Tóm tắt:
Để đảm bảo tính pháp lý của hoạt động áp dụng tập quán trong quản lý xã hội của Nhà nước, đòi hỏi việc áp dụng phải thuộc trường hợp được phép áp dụng và tuân theo các nguyên tắc nhất định. Tuy nhiên, các quy định pháp luật hiện hành về vấn đề này chưa đảm bảo sự thống nhất, điều này đã gây ra những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn áp dụng. Bài viết tập trung phân tích các quy định pháp luật Việt Nam hiện hành trong một số lĩnh vực về áp dụng tập quán để xác định trường hợp và nguyên tắc áp dụng tập quán, nêu ra những vấn đề còn bất cập trong các quy định đó và đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật.
Từ khóa: tập quán, áp dụng tập quán, nguyên tắc áp dụng tập quán, trường hợp áp dụng tập quán.
1. Đặt vấn đề
Trong hệ thống công cụ quản lý xã hội, mỗi loại công cụ có vị trí, vai trò khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, tôn giáo,… của mỗi quốc gia. Trong lịch sử, có những thời kỳ các quy phạm xã hội như tập quán, đạo đức, tín điều tôn giáo giữ vị trí hàng đầu trong hệ thống công cụ quản lý xã hội. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, vị trí, vai trò của pháp luật trong hệ thống công cụ quản lý xã hội ngày càng được củng cố và nâng cao. Pháp luật trở nên có ưu thế hơn so với các quy phạm xã hội khác. Hiện nay, hầu như các quốc gia đều xác định tập quán là loại nguồn bổ sung của pháp luật và chỉ được áp dụng khi không có điều khoản nào của văn bản quy phạm pháp luật quy định về vấn đề cần giải quyết, tuy nhiên, cũng có những trường hợp ngoại lệ thứ bậc ưu tiên áp dụng tập quán có thể vượt trên văn bản quy phạm pháp luật[1].
Ở Việt Nam hiện nay, văn bản quy phạm pháp luật được xác định là loại nguồn chủ yếu và quan trọng nhất trong điều chỉnh các quan hệ xã hội. Tập quán được xác định là một loại nguồn bổ sung của pháp luật. Với tư cách là loại nguồn bổ sung của pháp luật, việc áp dụng tập quán chỉ được thực hiện trong những trường hợp nhất định và phải tuân theo những nguyên tắc nhất định. Bài viết sẽ phân tích các quy định về áp dụng tập quán để nhận diện trường hợp và nguyên tắc áp dụng tập quán trong quản lý xã hội của Nhà nước ở Việt Nam hiện nay.
2. Trường hợp áp dụng tập quán trong quản lý xã hội của Nhà nước ở Việt Nam hiện nay
Về trường hợp áp dụng tập quán trong quản lý xã hội của Nhà nước ở Việt Nam hiện nay thì trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có sự quy định không thống nhất.
Trong quan hệ dân sự, khoản 2 Điều 5 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán”. Về cơ bản quy định này mang tính kế thừa Bộ luật Dân sự năm 2005. Cụ thể, Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì có thể áp dụng tập quán”. Mặc dù vậy, với một sự thay đổi nhỏ trong cấu trúc câu và ngôn từ sử dụng, ý nghĩa của 2 quy định này lại có sự khác biệt đáng kể. Theo Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì pháp luật được ưu tiên áp dụng đầu tiên, hay nói một cách chính xác hơn pháp luật có giá trị bắt buộc phải áp dụng, khi đã có quy định pháp luật thì tập quán không được áp dụng. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì đã có sự ưu tiên thừa nhận thỏa thuận của các bên hơn trong việc thiết lập, thực hiện các quan hệ dân sự so với việc áp dụng các quy định pháp luật. Sự thay đổi này là phù hợp với bản chất của quan hệ dân sự, đảm bảo tốt hơn quyền tự do, tự nguyện, thỏa thuận trong xác lập, thực hiện quan hệ dân sự của các bên. Khi thỏa thuận các bên có thể lựa chọn áp dụng tập quán để điều chỉnh quan hệ của mình.
