Xu hướng phát triển việc điều chỉnh pháp lý vấn đề sử dụng hàng rào phi thuế quan liên quan đến việc bảo vệ môi trường và sức khỏe con người trong thương mại quốc tế

Bài viết "Xu hướng phát triển việc điều chỉnh pháp lý vấn đề sử dụng hàng rào phi thuế quan liên quan đến việc bảo vệ môi trường và sức khỏe con người trong thương mại quốc tế" do ThS. Nguyễn Thị Thảo Anh (Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội) thực hiện.

Tóm tắt:

Hiện nay, các quốc gia đang tăng cường việc thiết lập và thực thi các quy định tiêu chuẩn môi trường và sức khỏe trong lĩnh vực thương mại, các chính sách khuyến khích, ưu đãi thuế và hỗ trợ tài chính được áp dụng để thúc đẩy sự chuyển đổi sang các hình thức sản xuất và tiêu dùng bền vững, thân thiện với môi trường. Bài viết này sẽ nghiên cứu xu hướng phát triển trong việc điều chỉnh pháp lý về việc sử dụng hàng rào phi thuế quan liên quan đến bảo vệ môi trường và sức khỏe con người trong thương mại quốc tế.

Từ khóa: hàng rào phi thuế quan, môi trường, xuất nhập khẩu, thương mại quốc tế, thiết chế pháp lý toàn cầu

1. Cơ sở lý luận về đến hàng rào phi thuế quan liên quan đến bảo vệ môi trường và sức khỏe con người trong thương mại quốc tế

Theo thống kê của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển, xu hướng các quốc gia sử dụng ngày càng nhiều các biện pháp phi thuế trong hoạt động thương mại quốc tế (TMQT), điển hình là các biện pháp kỹ thuật (TBT) và vệ sinh dịch tễ (SPS); các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) như chống bán phá giá (CBPG), chống trợ cấp (CTC) và tự vệ (TV).

Hiện nay, chưa có định nghĩa chính thức về các biện pháp phi thuế quan (NTMs). Theo Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển - UNCTAD (2012), các biện pháp NTMs là các biện pháp không phải biện pháp thuế quan, nhưng "có thể tác động kinh tế lên việc trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia". Đây là một định nghĩa tương đối rộng, xác định NTMs là bất kỳ biện pháp nào, có tác động tích cực hay tiêu cực lên thương mại. Tuy nhiên, cũng có một số định nghĩa hẹp hơn về NTMs, trong đó chỉ tập trung đến khía cạnh tiêu cực của NTMs. Ví dụ, OECD đưa ra định nghĩa về NTMs là các biện pháp không phải các biện pháp thuế quan và "có tác động hạn chế thương mại". Định nghĩa này đề cập đến NTMs như là rào cản hơn là biện pháp. Bởi rất nhiều các biện pháp NTMs gây ra rào cản với thương mại nên đôi khi còn được gọi là các rào cản phi thuế quan (non-tariff barriers - NTBs). Tuy nhiên, không phải tất cả các biện pháp NTMs đều hạn chế thương mại, thậm chí một số chúng còn giúp tăng cường thương mại giữa các quốc gia (Kareem, 2014). Hơn nữa, nhiều biện pháp NTMs được áp dụng đơn thuần với mục đích phi thương mại. Bởi vì khi quốc gia nhập khẩu yêu cầu tiêu chuẩn cao với hàng hóa nhập khẩu, các công ty xuất khẩu cần nâng cấp việc sản xuất của họ. Kết quả là sản phẩm của họ sẽ có chất lượng tốt hơn và có khả năng tiếp cận nhiều thị trường hơn và tạo ra nhiều lợi nhuận hơn (như bảo vệ sức khỏe con người, động vật hoặc môi trường); được WTO và nhiều hiệp định thương mại tự do khu vực khác công nhận. Do đó, định nghĩa của UNCTAD mang tính khách quan hơn và phạm vi rộng hơn để xác định các biện pháp NTMs. UCTAD phân các biện pháp NTMs thành 2 nhóm: Các biện pháp kỹ thuật và các biện pháp phi kỹ thuật. Mỗi nhóm sau đó được phân chia thành các nhóm nhỏ hơn và được liệt kê chi tiết bảng 7 tại phụ lục. Tuy nhiên, cần lưu ý việc phân loại này không dựa trên tính chất hạn chế thương mại, tính hợp pháp hoặc sự phân biệt đối xử của các biện pháp NTMs (UNCTAD, 2012)[i].

