Vai trò của tài chính khí hậu tại các thị trường mới nổi

Đề tài Vai trò của tài chính khí hậu tại các thị trường mới nổi do Trương Thị Hạnh (Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Ngoại thương) thực hiện.

TÓM TẮT:

Tài chính khí hậu là việc huy động hiệu quả các nguồn lực tài chính để ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây được coi là chiến lược hiệu quả nhất để giảm thiểu các mối nguy hiểm do biến đổi khí hậu gây ra, từ đó thúc đẩy sự tiến bộ của phát triển bền vững. Vì vậy, bài viết nghiên cứu tổng quan về tài chính khí hậu và vai trò tại các thị trường mới nổi, từ đó đưa ra các kiến nghị cho Việt Nam để thu hút hiệu quả tài chính khí hậu. Tại các đất nước đang phát triển, biến đổi khí hậu đang làm gia tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt và bão nhiệt đới, gây tổn thương nghiêm trọng đến cộng đồng. Chính vì vậy, tài chính khí hậu giữ vai trò quan trọng trong việc giúp các quốc gia này bớt và thích nghi với những tác động của biến đổi khí hậu.

Từ khóa: biến đổi khí hậu, tài chính khí hậu, tài trợ tài chính.

1. Đặt vấn đề

Ngày nay, biến đổi khí hậu đã trở thành một thách thức đáng kể đối với sự bền vững toàn cầu. Đây là một vấn đề toàn cầu, mang phạm vi dài hạn và liên quan đến sự tương tác phức tạp giữa các áp lực khí hậu, môi trường, kinh tế, chính trị, thể chế và công nghệ (Ravindranath và cộng sự, 2002). Biến đổi khí hậu gây hại cho tất cả các ngành công nghiệp nhạy cảm với khí hậu, bao gồm y tế, nông nghiệp, nước và cơ sở hạ tầng, ở cả cấp độ trong nước và quốc tế (Raza và cộng sự, 2020), trong đó các quốc gia đang phát triển thường chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do hạn chế về nguồn lực và dễ bị tổn thương trước các căng thẳng môi trường. Một trong những vấn đề khó khăn nhất hiện nay đối với các quốc gia này, đó là việc thiếu nguồn lực tài chính để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Để giải quyết vấn đề cấp bách này, khái niệm tài chính khí hậu đã nổi lên như một cơ chế quan trọng để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển trong nỗ lực giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tài chính khí hậu bao gồm việc huy động các nguồn tài chính để hỗ trợ các nỗ lực nhằm giảm thiểu, thích ứng và tạo khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu (Panda, 2023). Khoản tài trợ này bao gồm sự đóng góp từ nhiều nguồn, bao gồm tiền của chính phủ, đầu tư của doanh nghiệp và các cơ chế quốc tế, với mục đích giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường khả năng chống lại biến đổi khí hậu và thúc đẩy tính bền vững. Tài chính khí hậu rất quan trọng để tạo điều kiện chuyển đổi sang các nền kinh tế có lượng khí thải carbon thấp và có khả năng ứng phó tốt với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, nó cũng cung cấp kinh phí để thực hiện các chính sách và sáng kiến ​​liên quan đến biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Hơn nữa, một nghiên cứu được thực hiện bởi tác giả Masud và cộng sự (2023) đã chứng minh, việc tăng cường nguồn tài chính phân bổ cho các sáng kiến ​​liên quan đến khí hậu là chiến lược hiệu quả nhất để giảm thiểu các mối nguy hiểm do biến đổi khí hậu gây ra, từ đó thúc đẩy sự tiến bộ của phát triển bền vững. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là những quốc gia có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương, vì họ bị ảnh hưởng nặng nề bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan, nước biển dâng và gián đoạn hệ sinh thái và sinh kế.

Do đó, tài chính khí hậu là công cụ quan trọng giúp các quốc gia này đối phó với những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu bằng cách cung cấp nguồn tài chính cho các biện pháp thích ứng, các dự án năng lượng tái tạo và các sáng kiến ​​phát triển bền vững. Vì thế, tác giả quyết định nghiên cứu về vai trò của  tài chính khí hậu trong việc hỗ trợ các quốc gia đang phát triển, xem xét định nghĩa, tầm quan trọng và hiệu quả trong việc giải quyết các thách thức về biến đổi khí hậu, từ đó đưa ra các hàm ý cho hoạt động  tài chính khí hậu tại Việt Nam.

