Phát biểu tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16/3/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã phân tích thấu đáo và thẳng thắn chỉ ra, việc ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu thời gian qua cho thấy chiến lược sản xuất và tiêu thụ nông sản của chúng ta còn có nhiều bất cập. Bộ trưởng cũng cho rằng cần thay đổi nhận thức từ khâu sản xuất tới tiêu thụ nông sản; cần hoàn thiện cơ chế chính sách, nâng cao hiệu quả của công tác điều hành đối với các hoạt động này.
Câu chuyện về sản xuất và tiêu thụ nông sản không chỉ dừng ở Nghị trường. Đồng quan điểm với Bộ Trưởng Nguyễn Hồng Diên, chia sẻ với Tạp chí Công Thương nhiều chuyên gia, học giả đã đưa các giải pháp nhằm giải quyết căn cơ bài toán về sản xuất và tiêu thụ nông sản. Tạp chí Công Thương xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài: Sản xuất và tiêu thụ nông sản cần sự đột phá về tư duy.
TS. Đặng Kim Sơn - Chuyên gia chính sách nông nghiệp của Viện Nghiên cứu Thị trường và Thể chế nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp đã có những trao đổi với Tạp chí Công Thương về chiến lược tiêu thụ, xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
PV: Thưa Tiến sĩ, ông đánh giá thế nào về sự phối hợp giữa các Bộ, ngành trong công tác phát triển thị trường, tổ chức ngành hàng và sản phẩm nông sản thời gian qua?
TS. Đặng Kim Sơn: Tôi nghĩ việc đàm phán mở cửa thị trường đã được các Bộ phối hợp với nhau thực hiện khá tốt. Công tác đàm phán đã đi trước một bước xa. Việt Nam so với các nước trong khu vực, dù đi sau, nhưng tốc độ đàm phán và mức độ mở cửa thị trường rất nhanh, giúp đưa nông sản Việt có vị thế rất tốt. Chúng ta cần đánh giá cao những nỗ lực phối hợp này.
Công tác tổ chức ngành hàng cũng có rất nhiều mặt tốt, chẳng hạn như ở Việt Nam nếu chúng ta coi phần nông dân là do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lo, phần doanh nghiệp là do Bộ Công Thương lo, thì có thể nói vừa qua ngành nông nghiệp là một trong những ngành mà doanh nghiệp đã trở thành nòng cốt trong chế biến, hình thành các vùng chuyên canh, trong kinh doanh làm nòng cốt để xuất khẩu, phát triển hệ thống bán lẻ trong nước.
Dù vậy, bên cạnh nhiều điểm tốt cũng còn những hạn chế. Nỗ lực để đi đến kết quả thì cũng còn tùy thuộc vào nhiều bộ, ngành khác. Chẳng hạn, bây giờ muốn thay đổi lại hệ thống công nghệ thì phải có tiền, Ngân hàng Nhà nước phải vào cuộc. Thay đổi lại về kỹ thuật thì phải có đầu tư khoa học công nghệ, phải có Bộ Khoa học Công nghệ. Thay đổi về đào tạo nghề thì phải có Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục - Đào tạo. Thay đổi nâng cấp hệ thống giao thông vận tải, hệ thống cầu cảng, bến bãi,… thì phải Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải…
Rõ ràng là chúng ta phải tính toán đến câu chuyện rất đồng bộ với sự phối hợp đủ mạnh, tạo ra các chuỗi giá trị gắn kết từ nơi sản xuất đến nơi chế biến, hệ thống logistics và ra đến thị trường.
Tuy nhiên, phải nói thế này, chúng ta đừng chỉ đổ trách nhiệm lên hai Bộ, hoặc là các Bộ. Trong một nền kinh tế thị trường hiện đại, cơ quan nhà nước chỉ nên tập trung vào xây dựng chiến lược, chính sách, hệ thống tiêu chuẩn và quản lý vĩ mô, còn việc quản lý thị trưởng, quản lý chất lượng kỹ thuật cần phải phân cấp với sự tham gia chủ động của các bên liên quan. Tôi nghĩ là vai trò của Hiệp hội, vai trò của hợp tác xã, vai trò của cộng đồng là hết sức quan trọng. Phải xây dựng các tổ chức “hội đồng ngành hàng” trong đó có sự tham gia của đại diện nông dân, hợp tác xã, người bán lẻ, người bán buôn, người chế biến, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp,… Các bên phải có tiếng nói như nhau, cùng tham gia vào quá trình quản lý, từ quy hoạch cho đến đầu tư, quản lý thị trường, chứ không phải chỉ liên kết công tư về đầu tư. Như thế sự phối hợp với nhau mới đồng bộ, tôi nghĩ đây là sự đổi mới cần thiết.