Hàng rào phi thuế quan (PTQ) được lập nên ở các quốc gia đều có những tác động tích cực, lẫn tiêu cực. Tác động tích cực của hàng rào PTQ có thể thấy rõ ở những điểm sau: bảo vệ an ninh quốc gia; bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của con người, của đời sống động thực vật; bảo vệ môi trường; bảo vệ ngành sản xuất trong nước; điều tiết hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu và đảm bảo cạnh tranh lành mạnh. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, việc tăng cường sử dụng các TBT và SPS không chỉ hạn chế hàng hóa kém chất lượng được lưu thông trên thị trường, mà còn thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của các nước.

Mặc dù vậy, các biện pháp PTQ đã bộc lộ những tác động tiêu cực và có thể được các nước sử dụng để tạo ra những rào cản trong TMQT. Những tác động không tích cực của biện pháp PTQ trong hoạt động TMQT bao gồm: làm hạn chế điều kiện tiếp cận thị trường của hàng nhập khẩu, từ đó làm hạn chế khối lượng và giá trị của hàng hóa mua bán quốc tế, cũng như làm cản trở tốc độ tăng trưởng của kim ngạch TMQT và tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mỗi quốc gia; làm tăng chi phí của hàng nhập khẩu và làm suy giảm lợi ích của người tiêu dùng; làm mất động lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.

Thực tế cho thấy, các nước phát triển có xu hướng sử dụng các TBT khắt khe hơn, với yêu cầu cao hơn so với các nước đang phát triển. Ví dụ: hàng nông sản được xuất khẩu từ nước đang phát triển tới nước phát triển gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong việc thâm nhập thị trường. Tính bình quân, giá trị nhập khẩu của hàng hóa có thể giảm khoảng 12%, trong đó giá trị nhập khẩu hàng nông sản có thể giảm 8,42% và giá trị thương mại song phương bình quân hàng năm giảm khoảng 11% nếu thực hiện ít nhất một rào cản PTQ[ii].

Xét về mặt hàng chịu sự điều chỉnh của các biện pháp bảo hộ PTQ, theo thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đến ngày 31/12/2019, các biện pháp SPS chủ yếu được áp dụng cho những hàng hóa như động vật sống và những sản phẩm từ động vật là 5.954; rau củ quả là 5.411; thực phẩm, đồ uống có cồn, thuốc lá là 2.948... Các biện pháp TBT chủ yếu được áp dụng cho những nhóm hàng như: máy móc và thiết bị điện tử (5.169), thực phẩm, đồ uống giải khát, đồ uống có cồn, thuốc lá (4.025), sản phẩm của ngành công nghiệp hóa chất (3.628), rau củ quả (2.548), động vật sống và những sản phẩm từ động vật (1.893), kim loại cơ bản (1.856)[iii].

Đề cập tới các rào cản thương mại liên quan đến môi trường, hiện nay, giới học giả trên thế giới thường nhắc đến khái niệm "hàng rào xanh". Tuy vậy, hiện nay, chưa có một khái niệm rõ ràng và được thừa nhận rộng rãi về "hàng rào xanh". Trong một số ngữ cảnh, khái niệm "Các biện pháp môi trường liên quan đến thương mại" TREMS (trade - related environment measures) được sử dụng. Hội đồng kinh tế của APEC năm 1988 định nghĩa TREMS như sau: "Các biện pháp môi trường liên quan đến thương mại" có phạm vi rất rộng. Chúng mô tả những biện pháp môi trường có tác động đáng kể đến thương mại, bao gồm các luật, quy định và biện pháp hành chính cũng như các thỏa thuận được tạo ra và ký kết".

Theo một số tài liệu, "hàng rào xanh" được định nghĩa là "tất cả các biện pháp liên quan đến thương mại bao gồm tất cả các hạn chế được ban hành bởi một nước hoặc một nhóm nước tác động lên hàng hóa nhập khẩu từ các nước khác dựa trên các mối quan ngại về môi trường" [1, tr.69]. Hàng rào xanh trong thương mại quốc tế bao gồm hàng rào thuế quan và 2 loại hàng rào phi thuế quan. Trong đó, hàng rào kỹ thuật là dạng thức chính của hàng rào phi thuế quan. Hàng rào xanh được "dựng lên" không ngoài mục đích thu hút sự quan tâm của cộng đồng cũng như giới doanh nghiệp và giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe con người. Trong nhiều trường hợp, "hàng rào xanh" cũng được sử dụng để hạn chế xuất khẩu từ các nước đang phát triển có trình độ kỹ thuật thấp hơn. Cụ thể, hàng rào xanh hiện diện dưới các hình thức sau:

Đầu tiên về áp dụng đánh thuế tài nguyên: Các nước phát triển xây dựng các tiêu chuẩn hàng hóa, trong đó quy định nghiêm ngặt hàm lượng tài nguyên thô như là một biện pháp bảo vệ môi trường, ngăn chặn khai thác cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Như vậy, hàng hóa của các nước đang phát triển muốn nhập khẩu vào các nước này sẽ phải chịu thuế nhiều hơn vì hàm lượng tài nguyên thô lớn, điều đó hạn chế lợi thế cạnh tranh của các nước đang phát triển trong sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Tiếp đến là sử dụng các tiêu chuẩn môi trường, vệ sinh an toàn, dán nhãn sinh thái như rào cản bảo hộ sản phẩm sản xuất trong nước, chống lại các sản phẩm và công nghệ nhập khẩu với lý do các sản phẩm và công nghệ này không đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm của nước sở tại.

Như vậy, có thể rút ra nhận xét, các biện pháp gắn liền với việc sử dụng các yếu tố kỹ thuật và phi kỹ thuật của sản phẩm và quá trình sản xuất ra sản phẩm là một hợp phần chủ yếu của các "hàng rào xanh" được liệt kê ở trên. Các biện pháp này có thể được gọi chung là "hàng rào phi thuế quan về môi trường và bảo vệ sức khỏe con người". Theo đó, có thể rút ra định nghĩa cho hàng rào phi thuế quan về môi trường và bảo vệ sức khỏe con người như sau: "hàng rào phi thuế quan bảo vệ sức khỏe con người và môi trường là một bộ phận hợp thành chủ yếu của "hàng rào xanh", ở đó, các quốc gia khai thác khía cạnh kỹ thuật và phi kỹ thuật liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới hàng hóa, sản phẩm cũng như quy trình sản xuất ra hàng hóa, sản phẩm để đưa ra các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá sự phù hợp cùng với một số biện pháp khác (như yếu tố tài chính, quá trình phân phối sản phẩm,…), nhằm mục đích bảo vệ môi trường và sức khỏe con người".

2. Vai trò của pháp luật quốc gia

Pháp luật quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh việc sử dụng hàng rào phi thuế quan liên quan đến bảo vệ môi trường và sức khỏe con người trong thương mại quốc tế. Dưới đây là một số vai trò chính của pháp luật quốc gia trong lĩnh vực này:

Quy định về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật: Các quốc gia thường có quy định về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực môi trường và sức khỏe con người. Những quy định này có thể bao gồm các yêu cầu về chất lượng nước, không khí, chất thải, an toàn thực phẩm, quản lý hóa chất và nhiều lĩnh vực khác. Quy định này giúp đảm bảo rằng hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu tuân thủ các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người.

Quy định về phòng ngừa và kiểm soát: Pháp luật quốc gia cũng có vai trò trong việc thiết lập các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát để bảo vệ môi trường và sức khỏe con người. Điều này có thể bao gồm quy định về quản lý chất thải, giám sát và kiểm soát ô nhiễm, quản lý sản phẩm hóa chất, kiểm tra an toàn thực phẩm và y tế công cộng và các biện pháp khác nhằm đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường.

Các biện pháp quản lý thương mại: Pháp luật quốc gia cũng có thể áp dụng các biện pháp quản lý thương mại để bảo vệ môi trường và sức khỏe con người. Ví dụ, quốc gia có thể áp dụng các hạn chế nhập khẩu hoặc thuế quan đặc biệt đối với các sản phẩm không tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường hoặc y tế. Các biện pháp này nhằm đảm bảo rằng hàng hóa được nhập khẩu phải tuân thủ các yêu cầu bảo vệ môi trường và sức khỏe con người.

Hỗ trợ và khuyến khích: Pháp luật quốc gia cũng có thể cung cấp các chính sách hỗ trợ và khuyến khích cho các hoạt động thương mại bền vững và thân thiện với môi trường. Điều này có thể bao gồm các khoản hỗ trợ tài chính, khuyến mãi thuế, ưu đãi đối với các sản phẩm và dịch vụ xanh, cùng các chính sách khác nhằm thúc đẩy phát triển, sử dụng các công nghệ và phương pháp bảo vệ môi trường và sức khỏe con người.

