Yêu cầu cơ bản trong nâng cao tính tự giác chấp hành pháp luật cho học viên đào tạo ở các trường quân đội hiện nay

THƯỢNG TÁ NGUYỄN THỊ ĐẮC HƯƠNG - THIẾU TÁ THÁI PHI (Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng)

TÓM TẮT:

Việc chấp hành pháp luật, kỷ luật của HVĐTSQ có vai trò rất quan trọng đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ của các Học viện, Nhà trường nói riêng và của Quân đội nói chung. Tuy nhiên, trước sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường đã ảnh hưởng nhiều đến việc chấp hành pháp luật, kỷ luật của HVĐTSQ. Chính vì vậy, nâng cao tính tự giác chấp hành pháp luật của HVĐTSQ cần phải tuân thủ những yêu cầu cơ bản để cho họ có được kiến thức và hiểu biết đúng đắn, đầy đủ về pháp luật, luôn có tình cảm, niềm tin sâu sắc và ý chí quyết tâm triệt để chấp hành pháp luật Nhà nước, các qui định của Quân đội, đơn vị. Qua đó, góp phần quan trọng bảo đảm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Bài viết bàn về yêu cầu cơ bản trong nâng cao tính tự giác chấp hành pháp luật cho học viên đào tạo ở các trường quân đội hiện nay.

Từ khóa: tính tự giác, chấp hành pháp luật, học viện, nhà trường, quân đội.

1. Đặt vấn đề

Pháp luật là hệ thống các quy phạm bắt buộc do Nhà nước ban hành, thể hiện ý chí và phục vụ cho lợi ích của giai cấp thống trị xã hội. Pháp luật xã hội chủ nghĩa thể hiện ý chí của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, bảo vệ lợi ích của đại đa số nhân dân; pháp luật đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” là một trong những yêu cầu quan trọng của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Do đó, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho mọi công dân là đòi hỏi khách quan, là yêu cầu cấp thiết để phát huy hiệu lực quản lý của Nhà nước và các tổ chức, các ngành đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Hiện nay, đất nước ta đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động hội nhập quốc tế. Chúng ta cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức không thể xem thường; đó là những khó khăn về kinh tế, sự tác động của mặt trái của kinh tế thị trường đang làm gia tăng thêm sự phân hóa giàu nghèo, lối sống thực dụng, tệ sùng bái đồng tiền; các tệ nạn xã hội đang tác động hàng ngày, hàng giờ đến cán bộ chiến sĩ trong Quân đội.

Các Học viện, Nhà trường quân đội có nhiệm vụ quản lý, giáo dục, rèn luyện học viên đào tạo sĩ quan (HVĐTSQ), là nơi trực tiếp quán triệt và triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của trên. Việc chấp hành pháp luật, kỷ luật của học viên có vai trò rất quan trọng đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ của các Học viện, Nhà trường nói riêng và của Quân đội nói chung.

Vì vậy, nâng cao tính tự giác chấp hành pháp luật là một nội dung quan trọng của công tác giáo dục, rèn luyện HVĐTSQ; góp phần bổ sung, cập nhật kiến thức pháp luật, bồi dưỡng tình cảm, ý chí, trách nhiệm sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, giúp cho mọi HVĐTSQ tự giác chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, điều lệnh, kỷ luật Quân đội và các chế độ quy định của đơn vị; là biện pháp quan trọng tạo nên chất lượng đội ngũ học viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; là một nội dung cốt lõi trong xây dựng đội ngũ HVĐTSQ ở các Học viện, nhà trường Quân đội.