Như vậy, trong quan hệ dân sự, thỏa thuận của các bên được xác định là căn cứ đầu tiên để điều chỉnh quan hệ; nếu các bên không có thỏa thuận thì áp dụng các quy định pháp luật tương ứng; nếu pháp luật chưa có quy định thì áp dụng tập quán. Trường hợp “pháp luật không quy định” có thể được hiểu là việc Nhà nước chưa đặt ra quy định hoặc đã có quy định mang tính nguyên tắc và Nhà nước cho phép được áp dụng tập quán. Chẳng hạn, việc áp dụng tập quán về quyền nhân thân[2]; về xác định ranh giới giữa các bất động sản[3]; về hình thức họ, hụi, biêu, phường[4]… thì không phải là trường hợp pháp luật không quy định mà là trường hợp pháp luật quy định nguyên tắc cho phép áp dụng tập quán.
Ngoài ra, Bộ luật Dân sự năm 2015 còn quy định về việc cho phép các bên trong quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được lựa chọn áp dụng tập quán trong trường hợp việc áp dụng đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam[5].
Có thể nói, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có sự thay đổi tích cực, cởi mở hơn khi quy định về trường hợp áp dụng tập quán. Tuy nhiên, việc quy định “có thể áp dụng tập quán” khiến cho quy định này chưa thực sự đảm bảo được tính chuẩn mực, chưa ràng buộc được nghĩa vụ áp dụng tập quán của các chủ thể có thẩm quyền trong việc giải quyết các vụ việc cụ thể, bởi nó có thể khiến các chủ thể hiểu đây là một quy định mang tính chất tùy nghi có thể áp dụng hay không áp dụng tập quán đều được. Điều này có thể dẫn tới tình trạng các chủ thể có thẩm quyền áp dụng có thể dựa vào đó để từ chối áp dụng tập quán trong trường hợp có thể áp dụng tập quán để giải quyết vụ việc. Từ nghiên cứu thực tiễn, một tác giả cho rằng: “Thông thường, Tòa án sẽ không lựa chọn tập quán để áp dụng mà lại chọn cách áp dụng quy định tương tự của pháp luật, nên quy định việc áp dụng tập quán sẽ kém hiệu quả trên thực tế”[6]. Cách giải quyết này đã vi phạm nguyên tắc về thứ tự ưu tiên áp dụng các loại nguồn của pháp luật và có nguy cơ làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của các chủ thể có liên quan. Thiết nghĩ, để việc áp dụng tập quán được hiệu quả, đảm bảo nguyên tắc về thứ tự ưu tiên áp dụng các loại nguồn của pháp luật thì các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Dân sự năm 2015 cần quy định rõ về vấn đề này theo hướng quy định nghĩa vụ phải áp dụng tập quán khi thuộc trường hợp áp dụng của các chủ thể có thẩm quyền giải quyết vụ việc.
Trong quan hệ thương mại, Điều 13 Luật Thương mại năm 2005 quy định tập quán được áp dụng trong hoạt động thương mại khi: pháp luật không có quy định, các bên không có thoả thuận và không có thói quen đã được thiết lập giữa các bên. Như vậy, theo quy định này, tập quán có thứ tự áp dụng sau quy phạm pháp luật; thỏa thuận của các bên; thói quen của các bên. Nói cách khác, nếu không có cả 3 loại căn cứ này thì tập quán thương mại mới được áp dụng.
Tuy nhiên, đối với tập quán thương mại quốc tế, áp dụng cho các quan hệ thương mại có yếu tố nước ngoài thì Luật Thương mại năm 2005 quy định khá cởi mở về trường hợp áp dụng. Cụ thể, tập quán thương mại quốc tế được áp dụng trong 2 trường hợp: (i) khi điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định áp dụng; (ii) khi các bên trong quan hệ thỏa thuận áp dụng (đáp ứng điều kiện tập quán được lựa chọn không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam)[7]. Rõ ràng, việc áp dụng tập quán trong cả 2 trường hợp này không phải do không có quy phạm pháp luật. Quy định này đã tạo cho các chủ thể cơ hội lựa chọn áp dụng tập quán thương mại quốc tế hoặc pháp luật khi cả 2 loại quy phạm này cùng tồn tại và cùng có thể được áp dụng điều chỉnh quan hệ mà các bên tham gia.
Trong quan hệ hôn nhân và gia đình, khoản 1 Điều 7 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định tập quán được áp dụng trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận. Nghị định 126/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đã giải thích: “các bên không có thỏa thuận” được hiểu là các bên không có thỏa thuận về áp dụng tập quán và cũng không có thỏa thuận khác về vụ, việc cần được giải quyết. Trường hợp các bên có thỏa thuận về tập quán được áp dụng thì giải quyết theo thỏa thuận đó[8]. Như vậy, trong quan hệ hôn nhân và gia đình: nếu có quy định pháp luật thì áp dụng quy định pháp luật đó; nếu không có quy định pháp luật thì áp dụng thỏa thuận của các bên - các bên được thỏa thuận về áp dụng tập quán; nếu không có thỏa thuận của các bên thì tập quán được “chỉ định” áp dụng để giải quyết vụ việc.
Ngoài ra, trong một số luật chuyên ngành cũng có quy định về trường hợp áp dụng tập quán. Một số quy định chỉ cho phép áp dụng trong trường hợp pháp luật chưa có quy định[9]; một số trường hợp khác cho phép các chủ thể lựa chọn tập quán để điều chỉnh quan hệ của mình dù quan hệ đó có thể đã có các quy định pháp luật có thể điều chỉnh[10].
3. Nguyên tắc áp dụng tập quán trong quản lý xã hội của Nhà nước ở Việt Nam hiện nay
Tập quán là loại quy tắc hình thành từ đời sống xã hội, thể hiện ý chí, sự đồng thuận của cộng đồng, không phải là ý chí của Nhà nước. Vì vậy, việc áp dụng tập quán phải tuân theo những nguyên tắc nhất định để đảm bảo tính pháp lý trong hoạt động áp dụng. Các quy định trong một số lĩnh vực như dân sự, thương mại, HN&GĐ cũng đã nêu ra các nguyên tắc áp dụng tập quán[11]. Từ các quy định đó, có thể rút ra các nguyên tắc cơ bản trong áp dụng tập quán trong quản lý xã hội ở Việt Nam hiện nay, bao gồm:
Thứ nhất, việc áp dụng tập quán phải phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật
Nguyên tắc cơ bản của pháp luật là nền tảng của hệ thống pháp luật. Nói cách khác, nguyên tắc cơ bản của pháp luật chính là cơ sở cho việc xây dựng, thực hiện pháp luật nói chung và áp dụng pháp luật nói riêng. Áp dụng tập quán trong quản lý xã hội của Nhà nước là áp dụng pháp luật, vì vậy, việc áp dụng tập quán phải phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật.
Trong lĩnh vực dân sự, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự được quy định tại Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015. Ngoài quy định chung này, những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động thương mại được quy định từ Điều 10 đến Điều 15 Luật Thương mại năm 2005; những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình được quy định tại Điều 2 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Bên cạnh việc thể hiện sự đặc thù của mỗi chuyên ngành thì nhìn chung, các quy định này đều đảm bảo tính thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự. Vấn đề là, có nhiều nguyên tắc cơ bản nhưng hiện không có quy định nào xác định những nguyên tắc cơ bản nào được coi là cơ sở để đánh giá tính đúng đắn, phù hợp của việc áp dụng tập quán. Vậy liệu việc áp dụng tập quán có nhất thiết phải tuân thủ tất cả các nguyên tắc đó không? Thiết nghĩ, việc áp dụng tập quán cần đảm bảo các nguyên tắc cơ bản của pháp luật, như sau:
Một là, việc áp dụng tập quán phải bảo đảm cho các cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử. Các quy tắc tập quán không bảo đảm điều kiện này thì sẽ không được phép áp dụng. Chẳng hạn, tập quán của một số dân tộc theo chế độ mẫu hệ như người Ê Đê ở Đắk Lắk chỉ cho người con gái hưởng thừa kế do cha mẹ để lại; hoặc tập quán cấm kết hôn giữa những người cùng họ, tập quán thách cưới của nhiều dân tộc thiểu số… sẽ không được thừa nhận áp dụng vì những tập quán này không đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giữa các chủ thể, thậm chí gây cản trở đến việc thực hiện các quyền tự do của cá nhân.
Hai là, việc áp dụng tập quán không được vi phạm điều cấm của luật. Như đã biết, tập quán là loại quy phạm đặc thù gắn với các cộng đồng nhất định, hướng tới lợi ích riêng của cộng đồng, duy trì trật tự của cộng đồng. Trong khi đó pháp luật là loại quy phạm mang tính phổ quát chung cho toàn xã hội, nhằm mang lại lợi ích quốc gia, duy trì trật tự chung. Do vậy, việc áp dụng tập quán phải trên cơ sở pháp luật, không được vi phạm điều cấm của luật. Nói cách khác, lợi ích chung, trật tự chung phải được ưu tiên hơn so với lợi ích riêng của các nhóm xã hội.
Ba là, việc áp dụng tập quán không được trái với các chuẩn mực đạo đức xã hội. Khi nghiên cứu về đạo đức, một tác giả nhận định: đạo đức là lẽ phải ở đời, là nguyên lý tự nhiên của cuộc sống. Chính vì vậy, có thể nói, mọi quan hệ giữa con người với nhau đều phải được diễn ra trên nền tảng đạo đức. Quan hệ xã hội chỉ được khuyến khích, củng cố khi phù hợp với những chuẩn mực đạo đức xã hội, trái lại nó sẽ chịu sự phản đối, sự tẩy chay của dư luận xã hội. Do vậy, điều chỉnh quan hệ xã hội bằng các công cụ khác phải thuận chiều với sự điều chỉnh bằng đạo đức[12]. Các chuẩn mực đạo đức tiến bộ, tốt đẹp của dân tộc là nhân tố quan trọng đảm bảo cho đời sống xã hội có trật tự, phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững. Tuy nhiên, cần lưu ý, các chuẩn mực đạo đức cũng mang tính lịch sử, một quan niệm, quy tắc đạo đức nào đó có thể là chuẩn mực ứng xử trong thời đại này nhưng sang thời đại khác có thể không còn giá trị. Bởi vậy, các chuẩn mực đạo đức cần tuân theo chỉ bao gồm những chuẩn mực đạo đức đang thịnh hành trong xã hội đương đại.
Bốn là, việc áp dụng tập quán không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác. Tập quán tồn tại trên thực tế rất đa dạng. Một tập quán cụ thể có thể có lợi cho cá nhân, cộng đồng, nhóm xã hội này nhưng lại không có lợi cho cá nhân, cộng đồng, nhóm xã hội khác. Vì vậy, để đảm bảo lợi ích chung của cộng đồng cũng như quyền và lợi ích chính đáng của các chủ thể trong xã hội thì việc áp dụng tập quán phải bảo đảm nguyên tắc không xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích chính đáng của người khác. Tuân thủ nguyên tắc này không chỉ tạo ra sự công bằng, bình đẳng trong các quan hệ xã hội mà còn góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.
Thứ hai, chỉ áp dụng những tập quán có nguồn gốc và nội dung rõ ràng
Trước hết, tập quán phải có nguồn gốc rõ ràng, tức là, phải xác định được tập quán đó thuộc vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư hoặc thuộc lĩnh vực nào của đời sống. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, bởi đây không chỉ là căn cứ để lựa chọn tập quán áp dụng (theo phạm vi điều chỉnh), mà còn là giải pháp để giải quyết những tình huống xung đột trong áp dụng tập quán[13]. Chẳng hạn, khoản 2 Điều 29 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Cá nhân khi sinh ra được xác định dân tộc theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ. Trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ theo thoả thuận của cha đẻ, mẹ đẻ; trường hợp không có thỏa thuận thì dân tộc của con được xác định theo tập quán; trường hợp tập quán khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo tập quán của dân tộc ít người hơn”. Như vậy, dựa vào nguyên tắc này, các chủ thể có thẩm quyền sẽ xác định được tập quán cần áp dụng và giải quyết được vấn đề xung đột trong áp dụng tập quán.
