng tạo áp lực và cạnh tranh cho các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT trong nước.

1.2. Hoạt động thanh toán qua hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam

Từ năm 2014 đến nay, NHNN đã nhận được hồ sơ của hơn 100 tổ chức không phải TCTD đề nghị NHNN cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ TGTT, trong đó 37 tổ chức được NHNN cấp Giấy phép hoạt động chính thức tính đến tháng 8/2020. Với các dịch vụ được triển khai: cổng thanh toán điện tử, hỗ trợ thu hộ, chi hộ, hỗ trợ chuyển tiền điện tử, ví điện tử,… hoạt động thanh toán qua dịch vụ của các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng giao dịch và giá trị giao dịch. Đồng thời, còn hỗ trợ các NHTM đa dạng hóa và gia tăng tiện tích trong cung ứng dịch vụ thanh toán đến khách hàng, giúp mở rộng phạm vi phục vụ khách hàng và góp phần tích cực trong việc phát triển TTKDTM theo đúng định hướng của Chính phủ và NHNN.

Thị trường Fintech ở Việt Nam hiện có hơn 150 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực khác nhau, nhưng phần lớn trong số đó tập trung vào lĩnh vực thanh toán. Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Phát triển công nghệ ngân hàng Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (VNUHCM-IBT), hiện có hơn 154 công ty hoạt động trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam. Trong đó, 37 công ty hoạt động trong mảng thanh toán, 25 công ty hoạt động trong lĩnh vực cho vay, 22 công ty làm về Blockchain, Crypto & Remittance.

2. Một số vấn đề trong hoạt động thanh toán trong thời kỳ đầu phát triển kinh tế số ở Việt Nam

Theo báo cáo của công ty Google, Temasek và Bain (2019) về nền kinh tế số ở Đông Nam Á, Việt Nam có quy mô nền kinh tế số đạt 9 tỷ USD vào năm 2018 và 12 tỷ USD vào năm 2019, cao gấp 4 lần so với năm 2015, đứng thứ ba trong khu vực sau Indonesia và Thái Lan. Google, Temasek và Bain (2019) dự báo quy mô nền kinh tế số của Việt Nam sẽ đạt 43 tỷ USD vào năm 2025, gấp hơn 3,5 lần so với năm 2019. Việt Nam đã có những bước đầu ấn tượng trong quá trình phát triển nền kinh tế số. Một trong những mảnh ghép quan trọng giúp nền kinh tế số tại Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ chính là hoạt động thanh toán (World Bank, 2019). Tuy nhiên, hoạt động thanh toán này hiện vẫn còn tồn tại một số hạn chế và thách thức nhất định, tạo một áp lực lớn lên công tác giám sát và quản lý thanh toán. Cụ thể các vấn đề về hoạt động thanh toán trong thời kỳ đầu phát triển kinh tế số ở Việt Nam như sau:

Thứ nhất, giá trị thanh toán điện tử ngày một gia tăng, song mức độ bao phủ còn thấp và tập trung phần lớn ở khu vực thành thị. Với mức độ phủ sóng rộng rãi của internet và đặc biệt là sự gia tăng không ngừng về số lượng người Việt Nam sử dụng điện thoại thông minh, hình thức thanh toán điện tử nói chung và thanh toán qua điện thoại nói riêng đang ngày được sử dụng phổ biến, tuy nhiên mức độ bao phủ còn thấp. Khảo sát của Visa (2019) cho thấy, số lượng người thực hiện thanh toán qua điện thoại đã tăng hơn 44%, thanh toán không chạm tăng 32% và thanh toán QR tăng 19% so với năm trước.

Bên cạnh đó, giá trị thanh toán điện tử cũng được dự đoán sẽ tăng lên 12,3 tỉ USD vào năm 2022, gấp 2 lần so với giá trị thanh toán là 6,1 tỉ USD được thống kê vào năm 2017. Mặc dù số lượng và giá trị các giao dịch điện tử không ngừng tăng lên nhanh chóng qua các năm, song thực tế cũng cho thấy các giao dịch này chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn, còn tại các địa bàn ngoại thành, nông thôn thì đa phần các giao dịch thanh toán hiện nay vẫn chủ yếu dựa trên tiền mặt. Theo khảo sát của World Bank năm 2018, chỉ có 22% người dân Việt Nam nhận hoặc thực hiện phương thức thanh toán số trong năm 2017, và có khoảng 75% người Việt Nam trưởng thành tại khu vực nông thôn không có tài khoản ngân hàng. Nguyên nhân xuất phát từ những hạn chế trong hiểu biết của người dân về các sản phẩm tài chính và công nghệ (ADB (2017)).