2. Lý thuyết về tài chính khí hậu

Tài trợ khí hậu đôi khi được gọi là "các hoạt động liên quan đến biến đổi khí hậu", được định nghĩa là việc liên quan đến việc huy động nguồn tài chính từ địa phương, quốc gia hoặc quốc tế, bao gồm cả nguồn công, tư nhân và các nguồn thay thế, nhằm hỗ trợ các hành động giảm thiểu và thích ứng để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu (UNFCCC, 2022; Harrison, 2020). Định nghĩa này thể hiện tài chính khí hậu ở dạng rộng nhất là dòng vốn tới tất cả các hoạt động, dự án và chương trình nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, dù là giảm nhẹ hay thích ứng, ở bất kỳ đâu trên thế giới.

Tài chính khí hậu có thể được cung cấp bằng các phương pháp tiếp cận phi thị trường dựa trên chuyển giao trực tiếp cho Chính phủ tiếp nhận hoặc khu vực tư nhân. Chúng có thể được thực hiện theo nhiều cách khác nhau, bao gồm hỗ trợ ngân sách công, trợ cấp cho các dự án cụ thể, chẳng hạn như cơ chế giá ưu đãi hoặc các thành phần trợ cấp trong hợp đồng vay; trong khuôn khổ ODA hiện có hoặc trong quan hệ đối tác công tư (Buchner và cộng sự, 2013). Một lựa chọn khác để cung cấp tài chính khí hậu là sử dụng các công cụ dựa trên thị trường, đặc biệt là việc mua bán phát thải quốc tế (IET) ở cấp độ (i) chính phủ, như được minh họa bởi Nghị định thư Kyoto với quy định về việc mua bán các đơn vị phân bổ giữa các quốc gia Annex-I, bao gồm cả việc phân bổ miễn phí cho các chính phủ, hoặc (ii) ở cấp độ công ty. Cấu trúc sau này của việc mua bán phát thải quốc tế ở cấp độ công ty có thể xuất hiện khi các quốc gia đang phát triển áp dụng các hệ thống mua bán phát thải nội địa, như hệ thống mua bán phát thải của EU (EU ETS), với việc liên kết các hệ thống này sau đó (Flachsland, Marschinski, & Edenhofer, 2009).

Trong trường hợp IET ở cấp độ công ty, một đặc điểm thiết kế liên quan đến tác động của tài chính khí hậu và phạm vi các lựa chọn quản lý là liệu các giấy phép trong hệ thống ETS của các quốc gia đang phát triển có được phân bổ miễn phí cho các công ty hay không, hoặc nếu chúng được đấu giá. Với việc phân bổ miễn phí, giá trị của việc bán giấy phép quốc tế sẽ thuộc về các công ty. Trong trường hợp đấu giá, giá trị của việc bán giấy phép quốc tế sẽ được chuyển giao cho các chính phủ (Jacob và cộng sự, 2014).

Trong những năm gần đây, trước bối cảnh nhu cầu và sự cạnh tranh về việc thu tài chính khí hậu ngày càng tăng, các chính sách tài chính khí hậu cũng trở nên đa dạng hơn bao giờ hết. Nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng một loạt các chính sách để thúc đẩy đầu tư vào các hoạt động giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Sau đây là một số những chính sách phổ biến trên thế giới:

Thứ nhất, một trong những chính sách phổ biến là việc cho vay các đối tượng mục tiêu, trong đó các ngân hàng được yêu cầu dành một phần tín dụng để cho vay vào các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp hoặc năng lượng sạch. Chính sách này nhằm đảm bảo nguồn tài chính hỗ trợ cho các ngành có ảnh hưởng lớn đến khí hậu.

Thứ hai, trái phiếu xanh là một công cụ tài chính khác được phát hành để huy động vốn cho các dự án có tác động tích cực đến môi trường và khí hậu. Trái phiếu này thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư muốn hỗ trợ các sáng kiến xanh. Bản chất của trái phiếu xanh là việc phát hành nợ, trong đó nhà phát hành cam kết sử dụng số tiền huy động được để tài trợ cho các dự án bền vững.

Thứ ba, bảo lãnh cho vay do Chính phủ cung cấp cũng là một biện pháp quan trọng, cam kết bảo lãnh trong trường hợp người vay không trả được nợ do tác động của biến đổi khí hậu. Điều này giúp giảm rủi ro cho các tổ chức tài chính và khuyến khích họ đầu tư vào các dự án khí hậu.