2. Thực trạng vấn đề nghiên cứu

Các học viên được học tập trong các trường lớp quân đội có đặc điểm, là những thanh niên sinh ra và lớn lên sau thời kỳ chiến tranh, kế thừa truyền thống kiên cường, bất khuất trong lao động sản xuất, chiến đấu và xây dựng đất nước của tổ tiên, cha anh và được sự giáo dục của nhà trường, gia đình và xã hội. Đặc biệt, đây là lớp thanh niên được lớn lên trong thời kỳ đổi mới đất nước, có sức khoẻ, có nhận thức tốt, năng động, nhạy bén, sáng tạo trong cuộc sống... Đó là những thuận lợi rất cơ bản cho quá trình nâng cao tính tự giác chấp hành pháp luật cho HVĐTSQ ở các Học viện, Nhà trường hiện nay. Tuy nhiên, do đặc điểm tuổi đời còn trẻ (khoảng từ 18 - 23), lại chưa từng trải, nên học viên còn hạn chế về vốn sống, cách xem xét, đánh giá thường hay phiến diện; Đặc biệt là những kinh nghiệm trong cuộc sống chưa có nhiều, nên những hạn chế vốn có của tuổi trẻ đó là bản lĩnh thiếu sự vững vàng, hay nôn nóng, bồng bột, hăng hái, nhiệt tình, tích cực ủng hộ cái mới, ngay cả những cái mới tiêu cực, dễ dao động, chán nản trước những hoàn cảnh khó khăn, thích được tự do trong sinh hoạt, ngại rèn luyện chấp hành kỷ luật và pháp luật... Bên cạnh đó, họ còn chịu ảnh hưởng của phong tục, tập quán, văn hóa vùng, miền và lối sống, thói quen cũ, do đó trong tư tưởng, nhận thức, tâm lý, tình cảm của họ in đậm dấu vết, truyền thống, thói quen của mỗi dân tộc và vùng miền nơi gia đình họ sinh sống. Để khắc phục những điểm yếu đó và xây dựng nên những phẩm chất tốt đẹp của con người mới xã hội chủ nghĩa, đáp ứng với xu thế phát triển mới của xã hội, yêu cầu mới của nhiệm vụ cách mạng, họ cần phải được giáo dục toàn diện, bồi dưỡng rèn luyện một cách nghiêm túc trên nhiều mặt, trong đó đặc biệt là tự giác chấp hành pháp luật.

Trong những năm qua, hoạt động nâng cao tính tự giác chấp hành pháp luật cho HVĐTSQ ở các Học viện, Nhà trường Quân đội nhìn chung đã được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Việc tổ chức thực hiện của cấp ủy Đảng các cấp cùng với sự nỗ lực, cố gắng của từng học viên đã đạt được kết quả quan trọng, góp phần từng bước hoàn thiện, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và chất lượng thực hiện nhiệm vụ từng cá nhân và đơn vị. Ưu điểm cơ bản trong nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho HVĐTSQ thể hiện khái quát trên những vấn đề sau:

Một là, hầu hết các chủ thể lãnh đạo, chỉ đạo và học viên đã nhận thức ngày càng sâu sắc vai trò, tầm quan trọng của nâng cao tính tự giác chấp hành pháp luật cho học viên ở các Học viện, Nhà trường trong Quân đội.

Hai là, nội dung, hình thức, phương pháp nâng cao tính tự giác chấp hành pháp luật cho HVĐTSQ từng bước được đổi mới. Quá trình xác định nội dung đã bám sát mục tiêu phổ biến, giáo dục pháp luật theo quy định của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, được thể hiện trong các chuyên đề giáo dục pháp luật hằng năm theo chỉ đạo, hướng dẫn của Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng và nhu cầu thực tiễn của đơn vị.

Ba là, Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho đội ngũ HVĐTSQ đã tạo nên sự chuyển biến tích cực trong nhận thức cũng như thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mỗi cá nhân và góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Hầu hết học viên có nhận thức đúng về vai trò, tầm quan trọng của pháp luật. Có động cơ phấn đấu tốt, ý thức tự giác trong thực hiện pháp luật, kỷ luật Quân đội, hành vi pháp lý đúng đắn, xử sự phù hợp với quy định của pháp luật khi tham gia các quan hệ xã hội

Tuy nhiên, bên cạnh đó, hoạt động nâng cao ý thức pháp luật cho HVĐTSQ vẫn còn tồn tại một số hạn chế, khuyết điểm sau:

Một là, một số cấp ủy, cán bộ đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật cho HVĐTSQ, chưa đề cao trách nhiệm trong đề xuất chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp giữa cơ quan, đơn vị trong tổ chức nâng cao tính tự giác chấp hành pháp luật cho học viên.

Hai là, vẫn có HVĐTSQ nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của nâng cao tính tự giác chấp hành pháp luật còn giản đơn. Nhận thức về thực hiện pháp luật của một số học viên chưa đầy đủ, chưa trở thành động cơ thôi thúc họ phấn đấu, rèn luyện để có thói quen hành vi chấp hành pháp luật, kỷ luật tốt. Vẫn còn một số học viên có hành vi pháp luật, kỷ luật chưa đúng, kỹ năng ứng xử các tình huống pháp lý chưa tốt.

