Các cam kết của Việt Nam về cạnh tranh trong Hiệp định RCEP

Nhằm tận dụng hiệu quả các cơ hội cũng như phòng tránh các rủi ro pháp lý có thể gặp phải khi tham gia thị trường của Hiệp định RCEP, doanh nghiệp Việt Nam cần nắm vững các quy định, cam kết của Việt Nam trong hiệp định này, bao gồm các cam kết về cạnh tranh.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là hiệp định thương mại tự do được 10 nước thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 05 nước đối tác của ASEAN là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia, và New Zealand ký kết vào ngày 15/11/2020. Hiệp định này chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022.

Hiệp định RCEP được coi là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng lợi ích cho các thành viên tham gia. Khối các nước RCEP sẽ tạo nên một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm 30% dân số thế giới với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) xấp xỉ 26,2 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới.

Với RCEP, việc tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp Việt Nam mang tính chất bền vững hơn, không có sự cạnh tranh mang tính chất bất bình thường. Việc mở của thị trường mang tính sâu hơn, rộng hơn, đảm bảo cho các doanh nghiệp Việt Nam được quyền tham gia vào thị trường các quốc gia trong khu vực kể cả dưới góc độ thương mại cũng như đầu tư. Do đó, sẽ làm tăng khả năng tiếp cận thị trường xuất khẩu và nhập khẩu đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Ngành thuỷ sản Việt Nam
Việt Nam được nhận định là một trong những quốc gia nhận nhiều lợi ích từ Hiệp định RCEP khi có các mặt hàng thế mạnh như nông, thuỷ sản đáp ứng nhu cầu hầu hết thành viên.

RCEP còn tạo nên một khuôn khổ ràng buộc pháp lý trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, giải quyết tranh chấp... góp phần xây dựng môi trường thương mại công bằng trong khu vực.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cũng đối mặt với các thách thức khi các bên tham gia thị trường phải cạnh tranh với những đối tác có cơ cấu sản phẩm tương tự và mức độ cạnh tranh mạnh khốc liệt hơn. Để tận dụng hiệu quả các cơ hội cũng như hạn chế những rủi ro khi tham gia các thị trường thuộc RCEP, các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm vững các quy định về mặt pháp lý, đặc biệt là các quy định về cạnh tranh.

Để đảm bảo thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế và phúc lợi của người tiêu dùng trong khu vực, Hiệp định RCEP đã có những quy định, nghĩa vụ riêng về cạnh tranh tại Chương 13 - Cạnh tranh.

Mục tiêu của Chương Cạnh tranh là nhằm thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế và phúc lợi của người tiêu dùng. Chương này bao gồm nghĩa vụ: thông qua hoặc duy trì các luật và quy định nhằm ngăn cấm các hoạt động chống cạnh tranh và thiết lập hoặc duy trì các cơ quan có thẩm quyền để thực thi luật cạnh tranh của mình; công nhận quyền chủ quyền của nhau trong việc xây dựng và thực thi luật cạnh tranh và chính sách của mình. áp dụng hoặc duy trì luật và quy định trong nước để ngăn chặn các hành vi gian lận, gây hiểu lầm, các diễn tả sai trong thương mại; nâng cao nhận thức và khả năng tiếp cận các cơ chế giải quyết vấn đề của người tiêu dùng; hợp tác trong bảo vệ người tiêu dùng. Cơ chế giải quyết tranh chấp của Hiệp định RCEP sẽ không áp dụng đối với Chương này. Ngoài ra, Chương Cạnh tranh không đề cập đến vấn đề doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước.

Chi tiết Chương 13 - Cạnh tranh của hiệp định RCEP như sau:

Điều 13.1 Mục tiêu

Mục tiêu của Chương này là thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế và phúc lợi của người tiêu dùng thông qua áp dụng, duy trì các luật và quy định để ngăn chặn các hoạt động phản cạnh tranh; cũng như hợp tác khu vực về xây dựng và thực hiện các luật và quy định về cạnh tranh giữa các Bên. Việc đề ra những mục tiêu này nhằm đảm bảo lợi ích của các bên tham gia Hiệp định, bao gồm tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư giữa các Bên.

