Yếu tố ảnh hưởng đến khả năng phát triển nghề nghiệp của sinh viên chuyên ngành Kế toán - Kiểm toán

THS. ĐẶNG THỊ MÂY (Khoa Kế toán, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Trong thời kỳ Cách mạng công nghệ 4.0, hội nhập quốc tế, khả năng phát triển nghề nghiệp ngày càng được các nhà nghiên cứu, quản lý quan tâm. Chủ đề này cũng đang là vấn đề được sinh viên, nhà trường và các doanh nghiệp chú trọng. Đặc biệt, sinh viên ngành Kế toán - Kiểm toán. Bài viết nhằm đưa ra những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng phát triển nghề nghiệp của sinh viên chuyên ngành Kế toán - Kiểm toán. Từ đó đưa ra giải pháp nhằm nâng cao khả năng phát triển nghề nghiệp của sinh viên chuyên ngành này.

Từ khóa: khả năng phát triển, kế toán - kiểm toán, năng lực, kiến thức.

1. Đặt vấn đề

Được đánh giá là ngành nghề chịu ảnh hưởng lớn bởi cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 (CMCN 4.0), kế toán - kiểm toán đặt ra nhu cầu về khả năng phát triển nghề nghiệp không chỉ gắn liền với quá trình đào tạo kỹ thuật chuyên môn cơ mà còn phụ thuộc vào việc nâng cao hiểu biết các công nghệ đột phá, kỹ năng phân tích, kỹ năng cá nhân và tư duy của mỗi kế toán - kiểm toán viên tương lai. Nhìn chung để mở rộng, phát triển nghề nghiệp kế toán kiểm toán, sinh viên cần đảm bảo các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng và thái độ. Chính vì vậy, việc nắm bắt các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng phát triển nghề nghiệp của sinh viên kế toán - kiểm toán sẽ giúp sinh viên có cái nhìn toàn cảnh về xu hướng ngành nghề, được định hướng rõ ràng trong việc phát triển nghề nghiệp tương lai, từ đó đưa ra những quyết định học tập hiệu quả cho bản thân.

2. Các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng phát triển nghề nghiệp của sinh viên kế toán - kiểm toán

2.1. Nhân tố bên trong

Nhân tố năng lực kiến thức

Sinh viên ngành Kế toán - Kiểm toán cần trang bị cả kiến thức nền tảng về pháp luật, kinh tế, quản trị… và kiến thức chuyên môn, triển khai thực hiện công tác kế toán, tài chính, kiểm toán, thuế theo hệ thống chuẩn mực Việt Nam và quốc tế. Sau khi học tập và rèn luyện kiến thức mang tính lý thuyết, sinh viên cần biết vận dụng các phương pháp phân tích thông tin kế toán vào thực tế để từ đó đưa ra các quyết định quản trị đúng đắn, đề xuất giải pháp cải thiện hiệu quả hoạt động cho doanh nghiệp.

Nhân tố năng lực kỹ năng

Nhân tố đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nghề nghiệp sau này của sinh viên ngành Kế toán - Kiểm toán bao gồm cả kỹ năng mềm và kỹ năng chuyên ngành. Ngoài kỹ năng lập và kiểm tra báo cáo tài chính, các doanh nghiệp cũng đòi hỏi sinh viên có các kỹ năng phân tích, thuyết trình, phản biện,… Trong bối cảnh công nghệ số như hiện nay, các kỹ năng khác như có trình độ tiếng Anh (đạt 4/6 Khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam ban hành kèm theo thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT) và tin học (quy định Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT) cũng là những yêu cầu cơ bản cho sinh viên khi ra trường.

