1. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030, làm cơ sở cho việc hướng tới xây dựng Hải quan Việt Nam thông minh, chính quy, hiện đại
Ngày 20/5/2022, Phó Thủ tướng chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 628/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030.
Chiến lược phát triển Hải quan xác định mục tiêu tổng quát, các mục tiêu cụ thể, chỉ tiêu phấn đấu và hệ thống các giải pháp xây dựng và phát triển Hải quan Việt Nam đến năm 2030.
Theo đó mục tiêu tổng quát của Chiến lược là “Xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh. Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan, quản lý hải quan. Quản lý thu thuế đối với hoạt động xuất nhập khẩu hiệu quả.
Tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch và vận tải hợp pháp qua biên giới, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn xã hội và bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia”.
Cụ thể hóa mục tiêu tổng quát Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 đã xác định 07mục tiêu cụ thể (nhiệm vụ trong tâm, đột phá trong xây dựng và phát triển Hải quan Việt Nam đến năm 2030); đặt ra 26 chỉ tiêu phấn đấu (theo đó có 14 chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 và 12 chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2030); 08 hệ thống các giải pháp toàn diện, đồng bộ, đầy đủ trong mọi lĩnh vực hoạt động quản lý nhà nước về hải quan, hoạt động nghiệp vụ hải quan… để đảm bảo thực hiện thành công các chỉ tiêu, mục tiêu đặt ra tại Chiến lược.
Cùng với việc xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030, nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của chuyển đổi số trong quản lý Nhà nước về Hải quan, cụ thể hoá mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành thành Hải quan số'
Năm 2030 hoàn thành Hải quan thông minh đặt ra trong Chiến lược, đồng thời xác định ứng dụng CNTT và công nghệ số là quá trình tất yếu làm thay đổi căn bản, toàn diện hoạt động quản lý nhà nước về Hải quan, đồng thời thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ và Lãnh đạo các cấp về đẩy mạnh số hóa, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của Cách mạng Công nghiệp 4.0, Tổng cục Hải quan đã xây dựng và ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 707/QĐ-TCHQ ngày 04/5/2022.
Quyết định được ban hành với quan điểm thực hiện chuyển đổi số là động lực trong xây dựng Hải quan số, Hải quan thông minh, đồng thời đây được xem là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục với bước đi vững chắc, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm, kế thừa những kết quả đạt được, đi đôi với đổi mới sáng tạo.
2. Tăng cường cải cách hành chính, hiện đại hoá, tạo thuận lợi cho thương mại của ngành Hải quan đưa đến kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc 700 tỷ USD, nhưng vẫn đảm bảo an ninh, an toàn và chống thất thu.
Đến ngày 15/12/2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam chính thức cán mốc 700 tỷ USD. Đây là một kết quả ấn tượng cho sự nỗ lực không ngừng của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua. Kết quả này sẽ là cơ sở quan trọng để các Bộ, ngành hoàn thành nhiệm vụ được giao, từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt là ngành Tài chính, Tổng cục Hải quan tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm 2022, tạo đà thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, tiếp tục khẳng định vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu.
Bên cạnh việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu Ngân sách Nhà nước năm 2022, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc cần chú trọng thu thập, phân tích các thông tin trong và ngoài ngành, xác định dấu hiệu rủi ro để có biện pháp kiểm tra, giám sát, kiểm soát; Kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; Tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu tại các đơn vị thuộc và trực thuộc để tạo sự đồng thuận, thống nhất trong thực hiện; Tập trung kiểm tra về số lượng, trị giá, mã số, xuất xứ để phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm; Tổ chức thực hiện thu hồi và xử lý nợ thuế đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu được giao. Từ đó, kết quả đạt được từ các giải pháp chống thất thu trong 11 tháng đầu năm 2022 là 1.170 tỷ đồng .
3. Đấu tranh chống buôn lậu hàng cấm đạt kết quả ấn tượng với việc bắt giữ số lượng lớn ma tuý: trên 1 tấn các loại ma tuý, bắt giữ 270 đối tượng.
Trong năm 2022, ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng phát hiện, bắt giữ: 303 vụ/270 đối tượng, trong đó cơ quan hải quan chủ trì 163 vụ. Tang vật thu được gồm: 165 kg Heroin và 20 bánh heroin; 162 kg Cần sa; 51 kg thuốc phiện; ma tuý tổng hợp 668 kg và 6.624 viên...
Trong đó, cơ quan hải quan đã chủ trì, phối hợp đấu tranh thành công nhiều chuyên án liên quan đến buôn bán, vận chuyển trái phép ma túy, triệt phá thành công các đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy có quy mô lớn liên quan đến nhiều tỉnh, thành trên cả nước, bắt giữ được đối tượng chủ mưu, cầm đầu, bao gồm cả người Việt Nam và người nước ngoài như Chuyên án HC55 và chuyên án HP522 do Cục Hải quan thành phố Hà Nội xác lập, bắt giữ được 19 đối tượng (01 đối tượng là người nước ngoài), thu giữ 73,3 kg ma túy các loại; hay chuyên án DT9.22 do Cục Điều tra chống buôn lậu chủ trì xác lập triệt phá đường dây vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy từ Đức vào Việt Nam. Tang vật thu được là 15 kg ma túy tổng hợp dạng viên nén, bắt giữ được 03 đối tượng.
4. Phát hiện, điều tra nhiều vụ gian lận thương mại với hàng hoá trị giá lớn, có những vụ án lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Khởi tố 48 vụ, kiến nghị cơ quan khác khởi tố 141 vụ, tăng 23% so với cùng kỳ.
Từ ngày 16/12/2021 đến 15/12/2022: Ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng số 16.824 vụ việc vi phạm tăng 15%, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 8.450 tỷ đồng, tăng 211 % so với cùng kỳ năm 2021; số thu NSNN đạt 459 tỷ đồng, tăng 57,9 %. Cơ quan Hải quan khởi tố 48 vụ, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2021, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 141 vụ đối với các vụ.
5. Năm thứ sáu liên tiếp Tổng cục Hải quan đứng đầu về cải cách hành chính khối Tổng cục và luôn trong top đầu về chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin
Công tác cải cách hành chính của Tổng cục Hải quan đã có sự phát triển vượt bậc, qua đó góp phần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thông thoáng, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Để góp phần xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, trong giai đoạn 2021 - 2030, Tổng cục Hải quan tiếp tục thực hiện chủ trương tăng cường hội nhập quốc tế, thực hiện hài hòa mục tiêu tạo thuận lợi thương mại và bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Để đạt được mục tiêu đó, cải cách hành chính được Tổng cục Hải quan xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, được thực hiện đồng bộ, thường xuyên, liên tục, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu phục vụ.
Trong thời gian vừa qua, Tổng cục Hải quan đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số nhằm hỗ trợ và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan.
Đến nay, 100% thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa, 100% Cục Hải quan, Chi cục hải quan thực hiện thủ tục hải quan điện tử với 99,65% doanh nghiệp tham gia. Theo đó, việc khai báo, tiếp nhận, xử lý thông tin và ra quyết định thông quan được thực hiện với mức độ tự động hóa cao; thời gian xử lý bộ hồ sơ hải quan khoảng 03 giây.
Đồng thời, Tổng cục Hải quan đẩy mạnh thu thuế XNK bằng phương thức điện tử, số thu ngân sách bằng phương thức điện tử đã đạt 98,4% tổng số thu ngân sách của Tổng cục Hải quan. Triển khai Hệ thống quản lý hải quan tự động thông qua việc kết nối, trao đổi thông tin với doanh nghiệp kinh doanh cảng, sân bay, kho bãi, địa điểm chịu sự giám sát hải quan,...
Nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan đã đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Đến nay số lượng dịch vụ công trực tuyến toàn trình (mức độ 4) của Tổng cục Hải quan đạt 72%; số lượng dịch vụ công trực tuyến một phần đạt 28%.
Nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong thời gian tới, năm 2022, Tổng cục Hải quan đã phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 707/QĐ-TCHQ ngày 04/5/2022. Theo đó, trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan tiếp tục đẩy mạnh triển khai đồng bộ, toàn diện chuyển đổi số toàn diện trong công tác nghiệp vụ hải quan; Triển khai chuyển đổi số trong công tác Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; Triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số trong công tác quản lý nội ngành; Hoàn thiện, nâng cao chất lượng hạ tầng số; Phát triển nền tảng; Phát triển cơ sở dữ liệu; Bảo đảm an toàn thông tin; Hoàn thiện môi trường pháp lý và quy trình, thủ tục đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ngành Hải quan; Phát triển nguồn nhân lực. Theo đó, chuyển đổi số sẽ là động lực hoàn thành xây dựng Hải quan số vào năm 2025 và hoàn thành Hải quan thông minh vào năm 2030.
6. Năm thu thuế xuất nhập khẩu vượt dự toán cao nhất từ trước tới nay, dự kiến đạt 440 ngàn tỷ, vượt 80 ngàn tỷ so với dự toán được giao và 20 ngàn tỷ so với chỉ tiêu phấn đấu.