Tuy nhiên, quyền và trách nhiệm của quốc gia trong việc điều chỉnh việc sử dụng hàng rào phi thuế quan cần tuân thủ các nguyên tắc và quy định của các hiệp định và tổ chức quốc tế, như Hiệp định TBT và SPS của WTO. Sự cân nhắc và cùng cân nhắc với các quốc gia khác cũng là yếu tố quan trọng để đảm bảo tính công bằng và không gây cản trở không cần thiết trong thương mại quốc tế.

3. Xu hướng phát triển việc điều chỉnh pháp lý vấn đề sử dụng hàng rào phi thuế quan

Khi thuế quan (cả thuế MFN và thuế áp dụng) có xu hướng suy giảm nhanh chóng trong vòng 20 năm qua, thì ngược lại, các biện pháp phi thuế quan lại gia tăng mạnh mẽ. Mức thuế quan áp dụng trung bình giảm một nửa trong 20 năm qua, từ mức hơn 5% năm 1995 xuống khoảng 2,5% trong năm 2015. Trong khi đó, chỉ trong vòng khoảng hơn 10 năm kể từ khi bắt đầu xuất hiện, số lượng các biện pháp NTMs đã tăng gần gấp 2 lần: từ khoảng 1.600 năm 2003 lên gần 2.700 biện pháp năm 2015[iv]. Thuế quan giảm dần do tác động của các cam kết tự do hóa về hàng hóa trong WTO và các hiệp định thương mại giữa các quốc gia. Tuy nhiên, cùng với đó, nhiều quốc gia đã gia tăng các biện pháp NTMs coi đó là các biện pháp tự vệ để kiểm soát xuất khẩu và bảo vệ các ngành sản xuất trong nước.

Sự xuất hiện của các biện pháp NTMs đã có tác động nhất định lên thương mại, dù những tác động này rất phức tạp và khó có thể tính toán được. Năm 2010, UNCTAD phát triển một chỉ số đo lường để định lượng tác động của các biện pháp NTM lên các sản phẩm nhập khẩu, được gọi là "Chỉ số hạn chế thương mại tổng thể" (overall trade restrictiveness index - OTRI)[5]. Chỉ số này cho thấy các biện pháp NTMs có mức độ hạn chế thương mại tổng thể lớn hơn thuế quan. Trong đó, tác động của các biện pháp NTMs lên các sản phẩm nông nghiệp cao hơn nhiều so với các sản phẩm công nghiệp ở tất cả các quốc gia và mức thu nhập khác nhau. Ngoài ra, các biện pháp NTMs đối với các sản phẩm nông nghiệp áp dụng bởi các nền kinh tế có thu nhập cao có tính hạn chế thương mại cao hơn so với các nước có thu nhập trung bình và cao hơn nhiều so với các nước có thu nhập thấp.

Hiện nay, có một số xu hướng phát triển trong việc điều chỉnh pháp lý về việc sử dụng hàng rào phi thuế quan liên quan đến bảo vệ môi trường và sức khỏe con người trong thương mại quốc tế. Dưới đây là một số xu hướng quan trọng:

- Tăng cường quy định về tiêu chuẩn môi trường và sức khỏe: Quốc gia đang tăng cường việc thiết lập và thực thi các quy định tiêu chuẩn môi trường và sức khỏe trong lĩnh vực thương mại. Điều này bao gồm việc đặt ra các tiêu chuẩn cao hơn về an toàn thực phẩm, quản lý chất thải, quy chuẩn kỹ thuật và các lĩnh vực khác để đảm bảo rằng hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu tuân thủ các yêu cầu bảo vệ môi trường và sức khỏe con người.

- Phát triển các quy định mới về sản phẩm và công nghệ xanh: Các quốc gia đang thiết lập các quy định mới để khuyến khích và hỗ trợ phát triển và sử dụng sản phẩm và công nghệ xanh trong thương mại quốc tế. Các chính sách khuyến khích, ưu đãi thuế và hỗ trợ tài chính được áp dụng để thúc đẩy sự chuyển đổi sang các hình thức sản xuất và tiêu dùng bền vững và thân thiện với môi trường.

