Bộ Công Thương triển khai Chương trình Doanh nghiệp vì người tiêu dùng

Các hoạt động cụ thể trong Chương trình sẽ được chính thức công bố đến cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng toàn quốc trong dịp Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2020, dự kiến tổ chức vào 15/3 sắp tới.

Vai trò của doanh nghiệp

Trong bối cảnh tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng đang ngày càng diễn ra với phạm vi rộng và hình thức đa dạng, tinh vi hơn, vấn đề bảo vệ người tiêu dùng hơn bao giờ hết đang cần sự tham gia tích cực, chủ động của toàn xã hội, trong đó có vai trò, trách nhiệm quan trọng của chính cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay vẫn chưa có một Đề án, chương trình tổng thể nào định hướng, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc xây dựng, thực hiện các chính sách, chiến lược sản xuất, kinh doanh luôn vì người tiêu dùng.

Cũng chưa có sự đánh giá, ghi nhận các doanh nghiệp thực hiện tốt bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách, từ đó khuyến khích, động viên các doanh nghiệp trên thị trường luôn cải tiến, hoàn thiện hoạt động kinh doanh của mình, cũng như giúp người tiêu dùng có cơ sở để tìm kiếm, xác thực các doanh nghiệp, sản phẩm tốt, tin cậy, uy tín.

Tại Việt Nam hiện nay chưa có đề án, Chương trình toàn diện nào định hướng cho doanh nghiệp hướng hoạt động sản xuất, kinh doanh đến quyền lợi của người tiêu dùng
Tại Việt Nam hiện nay chưa có đề án, Chương trình toàn diện nào định hướng cho doanh nghiệp hướng hoạt động sản xuất, kinh doanh đến quyền lợi của người tiêu dùng

Do đó, thực hiện Quyết định số 1997 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2016-2020, Bộ Công Thương đã xây dựng và triển khai Chương trình Doanh nghiệp vì người tiêu dùng nhằm tạo điều kiện và khuyến khích doanh nghiệp tham gia hiệu quả vào công tác bảo vệ người tiêu dùng.

Kinh doanh lành mạnh

Theo Bộ Công Thương, Chương trình đặt mục tiêu giúp doanh nghiệp thực thi đúng quy định của pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, kiểm soát tốt quá trình sản xuất, kinh doanh hướng đến người tiêu dùng.

Từ đó nâng cao sức cạnh tranh, vị thế của doanh nghiệp trên thị trường, giảm thiểu các khiếu nại, các vi phạm về quyền lợi người tiêu dùng.

Thông qua các hoạt động đó, Chương trình sẽ tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm của mình đối với người tiêu dùng, góp phần xây dựng niềm tin, sự hài lòng của người tiêu dùng đối với doanh nghiệp.

Qua đó, đẩy mạnh thương mại trong nước giúp doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững hơn. Chương trình còn thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh vì người tiêu dùng của doanh nghiệp, tinh thần tự tuân thủ pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và góp phần xây dựng môi trường tiêu dùng, kinh doanh lành mạnh, bền vững.

Không chỉ giúp doanh nghiệp, Chương trình Doanh nghiệp vì người tiêu dùng còn tạo cơ sở để người tiêu dùng lựa chọn được doanh nghiệp, sản phẩm uy tín, chất lượng
Không chỉ giúp doanh nghiệp, Chương trình Doanh nghiệp vì người tiêu dùng còn tạo cơ sở để người tiêu dùng lựa chọn được doanh nghiệp, sản phẩm uy tín, chất lượng

Mục tiêu của Chương trình

Bộ Công Thương đặt mục tiêu đến năm 2020, có khoảng 150 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng được tư vấn và đăng ký tham gia Chương trình Doanh nghiệp vì người tiêu dùng. Mỗi năm có khoảng 25% - 30% doanh nghiệp đã đăng ký tham gia Chương trình được cấp chứng nhận “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng”.

Đặc biệt, thông qua Chương trình xây dựng và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu, trang thông tin điện tử hoặc ứng dụng trên di động để người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân có liên quan có thể truy cập tìm kiếm và xác minh, xác thực các doanh nghiệp được cấp chứng nhận.

Cũng như xây dựng và phát hành các ấn phẩm tuyền truyền, quảng bá về doanh nghiệp vì người tiêu dùng, là kênh thông tin để người tiêu dùng cân nhắc, lựa chọn doanh nghiệp, sản phẩm có uy tín, vì quyền lợi của người tiêu dùng.

Nhằm đạt được các mục tiêu này, Chương trình Doanh nghiệp vì người tiêu dùng tập trung vào 3 hoạt động cụ thể, bao gồm:

a). Ban hành các tiêu chí để doanh nghiệp tự đánh giá, rà soát mức độ sẵn sàng tuân thủ các quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

b). Xây dựng và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin để người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân có thể dễ dàng truy cập, tiếp nhận, xác minh và đóng góp ý kiến đối với các hoạt động của doanh nghiệp tham gia Chương trình.

c). Vinh danh các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện các tiêu chí của Chương trình.

Dự kiến, các hoạt động chính thức của Chương trình sẽ được Bộ Công Thương công bố tại dịp Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2020.

Trên thế giới có nhiều nước đang thực hiện chương trình tương tự như Chương trình Doanh nghiệp vì người tiêu dùng, thúc đẩy doanh nghiệp tích cực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững và hạn chế các chi phí, nguồn lực phát sinh để giải quyết khiếu nại người tiêu dùng.

Chẳng hạn tại Hàn Quốc, đến nay đã có gần 200 doanh nghiệp được cấp chứng nhận Doanh nghiệp lấy người tiêu dùng làm trung tâm (Consumer Centered Management Certification – CCM). 

Các doanh nghiệp này thường có doanh thu tăng so với thời gian trước, lãnh đạo công ty có nhận thức tốt hơn về người tiêu dùng, liên tục cải thiện sản phẩm theo quan điểm của người tiêu dùng, tăng thêm sức cạnh tranh trên thị trường.

Về phía người tiêu dùng, hệ thống CCM giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng lựa chọn sản phẩm của những doanh nghiệp hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng.

Thy Thảo