Điều 13.2: Nguyên tắc Cơ bản

  1. Mỗi Bên phải thực thi nội dung Chương này nhất quán với các mục tiêu của Chương.
  2. Thừa nhận quyền và nghĩa vụ của mỗi Bên trong Chương này, các Bên công nhận:
  3. Quyền chủ quyền của mỗi Bên trong việc phát triển, thiết lập, quản lý và thực thi luật, quy định và chính sách cạnh tranh; và
  4. Sự khác biệt đáng kể giữa các Bên về năng lực và trình độ phát triển trong lĩnh vực luật và chính sách cạnh tranh.

Điều 13.3: Các Biện pháp Thích hợp Chống lại Hoạt động Phản cạnh tranh  

  1. Mỗi Bên phải thông qua hoặc duy trì các luật và quy định về cạnh tranh để ngăn chặn các hoạt động phản cạnh tranh2, và phải thực thi các luật và quy định đó một cách phù hợp.
  2. Mỗi Bên phải thiết lập hoặc duy trì một hoặc các cơ quan có thẩm quyền để thực hiện hiệu quả các luật và quy định về cạnh tranh.
  3. Mỗi Bên phải đảm bảo tính độc lập trong việc ra quyết định của một hoặc các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến việc thực thi luật và quy định cạnh tranh.
  4. Mỗi Bên phải áp dụng và thực thi các luật và quy định về cạnh tranh theo cách thức không phân biệt đối xử trên cơ sở quốc tịch.
  5. Mỗi Bên phải áp dụng luật và quy định cạnh tranh cho tất cả các chủ thể tham gia vào hoạt động thương mại không phụ thuộc quyền sở hữu của họ. Bất kỳ sự loại trừ hoặc miễn trừ nào đối với việc áp dụng luật và quy định cạnh tranh của mỗi Bên phải minh bạch và dựa trên cơ sở của chính sách công hoặc lợi ích công cộng.
  6. Mỗi Bên phải công bố rộng rãi các luật và quy định về cạnh tranh cũng như bất kỳ hướng dẫn nào được ban hành liên quan đến việc quản lý các luật và quy định đó, ngoại trừ các quy trình vận hành nội bộ.
  7. Mỗi Bên phải công bố công khai cơ sở cho bất kỳ quyết định hoặc lệnh cuối cùng nào để áp dụng hình phạt hoặc biện pháp khắc phục theo luật và quy định cạnh tranh; và bất kỳ kháng cáo nào sau đó tuân theo:
  8. (i) luật và quy định; (ii) nhu cầu bảo vệ thông tin mật; hoặc (iii) nhu cầu bảo vệ thông tin trên cơ sở chính sách công hoặc lợi ích công cộng; và
  9. Các văn bản đ biên tập từ quyết định hoặc lệnh cuối cùng dựa trên bất kỳ cơ sở nào được nêu trong các khoản từ (a) (i) đến (iii).
  10. Mỗi Bên đảm bảo trước khi áp đặt một lệnh trừng phạt hoặc biện pháp chống lại một cá nhân hoặc tổ chức vi phạm luật hoặc quy định cạnh tranh, Bên đó phải cung cấp cho người vi phạm lý do, phải b ng văn bản nếu có thể, cho các cáo buộc vi phạm luật hoặc quy định cạnh tranh của Bên đó, và cơ hội hợp lý để được trình bày chứng cứ bảo vệ.
  11. Mỗi Bên phải tuân theo bất kỳ hành động cần thiết nào để bảo vệ thông tin mật, làm cơ sở cho bất kỳ quyết định hoặc lệnh cuối cùng nào để áp dụng lệnh trừng phạt phạt hoặc biện pháp tạm thời theo luật và quy định cạnh tranh, và mọi kháng cáo sau đó, dành cho cá nhân hoặc tổ chức bị áp đặt lệnh trừng phạt hoặc biện pháp tạm thời đó.
  12. Mỗi Bên phải đảm bảo rằng bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào bị áp đặt lệnh trừng phạt hoặc biện pháp tạm thời theo luật và quy định cạnh tranh đều có quyền tiếp cập việc xem xét độc lập hoặc khiếu nại đối với lệnh trừng phạt hoặc biện pháp đó.
  13. Mỗi Bên công nhận tầm quan trọng của tính kịp thời trong việc xử lý các vụ việc cạnh tranh.

