Tóm tắt:
CDIO là mô hình cải cách giáo dục theo hướng đáp ứng nhu cầu của nghề nghiệp, cung cấp một bộ công cụ với 12 tiêu chuẩn nhằm phát triển toàn diện cả về kiến thức, kỹ năng, thái độ, năng lực thực tiễn (năng lực C-D-I-O) cần thiết cho người học. Quy trình và cách áp dụng CDIO đã được đề cập từ lâu, nhưng vẫn là một vấn đề phức tạp đối với các trường đại học ở Việt Nam. Bởi, việc tiếp cận CDIO đòi hỏi những điều kiện cơ bản như: cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, nhân viên, chương trình đào tạo (CTĐT), sinh viên,... đáp ứng tiêu chuẩn của CDIO; đồng thời có một hệ thống quy trình xử lý chuẩn và thống nhất để đảm bảo sự thành công của chương trình. Trong phạm vi bài viết này, từ việc khái quát về mô hình CDIO, tác giả đề xuất một số kiến nghị nhằm ứng dụng mô hình này để xây dựng CTĐT chuyên ngành kinh tế ở các trường đại học Việt Nam hiện nay.
Từ khóa: CDIO, chuyên ngành kinh tế, đại học, giáo dục, đào tạo.
1. Đặt vấn đề
CTĐT là yếu tố cốt lõi khi nghiên cứu về một mô hình giáo dục, một cơ sở đào tạo hay bất kỳ một nội dung nào liên quan đến giáo dục đại học. Những năm qua, việc xây dựng và hoàn thiện CTĐT nói chung, chương trình của ngành kinh tế nói riêng là vấn đề thu hút được quan tâm của các trường đại học, với nhiều cách tiếp cận khác nhau. Những mô hình CTĐT ngành kinh tế trước đây thường nhấn mạnh đầu vào, mục tiêu các môn học, nội dung, kiến thức và giảng viên. Tuy nhiên, trong xu thế phát triển mới, những mô hình không phù hợp, chưa bảo đảm được những năng lực cần thiết cho sinh viên ngành kinh tế sau khi tốt nghiệp. Việc tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, đổi mới CTĐT ngành kinh tế ở các trường đại học cần có cách tiếp cận mới - tiếp cận theo chuẩn đầu ra (CĐR). Mô hình CDIO dựa trên triết lí phát triển năng lực trụ cột của người kỹ sư đáp ứng được nguyên lý triển khai chu trình vòng đời của sản phẩm: Hình thành ý tưởng (Conceive) - Thiết kế (Design) - Triển khai (Implement) và Vận hành (Operate) là một trong những cách tiếp cận phù hợp để xây dựng CTĐT ngành kinh tế ở các trường đại học hiện nay.
2. Mô hình CDIO
CDIO là viết tắt của cụm từ tiếng Anh là: có nghĩa là: Hình thành ý tưởng (Conceive - C) - Thiết kế (Design- D) - Triển khai (Implement-I) và Vận hành (Operate- O) khởi nguồn từ Viện Công nghệ MIT (Hoa Kỳ). Đến nay, mô hình này được các trường đại học, cao đẳng trên thế giới áp dụng ngày càng nhiều. Gốc của CDIO là một hệ thống phương pháp phát triển CTĐT kỹ sư, nhưng về bản chất đây là một quy trình đào tạo căn cứ vào CĐR để thiết kế chuẩn đầu vào. Quy trình này được xây dựng đảm bảo tính khoa học và tính thực tiễn chặt chẽ. CDIO có thể áp dụng để xây dựng quy trình chuẩn cho nhiều lĩnh vực đào tạo khác nhau ngoài ngành đào tạo kỹ sư, bởi lẽ nó đảm bảo khung kiến thức và kỹ năng,... Có thể nói, CDIO thực chất là một giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu xã hội, trên cơ sở xác định CĐR, từ đó thiết kế chương trình và kế hoạch đào tạo một cách hiệu quả [5].
