Tóm tắt:
Việc nắm giữ văn bằng luật là một đặc điểm đại diện cho năng lực chuyên môn của giám đốc điều hành (CEO). Bản chất các chương trình đào tạo về Luật đều hướng đến việc hình thành các chuẩn mực hành vi cho người được đào tạo. Vì vậy, CEO có văn bằng luật thường có xu hướng hành động bảo thủ, gắn bó với hiện trạng, ít quan tâm đến hoạt động nghiên cứu và phát triển hơn so với những CEO không có văn băng Luật.
Bằng việc tìm hiểu ảnh hưởng lên lợi nhuận trên tổng tài sản, bài nghiên cứu cho thấy việc nắm giữ văn bằng luật không có ảnh hưởng trực tiếp lên hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đặc điểm này khi kết hợp với một số các đặc điểm công tác khác của CEO lại tạo ra một số ảnh hưởng đáng kể tới hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Từ khóa: Văn bằng Luật, CEO, hiệu quả hoạt động, công ty gia đình, ROA.
1. Đặt vấn đề
Trình độ học vấn từ lâu được xét đến như một đặc điểm đại diện cho năng lực của CEO. Chúng có thể ảnh hưởng đến năng lực của CEO theo ba cách khác nhau: (i) Giúp gia tăng hiểu biết và tri thức cho CEO, (ii) Giúp CEO khai phóng trí tuệ, mở rộng kiến thức và khả năng lập luận, và (iii) Giúp CEO tạo lập các mối quan hệ để phát triển công tác (Hambrick và Mason, 1984; Bertrand và Schoar, 2003;...).
Trên thế giới, nghiên cứu về trình độ học vấn của CEO thường được triển khai theo 02 hướng cơ bản: (i) Hướng tổng quát, tìm hiểu về trình độ học vấn của CEO theo phân loại cấp bậc (Palia,2001; Bhagat và cộng sự, 2010) và (ii) Xem xét trình độ học vấn theo hướng chuyên môn sâu, trong đó tập trung tìm hiểu về bằng Thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) và văn bằng Luật (Felicelli, 2008).
Liên quan đến hướng nghiên cứu về văn bằng Luật, kết quả chỉ ra rằng, bản chất các chương trình đào tạo về Luật đều hướng đến việc hình thành các chuẩn mực hành vi cho người đào tạo. Lý thuyết tài chính chỉ ra mối liên hệ nhất định giữa văn bằng Luật của CEO đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp do họ điều hành, quản lý. Nhiều nghiên cứu thực nghiệm cho thấy, các nhà quản lý có bằng cấp về Luật thường có xu hướng hành động bảo thủ và gắn bó với hiện trạng (Geletkanycz và Black, 2001). Đồng thời, họ cũng có xu hướng ít quan tâm đến R&D, thường lựa chọn bảo toàn đồng vốn doanh nghiệp (Barker và Mueller, 2002; Bamber, Jiang và Wang, 2010).
Tại Việt Nam, theo thống kê của Forbes (2018), danh sách 50 công ty niêm yết lớn nhất được vinh danh có sự hiện diện của nhiều CTGĐ tiêu biểu như Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji. Đây lại là mô hình tổ chức kinh doanh xuất phát từ hình thái gia đình và là mô hình mang tính cơ sở trong các mô hình tổ chức kinh tế tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là tại Việt Nam - nơi có văn hóa gia đình chi phối phần lớn các quan hệ trong xã hội.
Trong giai đoạn hiện nay, cùng với bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sôi động, doanh nghiệp Việt nói chung, các CTGĐ Việt nói riêng cũng đã và đang tích cực chuyển đổi để cập nhật và thích nghi những đòi hỏi mới từ thị trường, trong đó nhu cầu bồi dưỡng chuyên môn, học vấn cho đội ngũ nhân sự của doanh nghiệp, đặc biệt là nhân sự quản lý được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Do đó, nghiên cứu này được thực hiện nhằm tìm hiểu ảnh hưởng của việc nắm giữ văn bằng Luật của giám đốc điều hành lên lợi nhuận trên tổng tài sản của các công ty gia đình niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam.
2. Cơ sở lý thuyết
Theo Holland (1960), “Các đặc điểm cá nhân của con người là tập hợp của các bộc lộ tính cách, phong thái tâm lý cá nhân, quy định cách thức hành động và sự phản ứng của cá nhân đối với môi trường xung quanh. Hệ thống các đặc điểm cá nhân được phản ánh thông qua hệ thống thái độ của cá nhân và trong các phẩm chất ý chí cũng như cách thức xử lý vấn đề và ra quyết định trong cuộc sống. Hay nói cách khác, các đặc điểm cá nhân là sự kết hợp của các đặc điểm tâm lý mà dựa vào đó, chúng ta có thể phân biệt cá nhân này với những người khác”. Hệ thống các đặc điểm cá nhân, về cơ bản thường được phân ra thành 02 nhóm chính: (1) Các đặc điểm nhân khẩu học - tuổi, quốc tịch, giới tính, quê quán,… mang tính cơ bản, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng nhận thức, tư duy và (2) Các đặc điểm phát sinh do môi trường sống - trình độ học vấn, ngành nghề, thâm niên, kinh nghiệm… thường bị ảnh hưởng bởi các nhân tố khách quan, cho phép lý giải một số đặc trưng riêng về năng lực của cá nhân đó.
Khi nghiên cứu về đặc điểm cá nhân của CEO, cụ thể hóa kết quả nghiên cứu về đặc điểm cá nhân con người, các học giả trong và ngoài nước phân chia các đặc điểm của CEO thành 2 nhóm: (i) Các đặc điểm nhân khẩu học và (ii) Các đặc điểm công tác; trong đó trình độ học vấn được xếp vào nhóm (ii) phổ biến để đánh giá về năng lực của CEO. Có 2 hướng nghiên cứu chủ đạo khi tìm hiểu về trình độ học vấn của CEO. Hướng thứ nhất tập trung vào phân loại trình độ học vấn theo các cấp độ của hệ thống giáo dục (THPT, ĐH, SĐH..) và hướng thứ hai tập trung tìm hiểu vào các ảnh hưởng của từng loại bằng cấp mà CEO trau dồi được (bằng kỹ sư, bằng kinh tế - xã hội, bằng MBA, bằng Luật,…). Trong đó, bằng MBA và bằng Luật là hai loại bằng cấp phổ biến trong đánh giá năng lực của các cán bộ quản lý, trong đó có CEO.
Lãnh đạo nói chung thường được kỳ vọng cũng như yêu cầu có rất nhiều loại năng lực khác nhau bởi bản chất hoạt động kinh doanh là liên tục vận động và thay đổi không ngừng. Tyler và Steensma (1998), Finkelstein và Hambrick (1996), và Barker và Mueller (2002) chỉ ra rằng, tất cả các loại bằng cấp mà CEO nắm giữ thì đều có tác động đến hướng hoạt động và các cơ hội phát triển của công ty. Ví dụ, các CEO có bằng cấp trong lĩnh vực kỹ thuật sẽ chi tiêu cho nghiên cứu phát triển nhiều hơn so với các CEO có nền tảng giáo dục trong kinh doanh hoặc luật. CEO được đào tạo về pháp lý thường có xu hướng cẩn trọng hơn với các quyết định đầu tư, vì vậy họ thường dành mức chi thấp cho hoạt động R&D (Barker và Mueller, 2002). Hay nghiên cứu của Henderson (2017) tập trung vào việc so sánh hành vi của các CEO có văn bằng luật với những người có bằng cử nhân, MBA hoặc bằng cấp khác trên nhóm khoảng 3.500 CEO với tỷ lệ khoảng 9% trong số họ có bằng luật liên kết với dữ liệu của khoảng 2.400 công ty giao dịch công khai trong S & P 500 từ năm 1992 đến 2012. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các công ty được điều hành bởi CEO có sở hữu văn bằng luật thường ít bị vướng vào các vấn đề liên quan đến pháp lý hơn là các công ty khác, đồng thời trong tình huống xảy ra các tranh chấp pháp lý thì các công ty có CEO sở hữu văn bằng Luật cũng sẽ có xu hướng phải chi trả các chi phí này thấp và hiệu quả hơn.