Điều 13.4: Hợp tác

Các Bên thừa nhận tầm quan trọng của việc hợp tác giữa hoặc trong số các cơ quan quản lý cạnh tranh của mình để thúc đẩy việc thực thi pháp luật cạnh tranh hiệu quả. Để đạt được mục đích này, các Bên có thể hợp tác về các vấn đề liên quan đến việc thực thi pháp luật cạnh tranh, thông qua các cơ quan quản lý cạnh tranh tương ứng của họ, phù hợp với luật pháp quốc gia, quy định và lợi ích quan trọng và trong phạm vi các nguồn lực sẵn có của họ. Hình thức hợp tác có thể bao gồm:

  1. Thông báo của một Bên cho Bên còn lại về các hoạt động thực thi pháp luật cạnh tranh mà Bên đó cho rằng có thể ảnh hưởng đáng kể đến lợi ích quan trọng của Bên kia, càng nhanh càng tốt;
  2. Theo yêu cầu, thảo luận giữa hoặc trong số các Bên để giải quyết bất kỳ vấn đề nào liên quan đến việc thực thi pháp luật cạnh tranh ảnh hưởng đáng kể đến lợi ích quan trọng của Bên yêu cầu;
  3. Theo yêu cầu, trao đổi thông tin giữa hoặc trong số các Bên để nâng cao hiểu biết hoặc để tạo điều kiện thực thi pháp luật cạnh tranh hiệu quả; và
  4. Theo yêu cầu, phối hợp trong các hành động thực thi giữa hoặc trong số các Bên liên quan đến các hoạt động chống cạnh tranh tương tự hoặc liên quan.

Điều 13.5: Bảo mật Thông tin

  1. Chương này không yêu cầu một Bên chia sẻ thông tin trái với luật, quy định và lợi ích quan trọng của Bên đó.
  2. Khi một Bên yêu cầu thông tin mật theo Chương này, Bên yêu cầu phải thông báo cho Bên được yêu cầu về:
  3. Mục đích của yêu cầu;
  4. Dự tính sử dụng thông tin được yêu cầu; và
  5. Bất kỳ luật hoặc quy định nào của Bên yêu cầu có thể ảnh hưởng đến tính bảo mật của thông tin hoặc yêu cầu sử dụng thông tin cho các mục đích không được Bên được yêu cầu đồng ý.
  6. Việc chia sẻ thông tin mật giữa bất kỳ Bên nào và việc sử dụng thông tin đó sẽ dựa trên các điều khoản và điều kiện do các Bên liên quan đồng ý.
  7. Nếu thông tin được chia sẻ trong Chương này được chia sẻ trên cơ sở bảo mật, thì ngoại trừ việc tuân theo luật và quy định của mình, Bên nhận được thông tin phải:
  8. Duy trì tính bảo mật của thông tin nhận được;
  9. Chỉ sử dụng thông tin nhận được cho mục đích được tiết lộ tại thời điểm yêu cầu, trừ khi được Bên cung cấp thông tin cho phép;
  10. Không sử dụng thông tin nhận được làm bằng chứng trong tố tụng hình sự do tòa án hoặc thẩm phán tiến hành trừ khi, theo yêu cầu của Bên nhận thông tin, thông tin đó được cung cấp để sử dụng trong tố tụng hình sự thông qua các kênh ngoại giao hoặc các kênh khác được thiết lập phù hợp với luật pháp và quy định của các Bên liên quan;
  11. Không tiết lộ thông tin nhận được cho bất kỳ cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác không được Bên cung cấp thông tin ủy quyền; và
  12. Tuân thủ bất kỳ điều kiện nào khác do Bên cung cấp thông tin yêu cầu

Điều 13.6: Hợp tác kĩ thuật và Nâng cao năng lực

Các Bên đồng ý rằng thu được lợi ích chung từ việc hợp tác, đa phương hoặc song phương, về các hoạt động hợp tác kỹ thuật nhằm xây dựng năng lực cần thiết để tăng cường phát triển chính sách cạnh tranh và thực thi pháp luật cạnh tranh, dựa trên các nguồn lực sẵn có của các Bên. Các hoạt động hợp tác kỹ thuật có thể bao gồm:

  1. Chia sẻ kinh nghiệm liên quan và thông tin ngoài thông tin mật về xây dựng và thực hiện chính sách và luật cạnh tranh;
  2. Trao đổi về nhà tư vấn và chuyên gia về luật và chính sách cạnh tranh;
  3. Trao đổi về cán bộ các cơ quan quản lý cạnh tranh vì mục đích đào tạo;
  4. Sự tham gia của cán bộ các cơ quan quản lý trong chương trình vận động; và
  5. Các hoạt động khác theo thỏa thuận của các Bên.