CTĐT (cirriculum) theo CDIO được xây dựng một cách hợp lý, logic và khoa học để có thể chuyển hóa kiến thức thành các kỹ năng vận dụng được trong thực tiễn. Sự khác biệt quan trọng khi xây dựng CTĐT theo CDIO là việc lựa chọn CĐR dựa trên sự tham gia của các bên liên quan (stakeholders), đặc biệt là các bên khách quan như sinh viên, cựu sinh viên, nhà tuyển dụng, các cơ quan quản lý. Ngoài ra, theo cách tiếp cận CDIO, khi xây dựng và nâng cấp các CTĐT phải tuân thủ các quy trình chặt chẽ, từ khâu xây dựng CĐR, thiết kế khung chương trình, chuyển tải khung chương trình vào thực tiễn và đánh giá kết quả học tập của sinh viên cũng như toàn bộ chương trình Mục tiêu đào tạo theo CDIO là hướng tới việc giúp sinh viên có được kỹ năng cứng và mềm cần thiết khi ra trường, nhằm đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của xã hội cũng như bắt nhịp được với những thay đổi vốn rất nhanh của thực tiễn đời sống xã hội. Những sinh viên giỏi có thể làm chủ, điều chỉnh phương pháp học theo hướng tích cực.
CTĐT theo CDIO gồm 12 tiêu chuẩn sau [3]: 1) Bối cảnh: Tiếp nhận nguyên lý rằng việc phát triển và triển khai vòng đời của sản phẩm, quy trình và hệ thống: Hình thành Ý tưởng, Thiết kế, Triển khai, và Vận hành - là bối cảnh của giáo dục kỹ thuật. 2) CĐR: Những CĐR chi tiết, cụ thể đối với những kỹ năng cá nhân và giao tiếp, cùng những kỹ năng kiến tạo sản phẩm, quy trình, và hệ thống, cũng như các kiến thức chuyên môn, phải nhất quán với các mục tiêu của chương trình, được phê chuẩn bởi các bên liên quan của chương trình. 3) CTĐT tích hợp: Một CTĐT được thiết kế có các khóa học kiến thức chuyên ngành hỗ trợ lẫn nhau, có một kế hoạch rõ ràng trong việc tích hợp các kỹ năng cá nhân và giao tiếp, kỹ năng kiến tạo sản phẩm, quy trình và hệ thống. 4) Giới thiệu về kỹ thuật: Một môn giới thiệu mang lại khung chương trình cho thực hành kỹ thuật trong việc kiến tạo sản phẩm, quy trình, hệ thống và giới thiệu các kỹ năng cá nhân, giao tiếp thiết yếu. 5) Các trải nghiệm thiết kế - triển khai: Một CTĐT gồm ít nhất 2 trải nghiệm thiết kế - triển khai, bao gồm 1 ở trình độ cơ bản và 1 ở trình độ nâng cao. 6) Không gian làm việc kỹ thuật: Không gian làm việc kỹ thuật và các phòng thí nghiệm hỗ trợ, khuyến khích học tập thực hành trong việc kiến tạo sản phẩm, quy trình và hệ thống; kiến thức chuyên ngành; và học tập xã hội. 7) Các trải nghiệm học tập tích hợp: Các trải nghiệm học tập tích hợp đưa đến sự tiếp thu các kiến thức chuyên ngành, cũng như các kỹ năng cá nhân, giao tiếp, và các kỹ năng kiến tạo sản phẩm, quy trình, và hệ thống. 8) Học tập chủ động: Giảng dạy và học tập dựa trên các phương pháp học tập trải nghiệm chủ động. 9) Nâng cao năng lực về kỹ năng của giảng viên: Các hành động nâng cao năng lực của giảng viên trong các kỹ năng cá nhân và giao tiếp, các kỹ năng kiến tạo sản phẩm, quy trình, và hệ thống. 10) Nâng cao năng lực giảng dạy của giảng viên: Các hành động nâng cao năng lực của giảng viên trong việc cung cấp các trải nghiệm học tập tích hợp, trong việc sử dụng các phương pháp học tập trải nghiệm chủ động và trong việc đánh giá học tập của sinh viên. 11) Đánh giá học tập: Đánh giá học tập của sinh viên về các kỹ năng cá nhân và giao tiếp, các kỹ năng kiến tạo sản phẩm, quy trình và hệ thống, cũng như kiến thức chuyên ngành. 12) Kiểm định chương trình: Một hệ thống kiểm định các chương trình theo 12 tiêu chuẩn này và cung cấp phản hồi đến sinh viên, giảng viên, các bên liên quan khác cho mục đích cải tiến liên tục.
