Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến ngành Du lịch Việt Nam

THS. NGUYỄN THỊ QUỲNH TRANG (Khoa Tài chính Ngân hàng - Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp)

TÓM TẮT:

Tiếp nối đà tăng trưởng cao 22,7% trong giai đoạn 2015 - 2019, ngành Du lịch Việt Nam đã đón lượng khách quốc tế kỷ lục trong tháng 1/2020, đạt 2 triệu lượt, tăng 32,8% so với cùng kỳ 2019 và kỳ vọng vào một năm thành công, vượt chỉ tiêu đón 20 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2020 theo Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, những đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 liên tiếp xảy ra đã khiến ngành Du lịch Việt Nam thiệt hại nặng nề. Bài viết bàn về ảnh hưởng cụ thể của đại dịch Covid-19 đến ngành Du lịch Việt Nam và đề xuất một số giải pháp khắc phục cho Ngành.

Từ khóa: công ty du lịch, lữ hành, tour, du khách, tết nguyên đán, Covid-19.

1. Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến ngành Du lịch Việt Nam

Kể từ khi đại dịch Covid-19 chính thức bùng phát và lan rộng tới nhiều quốc gia, du lịch là ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp, đầu tiên và nặng nề nhất. Tuy nhiên, cùng với các chính sách kích cầu hiệu quả và sự năng động của các doanh nghiệp, ngành Du lịch Việt Nam đã nhanh chóng tận dụng cơ hội hiếm hoi phục hồi từ khách nội địa trong bối cảnh thiếu vắng hoàn toàn du khách quốc tế. Song, những đợt dịch Covid-19 liên tiếp xảy ra đã làm mất đi cơ hội phục hồi hiếm hoi của các doanh nghiệp du lịch.

- Các tour du lịch bị hoãn, hủy liên tục không có ngày cụ thể

Thời điểm Tết Nguyên đán được xem là cơ hội giúp ngành Du lịch và doanh nghiệp lữ hành phục hồi được ít nhiều sau giai đoạn khó khăn của mùa dịch đầu tiên. Tuy nhiên, khi đang bắt đầu khởi sắc, ngành Du lịch Việt Nam lại phải đối mặt với khó khăn mới khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại.

Theo khảo sát tại một số công ty du lịch, trước Tết Nguyên đán khoảng nửa tháng, các du khách liên tục gọi điện đến đường dây nóng và dịch vụ chăm sóc khách hàng yêu cầu hoãn, hủy tour vì lo ngại diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Ông Doãn Thành Long - Trưởng phòng Marketing của Công ty du lịch An Bình cho biết, trên 90% các tour du lịch trong và sau Tết đã bị hoãn, hủy ngay khi trên cả nước xuất hiện nhiều ca nhiễm Covid-19. Đồng thời, các tour nội địa như: Quy Nhơn, Phú Quốc, Nha Trang, Sapa cũng bị hủy, dù các điểm đến này không nằm trong vùng dịch.

- Nhân lực du lịch lần lượt chuyển nghề

Cố gắng thích nghi, hoạt động cầm cự  là việc tất cả các doanh nghiệp đều phải làm. Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng lớn, đủ tích lũy cho “kỳ ngủ đông” kéo dài. Một số lượng lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã dần kiệt sức sau 6 - 9 tháng chống chọi với dịch Covid-19. Theo thống kê từ Tổng cục Du lịch, kết thúc năm 2020, doanh nghiệp vận tải du lịch (ô tô) gần như đóng cửa vì không có khách;  95% doanh nghiệp lữ hành dừng hoạt động, trong đó, 10% xin thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, chấm dứt hoạt động.

Những doanh nghiệp du lịch chuyển sang xuất khẩu khẩu trang như Công ty CP Truyền thông Du lịch Việt; Công ty Du lịch Việt Á đổi từ kinh doanh lữ hành quốc tế sang tư vấn định cư nước ngoài;… xuất hiện ngày càng nhiều. Các chủ  doanh nghiệp nhanh nhạy chuyển hướng đầu tư trong thời gian khó khăn, chờ tình hình ổn định lại tiếp tục quay trở về phục vụ du khách, nhưng có không ít những hướng dẫn viên, điều hành tour đã phải chuyển sang làm các ngành, nghề khác.

