Phát biểu tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16/3/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã phân tích thấu đáo và thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu thời gian qua.Bộ trưởng cũng cho rằng để giải quyết tận gốc vấn đề lặp đi lặp lại nhiều năm nay, phải thay đổi nhận thức từ khâu sản xuất tới tiêu thụ nông sản; đồng thời cần hoàn thiện cơ chế chính sách, nâng cao hiệu quả của công tác điều hành đối với các hoạt động này.
Mặt khác, từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đến nay, xu thế chuyển từ thương mại trực tiếp sang trực tuyến đang ngày càng trở nên sôi động, bao trùm nhiều lĩnh vực. Do đó, để hàng Việt có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn trên thị trường quốc tế, cũng rất cần có cách tiếp cận thỏa đáng về thương mại điện tử xuyên biên giới.
Những gợi mở của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên không chỉ dừng lại ở Nghị trường. Đồng quan điểm với Bộ trưởng, nhiều chuyên gia, học giả đã liên hệ với chia sẻ với Tạp chí Công Thương để “hiến kế” các giải pháp căn cơ cho bài toán này. Tạp chí Công Thương xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài: Sản xuất và tiêu thụ nông sản cần sự đột phá về tư duy.
PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về tiềm năng xuất khẩu trực tuyến của Việt Nam hiện nay? So sánh với một số quốc gia trong khu vực, Amazon nhận định các lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong lĩnh vực này là gì?
Ông Gijae Seong: Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới có tốc độ tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020 và 2021. Bên cạnh đó, giãn cách xã hội và hạn chế đi lại góp phần thúc đẩy nhu cầu thương mại điện tử, trong đó có thương mại điện tử xuyên biên giới. Theo thống kê, doanh thu thương mại điện tử tại Việt Nam tăng trưởng 18% trong năm 2020 và được dự đoán là tiếp tục giữ tốc độ trong các năm sau. Còn theo báo cáo của Alphabeta năm 2021, nếu coi “thương mại điện tử B2C” là một ngành hàng xuất khẩu, đây sẽ là ngành xuất khẩu đứng thứ 5 tại Việt Nam trong vòng 5 năm tới.
Tôi cho rằng tiềm năng của Việt Nam có thể nhìn thấy rõ qua một số điểm sau:
Thứ nhất, Việt Nam là đất nước có tốc độ phát triển thương mại điện tử mạnh mẽ hàng đầu trong khu vực. Bên cạnh đó, nhu cầu chuyển đổi số, khai thác thương mại điện tử trong kinh doanh vô cùng “nóng”.
Thứ hai, Việt Nam hiện có năng lực sản xuất dồi dào, nhiều thương hiệu quốc tế đã chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam, cho thấy “Made-in-Vietnam” có thể tạo nên giá trị quốc gia.
Thứ ba, nếu riêng thống kê của Amazon tại thị trường Việt Nam: trong vòng 1 năm (từ 1/9/2020 đến 30/8/2021), hàng ngàn đối tác doanh nghiệp Việt đã tham gia Amazon và đạt được những mốc tăng trưởng rất nhanh. 7,2 triệu sản phẩm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam được bán cho các khách hàng Amazon trên khắp thế giới. Tổng giá trị xuất khẩu của SME Việt Nam qua Amazon trong năm qua tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng cùng giai đoạn khảo sát kể trên, số lượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam bán hàng qua các cửa hàng Amazon trên toàn thế giới vượt mốc doanh số 100.000 USD, 500.000 USD và 1 triệu USD cũng đã tăng lần lượt hơn 18%, 53% và 40% chỉ sau 1 năm.
Trong 2-3 năm vừa qua, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao nhất so với các nước như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines.
PV: Trong đó, Việt Nam có thế mạnh ở những ngành hàng nào trên Amazon, thưa ông?
Ông Gijae Seong: Năm 2021, Top danh mục bán chạy nhất trên Amazon từ các Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam bao gồm Đồ gia dụng, Dụng cụ nhà bếp, Tiện ích gia đình, Sản phẩm dệt may và Sản phẩm chăm sóc sức khoẻ & cá nhân. Tôi đánh giá cao tiềm năng ngành hàng cứng, đặc biệt là Nội thất, trang trí nhà cửa của Việt Nam. Nhóm ngành hàng mềm như quần áo, giày dép, va-li cũng đang phát triển mạnh mẽ trong năm qua.