Ba là, xác định nội dung và hình thức, biện pháp nâng cao tính tự giác chấp hành pháp luật vẫn còn bộc lộ một số hạn chế nhất định. Nội dung nâng cao tính tự giác chấp hành pháp luật còn dàn trải, thiếu tập trung, chưa phù hợp với đối tượng. Có chuyên đề chưa cập nhật và kịp thời quán triệt, chuyển tải văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quy phạm nội bộ đã có hiệu lực thi hành; có giai đoạn còn chưa kịp thời thông tin về tình hình vi phạm pháp luật, tri thức, kinh nghiệm nâng cao nhận thức, rèn luyện thói quen hành vi pháp luật và kỹ năng xử sự khi tham gia các quan hệ xã hội cho nâng cao. Hình thức nâng cao tính tự giác chấp hành pháp luật vẫn còn có một số điểm chưa hợp lý. Có đơn vị chỉ chú trọng nhiều đến việc sử dụng các hình thức nâng cao tính tự giác chấp hành pháp luật và còn thiên về đánh giá kiến thức pháp luật, kỷ luật của đối tượng giáo dục mà chưa quan tâm thích đáng đến việc sử dụng các hình thức có xu hướng đánh giá sự biểu đạt tình cảm, niềm tin về pháp luật và thể hiện thói quen hành vi pháp luật của học viên.

3. Đề xuất một số yêu cầu khắc phục thực trạng vấn đề nghiên cứu

Nâng cao tính tự giác chấp hành pháp luật của HVĐTSQ ở các Học viện, Nhà trường là làm cho họ có được kiến thức và hiểu biết đúng đắn, đầy đủ về pháp luật, luôn có tình cảm, niềm tin sâu sắc và ý chí quyết tâm triệt để chấp hành pháp luật Nhà nước, các qui định của Quân đội, đơn vị, xây dựng cho họ ý thức luôn tự giác, tích cực trong học tập, rèn luyện, có hiệu quả cao trong thực hiện những công việc được giao.

Nâng cao tính tự giác chấp hành pháp luật cho HVĐTSQ ở các Học viện, Nhà trường trong Quân đội hiện nay cần tuân thủ tốt các yêu cầu sau:

Một là, nâng cao tính tự giác chấp hành pháp luật phải luôn quán triệt sâu sắc các quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam về pháp luật và các chế độ quy định của Quân đội, đơn vị.

Nâng cao tính tự giác chấp hành pháp luật cho HVĐTSQ phải bám sát nhiệm vụ chính trị và phục vụ cho việc thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Nâng cao tính tự giác chấp hành pháp luật không có mục đích tự thân mà nhằm góp phần nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, động viên, cổ vũ, thúc đẩy hành động cách mạng, góp phần làm cho hoạt động thực tiễn đạt hiệu quả cao nhất. Mặt khác, thực tiễn thực hiện nhiệm vụ chính trị ở đơn vị là nguồn cung cấp cứ liệu và kinh nghiệm cho hoạt động nâng cao tính tự giác chấp hành pháp luật cho học viên. Chỉ bám sát thực tiễn, nắm bắt được hơi thở của cuộc sống, bắt rễ sâu trong đời sống hiện thực, kịp thời giải đáp những vấn đề do thực tiễn thực hiện nhiệm vụ chính trị đặt ra, thì khi đó nâng cao tính tự giác chấp hành pháp luật cho học viên mới phát triển vững chắc, tránh khỏi giáo điều và các khuynh hướng lệch lạc, sai trái khác.

Nâng cao tính tự giác chấp hành pháp luật cho HVĐTSQ, trước hết cần quán triệt sâu sắc các quan điểm, tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, nhiệm vụ của cách mạng, nhiệm vụ của Quân đội, đơn vị... trên cơ sở đó nâng cao giác ngộ chính trị, tạo nền tảng vững chắc cho việc xây dựng và nâng cao tính tự giác chấp hành pháp luật. Các quan điểm đường lối, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chế độ quy định của Quân đội, đơn vị... không những là nội dung quan trọng cần giáo dục, quán triệt mà còn là yêu cầu, chuẩn mực về tính tự giác chấp hành pháp luật, kỷ luật mà mỗi người nói chung và HVĐTSQ nói riêng phải phấn đấu thực hiện một cách triệt để. Do vậy, quá trình nâng cao tính tự giác chấp hành pháp luật của HVĐTSQ phải làm cho các nội dung trên thường xuyên được quán triệt, tổ chức thực hiện đầy đủ, có chất lượng trong tổ chức, đơn vị để không ngừng nâng cao tính tự giác chấp hành pháp luật của HVĐTSQ hiện nay.

