5 lưu ý dành cho doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường EU

Việc kinh doanh tại thị trường EU cần tuân thủ chặt chẽ hệ thống pháp luật EU (trong đó bao gồm pháp luật cạnh tranh). Vi phạm pháp luật cạnh tranh tại EU làm cho doanh nghiệp đối mặt với rủi ro pháp lý cũng như các thiệt hại về tài chính để theo đuổi vụ việc nếu vụ việc bị điều tra.

Doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh tại thị trường EU cần phải tuân thủ chặt chẽ pháp luật cạnh tranh của EU. Để giúp doanh nghiệp điều chỉnh hoạt động kinh doanh phù hợp với pháp luật cạnh tranh EU, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) vừa đưa ra 5 lưu ý về những hành vi mà doanh nghiệp Việt Nam "không được thực hiện" hoặc "không nên thực hiện" khi kinh doanh tại thị trường châu Âu (EU).

1. Xây dựng các quy tắc khi trao đổi thông tin với đối thủ cạnh tranh

doanh nghiệp cần xây dựng quy tắc khi trao đổi thông tin với đối thủ cạnh tranh. Doanh nghiệp cần yêu cầu nhân viên các cấp "không được phép trao đổi với đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp" những nội dung như: Các thông tin liên quan đến việc bán hàng tại thị trường EU (hỏi đối thủ cạnh tranh có tham gia vào cuộc đấu thầu cụ thể nào đó hay không; giá của một mặt hàng nhất định, chiết khấu hoặc các nội dung khác liên quan đến giá sản phẩm mà doanh nghiệp đang kinh doanh tại EU)… Hay, trao đổi với các đối thủ cạnh tranh về mặt hàng mà doanh nghiệp đang kinh doanh tại EU (ví dụ như lượng hàng tồn kho tại thị trường EU; chi phí sản xuất; nguồn lực hoặc quy trình sản xuất sản phẩm…).

Ngoài ra, doanh nghiệp Việt cũng "không được phép trao đổi với các đối thủ cạnh tranh về các thông tin, kế hoạch tương lai của doanh nghiệp" các nội dung như: Kế hoạch đầu tư nguồn vốn; kế hoạch về sản phẩm mới, chuẩn bị gia nhập vào thị trường EU của doanh nghiệp; hoặc trao đổi và đưa ra các thỏa thuận với đối thủ cạnh tranh liên quan đến việc kinh doanh của doanh nghiệp khác (ví dụ như cùng thỏa thuận không nhập nguyên liệu từ một nhà cung cấp nhất định tại thị trường EU)…

2. Cảnh giác khi tham gia vào Hiệp hội thương mại

Hiệp hội thương mại là một trong những kênh thông tin giúp doanh nghiệp nắm bắt thị trường. Tuy nhiên, các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, đặc biệt là cartel thông thường ẩn nấp dưới các hoạt động của Hiệp hội. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào các Hiệp hội tại thị trường EU cần cảnh giác và rà soát chặt chẽ hoạt động của Hiệp hội, từ đó giúp doanh nghiệp tránh được các rủi ro từ việc vô tình thực hiện hành vi vi phạm. Theo đó, doanh nghiệp KHÔNG ĐƯỢC thực hiện các hành vi như sau:

Trao đổi bất kỳ thông tin liên quan đến giá, sản lượng tương tự như các thông tin tại Mục 1 nêu trên trong các buổi họp với hiệp hội hoặc các buổi gặp mặt giao lưu giữa các thành viên trong Hiệp hội.

Tham gia vào bất kỳ các cuộc khảo sát nhằm tìm hiểu ý kiến thành viên có nên loại bỏ bất kỳ doanh nghiệp nào ra khỏi ngành công nghiệp mà doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh tại thị trường EU.

Khi tham gia vào các cuộc họp giữa các thành viên của Hiệp hội (do Hiệp hội tổ chức hoặc do một trong các thành viên của Hiệp hội tổ chức), nếu doanh nghiệp nhận thấy các thành viên khác đang trao đổi, thảo luận về các nội dung liên quan tới giá, sản lượng,… hoặc tương tự như các nội dung nêu tại mục 1, nhân viên doanh nghiệp KHÔNG được phép ở lại buổi họp. Ngay lập tức, nhân viên doanh nghiệp cần báo cáo trực tiếp cho lãnh đạo của doanh nghiệp và rời cuộc họp ngay lập tức.

3. Xây dựng các quy tắc khi liên lạc với khách hàng và nhà cung cấp sản phẩm

 Trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp và các đối tác khách hàng (nhà phân phối) hoặc các nhà cung cấp nguyên vật liệu, doanh nghiệp KHÔNG NÊN thực hiện những hành vi như sau:

- Ép buộc nhà phân phối phải tuân theo mức giá nhất định (tuy nhiên, chỉ đưa ra giá mức giá khuyến nghị thì có thể được phép).

- Trao đổi với các doanh nghiệp ở các khâu đoạn khác nhau (nhà cung cấp hoặc nhà phân phối) về việc không được giao dịch với một khách hàng cụ thể nào đó. Ví dụ, doanh nghiệp Việt Nam yêu cầu nhà phân phối X tại thủ đô Paris của Pháp không được bán cho khách hàng từ Lyon và ngược lại.

Những hành vi này có thể vi phạm pháp luật cạnh tranh nếu như cơ quan cạnh tranh chứng minh được tác động hạn chế cạnh tranh đáng kể tới thị trường EU.

4. Rà soát hợp đồng ký kết 

Doanh nghiệp cần rà soát hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp phân phối/ doanh nghiệp cung ứng nguyên vật liệu tại thị trường EU nhằm loại bỏ các điều khoản có dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh. Đối với doanh nghiệp Việt Nam có vị trí thống lĩnh trên một thị trường liên quan nhất định tại EU, doanh nghiệp không được thực hiện những hành vi có thể gây tổn hại tới cạnh tranh, như áp đặt mức giá cao bất hợp lý trên thị trường hay áp đặt các mức giá khác biệt với người mua một cách bất hợp lý.

5. Tham gia Chương trình khoan hồng nếu thực hiện hành vi cartel

Trong trường hợp doanh nghiệp cho rằng đã vô tình tham gia vào hành vi carterl tại thị trường EU thì nên khai báo và tham gia Chương trình khoan hồng theo pháp luật cạnh tranh EU để hưởng miễn trừ tiền phạt.

 

Hoàng Hà