Ngoài ra, chúng tôi nhận thấy ngày càng có nhiều các nhà sản xuất hoặc doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm liên quan đến nông nghiệp tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới cùng Amazon năm vừa qua, như gạo, bánh tráng, hạt điều, cà phê hoặc các sản phẩm sấy khô và đặc biệt có một sản phẩm nông ngư nghiệp Việt Nam được quan tâm năm vừa qua là rong nho.Tất cả các sản phẩm liên quan đến thực phẩm đều phải đáp ứng các quy chuẩn như FDA hoặc US như quy định của thị trường Hoa Kỳ về các sản phẩm thực phẩm hoặc liên quan đến thực phẩm.
Thông qua Amazon, hàng triệu các sản phẩm từ Việt Nam đã đến tay khách hàng toàn cầu. Tôi có thể liệt kê một số cái tên như phở Hai Thiền, rong nho Trường Thọ, cà phê Trung Nguyên, gốm sứ Minh Long, mây tre Rataboo hay nón bảo hiểm Royal Helmet... và nhiều thương hiệu Việt khác đang trở nên quen thuộc với người dùng quốc tế. Các nhà sản xuất Việt Nam có khả năng sản xuất nhiều loại sản phẩm, năng lực thiết kế và phát triển sản phẩm; cho thấy sự sẵn sàng để xuất khẩu và tạo dấu ấn trên thị trường thương mại điện tử quốc tế như Amazon.
PV: Những thách thức nào đang đặt ra cho doanh nghiệp Việt khi tham gia xuất khẩu qua các sàn thương mại điện tử quốc tế? Để giải quyết những thách thức này, Amazon đã có những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thế nào?
Ông Gijae Seong: Theo một khảo sát năm 2021 từ AlphaBeta đối với hơn 300 doanh nghiệp vừa, nhỏ & siêu nhỏ Việt Nam, 88% doanh nghiệp được khảo sát nhận định thương mại điện tử rất quan trọng đối với khả năng xuất khẩu của họ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp được khảo sát cũng chia sẻ rằng họ gặp một số rào cản nhất định trong kinh doanh xuất khẩu trực tuyến như: hạn chế về thông tin, kiến thức về quy định, chi phí & năng lực khi làm thương mại điện tử xuyên biên giới.
Về phía Amazon Global Selling Việt Nam, chúng tôi cũng nhìn thấy khía cạnh hạn chế về nhận thức của ngành Thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam khiến nhiều doanh nhân, doanh nghiệp chưa chưa nhìn thấy cơ hội của họ ở sân chơi này. Thứ hai là rào cản kiến thức thương mại điện tử xuyên biên giới và tiếp theo đó là các bước triển khai cụ thể và chiến lược phát triển dài hạn.
Amazon Global Selling có mặt nhằm hỗ trợ các đối tác Việt Nam vượt qua các rào cản để tiến kịp với mô hình kinh doanh toàn cầu. Chúng tôi mong muốn xây dựng một tầm nhìn dài hạn và phát triển bền vững cho những đối tác bán hàng thay vì doanh thu hay lợi nhuận ngắn hạn.
Trọng tâm chiến lược mà Amazon mong muốn đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2022 xoay quanh các điểm chính:
(1) Hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng thương hiệu toàn cầu trên Amazon. Bằng cách cung cấp đào tạo, giới thiệu các công cụ và dịch vụ xây dựng thương hiệu, Amazon sẽ hỗ trợ tiếp thị các thương hiệu Made-in-Vietnam theo thị hiếu của khách hàng quốc tế;
(2) Cung cấp các dịch vụ logistics để đẩy tranh quá trình đưa sản phẩm tới tay khách hàng;
(3) Đào tạo nâng cao kiến thức về thương mại điện tử xuyên biên giới cho các đối tác bán hàng Việt Nam với các tài liệu tiếng Việt được xuất bản trên website, Youtube, Facebook, Zalo, và sắp tới Amazon Global Selling sẽ có cả các chuyên gia đào chuyên nghiệp để hướng dẫn, đào tạo, cập nhật các thông tin, quy trình, cách thức làm E-commerce cho doanh nghiệp Việt Nam. Chúng tôi cũng tái cấu trúc lại đội nhóm để có các team chuyên trách từng ngành hàng để hỗ trợ hiệu quả và sát sao hơn cho từng đối tác bán hàng Việt Nam.
PV: Khi vào thị trường Việt Nam, Amazon còn đặc biệt chú trọng triển khai các hoạt động hợp tác với cơ quan quản lý nhà nước. Ông có thể chia sẻ thêm về những hoạt động này?