Để sử dụng các dịch vụ trung gian thanh toán, khách hàng phải có tài khoản tại ngân hàng. Quy định này phần nào đã tạo ra khó khăn với những đối tượng không có tài khoản tại ngân hàng, nhất là với những người ở khu vực nông thôn hay vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, việc thực hiện thanh toán qua các ứng dụng trên điện thoại hoặc qua máy tính còn tương đối mới mẻ, nhất là với người dân khu vực nông thôn (Phạm Tiến Dũng và cộng sự, 2019). Ngoài ra, các ngân hàng đầu tư cho nền tảng công nghệ phục vụ cho thanh toán còn chưa đồng đều dẫn đến ảnh hưởng đến chất lượng kết nối dịch vụ thanh toán giữa các ngân hàng, từ đó tác động đến tâm lý khách hàng khi sử dụng dịch vụ thanh toán, đặc biệt là các dịch vụ do các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung cấp khi có kết nối với hệ thống ngân hàng.

Thứ hai, xuất hiện nhiều phương tiện thanh toán mới song tính pháp lý còn mờ nhạt và chưa có quy định rõ ràng.

Sự bùng nổ của công nghệ thông tin trong những năm gần đây đã tạo nền tảng thuận lợi cho sự ra đời của nhiều phương tiện thanh toán khác nhau trong nền kinh tế. Tuy nhiên, trong số đó có rất nhiều phương tiện thanh toán chưa được cấp phép, cũng như chưa có quy định pháp lý rõ ràng, tạo lỗ hổng cho các đối tượng phạm tội sử dụng để thực hiện các hành vi phạm pháp.

Cụ thể, nghiên cứu của Bùi Tín Nghị và cộng sự (2018) đã chỉ ra thẻ thanh toán dịch vụ viễn thông với những ưu điểm vượt trội như hệ thống phân phối rộng khắp, rào cản pháp lý chưa rõ ràn;g cũng như không yêu cầu chặt chẽ về tính định danh của người dùng, đang được sử dụng như một phương tiện thanh toán mặc dù không được pháp luật Việt Nam công nhận. Quan trọng hơn, nhiều đối tượng đã lợi dụng sự mập mờ trong quy định pháp lý để thực hiện các hành vi lừa đảo, cá độ, đánh bạc… mà nổi bật trong đó phải kể đến vụ đánh bạc Rikvi với hơn 97% giá trị giao dịch được thực hiện thông qua thẻ điện thoại. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra vấn đề tiền ảo và nguy cơ cho nền kinh tế khi một số chủ thể đã sử dụng loại tiền mã hóa trong thanh toán để che giấu cho các hành vi phạm pháp như rửa tiền, trốn thuế,… bất chấp việc NHNN khẳng định tính bất hợp pháp của phương tiện này.

Ví điện tử và cổng thanh toán điện tử là các dịch vụ phổ biến nhất, song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình vận hành và quản lý. Cụ thể, đối với dịch vụ ví điện tử, tính định danh của khách hàng còn thấp, và đặc biệt một số công ty còn cho phép khách hàng nạp tiền vào ví qua thẻ điện thoại bất chấp quy định của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư số 39/2014/TT-NHNN về “việc nạp tiền vào ví điện tử phải được thực hiện thông qua tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng”. Điều này vô hình chung khiến cho cơ quan quản lý khó xác định danh tính khách hàng vì thực tế vẫn tồn tại nhiều khách hàng sử dụng sim rác để đăng kí tài khoản ví điện tử, cũng như khó theo dõi được nguồn gốc của tiền được đưa vào ví điện tử. Bên cạnh đó, việc thiếu quy định chi tiết về loại hình phương tiện thanh toán khi sử dụng dịch vụ cổng thanh toán điện tử cũng là một lỗ hổng pháp lý tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi phi pháp.

Như vậy, có thể thấy, sự ra đời của các phương tiện thanh toán mới trong nền kinh tế số một mặt có thể giúp cho hoạt động thanh toán được diễn ra nhanh chóng, thuận tiện hơn. Nhưng mặt khác, nếu hệ thống pháp lý không có điều chỉnh, cập nhật kịp thời với sự ra đời của các phương thức mới thì vô hình chung sẽ tạo điều kiện cho một số chủ thể trong nền kinh tế thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Thứ ba, cuộc cạnh tranh giữa các đơn vị cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ngày càng gia tăng.

