Vận dụng thẻ điểm cân bằng trong việc lựa chọn các sáng kiến trong kinh doanh

PHẠM THU TRANG và NGUYỄN THỊ NGỌC ANH (Trường Đại học Mỏ - Địa chất)

TÓM TẮT:

Sáng kiến trong kinh doanh là nền tảng giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển thông qua việc tạo ra những lợi thế khác biệt giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và sẵn sàng thích ứng với những biến động của môi trường kinh doanh. Các nhà quản lý doanh nghiệp Việt Nam đã bước đầu quan tâm đến các sáng kiến trong kinh doanh, nhưng vẫn chủ yếu để phục vụ các mục tiêu ngắn hạn. Việc lựa chọn các sáng kiến phù hợp với chiến lược phát triển của doanh nghiệp chưa được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức. Trong phạm vi bài báo, nhóm tác giả vận dụng phương pháp thẻ điểm cân bằng (BSC) để xây dựng quy trình 4 bước lựa chọn các sáng kiến kinh doanh nhằm tìm ra sáng kiến phù hợp với các mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp đạt được hiệu quả kinh doanh trong dài hạn.

Từ khóa: Thẻ điểm cân bằng, sáng kiến, kinh doanh.

1. Đặt vấn đề

Để tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh gay gắt hiện nay, doanh nghiệp cần phát huy những sáng kiến trong kinh doanh để tạo ra lợi thế cạnh tranh, nhằm đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển bền vững của mình. Tuy nhiên, không phải sáng kiến nào được đưa ra cũng phù hợp với chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Có những sáng kiến được đưa ra có thể đem lại lợi ích trong ngắn hạn, nhưng lại làm mất đi lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trong dài hạn. Bài toán đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là làm thế nào để lựa chọn được các sáng kiến phù hợp với chiến lược phát triển dài hạn của doanh nghiệp. Chính vì vậy, bài báo nghiên cứu vận dụng thẻ điểm cân bằng (BSC) để lựa chọn các sáng kiến trong kinh doanh.

2. Cơ sở lý luận về sáng kiến trong kinh doanh

Để hiểu được khái niệm sáng kiến trong kinh doanh, chúng ta cần làm rõ khái niệm sáng kiến. Theo từ điển Tiếng Việt “Sáng kiến (Initiative) là ý kiến mới, có tác dụng làm cho công việc tiến hành tốt hơn” [1]. Năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 13 quy định về sáng kiến. Theo đó “Sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp, giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật (gọi chung là giải pháp) được cơ sở công nhận nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây: a) có tính mới trong phạm vi cơ sở đó; b) đã được áp dụng hoặc áp dụng thử tại cơ sở đó và có khả năng mang lại lợi ích thiết thực; c) không thuộc đối tượng loại trừ (giải pháp mà việc công bố, áp dụng giải pháp trái với trật tự công cộng hoặc đạo đức xã hội, giải pháp là đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật tính đến thời điểm xét công nhận sáng kiến” (Điều 3, Điều lệ sáng kiến, Nghị định 13) [2]. Luật Thi đua khen thưởng được ban hành năm 2013 đã đưa ra khái niệm: “Sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác được cơ sở công nhận” (Điều 23, Văn bản hợp nhất Luật Thi đua khen thưởng) [4]. Một số văn bản cũng đưa ra khái niệm khác: “Sáng kiến là sự sáng tạo của cá nhân, mang tính khoa học, là sản phẩm của trí tuệ, được tạo ra từ một người hoặc một số người, được áp dụng trong quá trình triển khai, thực hiện chức năng nhiệm vụ. Sáng kiến bao gồm những sáng tạo về cải tiến kỹ thuật - công nghệ; giải pháp hữu ích; cải tiến phương pháp quản lý, phương pháp tổ chức thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trên các lĩnh vực và hoạt động nghiên cứu khoa học” [5].

Mặc dù khái niệm sáng kiến khá phổ biến nhưng theo tìm hiểu của nhóm tác giả, vẫn chưa có khái niệm về sáng kiến trong kinh doanh. Chính vì vậy, sau khi nghiên cứu khái niệm sáng kiến, nhóm tác giả đưa ra khái niệm sáng kiến trong kinh doanh: “Sáng kiến kinh doanh là những giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp, giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật được cấp quản lý công ty công nhận nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện có tính mới, có khả năng mang lại hiệu quả kinh doanh.”