Nhân tố tính cách và thái độ

Theo Nghiên cứu của IFAC (2004), kế toán, kiểm toán viên cần giữ vững giá trị nghề nghiệp, đạo đức và thái độ tiếp thu trong suốt quá trình học và làm việc. Học viện Kiểm toán viên nội bộ của Hoa Kỳ (IIA) cũng đã sửa đổi Khung năng lực dành cho Kiểm toán nội bộ, một trong số đó là trách nhiệm liên tục nâng cao kiến thức, phát triển chuyên môn. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc học tập suốt đời và thực hiện phát triển nghề liên tục hoặc đào tạo liên tục không là vấn đề của một khu vực hay quốc gia mà là một trong những yêu cầu bắt buộc đã và đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Hơn nữa, đạo đức nghề nghiệp, tính thận trọng, trung thực, khách quan là nhân tố không thể thiếu của kế toán, kiểm toán viên, tránh những sai sót mang tính trọng yếu ảnh hưởng tới doanh nghiệp và nền kinh tế.

2.2. Nhân tố bên ngoài

Nhân tố Giáo dục và Đào tạo

Theo thống kê của các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, ngành Kế toán - Kiểm toán là ngành có nhu cầu tìm việc cao nhất năm 2020 và đứng thứ 3 năm 2021. Đồng thời năm 2020, ngành Kế toán - Kiểm toán cũng là ngành có nhu cầu tuyển dụng cao thứ 7 và nâng lên thứ 4 vào năm 2021 trong số 10 ngành trong danh sách khảo sát. Việc này phản ánh thực trạng dư về lượng nhưng thiếu về chất trong đào tạo ngành Kế toán, vì vậy mặc dù số lượng sinh viên có nhu cầu tìm việc cao, nhưng lại chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng. Việc đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo kế toán - kiểm toán nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, được trang bị những kỹ năng cần thiết nhằm thích nghi với thời đại là giải pháp tối ưu để đáp ứng yêu cầu hội nhập và CMCN 4.0.

Nhân tố Sự phát triển của công nghệ thông tin trong ngành nghề Kế toán - Kiểm toán

Cuộc CMCN 4.0 với tốc độ phát triển nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu đã tác động lớn đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế, đời sống xã hội. Đặc biệt, cách thức làm việc của con người thay đổi vượt bậc so với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đó.

CMCN 4.0 được khẳng định “sẽ tạo ra một sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn, theo những cách thức mới, nội dung mới trong các lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng và dịch vụ thanh toán” . Từ đây ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận kiến thức của sinh viên kế toán - kiểm toán, thúc đẩy sinh viên phát triển các kỹ năng của bản thân để bắt kịp với sự thay đổi của công nghệ trong môi trường làm việc.

Cụ thể, CMCN 4.0 đã thay đổi cách thức làm việc của một kế toán - kiểm toán viên. Thay vì tập trung vào việc làm tay truyền thống, thủ công, kế toán - kiểm toán viên ngày nay cần hiểu rõ và nắm bắt được công nghệ để sử dụng nó như một dụng cụ thông minh. Từ đó, giảm thiểu sự thụ động, tăng tính linh hoạt và phát triển tư duy logic trong các công việc phân tích, xử lý dữ liệu giúp cho việc ra những quyết định tài chính của nhà quản trị. Đứng trước sự thay đổi mạnh mẽ trong bối cảnh chuyển đổi số, sinh viên ngành kế toán - kiểm toán phải trau dồi và cập nhật theo những xu hướng hiện đại nhất để hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp. Trong cuộc CMCN 4.0, mỗi cá nhân hoạt động trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán cần phải nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ để ứng dụng vào xu thế, tiết kiệm nguồn lực và tăng hiệu quả công việc. Từ đó mới có thể phát triển nghề nghiệp trong tương lai đầy biến động của nền kinh tế thị trường.