2. Một số giải pháp đề xuất

Để ứng phó với khó khăn do dịch Covid-19, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách quan trọng để hỗ trợ nền kinh tế trong đó có ngành Du lịch. Cụ thể, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Nghị định số 40/2000/NĐ-CP ngày 6/4/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công; Nghị định 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 về giãn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 77-KL/TW ngày 29/5/2020 về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước sau dịch Covid-19.

Các chính sách hỗ trợ giãn nợ, giãn thuế, phí... có ý nghĩa đối với các ngành sản xuất - kinh doanh khác nhiều hơn đối với ngành Du lịch, vì khi không có khách, không có hoạt động du lịch thì doanh nghiệp lữ hành, khách sạn... phải đóng cửa, ngừng hoạt động, không phát sinh về khách, không có doanh thu và như vậy thì cũng không được hưởng lợi từ những chính sách hỗ trợ trên. Bên cạnh đó, doanh nghiệp lữ hành cũng gặp khó khăn khi tiếp cận được với các nguồn vốn vay lãi suất thấp của ngân hàng.

Vì những lí do trên, bài viết đề xuất một số giải pháp sau:

Một là, tập trung phát triển du lịch nội địa. Trong bối cảnh đại dịch, du lịch nội địa đã xác định được vị trí vô cùng quan trọng. Minh chứng rõ nhất là mỗi khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt thì du lịch nội địa lại khởi sắc, giúp các doanh nghiệp du lịch cầm cự, chống chọi với khó khăn. Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế, thị trường du lịch nội địa chưa được các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là doanh nghiệp lớn, chú trọng. Do vậy, từ xây dựng sản phẩm, nghiên cứu thói quen, sở thích của du khách trong nước hầu như chưa được quan tâm. Từ trước đến nay, du lịch nội địa được coi như hoạt động tự phát và không được điều tiết.

Thời điểm khó khăn hiện nay chính là cơ hội để xóa dần sự ngăn cách giữa du lịch nội địa và quốc tế, đẩy mạnh việc tiếp cận của người Việt đến những dịch vụ đẳng cấp quốc tế, sang trọng. Đây là lúc chúng ta cần xác định rõ vai trò, vị trí của du lịch nội địa; tham khảo kinh nghiệm các nước; định hướng khai thác những tài nguyên thiên nhiên và văn hóa Việt Nam để phục vụ cho người Việt Nam. Chúng ta cần cân bằng mức đầu tư giữa thị trường nội địa và thị trường quốc tế; coi nội địa là thị trường chiến lược và lâu dài.

Hai là, các doanh nghiệp du lịch cần có giải pháp linh hoạt như rời tour, hoàn vé. Mỗi một doanh nghiệp du lịch sẽ có những chính sách hoàn hủy tour riêng. Tuy nhiên, thông thường nếu khách hủy trước 5 - 10 ngày khởi hành sẽ chịu phạt từ 30 - 50% giá tour, từ 3 - 5 ngày là 75%. Trong trường hợp hủy chuyến du lịch trong vòng từ 0 - 3 ngày trước khởi hành sẽ chịu phí 100% giá vé tour.

Nếu việc hủy tour do phía đơn vị lữ hành thì đơn vị này phải có trách nhiệm hoàn tiền 100% cho khách. Trường hợp bị hủy bỏ do bất khả kháng thiên tai, dịch bệnh,... thì hai bên sẽ cố gắng tối đa thương lượng các phương án để cùng chia sẻ, giảm thiệt hại. Đồng thời trước khi nhận đặt tour với khách hàng, phía công ty cũng đã có trao đổi về hướng giải quyết nếu dịch bệnh bùng phát trở lại, trong đó có phương án lùi lại thời điểm tour đến khi dịch đã được kiểm soát. Điều này sẽ giúp cho các công ty lữ hành, khách sạn và du khách không mất quá nhiều chi phí mà vẫn đảm bảo được lịch trình.