Như vậy, sáng kiến trong kinh doanh có những đặc điểm sau:

- Các sáng kiến đại diện cho các dự án, quy trình, các bước hành động và những hoạt động cần thiết phải thực hiện để đạt được các mục tiêu mang tính chiến lược.

- Sáng kiến được coi là các giải pháp tác động vào mọi mặt của quá trình từ quản lý tới các hoạt động tác nghiệp, sản xuất giúp doanh nghiệp đạt được hiệu quả trong kinh doanh.

- Sáng kiến cần có tính mới để phù hợp với sự thay đổi từ môi trường kinh doanh nhằm đảm bảo cho doanh nghiệp đạt được mục tiêu hiệu quả trong kinh doanh.

- Các sáng kiến kinh doanh khi áp dụng theo đúng mục tiêu, chiến lược kinh doanh giúp doanh nghiệp tạo ra những đổi mới sáng tạo, thích ứng kịp với những thay đổi từ môi trường. Có thể coi sáng kiến trong kinh doanh là cái gốc tạo ra lợi thế cạnh tranh.

Việc lựa chọn sáng kiến trong kinh doanh phù hợp với hoạt động thực tế tại doanh nghiệp là hết sức cần thiết đối với nhà quản lý.

3. Cơ sở lý luận về thẻ điểm cân bằng

“Thẻ điểm cân bằng là một công cụ quản trị, nó giúp cho doanh nghiệp thiết lập, thực hiện, giám sát nhằm đặt được các mục tiêu chiến lược và các mục tiêu của mình thông qua việc diễn giải và phát triển các mục tiêu chiến lược thành các mục tiêu chương trình hành động cụ thể dựa trên 4 khía cạnh: Tài chính, khách hàng, quy trình nội bộ, đào tạo và phát triển” (Luận án tiến sĩ Trần Quốc Việt, (2012), tr7).

Bốn khía cạnh trong mô hình BSC có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và bổ sung cho nhau theo nguyên lý nhân - quả, giúp các doanh nghiệp giải thích được tác động của các hoạt động khác nhau trong doanh nghiệp với việc thực thi các mục tiêu chiến lược.

Kể từ khi ra đời, BSC đã hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đo lường hiệu suất thực tế của tổ chức, gia tăng tài sản vô hình và thực thi chiến lược. “60% doanh nghiệp trong danh sách Fortune 1000 đều có thẻ điểm cân bằng phù hợp với mình” (Paul R.Niven (2006), tr21). Trong quá trình phát triển BSC, nhiều nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đã cố gắng phát triển mô hình này theo nhiều hướng phát huy hiệu quả của nó trong việc ứng dụng vào các lĩnh vực khác nhau. Trong bài viết này, nhóm tác giả trình bày một hướng vận dụng BSC mới trong doanh nghiệp - vận dụng BSC trong việc lựa chọn các sáng kiến trong kinh doanh.

4. Vận dụng BSC trong lựa chọn sáng kiến trong kinh doanh

Trong các doanh nghiệp, các sáng kiến là không thiếu. Các sáng kiến xuất phát từ nhu cầu thực tế phát sinh ở bất kỳ hoạt động nào, bất kỳ bộ phận nào của doanh nghiệp với mục đích gia tăng lợi ích cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải sáng kiến nào được đưa ra cũng phù hợp với chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Có những sáng kiến được đưa ra có thể đem lại lợi ích trong ngắn hạn nhưng lại làm mất đi lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trong dài hạn. Câu chuyện của thương hiệu Colgate là một ví dụ về sáng kiến không phù hợp chiến lược làm doanh nghiệp thất bại. Colgate là một thương hiệu nổi tiếng đến nỗi nói tới Colgate là khách hàng ngay lập tức nghĩ tới kem đánh răng. Tuy nhiên, năm 1982, các nhà quản lý đã đưa ra sáng kiến ra mắt sản phẩm thực phẩm đông lạnh Colgates Kitchen Entrée và nhanh chóng thất bại thảm hại vì không phù hợp với chiến lược phát triển của thương hiệu Colgate. Mặc dù, sản phẩm đông lạnh của Colgate được đánh giá là có chất lượng tốt, nhưng người tiêu dùng vẫn không thể thấy ngon miệng khi ăn sản phẩm đông lạnh của Colgate Kitchen Entrée. Có thể thấy rằng, sáng kiến là không thiếu trong các doanh nghiệp, vấn đề là sáng kiến nào thực sự phù hợp với chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Thẻ điểm cân bằng là một công cụ có thể giúp doanh nghiệp lựa chọn sáng kiến phù hợp với chiến lược phát triển dài hạn của doanh nghiệp.