Đào tạo theo tiếp cận CDIO sẽ giúp người học phát triển toàn diện với các “kỹ năng cứng” và “kỹ năng mềm” để nhanh chóng thích ứng với môi trường làm việc luôn thay đổi; đồng thời giúp các CTĐT được xây dựng và thiết kế theo một quy trình chuẩn. Tiếp cận CDIO là cách tiếp cận phát triển, gắn phát triển chương trình với chuyển tải và đánh giá hiệu quả giáo dục đại học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học lên một tầm cao mới. Hiểu một cách chung nhất, tiếp cận CDIO là phương pháp luận tiếp cận mô hình đào tạo theo định hướng năng lực, căn cứ vào CĐR để thiết kế CTĐT. CTĐT tiếp cận CDIO phản ánh toàn diện quá trình đào tạo và quản lý chất lượng đào tạo hướng đến đáp ứng tốt nhất yêu cầu của thực tiễn thị trường lao động.
3. Đặc điểm đào tạo chuyên ngành kinh tế ở các trường đại học
Việc đào tạo cử nhân thuộc khối ngành Kinh tế có những đặc điểm nổi bật sau:
Một là, việc đào tạo cử nhân đại học ngành Kinh tế là quá trình đào tạo cho sinh viên những kiến thức, hiểu biết về các qui luật, các nguyên lý hoạt động trong nền kinh tế. Trong thời đại ngày nay, sự phát triển kinh tế biến động hết sức đa dạng, phong phú nên nhiều mô hình cũ, quan niệm cũ không thích hợp và đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mới, quan niệm mới dẫn đến yêu cầu tính cập nhật rất cao để nhận thức được các xu hướng phát triển của kinh tế. Do vậy, khi nghiên cứu xây dựng CTĐT các ngành thuộc khối ngành kinh tế cần chú ý đến cách tiếp cận với sự phát triển và nhận định mới về các quy luật, phạm trù, chuẩn mực kinh tế, tăng trưởng, lạm phát, khủng hoảng... và các chuẩn mực trong quan hệ kinh tế quốc tế. Việc thiết kế CTĐT chuyên sâu, đáp ứng các tiêu chuẩn phù hợp sẽ góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội và tạo uy tín, thương hiệu cho cơ sở giáo dục.
Hai là, tính hội nhập trong đào tạo cử nhân đại học ngành kinh tế với việc giữ gìn và phát huy bản sắc của dân tộc. Sản phẩm đào tạo là sản phẩm đặc biệt vì đối tượng đào tạo vừa là động lực, vừa là mục tiêu của đào tạo. Con người được đào tạo vừa có tính cá biệt mang bản sắc dân tộc, lại vừa mang tính thòi đại, đồng thời mang tính lịch sử cụ thể. Vì vậy, khi xây dựng CTĐT cử nhân ngành kinh tế cần gắn các đặc điểm kinh tế - văn hóa - xã hội trên thế giới và trong nước, đặc biệt về các chính sách kinh tế, môi trường, xã hội để làm nổi bật tính đặc thù vừa phổ biến nhưng lại vừa có tính quốc tế, đồng thời các yêu cầu về CĐR kiến thức ngoại ngữ ngành kinh tế thường cao hơn ngành kỹ thuật do tính cập nhật cái mới và tính quốc tế ngày càng cao.
