Vai trò của cố vấn học tập trong tự chủ đại học

THS. NGUYỄN THỊ HỒNG SÂM (Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp)

TÓM TẮT:

Bài viết này bàn về vai trò của cố vấn học tập trong tự chủ đại học. Hiện nay, tự chủ đại học được xem là xu thế phát triển được rất nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng và ở nước ta trong thời gian qua cũng đã tiến hành áp dụng thí điểm cơ chế tự chủ ở một số trường đại học. Việc đổi mới công tác quản lý giáo dục trước yêu cầu tự chủ là vô cùng cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay, góp phần đổi mới cho tất cả các cấp học, đổi mới trong tư duy của học sinh và phụ huynh. Nhưng điều cơ bản, cần đổi mới mạnh mẽ nhất, có lẽ là đó là đội ngũ giáo viên, giảng viên, những người đang nắm vai trò then chốt trong sự nghiệp đổi mới giáo dục nước nhà.

Từ khóa: giảng viên, cố vấn học tập, đổi mới giáo dục bậc đại học.

1. Đặt vấn đề

Thuật ngữ “cố vấn đại học” (CVHT), “giáo viên chủ nhiệm”, “tư vấn học tập”,… để chỉ người được phân công làm nhiệm vụ trợ giúp cho sinh viên trong quá trình học tập. Tuy có khác biệt về tên gọi, song chức năng, nhiệm vụ về cơ bản không khác nhau. CVHT là người tư vấn và hỗ trợ sinh viên phát huy tối đa khả năng học tập, lựa chọn học phần phù hợp để đáp ứng mục tiêu tốt nghiệp và khả năng tìm được việc làm thích hợp; theo dõi thành tích học tập của sinh viên nhằm giúp sinh viên điều chỉnh kịp thời hoặc đưa ra một lựa chọn đúng trong quá trình học tập. Quản lý, hướng dẫn, chỉ đạo lớp được phân công phụ trách đảm bảo các quyền và nghĩa vụ của sinh viên. CVHT là một chức danh trong hệ thống các chức danh của cơ sở đào tạo theo học chế tín chỉ, thường là do Nhà trường quy định. Trưởng khoa chuyên ngành bổ nhiệm CVHT của các lớp chuyên ngành theo ủy quyền của Hiệu trưởng. Một CVHT có thể phụ trách một hoặc một số lớp sinh viên do khoa quy định.

Có thể nói rằng, CVHT đã trở thành một mắt xích quan trọng trong cỗ máy đào tạo của nhà trường. Họ phải là người có thể cung cấp nhiều thông tin hơn cho sinh viên ngoài thông tin về chuyên ngành, chuyên môn của họ, ví dụ như cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ, định hướng phát triển của trường, chương trình và yêu cầu của đào tạo theo tín chỉ và họ còn tư vấn được cho sinh viên về chọn lựa môn học, đăng ký môn học… CVHT phải nắm được những thay đổi căn bản của chương trình đào tạo của các khóa và phải có đủ dữ liệu để cung cấp cho sinh viên khi được hỏi. Vì thế, CVHT không chỉ là nhà giáo, mà còn là những người định hướng, khơi gợi tiềm năng của sinh viên và còn là những người giúp cho sinh viên nhìn nhận lại những vấn đề mà các em đang gặp. Giảng viên có thể giúp các em phát huy khả năng tự quyết định, tự giải quyết vấn đề, đồng thời có thể lựa chọn phương án phù hợp nhất cho mình trong guồng quay của chương trình đào tạo tín chỉ. Như vậy, để làm tốt vai trò của một giảng viên trong hệ thống đào tạo theo tín chỉ, ít nhiều, giảng viên cần có những kỹ năng tư vấn nhất định giúp cho sinh viên tự giúp chính mình.

2. Yêu cầu đối với CVHT trong tự chủ đại học

Trách nhiệm của CVHT là người tư vấn, theo dõi và hỗ trợ SV trong học tập và trong các sinh hoạt xã hội. Để hoàn thành vai trò này, CVHT phải chuẩn bị cho mình một nền tảng vững chắc.

Thứ nhất, CVHT phải tạo được sự tin cậy đối với SV. Để có thể đạt được điều này, CVHT phải quán xuyến được toàn bộ nội dung chương trình học. Có thể thấy được yêu cầu quan trọng này đối với vai trò CVHT quản lí SV năm thứ nhất. Mới chuyển từ môi trường Trung học phổ thông sang đại học, SV bỡ ngỡ rất nhiều. Từ chỗ hoàn toàn lệ thuộc vào giáo viên chủ nhiệm và học tập theo kế hoạch sắp xếp của Trường, Sở, Bộ Giáo dục, SV phải tự lập hoàn toàn: phải tự sắp xếp kế hoạch học tập 4 năm của mình hợp lí, khoa học. Do đó, họ thường xuyên cần sự tư vấn hỗ trợ của CVHT. Có nắm bắt được cụ thể, chính xác chương trình học của SV, CVHT mới có thể tư vấn chi tiết cho SV những điều cần biết. CVHT chính là chỗ dựa duy nhất của SV trong giai đoạn này. Vì vậy, sự hướng dẫn kĩ càng, thông tin chính xác từ CVHT sẽ giúp cho SV đi những bước đầu thuận lợi. Khi đã có được sự tin cậy, công việc sau này của thầy và trò sẽ thuận lợi hơn.

CVHT còn phải luôn luôn cập nhật những thông tin mang tính chất thời sự của Phòng Đào tạo như: thông tin mở mạng cho SV lập kế hoạch học tập từng học kì; thông tin duyệt kế hoạch học tập cho SV; thông tin về việc đăng ký học phần trên mạng đối với các khóa, các lớp; thông tin xóa các nhóm học phần;…

Ngoài ra, CVHT phải là người có kinh nghiệm và hiểu biết trong hầu hết các phong trào. Song song với kết quả học tập, thành tích hoạt động phong trào cũng là một mặt để đánh giá SV. Cho nên, khi bước vào môi trường đại học, câu hỏi SV thường được đặt ra với CVHT là “Em rất muốn tham gia phong trào, em nên tham gia những hoạt động như thế nào?”. Khi đó, CVHT cần thiết phải đưa ra những định hướng tương đối hợp lí và có giá trị thực sự đối với SV. CVHT cần có phân tích cụ thể cùng lời khuyên thiết thực để có thể giúp SV điều hòa được hai mặt học tập và phong trào. Làm sao để SV vừa tham gia hoạt động vừa đảm bảo chất lượng học tập, để những hoạt động mà SV tham gia phải vừa có ý nghĩa xã hội, vừa có ích cho bản thân. Tránh để SV có ý nghĩ sai lầm rằng học tập ở trường đại học chỉ cần điểm rèn luyện là đủ, hoặc ngược lại. Có như vậy, việc tham gia phong trào và học tập mới được điều phối hợp lí, hài hòa.

Thứ hai, CVHT phải là người đồng hành cùng với SV trên mọi nẻo đường. Khi đảm nhận vai trò CVHT, bản thân giảng viên phải nắm bắt tình hình lớp và phải có biện pháp để theo dõi thường xuyên và kịp thời giải quyết các vấn đề xảy ra trong lớp. Để làm được điều này, Bộ môn, Khoa cần hết sức hạn chế việc thay đổi CVHT mà nên để một giảng viên cố vấn một lớp từ năm thứ nhất cho đến khi tốt nghiệp. Bởi vì, muốn xây dựng mối quan hệ, muốn tạo sự tin tưởng lẫn nhau, giữa CVHT và SV cần phải có đủ thời gian hiểu biết lẫn nhau. Một tập thể vững mạnh bao giờ cũng phải được xây dựng dựa trên sự đoàn kết, thống nhất và sự hiểu biết, thông cảm lẫn nhau. Do vậy, sự thay đổi thường xuyên CVHT có thể dẫn đến sự đảo lộn mọi hoạt động của lớp, kể cả kế hoạch học tập của SV. Những trường hợp này xảy ra không nhiều nhưng nếu có xảy ra thì nó thường gây nên những tác động bất lợi.