Việt Nam đang trong quá trình hội nhập vào các cơ chế kinh tế toàn cầu, nơi mà hoạt động kinh doanh ngày càng phức tạp, thay đổi nhanh cũng như đòi hỏi sự chuẩn hóa trong việc thực thi pháp luật cao. Hơn thế nữa, môi trường kinh doanh tại Việt Nam có nhiều rủi ro về mặt thể chế. Doanh nghiệp Việt Nam, bên cạnh các rủi ro thông thường, phải đối mặt với các rủi ro về pháp lý. Điều này đến từ hệ thống pháp luật không cụ thể, không rõ ràng, không minh bạch, không hiệu lực, không hiệu quả. (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - CIEM, 2018). Trong bối cảnh như vậy thì nền tảng tri thức về pháp luật trở thành một trong những đòi hỏi bắt buộc về năng lực của đội ngũ CEO hiện nay. Vì vậy, giả thuyết nghiên cứu được tìm hiểu là ảnh hưởng tích cực của việc CEO nắm giữ văn bằng luật lên hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
3. Phương pháp nghiên cứu
Dữ liệu nghiên cứu được thu thập từ báo cáo tài chính hợp nhất và báo cáo thường niên hàng năm của 57 công ty gia đình (CTGĐ) hiện đang niêm yết trên TTCK Việt Nam giai đoạn 2012 - 2018. Lý do lựa chọn các CTGĐ bởi sự khác biệt độc đáo của mô hình tổ chức kinh doanh này, cũng như vai trò tích cực của nhóm doanh nghiệp này trong phát triển kinh tế hiện nay (Cao Thị Vân Anh, 2019).
Nghiên cứu tiến hành sử dụng mô hình hồi quy để đánh giá mối quan hệ có thể có của văn bằng Luật (biến LAW) tới hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp thông qua 2 hình thức: Đánh giá ảnh hưởng độc lập của văn bằng Luật, và Đánh giá trong mối tương quan kết hợp với các đặc điểm công tác khác của CEO.
Phương trình hồi quy:
Trong đó:
ROA là biến phụ thuộc;
LAW là biến độc lập về văn bằng Luật của CEO, được xây dựng dưới dạng biến giả (biến dummy), theo đó CEO có văn bằng Luật nhận giá trị 1, ngược lại nhận giá trị 0;
Các biến kiểm soát gồm: Tăng trưởng của doanh nghiệp (GROWTH), Tổng tài sản của doanh nghiệp (SIZE);
Biến tương tác gồm: OWNERSHARE - tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của CEO đo bằng tỷ lệ % cổ phần mà CEO nắm giữ trên tổng số cổ phiếu đang lưu hành của công ty và CHANGE - thay đổi nhân sự CEO, biến giả nhận giá trị 0 trong trường hợp công ty không thay đổi CEO trong suốt giai đoạn nghiên cứu và nhận giá trị 1 trong các trường hợp khác.
4. Kết quả nghiên cứu
4.1. Thống kê mô tả
Biểu đồ 1: Thống kê số lượng CEO có sở hữu văn bằng Luật
Nguồn: Tác giả tự tính toán & tổng hợp
Nhu cầu bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn không chỉ được bộc lộ ở cấp bậc của trình độ mà còn thể hiện thông qua sự đa dạng của các nội dung chuyên môn lựa chọn để trau dồi. Trên thế giới, khi bàn về trình độ học vấn của CEO, ngoài việc đánh giá theo cấp bậc của trình độ học vấn (đại học/sau đại học) thì văn bằng Luật và bằng thạc sĩ chuyên ngành quản trị kinh doanh (MBA) là 2 lĩnh vực chuyên môn mà giới nghiên cứu quan tâm. Thực tế, rất nhiều nhà quản lý lựa chọn bồi dưỡng thêm chuyên môn với bằng MBA hoặc bằng Luật nhằm mục tiêu nâng cao năng lực lãnh đạo điều hành. Vì vậy, sau khi phân loại CEO theo trình độ học vấn, luận án tiếp tục cập nhật dữ liệu về trình độ học vấn của CEO thông qua văn bằng Luật. Kết quả phân tích hồi quy, số lượng các CEO có văn bằng Luật trong mẫu nghiên cứu hiện còn rất thấp, dưới 5% tổng số mẫu nghiên cứu. Tuy nhiên, giai đoạn gần đây (năm 2017, 2018) số lượng này có xu hướng tăng nhẹ, phản ánh xu hướng chung tại Việt Nam hiện nay coi trọng bằng cấp. Vì vậy, các CEO bị đòi hỏi cũng phải liên tục học tập, làm giàu thêm số lượng bằng cấp mà mình có, nếu muốn đáp ứng được tốt nhất các đòi hỏi yêu cầu của xã hội.