Nhân tố Xã hội và gia đình

Xuất hiện nhiều thông tin trái chiều cho rằng công nghệ phát triển sẽ đào thải số lượng lớn nguồn nhân lực trong ngành Kế toán - Kiểm toán. Tuy nhiên, sẽ chỉ có một vài công việc cụ thể được tự động hóa chứ không phải toàn bộ công tác kế toán, vì vậy chuyên viên Kế toán - Kiểm toán cần phải thích nghi để duy trì sự phát triển và phù hợp. Ngoài ra, công nghệ đã đem lại cho kế toán, kiểm toán viên rất nhiều lợi ích trong các khâu nhập dữ liệu, thực hiện giao dịch,... Tuy nhiên, sinh viên cũng phải rèn luyện và học tập thêm nhiều kỹ năng máy tính khác đòi hỏi sự kiên trì và cẩn thận. Điều này dẫn đến việc nản trí, mất phương hướng, làm trái ngành sau khi ra trường… Cùng với đó, sự tác động của gia đình và những người có ảnh hưởng lên quyết định lựa chọn học ngành kế toán cũng đã được nhiều nghiên cứu kết luận (Rababah, 2016; Phan Hoài Vũ & cộng sự, 2016). Ở Việt Nam, tác nhân này có vẻ nổi trội hơn cả do văn hóa Việt Nam chú trọng đến nghề truyền thống của gia đình; đồng thời, cha mẹ luôn có ảnh hưởng lớn đến những quyết định quan trọng của con cái như chọn nghề nghiệp, công việc. Bên cạnh đó, những thông tin về nghề nghiệp, trường đại học xuất phát từ gia đình và người thân luôn có tác động mạnh và đáng tin cậy hơn. Do vậy, người học có xu hướng nghe theo lời khuyên của gia đình và người thân.

Nhân tố Yêu cầu của nhà tuyển dụng

Các nhà tuyển dụng cho rằng sinh viên tốt nghiệp kế toán có các kỹ năng kế toán kỹ thuật cần thiết nhưng thiếu các kỹ năng mềm quan trọng (Low và cộng sự, 2016; Tempone và cộng sự, 2012). Ngoài ra, các nhà tuyển dụng tiếp tục yêu cầu sinh viên tốt nghiệp kế toán phải có hiểu biết cơ bản về các kỹ năng kế toán cơ bản nhưng mong rằng những kỹ năng này sẽ được học trong công việc. Đồng thời, các nhà tuyển dụng cũng chú trọng nhiều hơn đến các kỹ năng mềm của sinh viên tốt nghiệp như kỹ năng giao tiếp giữa các cá nhân với nhau, bao gồm khả năng hòa nhập và thích ứng với văn hóa tổ chức của công ty (Low và cộng sự, 2016).

Hiện nay, những công ty thuộc Big 4 như Deloitte, KPMG, PwC,… những tập đoàn đa quốc gia hay cả tập đoàn lớn trong nước đều yêu cầu tuyển dụng nhân viên có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh, ưu tiên những người sở hữu những chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế như ACCA, CPA, ICAEW, có ngoại ngữ thứ 3,... ngay từ những vòng đầu. Bên cạnh đó, như KPMG, Deloitte, EY hay Unilever,… sẵn sàng tuyển thực tập sinh và đào tạo qua các chương trình internship được tổ chức hàng năm nhưng mức độ cạnh tranh cũng rất cao và thí sinh phải trải qua 3 - 5 vòng thi mới có thể có cơ hội. Sau khi có kết thúc kỳ thực tập, sinh viên nào có thể hiện tốt sẽ được tuyển làm nhân viên chính thức. Do vậy, bên cạnh những kỹ năng mà thời đại CMCN 4.0 đòi hỏi, nhà tuyển dụng còn đòi hỏi sinh viên cần nâng cao năng lực chuyên môn, thích nghi tốt để trở thành công dân toàn cầu. Vì thế, sinh viên muốn có cơ hội làm việc hay duy trì sự phát triển nghề nghiệp thì buộc phải thích ứng với những thay đổi để có thể bắt kịp với thời đại, đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng.

3. Giải pháp tác động vào các nhân tố nhằm nâng cao khả năng phát triển nghề nghiệp của sinh viên chuyên ngành Kế toán - Kiểm toán

Về phía sinh viên ngành Kế toán - Kiểm toán

Sinh viên ngành Kế toán - Kiểm toán cần rèn luyện khả năng tự học, tự nghiên cứu, tích cực chủ động trong việc học tập của mình. Ngay từ đầu cần trang bị kiến thức định hướng ngành nghề, quá trình học tập tích cực và có thái độ cầu thị, ham học hỏi khi thực tập. Ngoài việc học tập, sinh viên có thể tham gia các hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi, nghiên cứu khoa học,... để nâng cao và phát triển kỹ năng thuyết trình, tư duy phản biện, giao tiếp, ứng phó trước rủi ro... Loại bỏ các thái độ lười biếng, ỷ lại vào người khác, sinh viên cần tư duy độc lập, học cách làm việc nhóm và giữ phẩm chất đạo đức nghề nghiệp trong tương lai.