Thứ ba, CVHT phải là một người nhiệt tình, kiên nhẫn và có tinh thần trách nhiệm. Với vai trò là CVHT, công việc đặt ra đối với họ không phải là ít, trong đó quan trọng và nặng nề nhất là phải theo dõi kế hoạch học tập của SV. Quan trọng bởi lẽ nó quyết định hiệu quả, tiến độ học tập 4 năm của SV. Nặng nề bởi vì “duyệt kế hoạch học tập” không phải chỉ là công việc CVHT lên mạng đánh dấu check vào mục “Duyệt tất cả các học phần” là xong chuyện. CVHT phải duyệt rất nhiều lần cho một SV trong suốt 4 năm đại học. Họ không chỉ duyệt kế hoạch học tập lần đầu ở năm thứ nhất, mà còn phải duyệt trong từng học kì, từng đợt đăng ký học phần của SV. CVHT còn phải rà soát, kiểm tra, đối chiếu điều chỉnh của từng SV trong từng đợt với toàn bộ chương trình học để kịp thời chấn chỉnh nếu SV bỏ sót học phần hoặc đăng ký sai quy trình. Một sự sơ suất nhỏ có thể làm ảnh hưởng rất lớn đến cả tiến độ học tập của SV, do đó đòi hỏi rất cao ở CVHT tinh thần trách nhiệm và nhiệt tình trong công việc. Ngoài ra, CVHT còn phải dành thời gian trong tuần để gặp gỡ SV, để tư vấn, hỗ trợ khi SV cần nhằm kịp thời xử lí các vấn đề, tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra.

3. Giải pháp nâng cao vai trò của cố vấn học tập trong tự chủ đại học

Để hoàn thành được nhiệm vụ của một CVHT, giữa CV và SV cần thiết lập được mối quan hệ tốt đẹp, bền vững. Để xây dựng được mối quan hệ thân thiện, hợp tác giữa CVHT và SV, ngoài việc đề ra yêu cầu cho cả hai phía về phẩm chất và năng lực như đã nêu, CVHT còn phải có những cách thức, biện pháp thực hiện cụ thể, thiết thực. Trên tinh thần hỗ trợ và hợp tác, CVHT phải thỏa thuận với SV những quy định và những “điều khoản” cụ thể trong công việc. Những vấn đề này cần thiết được đưa ra vào buổi gặp mặt giữa CVHT và SV vào đầu năm thứ nhất. Tuỳ theo tình hình thực tế và trường hợp ngoại lệ, những quy định có thể được thay đổi. Để công tác CVHT thực hiện thuận lợi, CVHT nên trao đổi với SV những vấn đề sau:

- Thời gian có thể gặp SV trong tuần.

- Thời gian có thể nhận và nghe điện thoại.

- Công việc và trách nhiệm của ban cán sự, ban chấp hành chi đoàn.

- Phải báo cáo với CVHT nếu có sự điều chỉnh kế hoạch học tập để CVHT dễ dàng theo dõi và kiểm soát tiến độ hoàn thành học phần của SV.

- Thời gian họp lớp định kì.

Những quy định đã nêu trên giữa CVHT và SV là rất cần thiết. Nó giúp cho công tác của hai bên đi vào quỹ đạo, không gây phiền hà và ảnh hưởng đến công việc của nhau. Đồng thời, biện pháp này còn giúp CVHT và SV chủ động về thời gian, công việc và giúp cho CVHT phát huy được vai trò trong công tác.

