Trước đó, ngày 21/9/2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2171/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp) đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan bị cáo buộc lẩn tránh thông qua 5 nước ASEAN gồm: Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia và Myanmar trên cơ sở hồ sơ yêu cầu của đại diện ngành sản xuất trong nước và Hiệp hội Mía Đường Việt Nam.
Để đảm bảo việc điều tra được tiến hành một cách toàn diện, khách quan, cân nhắc đầy đủ thông tin mà các bên liên quan đã cung cấp, căn cứ Điều 82 Nghị định 10/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại, ngày 18/3/2022, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 348/QĐ-BCT gia hạn thời hạn điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía thêm 2 tháng, theo đó thời hạn kết thúc điều tra vụ việc là ngày 21/5/2022.
Chia sẻ với Tạp chí Công Thương, ông Nguyễn Văn Lộc - Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, từ khi Bộ Công Thương bắt đầu điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường có xuất xứ Thái Lan vào tháng 9/2020, đã xuất hiện những hiện tượng lạ về nhập khẩu đường từ 5 nước ASEAN và Thái Lan vào Việt Nam.
Khi Việt Nam bắt đầu thực thi hiệp định ATIGA (đầu năm 2020) đường từ các nước ASEAN nhập khẩu vào Việt Nam không bị hạn ngạch, lượng đường nhập khẩu từ 5 quốc gia ASEAN có số lượng không đáng kể. Số lượng này chỉ đồng loạt gia tăng đột biến sau khi có quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía Thái Lan vào ngày 21/9/2020.
“Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, Malaysia, một quốc gia không hề có vùng canh tác trồng mía cũng xuất khẩu đường mía sang Việt Nam với số lượng lớn. Tương tự, Indonesia là quốc gia trồng mía không đủ và phải nhập khẩu đường nay cũng xuất khẩu vào Việt Nam với số lượng lớn theo giá bán thấp hơn hẳn giá bán trong nước. Campuchia, quốc gia không có vùng mía nguyên liệu lại xuất khẩu với giá thấp hơn cả giá bán của đường mía Thái Lan vốn đã hưởng trợ cấp và bán phá giá lên đến 47,64%”, ông Nguyễn Văn Lộc phân tích.
Cụ thể, lượng nhập khẩu đường được khai báo là có xuất xứ từ 5 nước ASEAN là Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia và Myanmar trong giai đoạn sau khi Việt Nam khởi xướng điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp với đường mía Thái Lan (10/2020 - 6/2021) đã tăng mạnh so với giai đoạn 9 tháng trước đó, từ 107.600 tấn lên 527.200 tấn. Trong khi đó, lượng nhập khẩu đường có xuất xứ từ Thái Lan vào Việt Nam đã giảm gần 38%, từ 955.500 tấn xuống còn 595.000 tấn.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, giá đường nhập khẩu từ 5 quốc gia ASEAN nêu trên đều rất thấp, tương đương với giá đường Thái Lan thậm chí có trường hợp giá đường từ Campuchia còn thấp hơn giá đường Thái Lan. Sự gia tăng xuất khẩu đường vào Việt Nam của 5 quốc gia ASEAN nêu trên đều chắc chắn không phải từ lợi thế cạnh tranh, vì hoàn toàn không có đột biến gì về năng suất & công nghệ chế biến mía đường tại các quốc gia này trong thời gian qua. Mức độ gia tăng nhập khẩu này đã vượt xa mức gia tăng bình thường được quy định bởi Hiệp định ATIGA.
“Kết quả điều tra sẽ có tác động đến việc củng cố chuỗi liên kết mía - đường cho ngành mía đường Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng kết quả điều tra sẽ đảm bảo điều kiện cạnh tranh công bằng và minh bạch cho hoạt động sản xuất mía đường trong điều kiện hội nhập”, ông Nguyễn Văn Lộc bày tỏ.