Ngoài ra, tập quán phải có nội dung rõ ràng. Một thói quen tồn tại trên thực tế chỉ được Nhà nước thừa nhận trở thành nguồn của pháp luật khi đảm bảo tính quy phạm. Nói cách khác, nội dung của tập quán phải chứa đựng các quy tắc xử sự cụ thể “để các chủ thể liên quan có thể hiểu được, thực hiện được; hoặc nếu họ không phải là người thực hiện thì họ cũng có thể đánh giá được tính phù hợp hay không phù hợp tập quán của những hành vi của người khác”[14]. Chẳng hạn, trong quan hệ hôn nhân, tập quán của người M’Nông quy định về phạt khi đã hứa hôn mà còn quan hệ với người khác hay hủy hôn: “...Anh đã hứa hôn, dấu cắt còn trên chuôi dao; … Quan hệ với phụ nữ, bị phạt một hũ rượu đền; Từ chối kết hôn với con cái nhà cậu phạt một con trâu”[15]. Hoặc người Kơ Ho có tập quán về xử lý hành vi trộm cắp: “Ăn cắp điếu đồng phạt con dê; Ăn cắp điếu le phạt con trâu”[16]. Có thể thấy, nội dung các tập quán này đã xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên trong các quan hệ. Dựa vào nội dung tập quán, các bên trong quan hệ có thể nhận biết được các quyền và nghĩa vụ của mình để thực hiện. Trong trường hợp phát sinh tranh chấp thì dựa vào nội dung tập quán, chủ thể có thẩm quyền giải quyết vụ việc cũng dễ dàng xác định được tập quán đó có trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật hay không; có vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội hay không; có liên quan đến vụ việc cần giải quyết hay không;… Tức là, xác định được tập quán đó có phù hợp để lựa chọn áp dụng khi giải quyết vụ việc đó hay không. Nếu tập quán đó phù hợp và được lựa chọn áp dụng thì chủ thể có thẩm quyền cũng dễ dàng xác định được một cách chính xác quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan.
Thứ ba, chỉ áp dụng những tập quán được thừa nhận và áp dụng rộng rãi
Tập quán được áp dụng phải là những tập quán được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong cộng đồng dân cư, lĩnh vực đời sống nhất định. Điều này đảm bảo cho các chủ thể có thể nhận biết và tuân theo quy tắc tập quán đó trong điều chỉnh các quan hệ của mình. Việc thừa nhận có thể chỉ đòi hỏi ở phạm vi là một cộng đồng dân tộc thường là một bản, làng, buôn, sóc. Việc thừa nhận thể hiện trên thực tế là nhiều người trong bản, làng, buôn, sóc biết đến và áp dụng, do các già làng, người có uy tín trong cộng đồng cung cấp thông tin hoặc xác nhận sự tồn tại của tập quán đó; hoặc trong một ngành nghề nhất định như trong hoạt động nghề nghiệp của các thương nhân, các quy tắc này được các thương nhân thừa nhận và áp dụng khi thiết lập quan hệ với nhau. Đối với tập quán quốc tế thì đòi hỏi phải được các chủ thể của luật quốc tế thừa nhận. Thực chất đây là việc xác định hiệu lực về không gian của tập quán.
Ngoài ra, tập quán được áp dụng phải tồn tại vào thời điểm áp dụng. Nếu một tập quán nào đó mặc dù đã từng tồn tại lâu dài trong đời sống xã hội nhưng ở thời điểm hiện tại nó không còn được sử dụng rộng rãi nữa thì không được thừa nhận áp dụng. Như vậy, khi áp dụng tập quán cũng cần phải xác định hiệu lực về thời gian của tập quán. Việc xác định hiệu lực về thời gian đặt ra vấn đề cần giải quyết trên thực tế, đó là, có nhiều trường hợp thời điểm phát sinh quan hệ và thời điểm có tranh chấp xảy ra khá xa nhau. Vậy nếu tập quán tồn tại và được thừa nhận áp dụng rộng rãi ở thời điểm phát sinh quan hệ nhưng khi xảy ra tranh chấp, tập quán đó không còn tồn tại hoặc không còn được thừa nhận áp dụng rộng rãi nữa thì có áp dụng tập quán đó hay không? Trong trường hợp do có sự biến đổi của nội dung tập quán nên việc áp dụng tập quán tại thời điểm quan hệ phát sinh gây bất lợi hơn cho một bên so với áp dụng tập quán ở thời điểm phát sinh tranh chấp thì nên áp dụng tập quán ở thời điểm nào? Để giải quyết vấn đề này, đảm bảo tính thống nhất trong hoạt động áp dụng tập quán thì tập quán được lựa chọn áp dụng phải là tập quán tại thời điểm phát sinh quan hệ, kể cả trong trường hợp tại thời điểm phát sinh tranh chấp tập quán đó không còn tồn tại hay không còn được áp dụng phổ biến. Nguyên tắc lựa chọn này cũng phù hợp và thống nhất với nguyên tắc chung trong xác định hiệu lực về thời gian của văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ tư, chỉ áp dụng những tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc.