Ông Gijae Seong: Rõ ràng để phát triển đồng bộ và toàn diện thì cần có thêm những hợp tác với các cơ quan bộ ngành chính phủ cũng như các Hiệp hội hỗ trợ từng ngành hàng. Amazon Global Selling đã tăng cường hợp tác với các cơ quan bộ ngành tại Việt Nam như Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương, Cục Phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Hiệp hội ngành nghề… để hỗ trợ các doanh nghiệp nhận thức được tiềm năng, từ đó nắm bắt cơ hội vươn ra toàn cầu.
Từ năm 2019, Amazon và Bộ Công Thương đã ký biên bản ghi nhớ hướng đến nâng cao các hoạt động lâu dài hỗ trợ doanh nghiệp và người bán hàng nội địa đẩy mạnh kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường quốc tế.
Tháng 4/2021, Amazon Global Selling Việt Nam và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (IDEA) - Bộ Công Thương tiếp tục mở rộng hợp tác, chung tay hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển với thương mại điện tử xuyên biên giới thông qua việc đồng tổ chức chuỗi hội thảo và các chương trình đào tạo giúp trang bị những kiến thức cần thiết cho việc mở rộng hoạt động kinh doanh trên Amazon.
Mỗi chuỗi sự kiện bao gồm một hội thảo quy mô lớn với chủ đề “Bán hàng trên Amazon”, các lớp đào tạo ở cấp độ vận hành và hai lớp đào tạo nâng cao theo nhu cầu về đăng kí nhãn hiệu cũng như xây dựng thương hiệu. Với hợp tác này, Amazon cùng IDEA đã và đang từng bước khai phá tiềm năng của người bán hàng Việt Nam, hỗ trợ đưa các sản phẩm Việt đến gần hơn với người tiêu dùng toàn cầu.
Năm 2022, chúng tôi đang tích cực thảo luận để phát triển các chương trình hợp tác mới cùng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (IDEA) - Bộ Công Thương và Cục Phát triển doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hỗ trợ hơn nữa các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm tới thương mại điện tử xuyên biên giới. Chi tiết sẽ được chúng tôi thông báo cụ thể khi chương trình được thống nhất thông qua để triển khai.
PV: Amazon có kế hoạch và đặt ra những mục tiêu phát triển như thế nào tại Việt Nam trong thời gian tới? Để đạt được những mục tiêu này, Amazon có kỳ vọng, đề xuất gì đối với cơ quan quản lý nhà nước, địa phương và các doanh nghiệp Việt?
Ông Gijae Seong: Hiện nay, hàng ngàn các doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia Amazon tuy nhiên chúng tôi vẫn thấy rằng đây mới chỉ là những bước khởi đầu của các doanh nghiệp cũng như Amazon tại thị trường Việt Nam. Tiềm năng của Việt Nam ở thương mại điện tử xuyên biên giới còn rất lớn trong những năm tới.
Chúng tôi tin rằng sự kết hợp giữa các sản phẩm địa phương độc đáo của Việt Nam và tầm nhìn toàn cầu sẽ là công thức chiến thắng trong bối cảnh thị trường cạnh tranh như hiện nay
Hãy nắm bắt cơ hội từ xu hướng xuất khẩu qua thương mại điện tử để tạo đột phát cho doanh nghiệp của mình, vươn ra thị trường quốc tế rộng lớn, khai thác tiềm năng mạnh mẽ của sản phẩm Made-in-Vietnam.
Về sản phẩm, tạo tính cạnh trang bằng chất lượng sản phẩm là điều kiện tiên quyết. Bêncạnh đó, việc phát triển bền vững và tầm nhìn toàn cầu còn là việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình trên không gian số, phù hợp với thị hiếu quốc tế và thuyết phục người tiêu dùng đa dạng từ các quốc gia khác nhau. Kế đó, đừng bỏ qua việc khai thác, tận dụng lợi ích từ cơ sở hạ tầng hậu cần và các công cụ, dịch vụ tiên tiến từ Amazon để nhanh chóng triển khai hoạt động xuất khẩu qua thương mại điện tử, tiếp cận hàng trăm triệu khách hàng trên toàn thế giới và phát triển trở thành thương hiệu toàn cầu.
Chúng tôi cũng mong muốn thiết lập và tăng cường hợp tác với các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương, các hiệp hội ngành công nghiệp khác nhau để cùng hỗ trợ, đồng hành với các doanh nghiệp Việt trên các khía cạnh về kiến thức, thông tin, cập nhật, kết nối...
Xin trân trọng cảm ơn ông!