Việc vận dụng thẻ điểm cân bằng vào lựa chọn các sáng kiến trong kinh doanh được thực hiện theo 4 bước sau:


1- Tập hợp tất cả các sáng kiến

Để lựa chọn sáng kiến phù hợp với chiến lược, việc đâu tiên của doanh nghiệp là kiểm kê tất cả các sáng kiến hiện thời và kêu gọi các bộ phận đưa ra các sáng kiến để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp theo mục tiêu đặt ra. Doanh nghiệp có thể tìm thấy sáng kiến ở mọi hoạt động, mọi bộ phận trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần đảm bảo thu thập đầy đủ thông tin về tên sáng kiến, mục tiêu cần đạt được, cân đối chi phí và lợi ích của sáng kiến, thời hạn dự kiến thực hiện và tên của những người tham gia.

2- Lập bản đồ sáng kiến theo mô hình thẻ điểm cân bằng

Doanh nghiệp xem xét từng sáng kiến và xem xét nó trong từng viễn cảnh. Nếu nó đóng góp vào việc đạt được mục tiêu nào đó thì doanh nghiệp đánh dấu lại, nếu không thì bỏ trống ô đó. Để đánh giá chính xác, nhà quản lý cần ngồi lại với các thành viên sáng kiến xem xét thông tin một cách tỉ mỉ để biết được chính xác sáng kiến nào là phù hợp với chiến lược. Sau đây là ví dụ về bảng mẫu ghi sáng kiến của doanh nghiệp theo mô hình thẻ điểm cân bằng:

3- Loại bỏ sáng kiến không phù hợp với chiến lược và phát triển sáng kiến phù hợp.

Sau khi đưa các sáng kiến lên bản đồ sáng kiến, doanh nghiệp nên cân nhắc về việc: Hủy bỏ hay giảm bớt phạm vi sáng kiến không phù hợp; tích hợp các sáng kiến với nhau để việc thực thi được đồng bộ và tiết kiệm. Trong ví dụ ở bảng mẫu ghi sáng kiến, sáng kiến “tân trang thiết bị” là không liên hệ trực tiếp với các mục tiêu chiến lược trên bản đồ nên có thể loại bỏ; sáng kiến “Chương trình khuyến mại cho khách hàng mua với khối lượng lớn” với “Chương trình đối tác thân thiết” có thể tích hợp để cùng triển khai.

4- Thiết lập ưu tiên cho sáng kiến chiến lược và bổ sung bối cảnh cho từng sáng kiến

Đây là bước khó khăn nhất trong quá trình lựa chọn chiến lược của doanh nghiệp. Mọi doanh nghiệp đều đối mặt với những nguồn lực có hạn. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần xếp hạng sáng kiến theo thứ tự ưu tiên để lên kế hoạch phân bổ nguồn lực thực hiện. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần xây dựng một bộ tiêu chí chung để tính điểm cho các sáng kiến. Các tiêu chí để đánh giá được tác giả đưa ra sau khi tham khảo bảng mẫu (Paul R.Niven (2006); tr357):

- Mức độ ảnh hưởng đến chiến lược: Sáng kiến ảnh hưởng tới các viễn cảnh của chiến lược ở mức độ nào.

- Các yêu cầu phân bổ nguồn lực: Các yêu cầu nguồn lực cao luôn tạo ra gánh nặng cho doanh nghiệp nên sẽ được đánh giá ở mức độ thấp.

- Cân đối lợi ích và chi phí: Những sáng kiến đem lại nhiều lợi ích hơn, chẳng hạn như NPV lớn hơn 1 tỷ đồngthì tương ứng với mức độ nào (tùy thuộc vào tình hình của doanh nghiệp).

- Những phụ thuộc chính: Sự thành công của sáng kiến phụ thuộc vào càng nhiều yếu tố khó khăn sẽ càng được đánh giá ở mức độ thấp.

