Phát biểu tại buổi họp báo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, hai hội nghị đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong việc cùng chung tay hợp tác để đối phó và ngăn chặn đại dịch trong khu vực, góp phần ngăn chặn đại dịch trên toàn thế giới.
“Hội nghị đã đạt đươc sự đồng thuận cao về các kế hoạch hành động, hợp tác, phương hướng cho thời gian tới để quyết tâm khắc phục hậu quả và ngăn chặn sự ảnh hưởng lây lan của đại dịch trong thời gian tới và vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế và không để bất kỳ nước nào, cộng đồng nào trong ASEAN bị tụt lại phía sau”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.
Kế hoạch Hành động Hà Nội
Tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN trực tuyến đặc biệt, các Bộ trưởng đã tập trung thảo luận “Tuyên bố chung của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN và các Hội đồng kinh doanh khác trong khu vực về vấn đề đại dịch Covid-19” nhằm lắng nghe quan điểm của cộng đồng doanh nghiệp để khơi thông các luồng thương mại và đầu tư trong khu vực ASEAN.
Đặc biệt, các Bộ trưởng đã cùng đại diện cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực thảo luận khả năng thiết lập một cơ chế hợp tác mang tính Công - Tư giữa các Bộ trưởng với Cộng đồng doanh nghiệp để có thể cùng xử lý nhanh nhất các vấn đề phát sinh, tạo thuận lợi tối đa cho thương mại và đầu tư trong khu vực.
Các Bộ trưởng đã đạt được đồng thuận cao về việc ASEAN tiếp tục hợp tác chặt chẽ để duy trì và tiến tới hồi phục và thúc đẩy chuỗi cung ứng trong khu vực, coi đây là ưu tiên hàng đầu trong hợp tác kinh tế thời gian tới.
Tại hội nghị, các Bộ trưởng cũng đã trao đổi thông tin về tình hình dịch bệnh tại các nước ASEAN; các kế hoạch phòng, chống đại dịch tại từng nước cũng như kế hoạch hợp tác của ASEAN trong thời gian tới nhằm tối thiểu hóa các tác động tiêu cực của đại dịch đến cộng đồng từng nước cũng như cộng đồng dân cư trong khu vực.
Với vai trò là Chủ tịch của Năm ASEAN 2020, Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với các thành viên ASEAN xây dựng bản Kế hoạch Hành động Hà Nội về củng cố hợp tác kinh tế ASEAN và tăng cường kết nối chuỗi cung ứng nhằm đối phó với đại dịch Covid-19.
Bản Kế hoạch này tập trung vào những nội dung như: (i) đẩy mạnh hợp tác trong một số lĩnh vực cụ thể: các hàng hóa thiết yếu, bao gồm cả thực phẩm, dược phẩm cũng như các chuỗi cung cấp thuốc liên quan đến dịch Covid-19; (ii) tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giữa các nước ASEAN trong việc đối phó đại dịch; (iii) Hạn chế áp dụng các biện pháp phi quan thuế đối với việc xuất, nhập khẩu các loại hàng hóa thiết yếu, dược phẩm có liên quan đến dịch Covid-19; (iv) Tăng cường kết nối chuỗi cung ứng trong cả ngắn và dài hạn, do xác định dịch sẽ có thể còn tiếp tục diễn biến phức tạp.
Tuyên bố chung của ASEAN+3
Tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN+3 trực tuyến đặc biệt diễn ra ngay sau đó, các Bộ trưởng đã thông qua Tuyên bố chung của ASEAN+3 về giảm thiểu tác động kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Tuyên bố chung đưa ra các biện pháp nhằm kiềm chế áp dụng các biện pháp không cần thiết có thể ảnh hưởng tới dòng lưu chuyển của hàng hóa thiết yếu, thuốc và vật tư y tế trong khu vực; tiếp tục dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan cho dòng lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ trong chuỗi cung ứng nhưng vẫn đảm bảo các biện pháp hạn chế nhằm mục đích phòng chống dịch Covid-19; khuyến khích việc xây dựng các hướng dẫn cho phép di chuyển của thương nhân qua biên giới mà không làm ảnh hưởng đến các nỗ lực năng chặn sự lây lan của vi-rút; nỗ lực tận dụng hiệu quả Quỹ Dự trữ gạo ASEAN+3 và tìm kiếm khả năng phát triển kho dự trữ vật tư thiết bị y tế thiết yếu; hỗ trợ và cho phép các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) tận dụng công nghệ và thương mại số; thúc đẩy hợp tác hải quan để tạo thuận lợi cho việc thông quan hàng hóa ở cửa khẩu.
Để cụ thể hóa Tuyên bố chung Bộ trưởng Kinh tế ASEAN+3, các nước thống nhất sẽ tiếp tục xây dựng Kế hoạch hành động ASEAN+3 với những biện pháp cụ thể hơn trong thời gian tới.