Thứ tư, bảo hiểm chỉ số thời tiết là một loại hình bảo hiểm cung cấp thanh toán dựa trên các điều kiện thời tiết đo lường được, như hạn hán, để bù đắp thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Bảo hiểm này hoạt động dựa trên việc sử dụng các chỉ số thời tiết cụ thể, chẳng hạn như lượng mưa hoặc nhiệt độ, để xác định mức thanh toán bảo hiểm thay vì dựa vào tổn thất thực tế của người tham gia bảo hiểm. Chính sách này giúp nông dân và các doanh nghiệp nông nghiệp giảm thiểu rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu.

Thứ năm, chính sách giá mua ưu đãi cho các dự án năng lượng tái tạo (Feed-in Tariff - FiT) cung cấp mức giá cố định cho tổng điện năng tiêu thụ mỗi kWh hoặc một phụ phí cố định trên giá bán lẻ điện năng cho các dự án năng lượng tái tạo, đảm bảo các dự án năng lượng tái tạo có thể cạnh tranh với các nguồn năng lượng truyền thống. Chính sách FiT thường được thiết kế để khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo bằng cách cung cấp một môi trường kinh doanh ổn định và dự đoán được. Các nhà đầu tư và nhà phát triển dự án có thể tin tưởng họ sẽ nhận được mức giá ưu đãi cho năng lượng mà họ sản xuất, từ đó thúc đẩy việc mở rộng các dự án năng lượng tái tạo.

Thứ sáu, các ngân hàng phát triển quốc gia (NDBs) được Chính phủ hỗ trợ để thúc đẩy phát triển carbon thấp. Các NDBs đóng vai trò then chốt trong việc cung cấp nguồn vốn dài hạn cho các dự án năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng bền vững và các sáng kiến giảm phát thải. Thông qua việc cung cấp các khoản vay ưu đãi, bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ kỹ thuật, NDBs giúp giảm bớt rủi ro tài chính cho các dự án xanh và khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân.

Thứ bảy, quỹ khí hậu quốc gia là các quỹ được thiết lập bởi chính phủ nhằm huy động, phân phối và quản lý tài chính để đối phó với biến đổi khí hậu. Các quỹ này tập trung nguồn lực vào các dự án quan trọng và ưu tiên của quốc gia, nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững. Quỹ khí hậu quốc gia đóng vai trò điều phối và hỗ trợ tài chính cho các sáng kiến và chương trình liên quan đến khí hậu, giúp đảm bảo nguồn lực tài chính được sử dụng hiệu quả và tập trung vào các mục tiêu chiến lược của quốc gia.

Thứ tám, chính sách công bố thông tin yêu cầu các doanh nghiệp phải báo cáo các hoạt động liên quan đến môi trường và biến đổi khí hậu. Chính sách này nhằm tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các doanh nghiệp, đảm bảo các nhà đầu tư và công chúng có đầy đủ thông tin để đưa ra các quyết định đầu tư. Việc công bố thông tin này không chỉ bao gồm các tác động môi trường của hoạt động kinh doanh mà còn bao gồm các biện pháp mà doanh nghiệp đã thực hiện để giảm thiểu khí thải và thích ứng với biến đổi khí hậu. Bằng cách thúc đẩy sự minh bạch và trách nhiệm, chính sách này góp phần xây dựng niềm tin và thúc đẩy các thực hành kinh doanh bền vững.

3. Vai trò của tài chính khí hậu tại các thị trường mới nổi

Tài chính khí hậu đóng vai trò then chốt trong việc hỗ trợ các quốc gia đang phát triển giảm thiểu và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu (Khan và cộng sự, 2020). Đặc biệt, tài chính khí hậu hỗ trợ trong việc giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy phát triển bền vững tại các thị trường mới nổi, nơi nhu cầu năng lượng và tốc độ tăng trưởng kinh tế đang gia tăng nhanh chóng. Hiện nay, sự gia tăng hiệu ứng nhà kính đang gây ra tình trạng nhiệt độ toàn cầu leo thang, trở thành một nguy cơ nghiêm trọng đối với môi trường và sự sinh tồn của con người. Khí thải từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch ngày càng tăng cao, đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng như mực nước biển dâng cao, ngập lụt ở các vùng ven biển, sa mạc hóa các vùng đất màu mỡ, thiếu hụt lương thực, sự gia tăng và lan rộng của các bệnh tật, cùng với sự thay đổi trong chu kỳ sinh trưởng của cây trồng và vật nuôi.

