Sáng 22/7, tại Đắk Lắk, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, Sở Công Thương Đắk Lắk, Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) tổ chức Phiên tư vấn xuất khẩu sản phẩm sầu riêng Việt Nam.
Phát biểu đề dẫn Phiên tư vấn, bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại cho biết: Sầu riêng được xem là “vua” của các loại trái cây nhiệt đới. Đây không phải là loại trái cây mà nhiều nước trồng nên được thị trường nhiều nước ưa chuộng.
Phiên tư vấn nhằm tư vấn, giải đáp các vấn đề doanh nghiệp quan tâm liên quan đến xuất khẩu sầu riêng đến các thị trường trọng điểm trên thế giới, thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trồng sầu riêng tại Đắk Lắk - một trong những tỉnh trồng sầu riêng lớn tại Tây Nguyên cùng các doanh nghiệp, hợp tác xã trồng và kinh doanh sầu riêng tại các địa phương khác trên cả nước.
Chủ động chuẩn bị điều kiện đáp ứng yêu cầu xuất khẩu chính ngạch
Chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng thương hiệu sầu riêng Krong Pắc và sự chuẩn bị để đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu, bà Ngô Thị Minh Trinh - Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Krong Pắc cho biết: Những năm gần đây, diện tích trồng sầu riêng của tỉnh Đăk Lăk tăng nhanh chóng, đạt trên 15.100 ha, tổng sản lượng khoảng 170.000 tấn/năm; riêng huyện Krong Pắc chiếm 4.000 ha với sản lượng 45.000 - 50.000 tấn/năm.
Theo bà Trinh, lợi thế của huyện Krong Pắc chính là diện tích đất đỏ bazan lớn, khí hậu ôn hòa phù hợp với tất cả các loại cây ăn quả, đặc biệt là cây sầu riêng. Bên cạnh đó, nhờ sự liên kết chặt chẽ giữa bốn nhà: nhà khoa học - nhà nông - nhà quản lý - nhà doanh nghiệp, những năm gần đây huyện đã phát triển nhanh chóng diện tích và sản lượng sầu riêng, thu hút nhiều thương lái, doanh nghiệp thu mua từ khắp cả nước. Sầu riêng Krong Pắc cũng đã được Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận là nhãn hiệu sầu riêng tập thể cho quả trái cây tươi.
Trong bối cảnh Việt Nam và Trung Quốc đã ký Nghị định thư cho phép sầu riêng tươi của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, bà Trinh cho biết huyện đã chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện tốt nhất cho việc xuất khẩu sầu riêng chính ngạch. Thời gian qua để ký được Nghị định thư thì bên phía bạn Trung Quốc và các đơn vị chức năng đã thẩm định tại một số vườn cây của huyện Krong Pắc, đây chính là điều kiện quan trọng chứng minh rằng là sản lượng và chất lượng sản riêng của Krong Pắc đạt các yêu cầu xuất khẩu chính ngạch.
“Hiện nay, huyện đã chuẩn bị sẵn sàng khoảng 600 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, 1.200 ha đã được cấp mã vùng trồng, tiếp tục đề xuất cấp mã vùng trồng cho thêm 1.200 ha. Bên cạnh đó huyện đã có 07 mã cơ sở đóng gói và tiếp tục phấn đấu đến cuối năm nay phải đạt được ít nhất 30 mã cơ sở đóng gói, để làm sao phục vụ tốt nhất cho việc xuất khẩu chính ngạch”, bà Trinh chia sẻ.
Cần tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn, yêu cầu của thị trường nhập khẩu
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết: Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới với kim ngạch nhập khẩu hàng năm khoảng 4 tỷ USD, trong đó 90% là nhập khẩu chính ngạch từ Thái Lan. Sầu riêng Việt Nam nhập sang Trung Quốc chủ yếu là nhập khẩu tiểu ngạch.
Ngày 11/7/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Nghị định thư có hiệu lực ngay sau khi ký kết và từ ngày 12/7/2022 doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu sầu riêng tươi chính ngạch cho thị trường Trung Quốc nhưng theo các doanh nghiệp Việt Nam, trước đây Trung Quốc thường nhập sầu riêng cấp đông của Việt Nam.
“Trước đây, khi cấp đông bằng phương pháp máy nén truyền thống, trung bình phải mất 6 - 8 tiếng mới cấp đông xong cho mỗi container 40 feet đạt -18oC. Với hệ thống cấp đông mới sử dụng công nghệ khí nitơ lỏng cấp đông đạt -18oC chỉ mất thời gian 1 tiếng, nhanh gấp nhiều lần thông thường, sau đó sầu riêng được đóng gói và xuất khẩu sang nhiều nước khác nhau. Sau khi rã đông, hương vị của nó giống như sầu riêng tươi, đảm bảo giữ 100% chất lượng, mùi vị trái, đồng thời đáp ứng yêu cầu bảo quản, bày bán ở các siêu thị, cửa hàng tại các thị trường. Tuy nhiên nguồn cung Nitơ hiện nay và sắp tới sẽ là vấn đề lớn khi mở rộng sản lượng xuất khẩu sầu riêng đi Trung Quốc và các nước”, ông Nguyên cho biết.
Ngoài thị trường Trung Quốc, sầu riêng Việt Nam còn có thể xuất khẩu đi các nước xa dưới hình thức cấp đông nguyên trái hoặc tách múi tới các thị trường nơi có đông cộng đồng người Châu Á sinh sống như: Mỹ , EU, Nhật Bản, Australia..., đa số là loại sầu riêng Ri6.
Tuy nhiên, ông Nguyên lưu ý: Để phát triển bền vững lâu dài xuất khẩu sầu riêng đi các nước, không riêng thị trường Trung Quốc, bắt buộc sầu riêng phải được trồng theo phương pháp GlobalGAP nghiêm ngặt, tuân thủ theo đúng quy định của từng thị trường tiêu thụ về dư lượng hóa chất tồn dư cũng như các điều kiện kiểm dịch thực vật khác. Nếu không tuân thủ trồng trọt theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ gặp rất nhiều rủi ro khi xuất hàng tới cảng của các nước nhập khẩu.
Cũng tại Phiên tư vấn, đại diện cơ quan thương mại Việt Nam tại nước ngoài đã thông tin tới các doanh nghiệp, hợp tác xã trồng và xuất khẩu sầu riêng về tổng quan thị trường sản phẩm sầu riêng ở một số thị trường trên thế giới như: Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Australia, Thái Lan; vấn đề tiếp cận, áp dụng quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu sản phẩm sầu riêng sang một số thị trường nước ngoài; một số điều cần lưu ý khi xuất khẩu sản phẩm sầu riêng sang một số thị trường nước ngoài.
Đa số các ý kiến đều nhận định sầu riêng Việt Nam có triển vọng tăng trưởng xuất khẩu và đón nhận tại nhiều thị trường, tuy nhiên cần đảm bảo đáp ứng những quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, giới hạn dư lượng hóa chất trong thực phẩm, yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, kiểm dịch khắt khe... của từng thị trường.
Sau phiên toàn thể, Ban tổ chức sắp xếp Phiên tư vấn riêng theo từng nhóm và từng doanh nghiệp cụ thể nhằm giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã trồng và xuất khẩu sầu riêng được trao đổi với đại diện Bộ Công Thương, các cơ quan thương mại tại nước ngoài... để nắm bắt thông tin sâu hơn, cụ thể hơn, từ đó có kế hoạch sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm cũng như tiếp cận thị trường đầu ra hiệu quả hơn.