Trực tiếp từ Hội nghị: Liên kết - chìa khóa bảo đảm chuỗi cung ứng hàng Việt Nam trong tình hình mới

Tham luận tại Hội nghị “Giữ vững mối liên kết đảm bảo chuỗi cung ứng hàng Việt Nam, hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đại diện Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương khẳng định, liên kết - bản thân nó đã là một giải pháp quan trọng, là chìa khóa quan trọng khi chúng ta phải thích nghi với “tình hình mới”.
Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Lê Việt Nga
Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Lê Việt Nga

 

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Lê Việt Nga cho biết, tính chung 11 tháng đầu năm 2021, ngành bán lẻ hàng hóa vẫn chiếm tỷ trọng lớn (83,1%) trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước; trong đó nhóm hàng lương thực, thực phẩm vẫn tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2020 do là nhóm hàng thiết yếu hàng ngày của người dân kể cả giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt  299,67 tỷ USD, tăng  17,5% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11/2021 ước tính tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo bà Lê Việt Nga, có được kết quả này là nhờ vào sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự phối hợp, liên kết chặt chẽ của các Bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương với các địa phương, doanh nghiệp để nỗ lực triển khai các biện pháp bảo đảm nguồn cung, hỗ trợ lưu thông, phân phối hàng hoá để đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân và doanh nghiệp, hợp tác xã. Đặc biệt, việc triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” bền bỉ, liên tục trong hơn 11 năm qua là một trong những giải pháp quan trọng hỗ trợ và làm tăng cường thêm các mối liên kết này. Báo cáo của Vụ Thị trường trong nước nêu 7 mối liên kết:

Thứ nhất, liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước

Việc liên kết thông qua công tác chỉ đạo, phối hợp tổ chức các chương trình bình ổn thị trường, kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của gần 100 triệu người dân và hàng trăm ngàn doanh nghiệp.

Từ khi bắt đầu đợt dịch thứ 4 đến nay, Bộ Công Thương đã có hơn 60 văn bản chỉ đạo các địa phương tập trung vào các vấn đề sau đây: (i) Đề nghị địa phương, doanh nghiệp tăng cường dự trữ, đảm bảo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; (ii) Tạo điều kiện thuận lợi trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa; (iii) Duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19 (iv) Xúc tiến thương mại, hỗ trợ xuất nhập khẩu, logistics và tăng cường quản lý thị trường.

Để tăng cường mối liên kết, duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa cho người dân, Bộ Công Thương đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Chỉ đạo các Sở, ngành liên quan tại địa phương căn cứ điều kiện thực tế, đặc thù của từng cơ sở thương mại, chợ, cửa hàng tiện lợi để nghiên cứu mở các điểm này trên cơ sở đáp ứng quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành khác (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch...) tổ chức các chương trình kết nối, tiêu thụ sản phẩm giữa nhà cung ứng địa phương với hệ thống phân phối, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu và các tổ chức XTTM theo vùng và các nhóm sản phẩm tiềm năng thông qua nhiều hình thức như trực tuyến, ứng dụng môi trường số hoặc trực tiếp nếu dịch bệnh được kiểm soát.

Đồng thời, lồng ghép hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại thị trường trong nước thông qua các chương trình thuộc Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030”, Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vân động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2021-2025, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)...

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành như Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông...  liên tục có các văn bản hướng dẫn, đề nghị gửi các địa phương nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân, doanh nghiệp khi vận chuyển hàng hóa qua các chốt kiểm dịch nhằm điều phối cung ứng hàng hóa thiết yếu cho thị trường, kịp thời xử lý các khó khăn trong lưu chuyển hàng hóa nhằm không làm đứt gẫy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu trong lúc dịch bệnh căng thẳng. Đặc biệt, ngay tại Bộ Công Thương, các đơn vị trong Bộ cũng đã phối hợp nhịp nhàng, liên tục, lồng ghép các nội dung hỗ trợ kết nối duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa sản xuất trong nước thông qua các chương trình, nhiệm vụ thường xuyên.

Thứ hai, liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp

Ngày 09 tháng 9 năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 đã nêu rõ quan điểm “Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, đơn vị, bảo đảm hiệu quả, thực chất trong xử lý các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh”, trong đó Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương “hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến; kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm trên môi trường số; tiếp tục hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại thị trường trong nước…”.