- Tăng cường sự hợp tác quốc tế và thực thi hiệp định hiện hành: Quốc gia đang tăng cường sự hợp tác quốc tế và thực thi các hiệp định hiện hành nhằm đảm bảo rằng các biện pháp bảo vệ môi trường và sức khỏe con người không gây ra sự chênh lệch không cần thiết và không cản trở thương mại quốc tế. Điều này đòi hỏi việc tăng cường sự giao tiếp, đánh giá tác động và hỗ trợ kỹ thuật giữa các quốc gia để đạt được một sự hiểu biết chung về các yêu cầu và tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan.

- Thúc đẩy khả năng tuân thủ và chứng nhận: Các quốc gia đang khuyến khích việc tuân thủ tiêu chuẩn môi trường và sức khỏe bằng cách thúc đẩy quá trình chứng nhận và kiểm tra độc lập. Việc chứng nhận và kiểm tra độc lập có thể giúp xác minh rằng các hàng hóa tuân thủ các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến môi trường và sức khỏe con người, tạo sự tin tưởng và khuyến khích sự tuân thủ.

- Quy định về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp: Ngày càng có nhiều quốc gia đưa ra các quy định về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility - CSR) đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại. Quy định này yêu cầu các doanh nghiệp phải tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường và xã hội trong quá trình sản xuất, kinh doanh và thương mại quốc tế.

Những xu hướng này cho thấy sự tăng cường quan tâm và cam kết của quốc gia và cộng đồng quốc tế trong việc đảm bảo thương mại quốc tế đồng hành với bảo vệ môi trường và sức khỏe con người.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1,4 WTO. EVFTA và rào cản từ EU với hoa quả Việt Nam: Tổng quan và tỉnh hình áp dụng các biện pháp phi thuế quan của EU. Truy cập tại: https://trungtamwto.vn/fta/446-evfta-rao-can-hoa-qua-vn/1.

2,3 Trần Ngọc Tú (2021). Sử dụng biện pháp phi thuế quan trên thế giới và những tác động đối với xuất khẩu của Việt Nam. Tạp chí Tài chính, kỳ 1 tháng 7.

 5 OTRI được phát triển đầu tiên bởi Kee, Nicita và Olarreaga năm 2009, sau đó được Ngân hàng Thế giới áp dụng. OTRI sau đó được cập nhật bởi UNCTAD dựa trên Cơ sở dữ liệu Hệ thống thông tin phân tích thương mại (TRAINS).

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2005). Luật Thương mại năm 2005.
  2. Quốc hội (2020). Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
  3. Quốc hội (2020). Luật Đầu tư năm 2020.
  4. Quốc hội (2014). Luật Hải quan năm 2014.
  5. Quốc hội (2017). Luật Thủy sản năm 2017.
  6. Nguyễn Việt Khôi, Lê Thị Thanh Thủy (2014). Thương mại xanh và xuất khẩu nông nghiệp Việt Nam,Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.
  7. Báo Hải quan (2017). Chậm ban hành Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành. Truy cập tại: https://haiquanonline.com.vn/cham-ban-hanh-danh-muc-hang-hoa-xnk-thuoc-doi-tuong-kiem-tra-chuyen-nganh-17977.html.
  8. Báo Hải quan (2017). Tình hình nhập khẩu ô tô nguyên chiếc của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2017 và cập nhật quý I năm 2018. Truy cập tại: https://www.otosaigon.com/threads/tinh-hinh-nhap-khau-o-to-cua-viet-nam-tu-2011-2018-nhung-so-lieu-biet-noi.8863537/.
  9. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (2016). Rào cản kỹ thuật đối với thương mại. Truy cập tại: https://trungtamwto.vn/upload/files/wto/4-cac-hiep-dinh-co-ban/1-6%20raocankt.pdf
  10. Olayinka Idowu Kareem (2014). The European Union Sanitary and Phytosanitary Measures and Africa’s Exports. RSCAS Working Papers 2014/98, European University Institute.

 

Legal trends of using non-tariff barriers for environmental protection

and human health in international trade

Master. Nguyen Thi Thao Anh

University of Law, Vietnam National University - Hanoi

Abstract:                                          

Currently, many countries are strengthening and enforcing environmental and health standards and regulations in their trade activities. In addition, preferential policies, tax incentives, and financial support are launched to promote sustainable, environmentally friendly production and consumption. This paper analyzes the legal trends of using non-tariff barriers for environmental protection and human health in international trade.

Keywords: non-tariff barriers, environment, import and export, international trade, global legal institutions.