PV: Theo ông, cần có những giải pháp thế nào để thúc đẩy phát triển các ngành hàng nông sản trong thời gian tới?
TS Đặng Kim Sơn: Về phân khúc ngành hàng, theo quy mô, ngành nông nghiệp hiện phân làm 3 loại ngành hàng.
Một là, ngành hàng chiến lược quốc gia: là nhưng ngành xuất khẩu ở mức hàng tỷ USD, hoặc là liên quan đến tiêu dùng của đa số người dân trong nước, hay tạo ra nhiều việc làm.
Hai là, ngành hàng phát huy lợi thế vùng, địa phương, cấp tỉnh hoặc liên tỉnh.
Ba là, ngành hàng nhỏ, đặc sản địa phương, gắn liền với phát triển nông thôn mới, mang tính chất là các ngành nghề kết hợp dịch vụ du lịch, như OCOP.
Trước hết, tôi nghĩ là, ở cấp quốc gia, chúng ta phải tập trung quyết liệt vào nhóm này, đầu tiên là hai Bộ và sau đó là cả các thành phần kinh tế. Ở các ngành hàng chiến lược này, có khoảng 7 - 10 ngành hàng nông nghiệp gì đó, phải xây dựng các Hội đồng ngành hàng, như đã nói ở trên. Toàn thế giới họ quản lý như vậy: cà phê Brazil, cọ dầu Malaysia, lúa gạo Thái Lan,… đều huy động sức mạnh tổng hợp thành công với mô hình tổ chức này.
Chính các Hội đồng ngành hàng đóng vai trò giám sát cung để đảm bảo chúng ta không tự giẫm lên chân nhau, sản xuất thừa làm giảm giá bán của chính mình; giám sát về kỹ thuật để phát hiện và và kịp thời xử lý những đối tượng sai phạm, làm xấu để ảnh hưởng đến tất cả. Chỉ có toàn bộ tập thể sản xuất và kinh doanh cùng tự chủ giám sát nhau mới phát hiện được bao quát và kịp thời. Khi xuất hiện tranh chấp quốc tế, Hội đồng ngành hàng phải vào cuộc, thay vì chờ đợi cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát từng vụ việc. Muốn tránh một con sâu làm rầu nồi canh thì trước hết phải phải có cơ chế tự phát hiện, kiểm soát mỗi cọng rau, chứ đợi người ăn chỉ ra thì quá muộn rồi.
Bởi vậy, theo tôi, đối với tất cả các ngành hàng nông nghiệp chiến lược quốc gia, dứt khoát chúng ta phải thống nhất với nhau sự cần thiết của xây dựng các Hội đồng ngành hàng, đưa vấn đề này vào Luật, quy định chính sách cụ thể về phân cấp, trao quyền và trách nhiệm. Và với mỗi ngành chiến lược như thế phải rõ các vùng chuyên canh về không gian, quy hoạch là rõ ràng, quy mô cung đến đâu, các chuỗi giá trị tổ chức thế nào, các hành lang logistics bố trí ra sao, phải được thống nhất chủ trương đầu tư đồng bộ cả từ nguồn trong nước và FDI.
Đặc biệt, đối với những ngành hàng này thì chúng ta phải có một chiến lược để chúng ta làm chủ tình hình, không để bị phụ thuộc đầu vào và cũng không để phụ thuộc thị trường đầu ra ở một vài quốc gia. Và chuyện đó không phải do Nhà nước quyết định, mà phải cả Hội đồng ngành hàng, tất cả các thành phần cùng có ý kiến, cùng chịu trách nhiệm và có quyền lực để hành động.
Thứ hai, đối với ngành hàng cấp vùng và liên tỉnh, thì các địa phương phải liên kết với nhau. Các địa phương có cùng địa bàn sinh thái, cùng sản xuất một loại mặt hàng như nhau phải cùng thống nhất, hợp tác với nhau. Chính quyền địa phương cần chia sẻ tiếng nói: xây dựng khu chế biến từ đâu, xử lý chất thải ra làm sao, địa phương này làm sản phẩm tổng thành, địa phương khác là đóng góp các sản phẩm cấu thành, sản xuất vệ tinh, địa phương khác thì sản xuất nguyên vật liệu,…
Đây chính là sự phối hợp, bổ sung cần thiết. Chẳng hạn như địa phương làm dệt may thì phải gắn với địa phương làm nhuộm, tơ sợi giúp họ chi phí xử lý môi trường; địa phương chế biến gỗ thì phải phối hợp với địa phương trồng rừng nguyên liệu; vùng dùng nước thì trả phí cho vùng tích nước thượng nguồn; vùng dùng lao động thì giúp cho nơi cung cấp nhân lực,… Tổ chức liên kết phát triển vùng như hình thức các quốc gia như Hà Lan, Israel quản lý châu thổ là những bài học vô giá.