So sánh về nguồn vốn, công nghệ và nguồn lực thì các tổ chức nước ngoài dường như đang có ưu thế hơn hẳn dẫn đến thị trường Việt Nam có thể bị chiễm lĩnh bởi các tổ chức này. Tuy nhiên, một số tổ chức công nghệ nước ngoài hoặc thanh toán quốc tế như Google, Facebook, Paypal, Wechat,… đang cung cấp dịch vụ thanh toán xuyên biên giới tại Việt Nam nhưng chưa chịu sự ràng buộc của pháp luật Việt Nam. Trong khi đó, các tổ chức nội địa cung ứng dịch vụ thanh toán phải tuân thủ và chịu ràng buộc về các điều kiện về cấp phép và hoạt động tại Việt Nam. Điều này không tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các tổ chức trong và ngoài nước. 

Bên cạnh đó, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cũng rất khó khăn trong việc phát triển dịch vụ trung gian thanh toán khi phải cạnh tranh với các ngân hàng, các công ty nước ngoài hay các tổ chức khác. Ví điện tử cung cấp cho khách hàng những tiện tích phục vụ thanh toán tại những khu vực và địa bàn mà khách hàng có điều kiện tiếp cận với ngân hàng. Trong khi đó, quy định nạp tiền vào ví điện tử phải thông qua tài khoản tại các ngân hàng. Do đó, dẫn tới việc cạnh tranh trong việc cung ứng dịch vụ ví điện tử của các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán sẽ kém ưu thế hơn dịch vụ có tính năng tương tự như ví điện tử được cung cấp bởi ngân hàng như dịch vụ mobile banking, internet banking.

Về vấn đề được phép cung ứng dịch vụ thanh toán, một số tổ chức xin giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phần lớn là các công ty khởi nghiệp, cơ cấu tổ chức đơn giản, không có nhân sự chuyên môn về pháp luật cần phải thuê ngoài dẫn đến hồ sơ đề nghị cấp phép còn nhiều thiếu sót và chưa hợp lệ khiến mất nhiều thời gian để xử lý hồ sơ và được thông qua.  Bên cạnh đó, một số điểm chấp nhận thẻ không đáp ứng được điều kiện của ngân hàng để thành lập dẫn đến hạn chế việc mở rộng các địa điểm chấp nhận thẻ, nhất là khu vực nông thôn.

Việc cạnh tranh không bình đẳng giữa các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán sẽ tạo ra môi trường kinh doanh không lành mạnh, gây khó khăn trong công tác quản lý thuế, cũng như ảnh hưởng tới an ninh, an toàn quốc gia và xã hội.

Thứ tư, sự gia tăng không ngừng của các chủ thể cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy tính đến ngày 20/8/2020, số lượng các tổ chức không phải là ngân hàng được cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán là 37 tổ chức với các dịch vụ được cấp phép như bù trừ điện tử; ví điện tử; cổng thanh toán điện tử; chuyển mạch tài chính; hỗ trợ thu hộ, chi hộ; hỗ trợ chuyển tiền điện tử.

Một số tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử còn chưa hoàn toàn tuân thủ các quy định về pháp lý như cho phép mở và kích hoạt ví điện tử không gắn với tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng, cho phép ví điện tử được gắn và nạp tiền từ thẻ tín dụng của khách hàng hoặc bằng hình thức khác. Dịch vụ cổng thanh toán điện tử là dịch vụ cung ứng hạ tầng kỹ thuật để thực hiện việc kết nối giữa các đơn vị chấp nhận thanh toán và ngân hàng nhằm hỗ trợ khách hàng thực hiện thanh toán trong giao dịch thương mại điện tử, thanh toán hóa đơn điện tử và các dịch vụ thanh toán điện tử khác. Tuy nhiên, một số đơn vị cung ứng dịch vụ cổng thanh toán điện tử được cấp phép trong thời gian qua đã cho phép khách hàng thanh toán bằng thẻ cào, qua đó tiếp tay cho các game đánh bạc online phát triển và thu về khoản lợi ước tính hàng chục tỷ đồng. Đặc biệt, sự xuất hiện của các cổng thanh toán chưa đăng kí với Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua cũng cho thấy lỗ hổng quản lý của Nhà nước đối với hoạt động này.

Bên cạnh đó, với vai trò cung cấp cơ sở hạ tầng thanh toán của hệ thống, song một số đơn vị cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính đã có hiện tượng phối hợp với các đơn vị cung cấp cổng thanh toán điện tử chưa được cấp phép và vô tình tiếp tay cho các hành vi đánh bạc, rửa tiền trên thị trường. Ngoài ra, một số tổ chức quốc tế cung ứng dịch vụ thanh toán tại Việt Nam nhưng lại chưa đăng kí kinh doanh và hiện diện thương mại tại Việt Nam. Chính vì vậy, kẽ hở pháp lý và áp lực trong quản lý hoạt động của các tổ chức được cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán là rất lớn.

