Xác định các tiêu chí đo lường chất lượng thông tin kế toán - áp dụng cho các doanh nghiệp xây lắp niêm yết trên thị trường chứng khoán ở Việt Nam

ThS. Đào Thị Nhung (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội)

Tóm tắt:

Nghiên cứu về chất lượng thông tin kế toán (TTKT) là một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất trong lĩnh vực hệ thống thông tin kế toán (AIS - Accounting Information System) (Foong, 1999). Bằng việc tìm hiểu các khái niệm, định hướng về chất lượng TTKT; từ kết quả tổng quan một số quan điểm về đo lường chất lượng TTKT theo đặc tính, tác giả nhận định xu hướng phát triển của các nghiên cứu về đo lường chất lượng TTKT, từ đó lựa chọn quan điểm phù hợp để xác định các tiêu chí đo lường chất lượng TTKT  phù hợp với các doanh nghiệp xây lắp niêm yết trên thị trường chứng khoán ở Việt Nam. 

Từ khóa: Chất lượng thông tin, thông tin kế toán, quan điểm đo lường của các tổ chức nghề nghiệp, doạnh nghiệp xây lắp, thị trường chứng khoán.

1. Đặt vấn đề

Trải qua 60 năm hình thành và phát triển (từ năm 1958 theo phê chuẩn của Quốc hội khóa I), các doanh nghiệp xây lắp đã có những đóng góp đáng kể vào GDP cả nước (chiếm khoảng 30% GDP và ghi nhận mức đóng góp 0,54 điểm phần trăm của ngành - Báo cáo của Bộ Xây dựng, 2017), cho thấy sự vươn mình mạnh mẽ của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Sự chuyển dịch của các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào nhiều hoạt động kinh tế trong đó có cả hoạt động xây lắp vào Việt Nam cao, đòi hỏi các doanh nghiệp xây dựng đặc biệt là các doanh nghiệp xây dựng đã tham gia thị trường chứng khoán phải nắm chắc được thông tin kinh tế, từ đó có quyết sách phù hợp.

Thực tế cho thấy, số lượng các doanh nghiệp niêm yết phải điều chỉnh số liệu lợi nhuận sau thuế sau kiểm toán báo cáo tài chính là khá lớn ở Việt Nam (chiếm khoảng 80% theo thống kê của Vietstock tính đến năm 2014 cho 500 doanh nghiệp tham gia niêm yết), gây ảnh hưởng đến các chiến lược, hiệu quả của các quyết sách quản lý của đơn vị, của toàn xã hội. Trong đó, tỷ lệ các doanh nghiệp xây lắp niêm yết cần điều chỉnh lại số liệu chiếm tỷ lệ không nhỏ. Điều này đặt ra một dấu chấm hỏi về chất lượng TTKT thu thập được khi thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh, chất lượng từ các sản phẩm do kế toán cung cấp.

Tuy nhiên, việc xác định đo lường chất lượng TTKT như thế nào cũng đang là câu hỏi rất lớn, vì vậy nghiên cứu này nhằm tổng hợp những quan điểm đo lường chất lượng TTKT hiện nay, sau đó sẽ phân tích và lựa chọn tiêu chí để đánh giá chất lượng TTKT phù hợp cho các doanh nghiệp xây lắp niêm yết trên thị trường chứng khoán ở Việt Nam. Để đạt được những mục tiêu trên, nghiên cứu này đặt ra các mục tiêu cơ bản sau đây:

+ Thông tin, thông tin kế toán, chất lượng, chất lượng TTKT được hiểu như thế nào.

+ Các quan điểm đo lường chất lượng TTKT trên thế giới và ở Việt Nam.

2. Cơ sở lý thuyết về thông tin kế toán và chất lượng thông tin kế toán

2.1. Thông tin kế toán

Luật Kế toán Việt Nam số 88/QH15/2015 cho rằng: nội hàm của thông tin kế toán gồm những thông tin về kinh tế, tài chính được biểu hiện bằng thước đo giá trị, hiện vật và thời gian lao động. Mặt khác, các đối tượng sử dụng thông tin đa dạng từ các nhà quản trị cho đến đối tượng bên ngoài. Vì thế, thông tin kế toán đa phần được biểu thị dưới 2 phạm trù cơ bản đó là thông tin kế toán tài chính và thông tin kế toán quản trị.

Ở góc độ nghiên cứu này, tác giả xác định theo phạm vi kế toán tài chính thì thông tin kế toán bao gồm những thông tin về tình hình kinh tế, tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính của đơn vị, nhằm cung cấp thông tin cho những đối tượng có nhu cầu sử dụng hoặc cung cấp giá trị cho các nhà quản lý và các đối tượng khác ở bên ngoài doanh nghiệp (Needles&ctg, 2003) được thể hiện trên BCTC (bắt buộc phải công bố)..