4.2. Đánh giá mối liên hệ giữa văn bằng Luật của giám đốc điều hành tới hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp
Bảng 1. Đánh giá mối liên hệ độc lập giữa văn bằng Luật của giám đốc điều hành tới hiệu quả hoạt động của các CTGĐ giai đoạn 2012 – 2018
Với 2 mô hình đánh giá ban đầu là FEM và REM, thông qua kiểm định Hausman test, chỉ ra rằng mô hình REM phù hợp với dữ liệu nghiên cứu hơn mô hình FEM (P-value của kiểm định Hausman = 0.756). Tuy nhiên, kiểm định tự tương quan (Autocorrelation test) lại chỉ ra mô hình đang tồn tại tự tương quan. Do đó, luận án sử dụng mô hình GMM để hiệu chỉnh các khuyết tật. Kết quả mô hình chỉ ra rằng, mô hình GMM đạt tin cậy với chỉ số AR(2) bằng 0.400 > 0.05 và kiểm định Hansen cho giá trị P-value = 0.977 > 0.05. (Bảng 1)
Đi sâu vào phân tích trình độ chuyên môn của CEO thông qua dữ liệu về văn bằng Luật, kết quả phân tích hồi quy GMM không chỉ ra mối tương quan nào giữa văn bằng Luật của CEO và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Cụ thể, CEO có hay không có văn bằng Luật thì kết quả điều hành doanh nghiệp tính theo ROA về cơ bản không có khác biệt. Kết quả này đi ngược lại với kì vọng đặt ra của luận án, vì vậy phủ định giả thuyết nghiên cứu.
Do các đặc trưng về tâm lý, tính cách, thói quen ứng xử của mỗi cá nhân thường bị tác động/ảnh hưởng bởi một loạt các đặc điểm, yếu tố khác nhau (Phạm Minh Hạc, 1999). Vì vậy, sau khi phân tích mối liên hệ độc lập của văn bằng Luật đến hiệu quả hoạt động của công ty, tác giả tiếp tục xây dựng mô hình đánh giá tương tác ảnh hưởng của các đặc điểm bằng việc sử dụng các biến mô tả đặc điểm nhân khẩu học kiểm soát tỷ lệ sở hữu của CEO và thay đổi CEO. (Bảng 2)
Bảng 2. Mô tả ảnh hưởng tương tác của văn bằng Luật của CEO với tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của CEO và thay đổi nhân sự CEO
Trường hợp 1, với biến tương tác OWNERSHARE, chuyên môn (LAW) của CEO có tương tác thuận chiều với tỷ lệ sở hữu cổ phiếu. Có nghĩa là, với các CEO có trình độ học vấn sau đại học và/hoặc có thêm văn bằng Luật thì sẽ tăng ảnh hưởng thuận chiều tới tác động của OWNERSHARE lên ROA. Giải thích bằng xu hướng tâm lý học, hành vi phổ biến, khi một cá nhân có mức độ tự tin nhất định vào trình độ học vấn, chuyên môn của mình, thì họ sẽ có xu hướng tự tin hơn vào bản thân. Đồng thời, họ sẽ bộc lộ khát vọng thăng tiến và gia tăng quyền lực của bản thân nhiều hơn. Do đó, khi có thêm được sự cộng hưởng bằng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu nhất định, họ chắc chắn sẽ đam mê công việc hơn, tự tin điều hành hơn và vì vậy xác suất cao sẽ tạo ra những ảnh hưởng tích cực hơn đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Trường hợp 2, biến LAW*CHANGE tạo ảnh hưởng (-) tới ROA. Có nghĩa, trong tình huống thay đổi CEO, việc ưu tiên lựa chọn các giám đốc điều hành có trình độ học vấn cao và trình độ chuyên môn Luật không giúp tạo ảnh hưởng tích cực tới lợi nhuận trên tổng tài sản của doanh nghiệp. Thực tế hiện nay, trong công tác tuyển dụng giám đốc điều hành, các quyết định lựa chọn thường bị chi phối nhiều bởi các cơ chế ràng buộc hài hòa khác nhau mang đặc trưng của văn hóa gia đình. Do đó, các giám đốc điều hành cũng chưa thực sự có nhiều cơ hội để chứng minh năng lực của bản thân.