Đặc biệt ở các thị trường mới nổi, khoảng 82% thiệt hại và mất mát hàng năm do hạn hán liên quan đến nông nghiệp (WMO, 2023). Chính vì vậy, TCKH cung cấp nguồn lực cần thiết để đầu tư vào nghiên cứu, thử nghiệm, thực hiện các dự án năng lượng tái tạo và công nghệ sạch. Đầu tư vào các dự án như điện gió, điện mặt trời và thủy điện không chỉ giảm thiểu phát thải mà còn bảo vệ môi trường, thay thế năng lượng hóa thạch và hướng đến phát triển bền vững. Bên cạnh đó, sự chuyển đổi này không chỉ bảo vệ môi trường mà còn tạo ra cơ hội việc làm xanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Các dự án năng lượng tái tạo yêu cầu lượng lớn lao động cho xây dựng, vận hành và bảo trì, từ đó tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới. Đồng thời, việc phát triển công nghệ sạch khuyến khích sự đổi mới và phát triển công nghệ trong nước. Tài chính khí hậu vì thế không chỉ là công cụ tài chính, mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội toàn diện.

Hơn nữa, tài chính khí hậu đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư quốc tế vào các dự án khí hậu tại các thị trường mới nổi. Các công cụ tài chính như trái phiếu xanh và quỹ đầu tư bền vững không chỉ tăng cường nguồn lực tài chính mà còn mang lại kiến thức và công nghệ tiên tiến từ các quốc gia phát triển. Nhà đầu tư quốc tế thường quan tâm đến các dự án có tiềm năng sinh lời cao và tác động tích cực đến môi trường, vì vậy sự tham gia của họ giúp tăng cường nguồn vốn và mang lại ý tưởng, giải pháp mới. Điều này giúp các thị trường mới nổi tiếp cận công nghệ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, nâng cao hiệu quả và tính bền vững của các dự án khí hậu. Đồng thời,  tài chính khí hậu tạo ra cơ hội hợp tác giữa các quốc gia, tổ chức quốc tế và khu vực tư nhân. Sự hợp tác này giúp chia sẻ nguồn lực, công nghệ và thúc đẩy thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu, như Thỏa thuận Paris. Các cơ chế tài chính quốc tế như Quỹ Khí hậu xanh (Green Climate Fund) chuyển giao tài chính từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển, hỗ trợ nỗ lực giảm thiểu và thích ứng. Sự hợp tác quốc tế này giúp các quốc gia học hỏi lẫn nhau và triển khai các biện pháp hiệu quả hơn. TCKH, do đó, không chỉ là công cụ giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu mà còn là cầu nối thúc đẩy hợp tác và đoàn kết quốc tế.

4. Kết luận và hàm ý cho Việt Nam

Tài chính khí hậu đóng vai trò then chốt trong việc hỗ trợ các quốc gia đang phát triển đối phó với những thách thức của biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững. Đây không chỉ là công cụ tài chính mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội toàn diện, giúp các quốc gia mới nổi ứng phó tốt hơn với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và xây dựng tương lai bền vững.

Hiện nay, Việt Nam đã và đang phải đối diện với nhiều thách thức của biến đổi khí hậu bởi sự gia tăng của một loạt hiện tượng khí hậu cực đoan trong những năm gần đây. Với nhận thức sâu sắc về những trở ngại này, Đảng và Nhà nước đã triển khai mạnh mẽ những chính sách, đường lối, định hướng về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, Việt Nam, giống như nhiều quốc gia đang phát triển khác, đang phải đối mặt với thách thức thiếu nguồn tài chính để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Theo ước tính của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Việt Nam chỉ có thể chi trả được 30% chi phí cho các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, đòi hỏi phải huy động nguồn tài chính bổ sung cho các hoạt động này. Vì thế, để thu hút hiệu quả  tài chính khí hậu trong giai đoạn tới, Việt Nam cần tập trung vào một số vấn đề quan trọng.

Thứ nhất, cần tăng cường quản lý và sử dụng nguồn lực tài chính khí hậu trong khu vực công bằng cách xác định rõ các ngành, lĩnh vực và khu vực ưu tiên để phân bổ nguồn lực một cách hợp lý. Việc thiết lập quỹ khí hậu quốc gia, dựa trên kinh nghiệm của các nước như Indonesia, Brazil, Bangladesh, và Ethiopia sẽ giúp huy động tài chính và định hướng vào các lĩnh vực ưu tiên, nâng cao năng lực quản lý và sở hữu nhà nước đối với các nguồn tài trợ. Các ngân hàng cũng cần nâng cao nhận thức và năng lực trong việc cấp tín dụng cho các ngành giảm thiểu và thích nghi với biến đổi khí hậu, quản lý rủi ro môi trường và phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hỗ trợ tăng trưởng xanh.