Ba là, đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Xu hướng đi du lịch của du khách hiện nay đã thay đổi nhiều so với trước khi xảy ra dịch. Vì vậy, việc đa dạng hóa các sản phẩm, tạo ra các sản phẩm mới rất quan trọng đối với các đơn vị lữ hành. Ông Nguyễn Công Hoan - Tổng Giám đốc Flamingo Redtours, Trưởng ban Truyền thông Hiệp hội Lữ hành Việt Nam (VISTA) cho biết, cần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, bổ sung thêm những giá trị mới nhằm kích thích nhu cầu ngoài yếu tố giảm giá. Chương trình kích cầu lần 2 vào tháng 9 năm 2020 khi tình hình dịch bệnh do Covid được kiểm soát thì yếu tố kích cầu bằng cách giảm giá không còn là yếu tố tiên quyết vì giá đã giảm sâu, không còn dư địa để giảm. Cần xác định du lịch trong nước là chiếc phao cứu sinh của ngành Du lịch nói chung và lữ hành nói riêng trong năm 2021. Khi thị phần chỉ gói gọn trong thị trường nội địa, du khách sẽ khắt khe hơn, đòi hỏi cao hơn về sản phẩm cũng như chất lượng dịch vụ. Giảm giá không còn là yếu tố hấp dẫn hàng đầu mà quan trọng hơn là sản phẩm cần có tính cá biệt hóa cao, đem lại nhiều giá trị, trải nghiệm thú vị từ đó kích thích nhu cầu du lịch của khách hàng. Bên cạnh đó, cần làm mới các điểm đến cũ, bổ sung thêm những dịch vụ gia tăng để thu hút khách chi tiêu quay trở lại nhiều lần.

Tình hình dịch bệnh khó khăn khiến mỗi đơn vị du lịch đều phải vật lộn tự tìm kiếm lối thoát. Nhưng dựa trên nền tảng là tôn trọng và phát triển du lịch bền vững, từ đó cho ra những sản phẩm mới đa dạng, phù hợp với những nhu cầu khác nhau và khắt khe hơn của du khách, nhiều đơn vị đã bước đầu vượt qua được khó khăn và lấy lại sự hồi phục. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Tổng cục Du lịch. (2020). Tổng thu từ khách du lịch giai đoạn 2000 - 2018, Báo cáo.
2. TTX, (2020). Kinh tế thế giới lao đao trước dịch Covid-19. Thời báo tài chính Việt Nam; truy cập tại http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/quoc-te/2020-05-08/kinh-te-the-gioi-lao-dao-truoc-dich-covid-19-86488.aspx

3. Vũ Anh Tuấn. (2020). IMF dự báo kinh tế toàn cầu giảm 4,9% trong năm 2020. Tạp chí tài chính online; truy cập tại https://tapchitaichinh.vn/info-media/infographics-imf-du-bao-kinh-te-toan-cau-co-the-giam-49-trong-nam-2020-324772.html

4. ITDR. (2020). Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.

5. Unting Travel. (2028). Travel and Tourism, a Force for Good in the World;
6. UNWTO. (2020). Impact assessment of the Covid-19 outbreak on international tourism;
7. World Economic Forum. (2017). The Travel & Tourism Competitiveness Report 2017. Cologny, Switzerland: World Economic Forum.

The effects of COVID-19 pandemic on Vietnam's tourism industry

Master. Nguyen Thi Quynh Trang

Faculty of Finance and Banking

University of Economics - Technology for Industries

ABSTRACT:

Following the high growth rate of 22.7% during the period 2015 - 2019, Vietnam’s tourism industry welcomed 2 million international visitors in January 2020, a record number for the country and up by 32.8% over the same period last year. For 2020, the Resolution 08-NQ/TW of the Politburo aimed to welcome about 20 million international visitors. However, the COVID-19 pandemic has severely affected Vietnam's tourism industry. This paper examines the effects of COVID-19 pandemic on Vietnam's tourism industry and proposes some solutions to support the tourism industry overcome challenges brought by the pandemic.

Keywords: tourism company, tour operators, tours, tourists, Lunar New Year, Covid-19.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 18, tháng 7 năm 2021]