Hai tình huống trên khẳng định có tồn tại mối liên hệ giữa văn bằng Luật của CEO tới hiệu quả hoạt động của các CTGĐ niêm yết, đặc biệt khi có kết hợp với các đặc điểm công tác khác.
5. Kết luận - kiến nghị
Tyler và Steensma (1998), Finkelstein và Hambrick (1996), Barker và Mueller (2002) chỉ rằng, tất cả các loại bằng cấp mà CEO nắm giữ đều có tác động đến hướng hoạt động và các cơ hội phát triển của công ty. Vì thế, một trong những xu thế khác phổ biến trên thế giới đó là đa dạng hoá lĩnh vực chuyên môn, trau dồi và bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý nòng cốt tại doanh nghiệp, trong đó có cả CEO. (Bảng 3)
Bảng 3. Tổng hợp kết quả nghiên cứu
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, về cơ bản, trình độ chuyên môn của CEO được thể hiện thông qua văn bằng Luật cũng là một trong những đặc điểm có ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các CTGĐ niêm yết trên TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, đặc điểm về văn bằng Luật thường mang tính chất bổ sung/củng cố thêm về trình độ học vấn của CEO. Vì vậy, khi ảnh hưởng trực diện của văn bằng Luật tới hiệu quả hoạt động là khá mờ nhạt, nhưng khi kết hợp cùng các biến tương tác khác, thì văn bằng Luật phát huy ảnh hưởng của mình. Kết quả trên phù hợp với thực tế các nghiên cứu thực nghiệm đã từng được triển khai trên thế giới, việc bồi dưỡng về lĩnh vực Luật giúp tăng cường sự tự tin của nhà quản lý trong điều hành, giúp họ nắm vững hơn nữa các thể chế, chính sách và đưa ra những quyết sách thiết thực hơn với thị trường (Geletkanycz và Black, 2001).
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, ưu tiên bồi dưỡng chuyên sâu về Luật bên cạnh những chuyên môn gốc khác là một xu hướng phù hợp với điều kiện kinh doanh thực tiễn tại Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng một lần nữa tái khẳng định tầm quan trọng của trình độ học vấn tới hiệu quả điều hành doanh nghiệp.
Ngoài ra, liên quan đến đặc điểm mô tả chuyên môn của CEO, ngoài văn bằng Luật còn có thể có những loại chuyên môn khác như bằng kỹ sư, bằng MBA… Vì vậy, nghiên cứu này hoàn toàn có thể tiếp tục phát triển thêm theo hướng đa dạng hóa các chuyên môn của CEO.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Gottesman và R. Morey. (2010). CEO educational background and firm financial performance. Journal of Applied finance, 2, 70 - 82.
- Bertrand, M., Schoar, A. (2003). Managing with style: The effect of managers on firm policies. Quarterly Journal of Economics, 118(4), 1169-1208.
- Bhagat, S., Bolton, B. (2008). Corporate governance and firm performance. Journal of Corporate Finance, 14(3), 257-273.