Thứ năm, sự phát triển của các mô hình dịch vụ trung gian thanh toán, các hoạt động thanh toán có yếu tố nước ngoài.

Một số tổ chức trung gian thanh toán tại Việt Nam hợp tác với tổ chức trung gian thanh toán/ngân hàng nước ngoài. Mô hình này được áp dụng cho các khoản thanh toán dịch vụ giữa tổ chức trung gian thanh toán Việt Nam và tổ chức trung gian thanh toán hay ngân hàng ở nước ngoài để thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ cho các du khách nước ngoài hoặc người nước ngoài mua hàng hóa và dịch vụ tại Việt Nam. Khi đó, các tổ chức trung gian thanh toán Việt Nam tham gia vào mô hình cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán với vai trò trung gian kết nối, truyền dẫn và xử lý dữ liệu điện tử giao dịch giữa các bên bao gồm bên bán hàng tại Việt Nam, người mua hàng nước ngoài, ngân hàng Việt Nam và tổ chức trung gian thanh toán/ngân hàng nước ngoài. Bên cạnh đó, hoạt động thanh toán, trung gian thanh toán xuyên biên giới qua các dịch vụ chuyển tiền, thanh toán quốc tế ngày càng phổ biến hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Các giao dịch xuyên biên giới và giao dịch với các tổ chức trung gian thanh toán/ngân hàng nước ngoài sẽ phát sinh luồng ngoại tệ được chuyển từ nước ngoài về. Tuy nhiên, hoạt động này tại Việt Nam chưa có quy định chặt chẽ, cũng như việc nắm bắt thông tin, kiểm soát các luồng giao dịch xuyên biên giới vẫn chưa được đầy đủ, dẫn tới các rủi ro liên quan đến hoạt động chuyển tiền hay thanh toán quốc tế trái phép, chống rửa tiền, an ninh an toàn thông tin của khách hàng cũng như các rủi ro về quản lý ngoại hối, quản lý dịch vụ trung gian thanh toán tại Việt Nam.

Sự tham gia sâu rộng của các tổ chức nước ngoài dưới dạng vốn góp trực tiếp hoặc gián tiếp vào các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, hoặc công ty nước ngoài cung ứng dịch vụ tại Việt Nam. Với ưu thế về vốn lớn, nhân sự có chuyên môn cao và ứng dụng công nghệ hiện đại, các tổ chức nước ngoài có thể giúp đẩy mạnh phát triển dịch vụ trung gian thanh toán tại Việt Nam, tuy nhiên cũng gây ra nguy cơ lấn át các tổ chức trong nước và chiếm lĩnh thị trường cung ứng dịch vụ thanh toán.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Cameron, A., Pham, T. and Atherton, J. (2018). Vietnam Today - First Report of the Vietnam’s Future Digital Economy Project. Canberra: CSIRO.
  2. Bolt, W. Humphrey, D. (2007). Payment Network Scale Economies, SEPA, and Cash Replacement. Review of Network Economics, 6, 453 - 473.
  3. Google, Temasek, Bain & Company (2019), Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019. e-Conomy Southeast Asia 2019, truy cập tại https://www.blog.google/documents/47/ SEA_Internet_Economy_Report_2019.pdf
  4. Banknetvn, (2014), Hiện trạng dịch vụ trung gian thanh toán, Kỷ yếu Tọa đàm khoa học: “Giải pháp phát triển và quản lý dịch vụ trung gian thanh toán ở Việt Nam”, NXB Dân trí: Hà Nội.
  5. Federal Financial Institutions Examnination Council (FFIEC), 2004, Handbook of Retail Payment Systems. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

PAYMENT SERVICES IN THE INITIAL STAGE

OF DIGITAL ECONOMY DEVELOPMENT IN VIETNAM

• Assoc.Prof. Ph.D. PHAM QUOC KHANH

• Ph.D TRAN MANH HA

• Master. NGUYEN THANH TUNG

Banking Academy

ABSTRACT:

The strong development of digital technology and digital economy has made huge and rapid changes in all aspects of life, including payment services. Especially, in the context of the Covid-19 pandemic, it is necessary to ensure continuous and smooth payment services in order to facilitate business activities. It requires countries to have policies to manage and promote payment services effectively. This article presents highlights of payment services in the initial stage of digital economy development in Vietnam.

Keywords: Payment, payment intermediary, digital economy.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 29+30, tháng 12 năm 2020]