Hai là, nâng cao tính tự giác chấp hành pháp luật của HVĐTSQ phải hướng vào việc xây dựng, bồi dưỡng rèn luyện tính tự giác sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật.

Ý thức chấp hành pháp luật của HVĐTSQ không phải tự nhiên có được mà là kết quả của cả một quá trình giáo dục, rèn luyện khoa học, nghiêm túc của các chủ thể, các lực lượng giáo dục và sự nỗ lực tích cực tự giáo dục, tự rèn luyện của mỗi người. Càng tích cực, tự giác trong tự rèn luyện, nâng cao hàng ngày thì ý thức chấp hành pháp luật của họ càng phát triển, hoàn thiện hơn. Do đó, phát huy vai trò tích cực, tự giác của đội ngũ học viên trong tự rèn luyện có ý nghĩa trực tiếp quyết định đến ý thức chấp hành pháp luật của từng người.

Ý thức tổ chức kỷ luật, thói quen tự giác chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật góp phần xây dựng phẩm chất nhân cách tốt đẹp của con người mới xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, nâng cao tính tự giác chấp hành pháp luật cho HVĐTSQ phải hướng vào việc nâng cao tính tự giác sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật, ý thức tổ chức kỷ luật, thói quen tự giác chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật là một trong những nội dung thuộc phẩm chất nhân cách tốt đẹp của con người mới, phương pháp tác phong của người có trình độ nhận thức xã hội tốt. Nâng cao tính tự giác sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật, ý thức tổ chức kỷ luật, thói quen tự giác chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật là một trong những yêu cầu quan trọng trong quá trình xây dựng, củng cố, rèn luyện nâng cao tính tự giác chấp hành pháp luật, bản lĩnh, trách nhiệm của mỗi người đối với đơn vị và xã hội. Vì vậy, nâng cao tính tự giác chấp hành pháp luật của HVĐTSQ chính là hướng vào việc nâng cao tính tự giác sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật, ý thức tổ chức kỷ luật, thói quen tự giác chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật và quy định của Quân đội, đơn vị, góp phần xây dựng, phát triển hoàn thiện phẩm chất nhân cách của con người mới xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Ba là, nâng cao tính tự giác chấp hành pháp luật của HVĐTSQ phải được tiến hành thường xuyên liên tục, phù hợp với từng đối tượng.

Quá trình học tập, công tác, sinh hoạt hàng ngày của mỗi HVĐTSQ luôn gắn với môi trường hoạt động của họ. Vì vậy, chính môi trường học tập, làm việc là điều kiện tốt nhất để nâng cao tính tự giác chấp hành pháp luật của mỗi HVĐTSQ. Chỉ có thông qua hoạt động thực tiễn như vậy thì tính tự giác của mỗi người mới được khẳng định và kiểm nghiệm một cách đúng đắn. Trước những yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ của Quân đội, đơn vị, không phải HVĐTSQ nào khi bước vào học tập, công tác, rèn luyện cũng xác định rõ trách nhiệm, có ý chí quyết tâm cao, thực hiện nhiệm vụ một cách tự giác, mà trái lại trong quá trình học tập, rèn luyện gian khổ phức tạp, nhiều cám dỗ tiêu cực sẽ nảy sinh không ít vấn đề về tư tưởng cả tích cực và tiêu cực... Để giúp cho mỗi HVĐTSQ có nhận thức, thái độ hành vi đúng, hạn chế những tiêu cực trong học tập rèn luyện và công tác, cần phải thường xuyên nâng cao tính tự giác chấp hành pháp luật.