Thứ ba, đối với ngành hàng mang tính chất địa phương nhỏ, làng xã, phải có vai trò của cộng đồng nhân dân. Cộng đồng phải đứng ra tham gia quản lý, chịu trách nhiệm về thương hiệu nhãn hiệu,… rồi kết hợp giữa sản xuất với hoạt động dịch vụ, với hoạt động bảo vệ tài nguyên, đưa thêm các giá trị văn hóa, lịch sử,… vào trong sản phẩm. Các nước như Nhật bản, Thái Lan rất giỏi về kinh nghiệm này.
Như vậy, việc phát triển các ngành hàng không thể nói đơn thuần chỉ dùng các qui hoạch, chính sách, cơ chế của Nhà nước để giải quyết là xong, mà cốt yếu nhất là mô hình tổ chức và cơ chế vận hành các chủ thể, các hệ sinh thái phát triển thông qua phân cấp và huy động phối hợp.
PV: Ông có thể chia sẻ thêm về giải pháp cấp thiết lúc này để Việt Nam thực hiện cơ cấu lại sản xuất, cơ cấu lại thị trường nông sản?
TS Đặng Kim Sơn: Giờ đây toàn thế giới đang tự nhìn lại mình sau dịch bệnh Covid-19, sau căng thẳng chính trị - quân sự ở Châu Âu và sau các cam kết về chống biến đổi khí hậu.
Xu hướng tiêu dùng và xu hướng sản xuất đang thay đổi từng ngày. Người ta đã đi từ sản xuất sạch, sang sản xuất ngon, bổ, rồi họ đi đến đề cao giá trị cảnh quan, giá trị trách nhiệm xã hội, bây giờ họ lại bắt đầu đi sang đến vấn đề là phải bảo vệ được môi trường, chống biến đổi khí hậu, phải ngăn chặn được hiệu ứng nhà kính, phải thích ứng các rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu,… Vậy chúng ta đi thế nào cho kịp các xu thế này, để giữ được giá trị gia tăng cho hàng hóa của chúng ta?
Không chỉ vậy, tất cả các chuỗi giá trị cũng đang thay đổi. Chẳng hạn thị trường dễ tính nhất, quen thuộc nhất của Việt Nam là Trung Quốc cũng đang loại bỏ dần xuất nhập khẩu theo đường tiểu ngạch, chuyển sang chính ngạch. Nước này đã xây dựng xong tuyến đường sắt cao tốc chạy xuyên sang Lào, bắt đầu nối với Thái Lan, hàng của các nước trong khu vực sẽ bắt đầu tràn ồ ạt sang thị trường Trung Quốc theo những kênh mới mà Việt Nam chưa hề có. Các kênh giao thông biển, hàng không cũng đang thay đổi. Vậy Việt Nam mình vận chuyển thế nào, đi đường nào để cạnh tranh được?
Những cây chuyện như vậy cho thấy rằng việc cơ cấu lại sản xuất trong nước phải tính đến sự thay đổi của bối cảnh xung quanh. Bây giờ chính là lúc chúng ta sắp xếp lại. Cơ quan quản lý nhà nước, địa phương, các thành phần kinh tế phải phối hợp với nhau. Tất cả phải điều chỉnh lại, trên tinh thần lấy thị trường làm gốc, lấy nhu cầu của thị trường làm gốc. Và muốn như thế, Việt Nam phải xem lại, rà soát lại toàn bộ, cái gì là rủi ro, vướng mắc trong chuỗi của chúng ta vừa rồi, cái gì là thay đổi thị hiếu của thị trường, cái gì là thay đổi kết cấu của chuỗi giá trị, cái gì là công nghệ mới xuất hiện trong bối cảnh 4.0,…
Toàn bộ những vấn đề này, nhận diện ra và quay trở lại bố trí lại sản xuất, bố trí lại kinh doanh một cách hợp lý, hiệu quả. Muốn vậy, đã đến lúc cần hình thành các tổ chức nghiên cứu tham mưu, tư vấn chuyên nghiệp, ở trình độ quốc tế, bắt kịp thế giới. Cần tổ chức và cơ chế chọn lọc, giữ lấy chất xám, nuôi dưỡng những con người có động lực, nhiệt tình và năng lực làm việc.
Xin trân trọng cảm ơn ông!