Để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phân phối, trên cơ sở theo dõi nắm bắt tình hình và đề xuất của doanh nghiệp, hiệp hội, Bộ Công Thương đã có các văn bản đề xuất kiến nghị như: (i) Đề xuất ưu tiên tiêm phòng vắc xin cho người lao động trong chuỗi cung ứng phân phối hàng hóa; (ii) Đề xuất Bộ Quốc phòng hỗ trợ về nguồn nhân lực (bán hàng, giao hàng, kho vận, tài xế); (iii) Bộ Y tế về tiêm vắc xin hướng dẫn phương án xử lý trong trường hợp có ca F0 tại cửa hàng, kho hàng; (iv) phối hợp Bộ Giao thông vận tải ban hành các văn bản để tháo gỡ khó khăn về cấp thẻ ưu tiên; (v) Hướng dẫn mở lại chợ tại các vùng bị ảnh hưởng dịch nặng đã giúp dần khôi phục lưu thông phân phối hàng hóa tại chợ truyền thống,...

Bộ Công Thương đã thành lập các đường dây nóng tại Vụ Thị trường trong nước, Tổ công tác đặc biệt phía Nam để tiếp nhận và xử lý khó khăn của doanh nghiệp trong những tháng cao điểm chống dịch. Song song với đó là triển khai đồng thời các hoạt động như đơn giản hóa thủ tục hành chính; Thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án để đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ để nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi số thông qua ứng dụng thương mại điện tử để mở rộng thị trường bằng các kênh phân phối hiện đại, kết hợp với thanh toán điện tử và giao vận hiện đại; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi phân phối sản phẩm trong nước và nước ngoài; hỗ trợ xây dựng thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ Việt Nam chất lượng cao, được người tiêu dùng tin cậy, phù hợp với các cam kết quốc tế và các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới; đẩy mạnh lưu thông và triển khai đồng bộ, linh hoạt các giải pháp kích thích tiêu dùng hàng Việt Nam”…

hàng Việt

Thứ ba, liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp

Triển khai hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, với trọng tâm là xây dựng Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị giai đoạn 2021-2025 với các hỗ trợ về thị trường, hỗ trợ liên kết sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phát triển thương hiệu, hỗ trợ về tiêu chuẩn kỹ thuật, đo lường chất lượng, hỗ trợ về tài chính tín dụng, hỗ trợ sản xuất thử nghiệm...

Trong thời gian qua, triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các doanh nghiệp đã thường xuyên phối hợp, liên kết và hợp tác từ khâu sản xuất, phân phối, lưu thông và kinh doanh hàng hoá đến tay người tiêu dùng, tạo ra chuỗi cung ứng hàng hoá vững vàng, không để bị đứt gãy trong thời gian dịch bệnh. Vừa qua, tại Hội nghị kết nối cung – cầu giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành năm 2021 với sự tham gia của 600 doanh nghiệp đến từ 45 tỉnh, thành phố trên cả nước đã ký kết được gần 600 biên bản hợp tác lẫn nhau.

Thứ tư, liên kết giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã

Trong thời gian qua, các doanh nghiệp phân phối đã thường xuyên kết nối với các hợp tác xã nhằm thu mua, hướng dẫn người nông dân, hộ kinh doanh nhỏ lẻ, hợp tác xã phân phối và lưu thông hàng hóa ra thị trường, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng, xuất khẩu gặp khó khăn, các thương lái “hạn chế hoạt động”.  Thông qua các hoạt động kết nối cung cầu đã tiêu thụ được hàng ngàn tấn nông sản của hợp tác xã tại các tỉnh như Bắc Giang, Hải Dương, Nghệ An, các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ,... từ đó tạo ra các chuỗi cung ứng an toàn...

Thứ năm, liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước với tổ chức chính trị, xã hội

Cụ thể với Hội Nông dân, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam…, nhằm tìm ra tiếng nói chung với người dân và doanh nghiệp. Hiện nay, Bộ Công Thương đang phối hợp với UBMTTQ Việt Nam chuẩn bị nội dung hợp tác với mục địch “Phát huy hiệu quả vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức các cấp, người lao động, các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và toàn xã hội, từ đó tích cực hưởng ứng và tham gia Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, góp phần đạt “Mục tiêu kép” trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19”.

Thứ sáu, liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và truyền thông

Nhằm thông tin kịp thời, nhanh chóng các chương trình, định hướng của Đảng và Chính phủ trong quá trình phòng, chống dịch đến rộng rãi người dân. Bộ Công Thương đã ký kết thoả thuận hợp tác với 1 số cơ quan truyền thông lớn như VTV, VOV…, đồng thời thường xuyên phối hợp với cơ quan truyền thông để cung cấp tin bài kịp thời.