Nâng cao tính tự giác chấp hành pháp luật cho học viên chỉ thực sự có tác dụng chiều sâu trong thực tế, bảo đảm sự chuyển biến vững chắc, góp phần thiết thực xây dựng các tổ chức và đơn vị vững mạnh toàn diện khi hệ thống các nguyên tắc ứng xử pháp luật được cụ thể hóa thành các quy chế, quy định, chế độ, nền nếp cụ thể và được duy trì thực hiện nghiêm túc. Để tăng tính giáo dục, hiệu quả rèn luyện và duy trì pháp luật, kỷ luật đối với mọi bộ phận nói chung, học viên nói riêng, trong các văn bản, cần xác định rõ nội dung, yêu cầu trách nhiệm mà mỗi học viên phải quán triệt thực hiện. Mặt khác, các quy chế, quy định, chế độ, nền nếp đó phải được thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, phổ biến thật sự cụ thể, tỉ mỉ đến từng học viên. Theo đó, gắn bồi dưỡng với cụ thể hóa, duy trì trong thực tiễn và ngược lại, việc cụ thể hóa, duy trì trong thực tiễn phải trên cơ sở từng học viên được giáo dục, hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ, chu đáo.

Bốn là, nâng cao tính tự giác chấp hành pháp luật cho HVĐTSQ phải thường xuyên nâng cao trách nhiệm của mọi tổ chức, mọi lực lượng trong đơn vị.

Một trong những bài học trong lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng mà Đảng ta đã tổng kết là phải phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân, của cả hệ thống chính trị trong thực hiện các nhiệm vụ, các phong trào thi đua, các cuộc vận động. Chính vì vậy, phải huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực l­ượng vào nâng cao tính tự giác chấp hành pháp luật cho HVĐTSQ. Tổ chức Đảng, ngũ cán bộ quản lý, tổ chức quần chúng... mỗi tổ chức, cá nhân có vị trí, vai trò khác nhau, song cùng phải thực hiện mục tiêu, yêu cầu xuyên suốt của nhiệm vụ mà đơn vị mình được giao. Muốn vậy, luôn đòi hòi bên cạnh nhiệm vụ phải chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng toàn diện các thành viên trong đơn vị mình, trong đó có nâng cao tính tự giác chấp hành pháp luật. Mặt khác, tự giác chấp hành pháp luật là yêu cầu thuộc phẩm chất đạo đức của mỗi người nói chung và từng cá nhân HVĐTSQ nói riêng. Để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và nỗ lực tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu của mỗi thành viên, cần phát huy tốt vai trò của các tổ chức trong đơn vị với việc định hướng và thực hiện chương trình nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật và chính bản thân mỗi thành viên phải thường xuyên đề cao trách nhiệm, chủ động bồi dưỡng, rèn luyện tính tự giác chấp hành pháp luật một cách thường xuyên.

4. Kết luận

Trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, nâng cao ý thức pháp luật cho HVĐTSQ ở các Học viện, Nhà trường trong Quân đội có vai trò hết sức quan trọng. Vì vậy, cần quán triệt và thực hiện nghiêm, đồng bộ các yêu cầu trên, để góp phần xây dựng Quân đội nhân dân chính quy, kỷ cương, kỷ luật, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Chính trị Quốc gia Sự thật, H. 2021.
  2. Đào Thị Thư (2017), Tổ chức giáo dục pháp luật cho sinh viên các trường đại học quân sự trên địa bàn thành phố Hà Nội, Luận văn thạc sĩ Quản lý công, Học viện Hành chính Quốc gia.
  3. Nguyễn Văn Vi (2018), Giáo dục pháp luật trong quân đội nhân dân Việt Nam, Luận án tiến sĩ Luật học, Học viện Khoa học Xã hội.
  4. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

Basic requirements in improving the self-discipline and law observance of office cadets in military academies and schools in Vietnam

Lieutenant colonel Nguyen Thi Dang Huong

Major Thai Phi

Political Academy - Ministry of Defense

Abstract:

The self-discipline and law observance of office cadets play a key role in the performance of military academies and schools in Vietnam in particular and the Vietnam People's Army (VPA) in general. However, the market economy’s mechanism has greatly affected the self-discipline and law observance of office cadets. As a result, it is important to improve the compliance of office cadets with laws and regulations, and strengthen the will of office cadets to obey laws of the Government of Vietnam and regulations of the VPA in order to achieve all tasks and successfully develop the VPA into a a revolutionary, regular, elite, gradually modern military.

Keywords: self-discipline, law observance, academy, school, military.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 25 tháng 11  năm 2022]