Ba là, tính liên kết trong đào tạo. Đào tạo cử nhân đại học ngành kinh tế cần thực hiện liên kết giữa trường đại học với nhau, giữa trường đại học với các doanh nghiệp, giữa trường đại học với xã hội, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa. Hiện nay, các trường đại học trên thế giới mở rộng các hoạt động liên kết đào tạo và phối hợp về CTĐT, thực hiện trao đổi sinh viên giữa các trường có chung chuyên ngành đào tạo. Đây là cơ hội để sinh viên hội nhập văn hóa và giao lưu quốc tế. Qua đây, sinh viên không chỉ tham gia học tập kiến thức chuyên môn ở nước khác mà còn cải thiện, nâng cao trình độ ngoại ngữ, vì đây là công cụ tối quan trọng trong thời kỳ kinh tế hội nhập. Hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học đang mở rộng mô hình ngành kinh tế chất lượng cao, đó là những ngành kinh tế tiên tiến hay kinh tế quốc tế để sinh viên tốt nghiệp có nhiều cơ hội việc làm không chỉ trong nước mà còn là các công ty, doanh nghiệp nước ngoài khi họ được đào tạo kiến thức của kinh tế ứng dụng ở trong nước và ngoài nước.
Bốn là, việc đào tạo cử nhân đại học ngành kinh tế không đòi hỏi cao về hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật như phòng thí nghiệm, máy móc thiết bị,... nên dễ mở ngành, điều đó dễ dẫn đến sự không đồng đều về chất lượng giữa các trường. Vì vậy, triển khai xây dựng CTĐT là vấn đề tối cần thiết. Nếu như các yếu tố về phòng thực hành, thí nghiệm không đặc biệt quan trọng đối với đào tạo các ngành thuộc khối ngành kinh tế thì đội ngũ giảng viên và hệ thống giáo trình, tài liệu, học liệu (thư viện sách phải thực sự phong phú, cập nhật) lại là vấn đề rất quan trọng. Do đó, khi thực hiện CTĐT đại học ngành kinh tế cần chú trọng đến các yếu tố thuộc yếu tố chất lượng đầu vào này.
Năm là, bất kỳ sinh viên tốt nghiệp ngành nào thì kỹ năng nghề nghiệp cũng phải vững vàng và phải được tập trung rèn luyện, bồi dưỡng ngay trong quá trình tham gia đào tạo ở đại học. Sinh viên ngành kinh tế rất cần được tạo cơ hội tham gia các hội thảo khoa học, các diễn đàn về chủ đề kinh tế, các sự kiện tại các doanh nghiệp, các công ty trong và ngoài nước, sinh viên cần chủ động cập nhật các kiến thức kinh tế qua các chương trình như chương trình thòi sự hoặc chuyên mục kinh tế trên truyền hình... Đây là những kiến thức thực tế giúp sinh viên trải nghiệm kiến thức lý thuyết đã học, cập nhật kiến thức thực tiễn nghề nghiệp. Hình thức đưa vào CTĐT có thể là (hoạt động ngoại khóa, thực tập giáo trình hay tiểu luận của các học phần chuyên ngành,...). Đây được xem là một trong những nội dung, yêu cầu cần thiết trong CTĐT đối với người học.
4. Một số định hướng xây dựng chương trình đào tạo chuyên ngành kinh tế theo hướng tiếp cận CDIO
Thứ nhất, hoàn thiện CĐR của CTĐT chuyên ngành kinh tế ở các trường đại học.
Đào tạo theo cách tiếp cận CDIO sẽ giúp người học phát triển toàn diện với các “kỹ năng cứng” và “kỹ năng mềm” để nhanh chóng thích ứng với môi trường làm việc luôn thay đổi, từ đó giúp thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo của nhà trường và yêu cầu của nhà sử dụng nguồn nhân lực. Để hoàn thiện CĐR theo cách tiếp cận CDIO, các trường cần thực hiện các hoạt động: khảo sát các bên có liên quan, tổ chức hỏi ý kiến, tọa đàm, hội thảo để xây dựng CĐR chi tiết và CTĐT tích hợp đáp ứng các CĐR. Chủ động mời chuyên gia về tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật để giảng viên xây dựng lại các đề cương môn học CDIO đáp ứng các CĐR của CTĐT.