- Những rủi ro chính: Những rủi ro mà doanh nghiệp gặp phải khi thực thi sáng kiến là gì, mức độ rủi ro càng lớn, số rủi ro càng nhiều thì mức đánh giá càng thấp.

- Ảnh hưởng nội bộ của sáng kiến là gì: Sáng kiến ảnh hưởng gì tới nhân viên, quy trình và văn hóa doanh nghiệp không, mức đánh giá cao sẽ dành cho những sáng kiến có ảnh hưởng tốt tới nội bộ doanh nghiệp.

- Ảnh hưởng bên ngoài của sáng kiến là gì: Sáng kiến ảnh hưởng gì tới khách hàng, nhà cung cấp hay các bên liên quan khác của doanh nghiệp không, mức đánh giá cao sẽ dành cho những sáng kiến có ảnh hưởng tốt tới các bên liên quan của doanh nghiệp.

- Những mốc quan trọng cần đạt được để sáng kiến thành công; phân bổ nguồn lực như thế nào và trao quyền cho bộ phận, cá nhân nào: Các sáng kiến càng chi tiết thì mức đánh giá càng cao.

Thang điểm cho mỗi tiêu chí là do doanh nghiệp lựa chọn, có thể là thang điểm từ 0-5; 0-10 hoặc 0-100. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể đưa trọng số cho từng tiêu chí nếu thấy cần thiết trong một giai đoạn nào đó.


5. Kết luận

Lựa chọn sáng kiến phù hợp với chiến lược là một trong những yêu cầu mang tính thực tiễn đối với các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Để góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh, các doanh nghiệp cần phát triển các sáng kiến trong kinh doanh và cần có một công cụ giúp lựa chọn những sáng kiến một cách khoa học, nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược. Bài báo đã trình bày các bước cụ thể để doanh nghiệp lựa chọn sáng kiến phù hợp với chiến lược hiện có dựa trên cơ sở vận dụng thẻ điểm cân bằng. Với công cụ này, doanh nghiệp sẽ tránh được những sáng kiến chỉ phục vụ cho mục tiêu ngắn hạn, gây lãng phí nguồn lực và làm giảm hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Nguyễn Văn Xô (2000), Từ điển Tiếng Việt, NXB Khoa học xã hội.

2. Chính phủ (2012), Nghị định số 13/2012/NĐ-CP ngày 02/3/2012 ban hành Điều lệ sáng kiến.

3. Văn phòng quốc hội (2013), Văn bản hợp nhất Luật Thi đua, khen thưởng số 16/VBHN-VPQH ngày 13/12/2013.

4. Chính phủ (2014), Nghị định số 65/2014/NĐ - CP ngày 01/7/2014 quy định chi tiết thi hành Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi đua khen thưởng năm 2013.

5. UBND tỉnh Cao bằng, văn bản số 2561/QĐ - UBND ban hành quy định công nhận sáng kiến.

6. Robert.S.Kaplan and David P.Norton (1996), “Using the Balanced Scorecard as a Strategic Management System” Harvard Business Review (January-February 1996).

7. Paul R.Niven (2006), “Thẻ điểm cân bằng-Áp dụng mô hình quản trị công việc hiệu quả và toàn diện để thành công trong kinh doanh”, (VMI dịch), NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, tr 21.

8. Trần Quốc Việt, (2012), “Các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ chấp nhận mô hình thẻ điểm cân bằng trong quản trị chiến lược tại các doanh nghiệp Việt Nam”, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế quốc dân.

APPLY BALANCED SCORECARDIN THE SELECTION

OF INITIATIVES IN BUSINESS

NGUYEN THI NGOC ANH - PHAM THU TRANG

Hanoi University of Mining and Geology

ABSTRACT:

Business innovation is the foundation that helps businesses survive and grow through creating distinct advantages that enhance competitiveness and adapting to the changing business environment. Vietnamese business executives have been initially interested in business initiatives, but are still primarily focused on serving short-term goals. The selection of initiatives in line with the development strategy of enterprises has not been paid right amount of attention. Within the article, the authors use a Balanced Scorecard (BSC) approach to develop a 4-step process of selecting business initiatives to find the right fit for the strategic goals of the business, helping businesses achieve long-term business performance.

Keywords: Balanced Scorecard, initiative, business.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 07 tháng 06/2017 tại đây