Năm 2022, Tổng cục Hải quan được Quốc hội và Bộ Tài chính giao dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) theo Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13/11/2021 là 352.000 tỷ đồng. Xác định nhiệm vụ thu NSNN là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của toàn ngành, ngay từ đầu năm, Tổng cục Hải quan đã ban hành Chỉ thị số 439/CT-TCHQ về việc “thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu NSNN năm 2022”.
đến ngày 20/12/2022, tổng thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 425.593 tỷ đồng, bằng 120,9% dự toán, bằng 101,3% chỉ tiêu phấn đấu (420.000 tỷ đồng), tăng 13,95% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến số thu năm 2022 đạt 440 ngàn tỷ, vượt 80 ngàn tỷ so với dự toán được giao và 20 ngàn tỷ so với chỉ tiêu phấn đấu.
7. Đưa ra giải pháp, công cụ quản lý đối với việc hàng hoá XNK qua đường bộ bằng việc triển khai Hệ thống khai báo, tiếp nhận, xử lý Bản kê thông tin hàng hoá nhập khẩu
Hệ thống được hoàn thiện và bổ sung một số chức năng hỗ trợ người dùng đã mang lại nhiều lợi ích, giúp tiết kiệm được thời gian, chi phí, giấy tờ, hồ sơ, nhân lực…
Người khai hải quan, doanh nghiệp có thể nộp tại bất kỳ địa điểm nào có kết nối internet, một nhân viên khai báo cho nhiều bản kê. Hệ thống tự động tiếp nhận và trả kết quả cho người khai. Người khai chỉ cần sử dụng kết quả và cung cấp số bản kê/ mã vạch (barcode) cho cơ quan hải quan để xác nhận hàng vào cửa khẩu. Người khai hoàn toàn chủ động, lưu thông tin, khai bổ sung sửa đổi trước khi nộp lên hệ thống, không cần in bản kê để chờ cơ quan hải quan đóng dấu xác nhận, không phải lưu hồ sơ giấy.
Đối với cơ quan hải quan: hệ thống tự động tiếp nhận, kiểm tra và trả kết quả cho người khai, tiếp nhận số bản kê/mã barcode, tra cứu trên hệ thống, tra cứu và xác nhận thông tin và hàng hóa vào lãnh thổ trên hệ thống thì đây là một nghiệp vụ rất quan trọng trong công tác cải cách, hiện đại hoá của ngành Hải quan, tạo cơ sở dữ liệu điện tử phục vụ Hệ thống Hải quan số, hải quan thông minh đối với cửa khẩu biên giới đường bộ, đường sông quốc tế.
Để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và các đơn vị hải quan nắm được phần mềm khai báo, tiếp nhận, kiểm tra, xác nhận bản kê thông tin hàng hóa điện tử dự kiến sẽ được triển khai chính thức trên toàn quốc; hướng dẫn chi tiết nghiệp vụ khai báo, tiếp nhận, kiểm tra, xác nhận bản kê thông tin hàng hóa nhập khẩu điện tử tại các khâu nghiệp vụ; tiếp nhận, trao đổi những tình huống, vướng mắc phát sinh liên quan…
Tổng cục Hải quan đã tổ chức đợt tập huấn giới thiệu, triển khai, hướng dẫn tại tỉnh Quảng Ninh với đại diện 50 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh nhập khẩu, xuất khẩu hàng hoá trên địa bàn tỉnh và các công chức hải quan có liên quan đến nghiệp vụ kiểm tra chi tiết hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa, giám sát hàng hóa. Bên cạnh đó, cũng tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu trên các báo, đài về phần mềm này.
Trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục triển khai tập huấn giới thiệu và hướng dẫn đến Doanh nghiệp và công chức Hải quan nhằm đảm bảo việc thực hiện được chính xác, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quản lý; qua đó nâng cao công tác cải cách, hiện đại hóa các khâu nghiệp vụ tiến tới Hải quan số, phi giấy tờ.
8. Ký Tuyên bố Ý định về tăng cường, mở rộng hợp tác lẫn nhau giữa Tổng cục Hải quan Việt Nam với Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ.
Nhằm triển khai Hiệp định hỗ trợ lẫn nhau giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ có hiệu lực từ ngày 20/5/2020, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn đã có chuyến công tác tại Hải quan Hoa Kỳ từ ngày 6-10/6/2022 và hội đàm song phương với Cao ủy Hải quan Hoa Kỳ để trao đổi về các hoạt động hợp tác song phương trong khuôn khổ Hiệp định hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong thời gian tới.