CĐR của CTĐT chuyên ngành kinh tế của các trường cần bao gồm những CĐR chi tiết, cụ thể đối với kỹ năng cá nhân cũng như các kiến thức chuyên môn, phải nhất quán với các mục tiêu của chương trình và được phê chuẩn bởi các bên liên quan của CTĐT. CĐR của CTĐT ngành kinh tế của các trường phải được mô tả rõ ràng, súc tích, dễ hiểu; đáp ứng Khung trình độ quốc gia Việt Nam, đồng thời thể hiện được yêu cầu riêng của từng chuyên ngành kinh tế trong các trường.
Thứ hai, đổi mới, nâng cao và tích hợp CTĐT. Việc thiết kế CTĐT chuyên ngành kinh tế của các trường phải được thực hiện theo tiếp cận CDIO, nghĩa là chương trình được thiết kế có các khóa học kiến thức chuyên ngành hỗ trợ lẫn nhau; có sự góp ý của các biên liên quan, nhằm mục đích nhận dạng các kỹ năng, dạy kỹ năng, phát triển kỹ năng và đánh giá kỹ năng của người học. Các môn học chuyên ngành hỗ trợ lẫn nhau khi chúng có mối liên hệ rõ ràng giữa các nội dung hỗ trợ và các CĐR liên quan, từ đó hình thành năng lực, phẩm chất của người cử nhân kinh tế trong tương lai. CTĐT của các trường phải thương xuyên được rà soát, điều chỉnh để theo kịp những thay đổi của tình hình thực tiễn và nhu cầu của thị trường lao động.
Thứ ba, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và đổi mới phương pháp dạy học. Các trường cần có chiến lược phát triển đội ngũ giảng viên cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ đào tạo trước mắt và lâu dài. Cần có quy hoạch, kế hoạch phát triển đội ngũ. Ban hành đầy đủ các quy chế, quy định tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, giảng viên, nhân viên và được công bố công khai trong toàn trường. Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên phải được xây dựng trên nhu cầu đào tạo, nghiên cứu khoa học của các đơn vị, khoa và của các trường.
Cùng với nâng cao chất lượng giảng viên, việc dạy học chuyên ngành kinh tế ở các trường cần đổi mới theo hướng tích hợp với các phương pháp như: dạy học nêu và giải quyết vấn đề, dạy học bằng tình huống điển hình, dạy học bằng dự án và học tập theo nhóm… Cấu trúc bài giảng cần có sự linh hoạt và hài hòa, xen kẽ với các tình huống nhận thức mới là các tình huống củng cố, vận dụng để nâng cao sự chú ý tích cực và hình thành năng lực thực hiện cho sinh viên, học phần lý thuyết đó hiểu và phải thao tác được. Việc giảng dạy cần được kết hợp với tổ chức cho sinh viên thảo luận, làm bài tập và làm dự án môn học. Bên cạnh đó có thể tổ chức các diễn đàn, đối thoại, trao đổi giữa sinh viên với lãnh đạo nhà trường hàng năm, nhằm mục đích giáo dục và lan tỏa lòng yêu nghề và ý thức vượt khó, say mê với ngành nghề đã chọn của người học.
Thứ tư, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động đánh giá kết quả học tập của người học. Các quy định và kế hoạch đánh giá kết quả học tập của sinh viên phải được gửi theo đường văn thư đến các đơn vị, được công bố công khai trên cổng thông tin đào tạo của nhà trường, được in trong “Sổ tay sinh viên”, được phổ biên cho sinh viên từ đầu mỗi năm học. Giảng viên cần chủ động phổ biến kế hoạch và nội dung kiểm tra đánh giá của mỗi học phần và cung cấp đề cương học phần cho sinh viên vào buổi học đầu tiên. Phương pháp kiểm tra đánh giá tiến hành theo hướng đa dạng, phù hợp với các quy định của mỗi nhà trường. Việc tổ chức thi kết thúc học phần phải được thực hiện nghiêm túc, đúng quy chế, đảm bảo độ bảo mật cao. Kết quả học tập được công bố kịp thời đến sinh viên giúp họ chủ động trong việc lập kế hoạch học tập cho kỳ tiếp theo cũng như đổi mới phương pháp học tập để có kết quả tốt hơn. Ngoài ra, Phòng Đào tạo cần thực hiện tốt việc cảnh báo học tập đối với những sinh viên có kết quả yếu.