Tập quán hình thành và tồn tại gắn với các điều kiện kinh tế - xã hội nhất định, khi các điều kiện kinh tế - xã hội thay đổi có thể khiến một số tập quán cũ trở nên lỗi thời không còn phù hợp để áp dụng. Do vậy, tập quán được áp dụng chỉ có thể là những tập quán tiến bộ, thể hiện bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng nguyên tắc này đã gặp phải những vướng mắc, bởi chưa có quy định thế nào thì được coi là giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc. Nguyên tắc chung là những tập quán “tốt đẹp” thì được áp dụng. Tuy nhiên, tính chất “tốt đẹp” lại là một giá trị trừu tượng, có thể được hiểu ở nhiều góc độ khác nhau, phụ thuộc vào quan niệm của từng cá nhân, cộng đồng, tầng lớp xã hội. Vì vậy, trong thực tế, rất khó xác định tập quán nào là tốt đẹp có thể áp dụng; tập quán nào không tốt đẹp cần được loại bỏ. Hơn nữa, Việt Nam là một nước đa dân tộc, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng nên trên thực tế, có những trường hợp có sự xung đột giữa tập quán của dân tộc này với dân tộc khác. Một tập quán có thể là bản sắc của dân tộc này nhưng lại bị coi là không phù hợp với dân tộc khác. Do đó, trong trường hợp tồn tại các tập quán khác nhau của các bên trong quan hệ thì các chủ thể có thẩm quyền cũng khó lựa chọn áp dụng tập quán nào để giải quyết.
4. Kết luận
Có thể nói, các quy định về trường hợp áp dụng tập quán trong quản lý xã hội ở Việt Nam hiện nay tương đối cởi mở, các nguyên tắc áp dụng tập quán cũng khá chi tiết. Tuy nhiên, chưa có sự thống nhất trong các quy định về trường hợp áp dụng trong các lĩnh vực khác nhau, một số quy định về trường hợp và nguyên tắc áp dụng còn chưa đảm bảo tính chuẩn mực. Chính những điều này đã gây ra sự thiếu thống nhất trong thực tiễn áp dụng. Biểu hiện trên thực tế của sự thiếu thống nhất có thể là chủ thể có thẩm quyền áp dụng tập quán trong những trường hợp không được phép áp dụng; áp dụng những tập quán có nội dung không rõ ràng, không phù hợp, thậm chí, viện dẫn những cách xử lý mà thực tế không có tập quán có nội dung như vậy. Hoặc có thể là chủ thể có thẩm quyền không áp dụng tập quán trong trường hợp vụ việc có thể áp dụng tập quán để giải quyết.
Ngoài ra, sự thiếu thống nhất cũng có thể là sự vi phạm nguyên tắc về thứ tự ưu tiên áp dụng các nguồn của pháp luật, không tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc áp dụng tập quán,… Để đảm bảo tính thống nhất trong thực tiễn áp dụng, đòi hỏi phải có sự hoàn thiện các quy định pháp luật về vấn đề này. Theo đó, cần xây dựng các quy định mang tính thống nhất và cụ thể hơn về trường hợp áp dụng tập quán theo hướng tôn trọng sự thỏa thuận của các bên về lựa chọn áp dụng tập quán, miễn sao việc thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Cần quy định rõ nghĩa vụ phải áp dụng tập quán của các chủ thể có thẩm quyền trong giải quyết các vụ việc phát sinh khi vụ việc đó thuộc trường hợp có thể áp dụng tập quán nhằm bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng cho các chủ thể có liên quan, bảo vệ trật tự xã hội.
Tài liệu trích dẫn
[1]
- Điều 92 Bộ luật Dân sự Nhật Bản quy định: “Trong trường hợp tập quán khác với các quy định của luật hay pháp luật về trật tự công cộng, mà các bên trong hành vi pháp lý đã thể hiện nguyện vọng tuân thủ tập quán thì tập quán đó có ưu thế”;
- Luật Kết hôn đặc biệt năm 1954 của Ấn Độ quy định: “Trong trường hợp một tập quán về kết hôn đã được công bố công khai trên công báo của Chính phủ có nội dung khác với điều kiện kết hôn được quy định trong Luật, thì việc kết hôn theo tập quán có thể được công nhận”.
