Trao đổi tại buổi tọa đàm “Kinh doanh trách nghiệm – Tiêu dùng bền vững trong thời kì mới”, đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD) cho biết, theo số liệu của Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc, nhu cầu của con người đang vượt quá khả năng tái sản xuất của tự nhiên. Cụ thể, trong vòng 9 tháng, thế giới tiêu thụ nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên hơn trái đất có thể sản xuất trong 1 năm, và tỷ lệ này sẽ còn tăng trong tương lai.
Có thể thấy, nhân loại đang phải đối mặt với nhu cầu tiêu dùng càng tăng trong khi các nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt. Điều này kéo theo rất nhiều vấn đề bất ổn như khoảng cách giàu – nghèo; ô nhiễm môi trường; biến đổi khí hậu,… Trong bối cảnh đó, phương án tối ưu nhất để giải quyết những bất ổn này là thực hành sản xuất, tiêu dùng bền vững.
Theo dự báo của Website AQI, trong tuần này, chất lượng không khí nhiều nơi của Hà Nội sẽ ở mức Có hại cho sức khỏe, đặc biệt, ngày hôm nay, 15/12 là ở mức Rất có hại cho sức khỏe. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí được coi là kẻ giết người thầm lặng.
Tại châu Á, trong đó có TP.HCM của Việt Nam, các chuyên gia đã đưa ra cảnh báo về việc nhiều khu vực sẽ bị ngập sâu vĩnh viễn do tình trạng nước biển dâng vì nhiệt độ trái đất tăng.
Các vấn đề đe dọa nghiêm trọng trên đều liên quan chặt chẽ và trực tiếp tới hành vi sản xuất, tiêu dùng và diễn ra đồng thời trên phạm vi toàn thế giới. Vì vậy, sản xuất, tiêu dùng bền vững là yêu cầu cấp bách, là vấn đề mang tính toàn cầu và có tính sống còn đối với nhân loại.
Theo đại diện Cục CT&BVNTD, phát triển bền vững là phát triển đáp ứng được nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng các nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường. Phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý hài hòa giữa ba mặt: kinh tế, xã hội và môi trường. Trong đó, phát triển bền vững về môi trường: là việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, duy trì một nền tảng nguồn lực ổn định, tránh khai thác quá mức các hệ thống nguồn lực tái sinh.
Phát triển bền vững về môi trường cần duy trì sự đa dạng sinh học, sự ổn định khí quyển và các hoạt động sinh thái khác, cần hạn chế vấn đề nhiễm môi trường bao gồm cả ô nhiễm đô thị và khu công nghiệp, cần phải quản lý và xử lý tốt chất thải rắn, chất thải nguy hại, có khả năng ngăn ngừa và giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai.
Ngoài ra, phát triển bền vững về môi trường cần phải hướng được các doanh nghiệp từng bước thay đổi mô hình sản xuất, hướng doanh nghiệp đến các công nghệ sản xuất sạch hơn, thân thiện với môi trường hơn. Phát triển bền vững về môi trường phải đảm bảo không làm phương hại đến kinh tế và xã hội.
Trong 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) được Liên hợp quốc thông qua, mục tiêu thứ 12 là sản xuất và tiêu dùng. Về quan hệ, mục tiêu sản xuất, tiêu dùng bền vững có ảnh hưởng quan trọng, hỗ trợ thúc đẩy các mục tiêu khác như: xóa đói, giảm nghèo; tăng trưởng kinh tế; hành động về khí hậu; tài nguyên môi trường; năng lượng, nước sạch.
Bà Phạm Quế Anh, Chuyên gia Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức chia sẻ, đối với cả sản xuất và tiêu dùng bền vững, chính sách chung của Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới là "khuyến khích, thúc đẩy thông qua các chính sách ưu đãi, giáo dục".
Trong lĩnh vực sản xuất, doanh nghiệp nào mà có hành vi phá hoại môi trường hoặc trong quá trình sản xuất, kinh doanh có gây hại cho môi trường mà không có biện pháp khắc phục kịp thời thì có thể bị xử lý, xử phạt vi phạm. Trong lĩnh vực tiêu dùng thì lại khác, chúng ta không thể xử phạt người tiêu dùng vì họ sử dụng nhiều túi nilon hơn mức cần thiết, hay phung phí điện, nước...