Điều 13.7: Bảo vệ người tiêu dùng

  1. Các Bên công nhận tầm quan trọng của luật bảo vệ người tiêu dùng và việc thực thi luật đó cũng như sự hợp tác giữa các Bên về các vấn đề liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng nhằm đạt được các mục tiêu của Chương này.
  2. Mỗi Bên sẽ thông qua hoặc duy trì các luật hoặc quy định để cấm việc sử dụng trong thương mại các hành vi gây hiểu lầm, hoặc mô tả sai lệch hoặc gây hiểu lầm.
  3. Đồng thời, mỗi Bên công nhận tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức và khả năng tiếp cận các cơ chế khắc phục sự cố của người tiêu dùng.
  4. Các Bên có thể hợp tác về các vấn đề chung mối quan tâm liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng. Các hợp tác này được thực hiện phù hợp với luật pháp và quy định tương ứng của các Bên và trong phạm vi nguồn lực sẵn có của họ.

Điều 13.8: Tham vấn

Để tăng cường sự hiểu biết giữa các Bên hoặc để giải quyết các vấn đề cụ thể phát sinh theo Chương này, theo yêu cầu của một Bên, Bên được yêu cầu sẽ tiến hành tham vấn với Bên yêu cầu. Trong yêu cầu của mình, Bên yêu cầu phải chỉ rõ, nếu có liên quan, những ảnh hưởng của vấn đề tới lợi ích quan trọng của mình, bao gồm thương mại hoặc đầu tư giữa các Bên liên quan. Bên được yêu cầu sẽ xem xét đầy đủ và thể hiện sự thông cảm tới các lo ngại của Bên yêu cầu.

Điều 13.9: Không áp dụng giải quyết tranh chấp

Không Bên nào được yêu cầu giải quyết tranh chấp theo Chương 19 (Giải quyết Tranh chấp) cho bất kỳ vấn đề nào phát sinh theo Chương này.

Bên cạnh đó, Chương 13 - Cạnh tranh còn bao gồm 04 Phụ lục áp dụng các biện pháp hợp tác chống lại hoạt động phản cạnh tranh (Điều 13.3) và hợp tác (điều 13.4) đối với riêng Campuchia, Lào, Myanmar, và Brunei.

Tương tự các FTA thế hệ mới khác, Chương Cạnh tranh của Hiệp định RCEP được Việt Nam đàm phán trên cơ sở pháp luật cạnh tranh hiện hành và các pháp luật khác có liên quan. Do vậy, việc thực hiện các cam kết của Chương Cạnh tranh mang tính khả thi cao và cũng tạo điều kiện thuận lợi trong việc đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh tại thị trường Việt Nam nhằm thu hút đầu tư nước ngoài và trong nước cũng như khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thời điểm Hiệp định RCEP có hiệu lực đánh dấu thêm một mốc quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, toàn diện và chất lượng cao của Việt Nam. Các cam kết về nhiều lĩnh vực quan trọng trong Hiệp định chắc chắn sẽ thúc đẩy mạnh mẽ thương mại, đầu tư, kinh doanh giữa các quốc gia trong khu vực RCEP. Chính vì vậy, doanh nghiệp và cộng đồng cần phải chuẩn bị tâm thế, sẵn sàng trong môi trường cạnh tranh, chủ động nắm được các quy định và cam kết về cạnh tranh. Bên cạnh việc nâng cao tính chủ động từ phía doanh nghiệp, luôn có sự đồng hành của cơ quan quản lý Nhà nước để có thể khai thác triệt để hiệu quả những lợi thế mà Hiệp định RCEP mang lại.

Uyên Chi