Việc các nước ASEAN+3 thông qua Tuyên bố chung và chuẩn bị Kế hoạch hành động cụ thể cho thấy rõ hơn sự đồng thuận và hợp tác của ASEAN với ba nước Đối tác lớn trong khu vực với tinh thần “Gắn kết và Chủ động Thích ứng” nhằm ứng phó với dịch Covid-19 cũng như sẵn sàng đối mặt với các thách thức khác trong tương lai.
Khôi phục chuỗi cung ứng
Trả lời báo chí, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, bối cảnh hiện nay không chỉ có dịch Covid-19 mà có nhiều yếu tố đang đe dọa đến sự ổn định chung của kinh tế thương mại toàn cầu như chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, cạnh tranh địa chính trị,…, khiến các quốc gia đối mặt với những yêu cầu, thách thức lớn trong duy trì chuỗi cung ứng trước đây.
Trong đó, các nước đang phát triển còn phụ thuộc vào nguồn cung nguyên phụ liệu nhập khẩu sẽ tiếp tục bất lợi trong xây dựng và tham gia vào các chuỗi cung ứng mới.
Để đối phó có hiệu quả với vấn đề này, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và ASEAN+3 đã đi đến thống nhất nguyên tắc cơ bản là tăng cường hơn nữa liên kết nội khối cũng như kết nối mạnh hơn với các đối tác, đảm bảo mục tiêu đưa ASEAN thành cộng đồng kinh tế chung, có sức hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư trên khắp thế giới.
Đồng thời, tiếp tục tạo ra nền tảng quan trọng kết nối hợp tác giữa các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa, để doanh nghiệp chủ động khai thác sự hỗ trợ trong cơ chế, chính sách của mỗi quốc gia, mở rộng tiếp cận các thị trường trong khuôn khổ hội nhập mới mà ASEAN tham gia.
“Trong hoàn cảnh đặc biệt như hiện tại cũng cần có các cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, chú trọng phát triển các công nghệ mới và tăng cường năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế. Vai trò của khu vực kinh tế tư nhân sẽ được quan tâm, phát huy có hiệu quả trong quá trình từ hoạch định đến thực thi chính sách”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.
Duy trì lưu thông hàng hóa
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, dịch bệnh Covid-19 hiện vẫn đang diễn biến phức tạp và dự báo còn có khả năng quay lại vào cuối năm nay, vì vậy các Bộ trưởng ASEAN và ASEAN+3 đều thống nhất mục tiêu cao nhất vẫn là đảm bảo phòng chống dịch bệnh hiệu quả tại từng quốc gia, cùng với đó phối hợp chặt chẽ để phục hồi nền kinh tế. Đặc biệt, các Bộ trưởng đã thống nhất một số biện pháp quan trọng nhằm duy trì dòng lưu chuyển hàng hóa thiết yếu phục người dân phải được quan tâm.
Trong đó, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã thống nhất tăng cường hợp tác nội khối, đưa ASEAN trở thành thực thể gắn kết, tiếp tục thu hút đầu tư mạnh mẽ thông qua nâng cao năng lực sản xuất, mở cửa thị trường, hạn chế các rào cản thuế quan và phi thuế quan.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng như ASEAN và các nước đối tác đang phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng do dịch bệnh gây ra, các Bộ trưởng cũng thống nhất nhu cầu tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật theo hướng đơn giản hóa, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp; tham mưu các lãnh đạo cấp cao về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phù hợp với nội luật mỗi nước và quy định của WTO.
Cùng với đó, tiếp tục cải thiện thủ tục, môi trường hải quan để tạo điều kiện thuận lợi cho thông quan hàng hóa, dịch vụ; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử qua biên giới thông qua ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện thủ tục hành chính, công tác xúc tiến thương mại trên môi trường điện tử; ban hành cơ chế kích cầu, đầu tư công về hạ tầng kinh tế để tạo thị trường ổn định cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
ASEAN cũng thống nhất sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác về thương mại và đầu tư, mở rộng cơ chế hội nhập ASEAN với các quốc gia trên thế giới, trong đó quan trọng nhất là đảm bảo triển khai hiệu quả, linh hoạt các hoạt động đàm phán để thúc đẩy ký kết Hiệp định RCEP trong năm 2020.
Riêng với Việt Nam, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, các mối quan hệ hợp tác nội khối ASEAN và các đối tác mở rộng đều có ý nghĩa, vai trò quan trọng.
“Việc mở cửa nền kinh tế là hết sức cần thiết, nhưng sẽ đặt trong sự xem xét cẩn trọng để đảm bảo an toàn cho người dân và doanh nghiệp”, Bộ trưởng khẳng định, cho biết Chính phủ Việt Nam cũng đang tiếp tục có những biện pháp cụ thể hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp trong tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế.