Tại Hội nghị triển khai thực hiện EVFTA do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì với 63 tỉnh, thành và các doanh nghiệp, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex, Phó chủ tịch Vitas khẳng định, EVFTA có ý nghĩa khá quan trọng trong việc mở ra cơ hội thúc đẩy xuất khẩu cho ngành dệt may, đặc biệt trong bối cảnh ngành dệt may đã chịu tác động không nhỏ của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung suốt một năm rưỡi vừa qua và mới đây là dịch bệnh Covid – 19.
Cụ thể, theo thống kê của Bộ Công Thương đối với mặt hàng dệt may, EU sẽ xóa bỏ thuế quan với 77,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sau 5 năm và 22,7% kim ngạch còn lại sẽ được xóa bỏ sau 7 năm
Nhưng để hưởng ưu đã thuế của EVFTA, hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam phải đáp ứng quy tắc xuất xứ yêu cầu 2 công đoạn từ vải trở đi cho tới cắt, may phải được thực hiện tại Việt Nam hoặc vải mua từ các thị trường có FTA với EU. Trong khi vải sản xuất trong nước mới đủ đáp ứng 25-30% nhu cầu.
Để đầu tư àm vải lại không dễ dàng. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), suất đầu tư cho 1 nhà máy sản xuất vải quy mô khoảng 10 triệu mét/năm cần khoảng 30 triệu USD (gần 700 tỷ đồng).
"Với hiện trạng ngành dệt may hiện tại, trong tổng số 8.450 doanh nghiệp, có tới 85% số doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 50 tỷ đồng, trên 50 tỷ chiếm 15%, trong đó trên 500 tỷ chỉ chiếm 3%, ta chưa đủ nguồn lực làm nguyên liệu, mà đầu tư rồi chưa chắc có thị trường tiêu thụ chắc chắn do chưa vào được chuỗi", ông Trường nêu thực tế.
Vì vậy, để tận dụng được ưu đãi trong các FTA, cụ thể là EVFTA, ngành cần có chính sách đủ mạnh thu hút thêm nguồn lực từ khu vực FDI, có vốn và có chuỗi cung ứng đầu tư vào sản xuất vải.
Với 27 quốc gia thành viên, dân số 500 người, GDP đạt 18.292 USD năm 2019, chiếm 22% GDP toàn cầu, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ của ngành dệt may.
Năm 2019, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may của EU khoảng 250 tỷ USD, trong đó, dệt may Việt Nam xuất sang EU 4,3 tỷ USD , chiếm thị phần 2,2% tại đây, xấp xỉ thị phần của Campuchia và đứng sau Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan.
EVFTA đã có hiệu lực từ 1/8, trong ngắn hạn, để hưởng ưu đãi thuế của EVFTA trong khi vải sản xuất trong nước chưa thể đáp ứng được, Vitas cho rằng, Bộ Công Thương cần triển khai tận dụng ngay linh hoạt cộng gộp vải của Hàn Quốc và Nhật Bản vốn là 2 quốc gia có cùng FTA với EU và Việt Nam và cũng đang chiếm 23% tổng kim ngạch nhập khẩu vải của Việt Nam (Việt Nam nhập vải Hàn Quốc khoảng 2 tỷ USD, chiếm 16% và nhập từ Nhật Bản khoảng hơn 800 triệu USD, chiếm 7%).
Cụ thể, trong Hiệp định EVFTA đã cho phép cộng gộp vải của Hàn Quốc, Bộ Công Thương cần hoàn tất đàm phán ngay với Hàn Quốc để thông báo cho EU chính thức áp dụng, bởi EVFTA đã có hiệu lực từ 1/8 nhưng doanh nghiệp chưa được cộng gộp vải của Hàn Quốc. Tương tự, việc đàm phán với Nhật Bản cũng cần được tiến hành ngay để doanh nghiệp sử dụng vải Nhật Bản được cộng gộp hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA.
Sớm triển khai cho doanh nghiệp xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ trong EVFTA vì hiện tại xuất khẩu đi EU hưởng ưu đãi GSP doanh nghiệp cũng đã và đang được tự chứng nhận xuất xứ.
Trong dài hạn, cùng với nhận thức cần xây dựng chuỗi cung ứng trong nước để giảm tác động của đại dịch Covid khi phụ thuộc vào một nguồn cung nguyên liệu và quy tắc xuất xứ yêu cầu từ vải trở đi trong EVFTA tạo ra động lực dài hạn thu hút đầu tư vào sản xuất vải.
Cùng với lợi ích về xóa bỏ thuế quan, EVFTA với quy tắc xuất xứ yêu cầu “từ vải” kết hợp với yêu cầu “từ sợi trở đi” của Hiệp định CPTPP sẽ tiếp tục thúc đẩy việc hình thành chuỗi sản xuất khép kín từ thượng nguồn đến cắt may thành phẩm, nâng cao giá trị gia tăng cho ngành và giảm dần phụ thuộc việc nhập khẩu nguyên phụ liệu bên ngoài.
Ngoài ra, để gỡ khó cho DN trong việc mua vải nội địa, Vitas đề nghị Chính phủ bỏ thuế VAT khi doanh nghiệp mua nguyên phụ liệu dệt may trong nước, bởi với quy định hiện tại, thuế VAT khiến đơn giá tăng thêm 2%. Giảm ngay chi phí logistic vì chi phí vận chuyển nguyên phụ liệu từ Trung Quốc sang Việt Nam đang rẻ hơn từ Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh đi các địa phương.