Tối đa hóa dòng vốn FDI đối với nền kinh tế

Tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2020 vừa qua, Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã khuyến cáo Việt Nam như vậy.
FDI
Covid-19 đẩy nhanh quá trìnhchuyển dịch của chuỗi giá trị toàn cầu và hệ thống đầu tư

 

Diễn đàn năm nay có Chủ đề: "Việt Nam: Hành động để phục hồi tăng trưởng nhanh theo hướng bền vững và bao trùm trong bối cảnh đại dịch COVID-19".

Diễn đàn diễn ra trong bối cảnh đầy thách thức đòi hỏi Việt Nam phải có những điều chỉnh trong việc xây dựng kế hoạch phát triển trung hạn và chiến lược dài hạn.

COVID-19 làm trầm trọng hóa thêm các xu hướng tăng trưởng chậm của thương mại, GDP và năng suất kể từ cuộc khủng hoảng toàn cầu 2007-09 và làm xáo trộn mạng lưới sản xuất toàn cầu trên quy mô chưa từng có.

Đại sứ Australia tại Việt Nam, Bà Robyn Mudie cho biết: “Cam kết tăng trưởng đồng đều và bền vững sẽ giúp Việt Nam vượt qua những thách thức kinh tế do COVID-19 tạo ra, và giúp nền kinh tế phát triển mạnh trong một thế giới hậu COVID”.

Tuy nhiên, bên cạnh các thách thức, đại dịch COVID-19 cũng có thể mang lại những cơ hội có lợi cho các nước đang phát triển.

Các đại biểu tham gia diễn đàn - bao gồm các nhà hoạch định chính sách, các nhà kinh tế và các nhà điều hành khu vực tư nhân đã xác định hai xu hướng lớn quan trọng nhất đối với Việt Nam:

Một là sự chuyển dịch của chuỗi giá trị toàn cầu và hệ thống đầu tư;

Hai là sự trỗi dậy của nền kinh tế không tiếp xúc.

Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, hai xu hướng không hoàn toàn mới nhưng đang tăng tốc nhờ COVID-19.

thu hút FDI
Việt Nam cần tối ưu hóa dòng vốn FDI thông qua chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực

 

Nếu Việt Nam thực hiện cải cách trong hai lĩnh vực này quyết liệt, hiệu quả như cách xử lý cuộc khủng hoảng y tế COVID-19, thì Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng hai xu hướng trên để quay lại con đường tăng trưởng nhanh và đạt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

"Thách thức đối với Việt Nam không nhất thiết phải là thu được dòng vốn FDI lớn hơn mà là tối đa hóa tác động của nó đối với nền kinh tế trong nước thông qua chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực".

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

Tham luận của các diễn giả tại Diễn đàn cho thấy, COVID-19 làm phát lộ sự mong manh của các chuỗi giá trị toàn cầu vốn tập trung quá mức tại một số địa điểm.

Nhưng Đại dịch cũng tạo ra động lực mới cho việc định hình lại mạng lưới sản xuất toàn cầu theo hướng linh hoạt hơn, xu hướng này thực tế đã diễn ra từ trước đó do tình trạng chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng.

Việc rút ngắn chuỗi giá trị toàn cầu và đa dạng hóa các điểm cung cấp mang đến cơ hội đặc biệt cho Việt Nam tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực.

Ngân hàng Thế giới ước tính rằng tăng mức độ tham gia chuỗi giá trị lên 1% sẽ làm tăng mức thu nhập bình quân đầu người lên hơn 1% - gấp đôi so với tham gia vào thương mại thông thường.

Hòa Vang