Thứ năm, thu thập thông tin phản hồi từ các bên liên quan để hoàn thiện CTĐT. Việc lấy ý kiến của các bên liên quan về CTĐT có ý nghĩa rất quan trọng. Ở đây, các bên liên quan bao gồm: người học, giảng viên, nhân viên, đội ngũ lãnh đạo và quản lí, nhà sử dụng lao động, các đối tác, gia đình người học, nhà đầu tư, cơ quan quản lí trực tiếp, cơ quan quản lí nhà nước về giáo dục, tổ chức, cá nhân khác có liên quan [2]. Việc lấy ý kiến này được thực hiện dưới các hình thức khảo sát trực tiếp, khảo sát trực tuyến, tổ chức hội thảo,… thông qua các công cụ khảo sát như phiếu hỏi/bảng hỏi hoặc phỏng vấn trực tiếp. Kết quả phản hồi là căn cứ quan trọng giúp các nhà trường tiếp tục phát triển, hoàn thiện CTĐT theo hướng tiếp cận CDIO.
5. Kết luận
Xây dựng và phát triển chương trình CTĐT ở các trường đại học theo tiếp cận CDIO là đòi hỏi khách quan, cấp bách, trong quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đại học ở nước ta hiện nay. Việc áp dụng CDIO thời gian vừa qua đã có đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng CĐR của CTĐT trong các trường đại học. Từ đó, các trường đã thiết kế chương trình và kế hoạch đào tạo tích hợp kiến thức và kỹ năng, hình thành năng lực theo nhu cầu xã hội cho người học. Đối với chuyên ngành Kinh tế, để thiết kế CTĐT theo hướng tiếp cận CDIO cần bám sát vào đặc điểm đào tạo của chuyên ngành, bám sát nhu cầu thực tiễn từ nhà tuyển dụng và thị trường lao động, căn cứ vào điều kiện, nguồn lực của mỗi trường để có các bước triển khai hiệu quả, phù hợp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (2012). Đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế: Mô hình CDIO. Tài liệu Hội nghị toàn quốc CDIO 2012, thành phố Hồ Chí Minh.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo (2017). Thông tư số 17/TT/BGDĐT ngày 19/5/2017 ban hành Quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học.
- Hồ Tấn Nhựt và Đoàn Thị Minh Trinh (Biên dịch, 2010). Cải cách và xây dựng CTĐT kỹ thuật theo phương pháp tiếp cận CDIO. Nxb Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Tăng Văn Lâm, Vũ Kim Diến (2009). Đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế tiếp cận CDIO trong các trường đại học đa ngành định hướng nghiên cứu. Kỷ yếu hội thảo khoa học Đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế theo mô hình CDIO. Nxb Tài chính, Hà Nội.
- Võ Văn Thắng (2011). Tiếp cận CDIO để nâng cao chất lượng đào tạo đại học. Tạp chí Giáo dục, số 268, tháng 8/2011.
Developing economic training programs in Vietnamese universities
by using the CDIO model
Nguyen Thi Tram
Faculty of Economics, Vinh University of Technology Education
Abstract:
CDIO is an educational reform model that meets the needs of the profession, providing a set of tools with 12 standards to comprehensively develop necessary knowledge, skills, attitudes, and practical abilities (C-D-I-O competence) for learners. The CDIO implementation process has been mentioned for a long time, but it is still a complicated issue for universities in Vietnam. This is because the CDIO implementation requires basic conditions such as facilities, lecturers, staff, training programs, students, etc. that meet CDIO standards. In addition, it requires a standardized and unified processing system to successfully implement the CDIO. This paper proposes some recommendations to apply this model to build economic training programs in Vietnamese universities.
Keywords: CDIO, majoring in economics, university, education and training.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 19 tháng 9 năm 2023]