2.2. Chất lượng thông tin kế toán

Theo quan điểm về chất lượng của tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn hóa (International Organization for Standardization), chất lượng là mức độ đáp ứng các yêu cầu của một tập hợp các đặc tính vốn có của nó (ISO 9000:1986,2005). Về khía cạnh thông tin, theo Kahn và Strong, (1988) chất lượng thông tin được hiểu là thông tin đáp ứng những đặc điểm kỹ thuật hay yêu cầu. Về khía cạnh người sử dụng thông tin được coi là phù hợp là thông tin đảm bảo chất lượng(Wang và Strong, 1996). Nghiên cứu dựa trên quan điểm của người sử dụng để lựa chọn các tiêu chuẩn về chất lượng TTKT

Tùy thuộc quan điểm về lĩnh vực nghiên cứu mà khái niệm về chất lượng cũng thay đổi. Trong lĩnh vực kế toán, chất lượng được khái niệm gắn với nhu cầu của người sử dụng thông tin. Vì thế, chất lượng trong lĩnh vực này được thể hiện trên sản phẩm mà kế toán tạo ra đó là các báo cáo tài chính với các giá trị thông tin cung cấp (Siegel, 1982 và Imhoff, 1992). Trong nghiên cứu này, tác giả dựa trên quan điểm của 2 tổ chức IASB và FASB. Theo đó, chất lượng của kế toán được thể hiện ở mục tiêu cung cấp thông tin kế toán phù hợp và hữu ích cho những nhà đầu tư, người cho vay, các chủ nợ khác hiện hữu và tiềm năng trong việc ra quyết định về việc cung cấp nguồn lực cho một thực thể (IASB, 2010).

3. Các quan điểm đo lường chất lượng thông tin kế toán của một số tổ chức nghề nghiệp kế toán

3.1. Đo lường chất lượng thông tin kế toán theo quan điểm của hội đồng chuẩn mực kế toán tài chính Mỹ- FASB

Hiệp hội Kế toán Mỹ (AAA) đã công bố một báo cáo về nền tảng lý thuyết của kế toán (A statement of Basic Accounting Theory) (Paul  E. Fertig, 1967) và nêu rõ  rằng mục tiêu chính của lý thuyết kế toán là phải đưa ra được các thuộc tính của thông tin nhằm đảm bảo tính hữu ích đối với người sử dụng thông tin.

Mô hình của FASB thiết lập các thuộc tính hữu ích của thông tin được ghi nhận trong các tài liệu kế toán thành một hệ thống khái niệm hướng tới cung cấp thông tin cho việc ra quyết định kinh tế. Người sử dụng thông tin được coi là người đưa ra quyết định tổng thể về lợi ích của bất kỳ thông tin mà họ nhận được.

Thông tin phải liên quan đến lĩnh vực và mục đích của người sử dụng cũng như cung cấp những tiên đoán và phản hồi của người sử dụng và luôn luôn sẵn sàng được cung cấp cho người sử dụng thì được xem là thích đáng. Thông tin được trình bày một cách thích đáng và tính đáng tin cậy có mối quan hệ với sự nhất quán của nó trong việc đo lường, trình bày và so sánh các kết quả của một doanh nghiệp theo thời gian và giữa các doanh nghiệp với nhau. Mô hình của FASB được trình bày ở Sơ đồ 01.

so do 1

3.2. Đo lường chất lượng thông tin kế toán theo quan điểm của hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế- IASB

Mô hình của IASB Vào tháng 4 năm 2001, IASB đã đưa ra một khuôn khổ các khái niệm làm nền tảng cho việc lập và trình bày báo cáo tài chính. Liên quan đến các thuộc tính thuộc chất lượng TTKT, IASB cho rằng chất lượng TTKT được hiểu qua các thuộc tính làm cho những thông tin trình bày trên các báo cáo tài chính trở nên hữu ích đối với những người sử dụng thông tin. IASB đã đưa ra 4 đặc trưng chính có liên quan đến chất lượng của thông tin kế toán: Tính dễ hiểu; tính thích đáng; tính đáng tin cậy; tính có thể so sánh (Sơ đồ 2).

so do 2

3.3. Đo lường chất lượng thông tin kế toán theo quan điểm hội tụ giữa IASB-FASB

Vào năm 2002, bản ghi nhớ có tên gọi “thỏa thuận Norwalk” được ký kết giữa 2 tổ chức nghề nghiệp kế toán lớn nhất thế giới IASB & FASB, đã đánh dấu bước đầu trong giai đoạn hội tụ. Đến năm 2006, dự án đã thiết lập được những tiêu chuẩn của TTKT cần có nhằm hướng đến việc cải thiện tính hữu ích của thông tin bao gồm: thích hợp, có khả năng, so sánh được, thích hợp. Các đặc tính ràng buộc đến chất lượng thông tin: trọng yếu, tương quan giữa chi phí và lợi ích. Các đặc điểm chất lượng TTKT theo quan điểm hội tụ giữa IASB và FASB theo Sơ đồ 3.

