Tỷ lệ sử dụng C/O mẫu EUR.1 tương đối khả quan
Trong 6 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ sử dụng C/O mẫu EUR.1 đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đạt 69,5% là một kết quả tương đối khả quan đối với ngành thủy sản khi Việt Nam mới thực hiện Hiệp định EVFTA chưa đầy một năm. Mặc dù vậy, tiêu chí xuất xứ thuần túy đối với thủy sản trong Hiệp định này đang là một thách thức đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam khi nguồn cung nguyên liệu trong nước vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu sản xuất xuất khẩu sang thị trường EU trong ngắn hạn.
Thị trường EU là một trong những thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm. Thuế suất thuế nhập khẩu đối với thuỷ sản vào thị trường EU tương đối cao, từ 5 đến 20% đối với thuỷ sản thô, sơ chế và từ 5,5 đến 26% đối với thuỷ sản chế biến.
Trong Hiệp định EVFTA, ngoại trừ cá ngừ đóng hộp và chả cá surimi EU áp dụng hạn ngạch thuế quan (lần lượt là 11,5 nghìn tấn và 500 tấn), các mặt hàng thuỷ sản còn lại được EU cam kết xoá bỏ thuế quan với lộ trình dài nhất là 7 năm. Như vậy, cơ hội để ngành thuỷ sản Việt Nam mở rộng thị trường tại EU thông qua việc tận dụng ưu đãi từ Hiệp định EVFTA là rất lớn.
Để được hưởng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA, thuỷ sản của Việt Nam phải đáp ứng các quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa theo Hiệp định này và được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 theo EVFTA.
Hiện nay, Bộ Công Thương uỷ quyền cho 20 cơ quan, tổ chức (bao gồm 19 Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực trên cả nước và Sở Công Thương thành phố Hải Phòng) được cấp C/O mẫu EUR.1 theo EVFTA.
Về kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản sử dụng C/O mẫu EUR.1: Theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang EU được các cơ quan, tổ chức cấp C/O mẫu EUR.1 theo EVFTA đạt xấp xỉ 336,9 triệu USD, chiếm khoảng 69,4% trên tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang thị trường EU (đạt trên 485,3 triệu USD). Trong đó, thuỷ sản thô, sơ chế chiếm 65,3% và thuỷ sản chế biến chiếm 34,7%.
Về cơ cấu thị trường xuất khẩu thuỷ sản sử dụng C/O mẫu EUR.1: Các thị trường xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam tại EU sử dụng C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là Đức, Bỉ, Hà Lan, I-ta-ly và Pháp. Đây đều là những thị trường nhập khẩu thuỷ sản lớn của Việt Nam trong khối này với các sản phẩm nhập khẩu chính là tôm và cá ngừ. Trong 6 tháng đầu năm 2021, Đức và Hà Lan là hai thị trường nhập khẩu thuỷ sản của Việt Nam có trị giá C/O mẫu EUR.1 được cấp lớn nhất, đạt lần lượt 69,4 triệu USD và 67,2 triệu USD, chiếm tỷ trọng lần lượt là 20,6% và 20% trong tổng trị giá C/O mẫu EUR.1 đối với mặt hàng thủy sản.
Về cơ cấu hàng thuỷ sản xuất khẩu sử dụng C/O mẫu EUR.1 Trong 6 tháng đầu năm 2021, các mặt hàng thuỷ sản có kim ngạch xuất khẩu sử dụng C/O mẫu EUR.1 cao bao gồm: tôm sơ chế (HS 0306.17), tôm chế biến (HS 1605.21 và 1605.29), cá phi lê đông lạnh (HS 0304.62, 0304.87 và 0304.99), mực đông lạnh (HS 0307.43), cá ngừ chế biến (HS 1604.14) và ngao, sò chế biến (HS 1605.56). Những mặt hàng thuỷ sản có kim ngạch sử dụng C/O mẫu EUR.1 đều là những mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu truyền thống và chủ lực của Việt Nam sang thị trường EU.
Xét về tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu có C/O ưu đãi trong tổng kim ngạch xuất khẩu, cá tra (cá da trơn) có tỷ lệ sử dụng C/O cao nhất, đạt 50,3 triệu USD, chiếm 87% kim ngạch xuất khẩu cá tra sang EU2 (57,8 triệu USD) trong 6 tháng đầu năm 2021.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU có sự gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2021 (đạt 71,6 triệu USD), tỷ lệ sử dụng C/O mẫu EUR.1 đối với mặt hàng này vẫn khiêm tốn, đạt 20 triệu USD, chiếm 27,9%.
Cần tập trung phát triển nguồn nguyên liệu trong nước
Cũng theo cục Xuất nhập khẩu, cần phát triển nguồn nguyên liệu thủy sản trong nước để đáp ứng quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA. Trong 6 tháng đầu năm 2021, khoảng 69,5% trị giá thủy sản xuất khẩu sang EU là có sử dụng C/O mẫu EUR.1. Con số này là một kết quả tương đối khả quan đối với ngành thủy sản khi Việt Nam mới thực hiện Hiệp định EVFTA chưa đầy một năm.
Mặc dù thị trường EU là một thị trường xuất khẩu lớn của ngành thủy sản Việt Nam và được kỳ vọng sẽ được mở rộng và phát triển hơn nữa khi Việt Nam thực thi Hiệp định EVFTA, quy tắc xuất xứ đối với thủy sản trong Hiệp định này cũng đang là một thách thức đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Hiệp định EVFTA yêu cầu sản phẩm thủy sản phải có xuất xứ thuần túy từ Việt Nam hoặc sử dụng nguyên liệu có xuất xứ thuần túy được nhập khẩu từ EU. Điều này có nghĩa là nguyên liệu thủy sản dùng cho thủy sản sơ chế hoặc chế biến phải được nuôi dưỡng, thu hoạch hoặc đánh bắt tại Việt Nam hoặc nhập khẩu có xuất xứ từ EU.
Trong khi đó, nguồn nguyên liệu cho thủy sản chế biến hiện nay của Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, đặc biệt là tôm và EU không phải là thị trường nhập khẩu nguyên liệu thủy sản phục vụ cho sản xuất xuất khẩu trong nước. Do vậy, năng lực sản xuất, kinh doanh, nguồn hàng nguyên liệu cho sản xuất của ngành thủy sản Việt Nam trong ngắn hạn chưa thể đáp ứng hoàn toàn tiêu chí xuất xứ thuần túy của Hiệp định EVFTA.
Theo thống kê của Cơ quan quan sát thị trường thủy sản châu Âu (EUMOFA), kim ngạch nhập khẩu thủy sản từ các nước ngoài khối của EU đạt 27,21 tỷ Euro trong năm 2019 với sản lượng nhập khẩu lên đến 6,34 triệu tấn. Trong khi đó, Việt Nam chỉ chiếm 4% trong thị phần nhập khẩu thủy sản tại EU với mặt hàng nhập khẩu chính là tôm. Mặc dù chất lượng tôm của Việt Nam được đánh giá tốt tại thị trường EU nhưng giá cả lại kém cạnh tranh hơn so với các đối thủ khác như Ecuado và Ấn Độ.
Với cam kết giảm thuế về 0% cho các mặt hàng thủy sản (trong đó có tôm) của EU dành cho Việt Nam trong Hiệp định EVFTA, thủy sản xuất khẩu nói chung và tôm xuất khẩu nói riêng của Việt Nam sẽ có lợi thế về thuế quan và do đó có thể điều chỉnh giá cạnh tranh hơn trong thời gian sắp tới.