Đối với tiêu dùng bền vững, các cơ quan quản lý nhà nước chỉ có thể đẩy mạnh giáo dục tiêu dùng và tuyên truyền phổ biến thông tin; hoặc sử dụng các chương trình social marketing, tức là áp dụng các khái niệm và kỹ thuật marketing để đạt được những mục tiêu hướng về “lợi ích chung của xã hội” hay choice-editing, tức là "biên tập" các lựa chọn của người tiêu dùng bằng cách loại bỏ các sản phẩm "không bền vững" khỏi thị trường.
Ngoài ra, việc nâng cao tiêu chuẩn và quy định các yêu cầu về minh bạch thông tin sản phẩm cũng giúp tạo điều kiện cho người tiêu dùng có thể có lựa chọn đúng và trúng hơn, không bị mắc lừa bởi các thông tin, chỉ dẫn hoặc nhãn mác cố tình gây nhầm lẫn, đánh lừa người tiêu dùng về tính bền vững của sản phẩm.
"Chính phủ Việt Nam và các cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh hơn nữa các chương trình, hoạt động giáo dục, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng, hợp tác và tài trợ cho các tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ người tiêu để họ tiến hành các chương trình cộng đồng về thực hành tiêu dùng bền vững, trên cơ sở nghiên cứu và học tập kinh nghiệm quốc tế phù hợp", bà Nga cho biết.
Về quy định liên quan đến đảm bảo sản xuất và tiêu dùng bền vững được quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại diện Cục CT&BVNTD cho biết, hiện mới chỉ có một số nội dung như xác định chính sách của Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, phát triển công nghệ tiên tiến để sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ an toàn, bảo đảm chất lượng; quy định nghĩa vụ của người tiêu dùng về việc lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không làm tổn hại đến môi trường, trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của mình và của người khác.
Các quy định trên đây mới chỉ đề cập một phần nhỏ nội dung trong khái niệm sản xuất, tiêu dùng bền vững. Thực tế, trong quá trình thực thi vừa qua, các quy định này, đặc biệt là việc tuân thủ nghĩa vụ lựa chọn hàng hóa của người tiêu dùng còn gặp nhiều khó khăn dẫn đến kết quả không cao. Có nhiều nguyên nhân của kết quả này, nhưng nổi bật là việc người tiêu dùng chưa có nhiều thông tin và chưa có đủ điều kiện về kinh tế để lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ bền vững.
Mới đây, Quốc hội đã đồng ý cho phép sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lời Người tiêu dùng. Bộ Công Thương, với vai trò là cơ quan được giao chủ trì xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi đã có những nghiên cứu và dự thảo một số quy định nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất, tiêu dùng bền vững. Tuy nhiên, có thể thấy đây là vấn đề rất rộng, liên quan đến trách nhiệm và sự tham gia của nhiều chủ thể, cơ quan nhà nước, tổ chức, cộng động doanh nghiệp và người tiêu dùng. Vì vậy, trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Luật sắp tới, Bộ Công Thương sẽ chủ động đưa vấn đề sản xuất, tiêu dùng bền vững để xin ý kiến đóng góp rộng rãi của các cơ quan, tổ chức.
Trong bối cảnh tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, trách nhiệm kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng càng được nhấn mạnh hơn.
Đại diện doanh nghiệp cho biết, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp luôn đảm bảo các nguyên tắc, quy trình chọn lọc hàng hóa, đảm bảo hàng hóa đến tay người tiêu dùng chất lượng nhất. Ngoài ra, luôn tìm kiếm và lựa chọn đối tác kinh doanh đảm bảo nguồn cung và chất lượng, đảm bảo các tiêu chí lựa chọn của SGC; lựa chọn sản phẩm kinh doanh và dịch vụ thân thiện với môi trường.
"Là đơn vị bán lẻ có uy tín trên thị trường, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM – Saigon Co.op và hệ thống Co.opmart, luôn ý thức rõ trách nhiệm của mình trong việc cung ứng hàng hóa đến tay người tiêu dùng, cũng như luôn đấu tranh chống lại nạn sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xuất xứ không rõ ràng, kém chất lượng để thiết thực bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng", đại diện Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM khẳng định.
Cũng theo đại diện doanh nghiệp này, thời gian qua, hệ thống Saigon Co.op đã xây dựng chính sách, chiến lược trong việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ từ nhà nước trong công tác tuyên truyền sản xuất – tiêu thụ sản phẩm cũng là yếu tố quan trọng góp phần duy trì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
[Quảng cáo]