so do 3

 Tháng 9 năm 2010, trong “ Báo cáo về các khái niệm kế toán số 8”- ở chương 3 mô tả về đặc điểm của TTKT có chất lượng đã nêu”, TTKT được coi là có ích khi nó phải thích hợptrung thực với những gì nó ngụ ý và đại diện” dự án hội tụ IASB và FASB được thực hiện đã đồng nhất tiêu chuẩn để đánh giá thông tin kế toán có chất lượng gồm có: 2 đặc tính chất lượng cơ bản (tính hữu ích, trình bày trung thực), 4 đặc tính chất lượng bổ sung (có thể so sánh, có thể hiểu được, tính kịp thời, có thể kiểm chứng) và chỉ ra 2 hạn chế (trọng yếu, chi phí). Trong đó, cơ bản là:

+ Tính hữu ích: Được thể hiện là thông tin giúp người sử dụng có thể điều chỉnh dễ dàng được quyết định của mình sao cho phù hợp với hoàn cảnh. Thông qua việc cung cấp đầu vào cho quá trình dự đoán, lập kế hoạch phát triển trong tương lai, TTKT cũng sẽ xác nhận lại các sự kiện đã xảy ra, từ đây sẽ thực hiện điều chỉnh các kế hoạch trước đó. Biểu trưng cụ thể qua tính kịp thời, có khả năng so sánh, giá trị xác nhận và giá trị dự đoán.

 - Trình bày trung thực. Tính trung thực của thông tin thể hiện rõ trên báo cáo tài chính, không thêm bớt, không tô vẽ về các nghiệp vụ kinh tế, thể hiện được đầy đủ bản chất của sự kiện kinh tế muốn trình bày. Thông tin phải có tính trung lập tức là không được thiên vị, không được làm sai lệch một cách có chủ đích để đạt được kết quả cá nhân mong muốn hoặc ảnh hưởng lên quyết định theo một hướng đặc biệt nào đó và không có sai lệch trọng yếu.

4. Lựa chọn quan điểm đo lường chất lượng TTKT phù hợp với các DNXL niêm yết trên thị trường chứng khoán ở Việt Nam

Từ những phân tích, đánh giá một số mô hình nghiên cứu về đặc tính chất lượng TTKT của một số tổ chức nghề nghiệp nghiên cứu xác định quan điểm đo lường chất lượng TTKT theo quan điểm hòa hợp giữa IASB và FASB là quan điểm phù hợp để đánh giá đo lường chất lượng TTKT cho các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp xây lắp niêm yết trên thị trường chứng khoán tại Việt Nam nói riêng, vì các lý do sau: 

+ Kế toán là lĩnh vực chịu sự chi phối cao về các chuẩn mực, nguyên tắc được ban hành bởi các cơ quan nhà nước và các tổ chức nghề nghiệp, vì vậy các đặc tính về TTKT theo quan điểm hội tụ của IASB & FASB được công bố bởi IASB vào năm 2010 được phần lớn các tổ chức nhà nước và các tổ chức nghề nghiệp trong lĩnh vực kế toán chấp thuận và tham chiếu khi đề ra khuôn mẫu khái niệm về CLTT.

+ Quan điểm hòa hợp giữa IASB và FASB phù hợp với xu hướng hòa hợp và hội tụ quốc tế về chuẩn mực kế toán. Đặc biệt ở Việt Nam, trong xu thế thời gian tới, khi Bộ Tài chính dự kiến sẽ áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế vào thực tiễn. Do đó, lựa chọn quan điểm đo lường chất lượng TTKT theo đặc tính của quan điểm hòa hợp là phù hợp với xu thế hiện nay.

 Tài liệu tham khảo:

  1. Ackoff, RL. (1967), Management Misinformation Systems, Management Science 14 (4): B147-B156.
  2. Baily, J.E. and S.W. Pearson (1983), Development of a Tool For Measuring and AnalyzingComputer User Satisfaction, Management Science 29(5): 530-545.
  3. Crosby, Philip B. (1995),Quality Is Still Free; Making Qualitv Certain in Uncertain Times, McGraw-Hill, New York, USA.
  4. Foong, S. Y. 1999, Effect of end-user personal and systems attributes on computer -based information systemsuccess in Malaysian SMEs, Journal of Small Business Management. July: 81-87.

Identifying viewpoints on measuring the quality of accounting information – Implementing for construction enterprises listed on the stock market of Vietnam

Master. Dao Thi Nhung

Hanoi University of Industry

Abstract:

The quality of accounting information is one of the most concerned issues in the field of accounting information systems (AIS - Accounting Information System) (Foong, 1999). Based on the understanding about the concepts and orientations of the quality of accounting information and the overview of a number of views on measuring the quality of accounting information by characteristics, this study assesses the development trend of researches on the quality of accounting information, and then use suitable viewpoints to identify the criteria for measuring the quality of accounting information in accordance with construction enterprises listed on the stock market of Vietnam.

Keywords: Quality of information, accounting information, measurement perspective of professional organizations.