Thứ bảy, liên kết giữa địa phương và địa phương

Ngày 02/12/2021, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với các tỉnh, thành trên cả nước tổ chức Hội nghị kết nối cung – cầu giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành năm 2021 với sự tham gia của 600 doanh nghiệp đến từ 45 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Chương trình hợp tác thương mại, Hội nghị Kết nối cung – cầu hàng hóa được tổ chức thường kỳ hàng năm đã trở thành nơi gặp gỡ giao thương giữa hệ thống phân phối, nhà tiêu thụ Thành phố Hồ Chí Minh với nhiều nhà cung cấp có uy tín với nhiều sản phẩm chất lượng, sản phẩm làng nghề, sản phẩm của các Hợp tác xã...., tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đầu mối tiêu thụ lớn các mặt hàng nông sản thực phẩm của các tỉnh, thành phía Nam, đa dạng ngành hàng, mặt hàng, mở rộng thị trường tiến tới xuất khẩu cùng với sự vững vàng của các hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại đang tham gia chương trình Bình ổn thị trường của Thành phố. Chương trình là một trong chuỗi các sự kiện thuộc Chương trình “Tháng khuyến mãi tập trung” được Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức từ ngày 15/11/2021 đến ngày 31/12/2021.

Ngành nông nghiệp Hà Nội cũng đã và đang chủ động đẩy mạnh phối hợp với các địa phương, kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tiêu thụ nông sản, thực phẩm… bảo đảm nguồn cung cho thị trường thủ đô, góp phần quảng bá cho nông sản các vùng miền trên cả nước. Thành phố đã phối hợp tổ chức thực hiện trên 80 cuộc giao thương, kết nối tiêu thụ hàng hóa giữa doanh nghiệp Hà Nội và các tỉnh, thành phố; hỗ trợ các tỉnh, thành phố tổ chức 20 tuần lễ trái cây, nông sản thực phẩm các địa phương tại Hà Nội quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng; kết nối, tiêu thụ các sản phẩm nông sản thực phẩm khi xảy ra tình trạng khủng hoảng thừa nhất thời.

Có thể nói, mối liên kết - bản thân nó đã là một giải pháp quan trọng, là chìa khóa quan trọng trong bất kỳ thời điểm nào, nhưng khi dịch bệnh Covid-19 đến, bùng phát nghiêm trọng hay khi chúng ta phải thích nghi với “tình hình mới” thì chiếc chìa khóa đó lại phát huy tác dụng hơn bao giờ hết, để từ đó góp phần giữ vững chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước. Sự đứt gãy chuỗi cung ứng đầu vào - đầu ra khi các địa phương kiểm soát việc đi lại, lưu thông trên địa bàn đã trở thành khó khăn với các doanh nghiệp khi di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác vào thời gian đầu dịch bệnh bùng phát nặng nề ở TP. Hồ Chí Minh. Đây là hậu quả của sự đứt gẫy các mối liên kết. Tuy nhiên, tình trạng này đã được khắc phục kịp thời với sự phối kết hợp chặt chẽ từ các cơ quan quản lý nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức chính trị xã hội... giúp duy trì các mối liên kết như đã nêu trên.

Cuối cùng, đại diện Vụ Thị trường trong nước khẳng định, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai những giải pháp đã được thực tiễn chứng minh hiệu quả cũng như phối hợp các cơ quan liên quan để tiếp tục triển khai các chương trình trọng điểm và Chỉ thị số 28/CT-TTg về việc tăng cường triển khai Cuộc vận động trong tình hình mới; Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19 tháng 5 năm 2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới để tăng cường thực hiện Cuộc vận động trong thời gian tới trong bối cảnh đất nước tiếp tục hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ và đặc biệt là những tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đối với nền kinh tế, yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở trung ương bao gồm 10 Bộ, ngành và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tích cực tham gia:

Một là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động để người tiêu dùng trong và ngoài nước biết, hiểu, đánh giá đúng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, khả năng sản xuất, kinh doanh; tiếp tục thực hiện các giải pháp thích hợp để khuyến khích, định hướng tiêu dùng và vận động nhân dân tích cực sử dụng hàng Việt Nam.

Hai là, đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền về Cuộc vận động bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp tới các cơ quan, đơn vị và tổ chức chính trị - xã hội, nhằm khuyến khích và ưu tiên thực hiện mua hàng Việt Nam khi có nhu cầu mua sắm bằng nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước.

Ba là, tiếp tục tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức rõ vai trò, lợi ích và hiệu quả của việc tham gia Cuộc vận động, trách nhiệm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; từng bước xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam không chỉ tại thị trường trong nước mà còn từng bước vươn ra thị trường khu vực và thế giới; vận động các doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh trong nước khi thực hiện các dự án, công trình thì ưu tiên mua sắm, sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được và dịch vụ trong nước bảo đảm chất lượng.

Bốn là, công bố thường xuyên, kịp thời danh mục quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia mới ban hành; thông tin chính thức về diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là hàng hóa sản xuất trong nước trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Năm là, rà soát các chính sách, đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kích thích tiêu dùng hàng Việt Nam; thiết lập các kênh phân phối hàng hóa, phát triển thị trường nội địa; ứng dụng thương mại điện tử trong công tác mở rộng thị trường trong và ngoài nước; kiểm tra, kiểm soát thị trường; tăng cường các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Hoàng Biên