Sau Hội đàm, Lãnh đạo Hải quan hai nước đã ký Tuyên bố Ý định về tăng cường, mở rộng hợp tác lẫn nhau. Tuyên bố Ý định này thể hiện mối quan tâm của hai Bên trong việc xây dựng mối quan hệ hợp tác lâu dài trên tinh thần hiệu quả, tập trung vào các vấn đề nghiệp vụ chuyên sâu và sẽ được hai Bên thực hiện ngay sau khi ký với phạm vi hợp tác và hỗ trợ nằm trong khuôn khổ các quy định của Hiệp định và các quy định pháp luật của mỗi Bên.
9. Ban hành và triển khai Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan; Tổ chức thành công Diễn đàn Hải quan - Doanh nghiệp với chủ đề: “Hải quan Việt Nam tạo thuận lợi cho thương mại và logistics phát triển” và tôn vinh "Doanh nghiệp nộp thuế lớn, tuân thủ tốt pháp luật về hải quan".
Tính đến ngày 8/11/2022, Cơ quan Hải quan đã thực hiện ký kết biên bản ghi nhớ với 160 DN tham gia Chương trình. Hiện nay các Cục Hải quan tỉnh, thành phố đang tiếp tục tiến hành tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ với doanh nghiệp trên địa bàn các đơn vị quản lý.
Chương trình thí điểm bước đầu giúp cơ quan Hải quan nâng cao hiệu quả quản lý hải quan trong hoạt động xuất nhập khẩu và phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật Hải quan. Thêm vào đó, thiết lập quan hệ đối tác giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp, doanh nghiệp tham gia Chương trình trở thành đối tác tin cậy, đồng hành cùng cơ quan Hải quan và là thành viên lan tỏa những lợi ích của Chương trình.
Từ đó nâng cao tính tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan trong cộng đồng doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của cơ quan hải quan. Đặc biệt, góp phần đáp ứng các yêu cầu cải cách, hiện đại hóa, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị Quyết 02/NQ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ.
Ngày 8/9, Diễn đàn Hải quan- Doanh nghiệp diễn ra với chủ đề: “Hải quan Việt Nam tạo thuận lợi cho thương mại và logistics phát triển” và tôn vinh "Doanh nghiệp nộp thuế lớn, tuân thủ tốt pháp luật về hải quan".
Đây là hoạt động thiết thực, thể hiện sự quan tâm, đồng hành của ngành Hải quan cùng doanh nghiệp trong hoạt động tạo thuận lợi cho thương mại và logistics phát triển tại Việt Nam; qua đó ghi nhận, biểu dương, tôn vinh 9 doanh nghiệp đóng góp số thuế lớn qua hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa vào ngân sách Nhà nước, tuân thủ tốt pháp luật về hải quan, góp phần vào sự phát triển kinh tế của đất nước.
Đây là những doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước và nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Phát biểu tại Diễn đàn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn khẳng định, không chỉ cố gắng, quyết tâm đồng hành cùng doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua giai đoạn cam go của đại dịch, từ nhiều năm qua, ngành Hải quan đã xác định tạo thuận lợi thương mại là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Ngành.
10. Tổ chức thành công Đại hội 52 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ quan Tổng cục Hải quan nhiệm kỳ 2022-2025.
Thực hiện Điều lệ Đảng và các quy định, hướng dẫn của Trung ương về tổ chức đại hội chi bộ trực thuộc nhiệm kỳ 2022 - 2025, ngày 20/6/2022, Ban Thường vụ Đảng ủy cơ quan Tổng cục Hải quan đã ban hành Hướng dẫn số 334 -HD/ĐU về tổ chức đại hội chi bộ trực thuộc nhiệm kỳ 2022 - 2025 trong Đảng bộ cơ quan Tổng cục Hải quan.
Theo đó, nội dung đại hội nhằm tổng kết, đánh giá việc thực hiện nghị quyết đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2020 - 2022; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện nhiệm vụ của nhiệm kỳ 2022 - 2025; kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của chi ủy trong nhiệm kỳ 2020 - 2022; bầu chi ủy, bí thư, phó bí thư chi bộ nhiệm kỳ 2022 - 2025.
Kết quả sau Đại hội có 52/52 chi bộ được chuẩn y cấp ủy, bí thư, phó bí thư, trong đó có 49 đồng chí bí thư, 50 đồng chí phó bí thư và 79 đồng chí chi ủy viên vừa hồng vừa chuyên.