- Barker và Mueller. (2002). CEO characteristics and firm R&D spending. Management Science, volume(issue), https://doi.org/10.1287/mnsc.48.6.782.187
- Cao Thị Vân Anh (2019), Nghiên cứu đặc điểm hội đồng quản trị ảnh hưởng đến kết quả tài chính của các công ty niêm yết sở hữu gia đình ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
- Chan Ho Ying và Yeung Chui. (2014). CEO Education and Firm Performance: Evidence from Hong Kong, Finance Concentration, Hong Kong Baptist University. ui, H.C., Mak, Y.T. (2002). The relationship between managerial ownership and firm performance in high R&D firms. Journal of Corporate Finance, 8(4), 313-336.
- Donald Hambrick, Phyllis A. Mason. (1984). Upper Echelons: The Organization as a Reflection of Its Top Managers. The Academy of Management Review, 9(2), 193 - 206.
- (2008). The graying of brain injury – Preface. Journal of Head Trauma Rehabilitation, 23(3), 137-8
- J.P. Holland. (1960). The prediction of college grades form personality and aptitude varibales. Journal of Educational Psychology, volume 30 (issue) 4, pp 225 – 236.
- M.Todd Henderson. (2017). Do lawyers make better CEOs than MBAs? Havard Business Review, October 2017.
- Economic Research, New York, USA. Morck, R., Shleifer, A., and Vishny, R. (1988). Management Ownership and Market Valuation. Journal of Financial Economics, 20(1), 293-315.
- Geletkanycz và Black. (2001). Upper Echelons Research Revisited: Antecedents, Elements, and Consequences of Top Management Team Composition, Journal of Management, 2004 (30) 6, 749 – 778.. https://doi.org/10.1016/j.jm.2004.06.001.
- Palia, Aspy P., Jan De Ryck and Mak Wai Keong (2001), "Interactive Online Strategic Market Planning With the Web-based Boston Consulting Group (BCG) Matrix Graphics Package," in: Vaughn, Mary Jo and Sharma Pillutla, eds. Developments in Business Simulation and Experiential Learning, Vol. 29, Proceedings of the Twenty-ninth Annual Conference of the Association for Business Simulation and Experiential Learning (ABSEL), pp. 140-142 (March 20-22, 2002). Bernie Keys Library, 3rd edition, 2002 ABSELResearch Archives and Conference Papers. (Triple blind refereed).
- Peni, E. (2014). CEO and Chairperson characteristics and firm performance. Journal of Management & Governance, 18(1), 185-205.
- Phạm Minh Hạc (1999). Tổng tập Tâm lý học. Nhà xuất bản Đại học Sư phạm.
- Phạm Bùi Gia Thủy, Trần Đức Tài (2017). Ảnh hưởng của đặc điểm tổng giám đốc điều hành đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh, số 55 (4).
- Sani Saidu. (2019). CEO characteristics and firm performance: Focus on origin, education and ownership. Journal of Global Entrepreneurship Research, (2019) 9:29, 25-40.
- Truong, Q., Swierczek, F. W., and Dang, C. (1998). Effective leadership in joint ventures in Vietnam: A cross - cultural perspective. Journal of Organizational Change Management, 11(4), 357-372.
- Tạp chí Forbes (2018), Báo cáo thường niên, Danh sách các công ty niêm yết tiêu biểu trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
- Viện Nghiên cứu, quản lý kinh tế Trung ương, (2018) Báo cáo năm 2018, Hà Nội.
THE IMPACTS OF CEOS WITH LAW DEGREES ON THE BUSINESS PERFORMANCE OF LISTED FAMILY COMPANIES IN VIETNAM’S STOCK MARKET
Master. Hoang Hai Yen
Foreign Trade University
Abstract:
Having a law degree represents the professional qualifications of the chief executive officer (CEO). The nature of law training programs is geared towards establishing behavioral standards for the trained person. Therefore, CEOs who have law degrees are likely to be more conservatively and pay less attention to research and development activities than their counterparts who do not hold law degrees. By studying the impacts on the return on total assets, this study finds out that the factor of having law degrees does not directly impact on the business performance of companies. However, when this factor goes together with some of the CEO’s work characteristics, it significantly impacts the business performance.
Keywords: Law degree, CEO, business performance, family company, ROA.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 22, tháng 9 năm 2020]