Bên cạnh đó, CVHT phải đảm bảo tính công bằng, giữa vố vấn và SV phải tôn trọng lẫn nhau. CVHT là người đầu tiên có quyền kí duyệt, xác nhận các yêu cầu, đơn từ của SV như: xin miễn giảm học phí, xin học bổng, xin trợ cấp,… CVHT không nên tiến hành theo cảm tính mà phải dựa trên những cơ sở xác thực, tránh tình trạng có những SV thật sự gặp khó khăn thì không được giải quyết. Có như vậy, người CVHT mới tạo được lòng tin trong SV. CVHT và SV cần thẳng thắn trong việc góp ý lẫn nhau để hiểu rõ nhau hơn và xây dựng mối quan hệ thật sự thân thiện. SV khi gặp vấn đề gì không thỏa đáng về CVHT cần trực tiếp nêu ý kiến. Ngoài ra, CVHT khi đóng góp ý kiến cho SV cần tế nhị. Những việc chung thì đóng góp trước lớp nhưng những vấn đề cá nhân thì cần tư vấn, góp ý kiến riêng. Lứa tuổi của SV vốn dễ nhạy cảm và cũng dễ bị tổn thương. Sự góp ý không khéo léo vô tình sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Thực tế cho thấy, nhiều SV dựa vào sự nhiệt tình, thân thiện của CVHT đã có những hành động, lời nói thiếu tôn trọng đối với CVHT (và cả cán bộ giảng dạy). Điều này nhất thiết phải có sự điều chỉnh. CVHT cũng phải tỏ ra đĩnh đạc, vững vàng trước SV. Mọi công việc phải được xử lí trên mối quan hệ thầy trò, tránh kiểu giao tiếp như người “bằng vai phải lứa”. Có như vậy, khi gặp vấn đề, SV mới không ỷ lại và nghiêm túc giải quyết. Trong bất kì mối quan hệ nào, sự phân định ranh giới là hết sức cần thiết. Đối với quan hệ thầy trò, sự phân định này càng quan trọng và cần thiết hơn. Đây cũng là một yếu tố góp phần đánh giá nhân cách và sự thành công trong công tác của CVHT và SV.

Có thể thấy rằng, vai trò của CVHT là rất quan trọng và hết sức cần thiết đối với SV trong các hoạt động học tập ở bậc đại học. Nhưng CVHT chỉ có thể thực hiện đúng và phát huy hết vai trò khi đặt trong mối quan hệ với SV. Ngược lại, SV có thể hoàn thành tốt chương trình học và nắm bắt đầy đủ các thông tin cần thiết trong học tập khi nhận được sự hướng dẫn và hỗ trợ của CVHT. Cho nên, CVHT và SV là 2 đối tượng cơ bản tương tác lẫn nhau để mỗi bên hoàn thành nhiệm vụ của mình. Việc xây dựng mối quan hệ hợp lí giữa họ là rất cần thiết và quan trọng. Tùy vào từng điều kiện, các vấn đề nêu trên sẽ được xây dựng thành những mục tiêu cụ thể đáp ứng yêu cầu công tác thực tế của CVHT để vai trò của CVHT được hiểu đúng, hiểu đủ và được phát huy hợp lí.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2007), Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ, (Ban hành kèm theo Quyết định số 43/2007/QĐ - BGDĐT).
  2. Nguyễn Thị Bích Thuận và Nguyễn Ngọc Trân (2019), Vai trò của cố vấn học tập trong việc nâng cao chất lượng học tập của sinh viên tại trường Đại học Đồng Tháp, < https://tapchigiaoduc.moet.gov.vn/vi/magazine/so-dac-biet-thang-9-358/13-vai-tro-cua-co-van-hoc-tap-trong-viec-nang-cao-chat-luong-hoc-tap-cua-sinh-vien-tai-truong-dai-hoc-dong-thap-6406.html>, xem 1/12/2020
  3. Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp (2018), Quyết định Ban hành quy định công tác cố vấn học tập tại Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp 4. Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp (2019). Quy chế học sinh - sinh viên Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp

The role of academic advisors in the financial self-autonomy of universities

Master. Nguyen Thi Hong Van

University of Economics - Technology for Industries

ABSTRACT:

This article discusses the role of academic advisors in the financial self-autonomy of Vietnam’s universities. The financial self-autonomy of higher-education institutions has been widely applied in many countries around the world. Vietnam has piloted this mechanism in some universities recently. In order to meet requirements of the financial self-autonomy, it is necessary for universities to make changes in their education management, especially changes in teachers and lecturers. Teachers and lecturers are playing a key role in Vietnam’s educational development.

Keywords: lecturers, academic advisors, innovation in higher education.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 3, tháng 2 năm 2021]