Về phía trường đại học

Có sự phối hợp và liên kết chặt chẽ giữa khoa Kế toán - Kiểm toán và trường đại học để xây dựng những buổi Workshop, hướng nghiệp, kết nối giữa sinh viên và nhà tuyển dụng. Sự định hướng rõ ràng từ nhà trường giúp sinh viên nắm bắt tổng quát về ngành học, xác định được chương trình học của mình bao gồm những kiến thức quan trọng nào và cách áp dụng kiến thức đó khi ra trường đi làm thực tế. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đi kèm với những yêu cầu cao hơn từ phía các công ty, doanh nghiệp, việc xây dựng những hoạt động kết nối sinh viên ngành  Kế toán - Kiểm toán và nhà tuyển dụng cũng vô cùng cần thiết.

Chương trình học cần có sự kết hợp giữa đào tạo lý thuyết và rèn luyện thực tế, đặc biệt là các môn học liên quan đến máy tính như kế toán máy... Các học phần cần được thiết kế cân đối giữa thời gian học lý thuyết và thực hành.

Trong quá trình dạy học những học phần tiếng Việt, giảng viên có thể cung cấp thêm những kiến thức tiếng Anh quan trọng của môn học bởi chuyên ngành Kế toán - Kiểm toán cũng bao gồm nhiều tài liệu, thông tư quốc tế. Một trong những yêu cầu của nhà trường về giảng viên là có kiến thức ngoại ngữ và khả năng sử dụng ngoại ngữ.

Nhà trường phải luôn chú trọng, nâng cấp về cơ sở vật chất phục vụ cho việc học tập, rèn luyện và nghiên cứu của sinh viên. Khi bắt đầu các môn học, giảng viên sẽ cung cấp cho sinh viên các giáo trình, sách tham khảo cần thiết chính vì thế thư viện cũng cần phải liên tục cập nhật những cuốn sách với tư liệu mới nhất.

Về phía gia đình và xã hội

Gia đình cần xác định tư tưởng, ủng hộ và hướng nghiệp ngay từ đầu, cùng đồng hành trong việc tìm hiểu về đặc tính ngành nghề. Hạn chế các bài viết định hướng sai lệch trên mạng xã hội làm ảnh hưởng tâm lý sinh viên khi theo đuổi ngành hoặc xác định sai dẫn đến chán nản trong quá trình học tập.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bennett, D. (2019). Graduate employability and higher education: Past, present and future. HERDSA Review of Higher Education, 5, 31-
  2. Bonekamp, L. and M. Sure. (2015). Consequences of industry 4.0 on human labour and work organisation. Journal of Bussiness and Media Psychology, 6(1), 33-40.
  3. Clarke, (2018). Rethinking graduate employability: The role of capital, individual attributes and context. Studies in Higher Education, 43(11), 1923-1937.
  4. Gabriel, M., & Pessl, E. (2016). Industry 4.0 and sustainability impacts: Critical discussion of sustainability aspects with a special focus on future of work and ecological consequences. Annals of the Faculty of Engineering Hunedoara, 14(2), 131.

Factors affecting the career development of students majoring in accounting - auditing

Master. Dang Thi May

Faculty of Accounting, University of Economics - Technology for Industries

Abstract:

During the Fourth Industrial Revolution (Industry 4.0) and the international integration process, the topic about career development possibilities is increasingly interested by researchers, managers, students, schools and businesses. This study is to explore the factors affecting the career development of students majoring in accounting - auditing. Based on the study’s findings, some solutions are proposed to improve the professional development of accounting and auditing students.

Keywords: development abilities, accounting - auditing, competence, knowledge.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6  tháng 3 năm 2023]