Thứ hai, việc thúc đẩy sự tham gia đầu tư của khu vực tư nhân vào các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu là rất quan trọng. Các công cụ như trái phiếu xanh và bảo hiểm rủi ro khí hậu, đã được áp dụng thành công tại nhiều quốc gia, có thể được phát triển để huy động vốn từ khu vực này.

Thứ ba, cần hỗ trợ và hướng dẫn các doanh nghiệp tiếp cận với các quỹ hỗ trợ quốc tế như Quỹ Ủy thác Tín dụng xanh (GCTF), Quỹ Đầu tư xanh, và Quỹ Hợp tác khí hậu toàn cầu (GCPF). Sự phối hợp giữa khu vực công và tư nhân thông qua hợp tác công - tư (PPP) cũng cần được đẩy mạnh, với sự chú trọng vào việc hoàn thiện hệ thống pháp lý cho hình thức hợp tác này.

Thứ tư, việc rà soát, đánh giá và tích hợp các nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào chiến lược quốc gia, các chiến lược ngành và kế hoạch quốc gia là cần thiết để đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất. Khuyến khích các dự án tích hợp nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu với các mục tiêu phát triển bền vững như bình đẳng giới, xoá đói giảm nghèo, và tránh tình trạng nguồn tiền bị chia nhỏ hoặc chồng chéo.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Buchner, B., Hervé Mignucci, M., Trabacchi, C., Wilkinson, J., Stadelmann, M., Boyd, R., ... & Micale, V. (2013). Global Landscape of Climate Finance.
  2. FLACHSLAND, C., MARSCHINSKI, R., & EDENHOFER, O. (2009). To link or not to link: benefits and disadvantages of linking cap-and-trade systems. Climate Policy, 9(4), 358–372. https://doi.org/10.3763/cpol.2009.0626
  3. Hong, H., Karolyi, G. A., & Scheinkman, J. A. (2020). Climate Finance. The Review of Financial Studies, 33(3), 1011-1023. https://doi.org/10.1093/rfs/hhz146
  4. Jakob, M., Steckel, J. C., Flachsland, C., & Baumstark, L. (2014). Climate finance for developing country mitigation: blessing or curse? Climate and Development, 7(1), 1-15. https://doi.org/10.1080/17565529.2014.934768
  5. Masud, M. A. K., Sahara, J., & Kabir, M. H. (2023). A Relationship between Climate Finance and Climate Risk: Evidence from the South Asian Region. Climate, 11(6), 119. https://doi.org/10.3390/cli11060119
  6. Panda, A. (2023). Transformative finance for climate-resilient development. Current Opinion in Environmental Sustainability, 64, 101327. https://doi.org/10.1016/j.cosust.2023.101327
  7. Ravindranath, N. H., and Jayant A. Sathaye. “Climate Change and Developing Countries.” Springer Netherlands, 2002, pp. 247–265, https://doi.org/10.1007/0-306-47980-x_9.
  8. Raza, S. A., Shah, N., & Khan, K. A. (2019). Residential energy environmental Kuznets curve in emerging economies: the role of economic growth, renewable energy consumption, and financial development. Environmental Science and Pollution Research, 27(5), 5620–5629. https://doi.org/10.1007/s11356-019-06356-8
  9. United Nations Climate Change. (2022). Introduction to climate finance. https://unfccc.int/topics/introduction-to-climate-finance
  10. WMO. (2023). Provisional State of the Global Climate 2023.

The Role of Climate Finance in Emerging Markets

TRUONG THI HANH

Faculty of Business Administration, Foreign Trade University

Abstract:

Climate finance (CF) is the effective mobilization of financial resources to respond to climate change. It is considered the most effective strategy to mitigate the hazards caused by climate change, thereby promoting sustainable development. Therefore, this article provides an overview of CF and its role in emerging markets, and offers recommendations for Vietnam to effectively attract CF. In developing countries, climate change is increasing the frequency and intensity of extreme weather events such as droughts, floods and tropical storms, causing serious damage to communities, hence, climate finance plays an important role in helping these countries reduce and adapt to the impacts of climate change.

Keywords: climate change, climate finance, financial funding

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 15 tháng 6 năm 2024]

Tạp chí Công Thương