[2] Khoản 2 Điều 26, Khoản 2 Điều 29 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[3] Khoản 1 Điều 175 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[4] Khoản 1 Điều 471 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[5] Điều 666 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[6] Tài liệu tọa đàm: Các tập quán điển hình điều chỉnh quan hệ dân sự, thương mại, hôn nhân và gia đình ở Việt Nam và thực tiễn áp dụng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tỉnh Gia Lai, Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai, ngày 18/8/2017.
[7] Xem cụ thể tại Điều 5 Luật Thương mại năm 2005.
[8] Xem: Điều 3 Nghị định 126/2014/NĐ-CP.
[9] Xem: khoản 3 Điều 5 Pháp lệnh ngoại hối năm 2005 (sửa đổi, bổ sung 2013).
[10] Xem: khoản 3 Điều 4 Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006; Khoản 2 Điều 5 Bộ luật Hàng hải năm 2015.
[11] Xem: Điều 5 Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 13 Luật Thương mại năm 2005; khoản 1 Điều 7 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.
[12] Xem: Nguyễn Văn Năm (2012). Quan hệ giữa pháp luật và đạo đức trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam hiện nay. Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Luật Hà Nội, tr.40.
[13] Đinh Thị Tâm (2016). Tập quán và nguyên tắc áp dụng tập quán theo Bộ luật Dân sự 2015. Tạp chí Kinh tế đối ngoại, Số 86, tr.80.
[14] Nguyễn Thị Tuyết Mai (2014). Áp dụng tập quán trong giải quyết các vụ việc dân sự của tòa án nhân dân ở Việt Nam hiện nay. Luận án tiến sĩ Luật học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, tr.43.
[15] Ngô Đức Thịnh, Ngô Văn Lý (2004). Tìm hiểu luật tục các dân tộc ở Tây Nguyên. NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội, tr.221.
[16] Đặng Trọng Hộ (2006). Phát huy mặt tích cực của luật tục trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng để xây dựng thôn buôn văn hóa. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, tr24.
Tài liệu tham khảo:
- Đặng Trọng Hộ (2006). Phát huy mặt tích cực của luật tục trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng để xây dựng thôn buôn văn hóa. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh.
- Nguyễn Thị Tuyết Mai (2014). Áp dụng tập quán trong giải quyết các vụ việc dân sự của tòa án nhân dân ở Việt Nam hiện nay. Luận án tiến sĩ Luật học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội.
- Nguyễn Văn Năm (2012). Quan hệ giữa pháp luật và đạo đức trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam hiện nay. Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Luật Hà Nội.
- Đinh Thị Tâm (2016). Tập quán và nguyên tắc áp dụng tập quán theo Bộ luật Dân sự 2015. Tạp chí Kinh tế đối ngoại, Số 86.
- Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai (2017), Các tập quán điển hình điều chỉnh quan hệ dân sự, thương mại, hôn nhân và gia đình ở Việt Nam và thực tiễn áp dụng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tỉnh Gia Lai, Tài liệu tọa đàm.
- Ngô Đức Thịnh, Ngô Văn Lý (2004). Tìm hiểu luật tục các dân tộc ở Tây Nguyên. NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội, tr.221.
CASES AND PRINCIPLES OF APPLYING CUSTOMS IN THE STATE’S CURRENT SOCIAL MANAGEMENT IN VIETNAM
Master. Dinh Thi Tam
Faculty of Law, Foreign Trade University
Abstract:
To ensure the legitimacy of the application of customs in the state’s social management, it is required that the customs must be applied in certain cases prescribed by law and the application of customs must follow certain principles. However, current regulations of Vietnam on this issue have not yet uniformed, leading to problems in the practical enforcement. This paper analyzes current Vietnam’s regulations on applying customs in some particular fields to determine the cases and principles of customs, andpoints out some inadequacies in the application of customs.
Keywords: customs, application of customs, principles of application of customs, cases of application of customs.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 26, tháng 11 năm 2021]