Các yếu tố tác động đến di cư tại đồng bằng sông Cửu Long

LÊ CÔNG TÂM (Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Bài viết sử dụng phương pháp hồi quy Logit để ước tính xác suất di cư của người lao động thông qua việc sử dụng bộ dữ liệu Khảo sát mức sống dân cư Việt Nam (VHLSS). Mô hình nghiên cứu đề xuất với các biến thuộc về đặc trưng nhân khẩu của chủ hộ và đặc điểm của hộ cũng như tình trạng kinh tế của hộ. Kết quả cho thấy những yếu tố thuộc về đặc trưng nhân khẩu của chủ hộ, đặc trưng của bản thân người di cư và đặc trưng về kinh tế của người lao động có tác động mạnh mẽ tới xu hướng di cư của hộ.

Từ khóa: di cư, phát triển kinh tế, đồng bằng sông Cửu Long.

1. Đặt vấn đề

Di cư luôn đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế. Di cư là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần phân bố lại dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế lao động, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo. Di cư là một trong những nội dung trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Chính phủ.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện mạnh mẽ các mục tiêu nâng cao chất lượng dòng vốn FDI, các tỉnh, thành đã tập trung thực hiện hàng loạt các giải pháp hiệu quả, đặc biệt là các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2021, cả vùng ĐBSCL đã thu hút được 252 dự án FDI đầu tư mới, tăng vốn, góp vốn mua cổ phần với tổng vốn đăng ký hơn 5,642 tỷ USD. Điều này đã tạo ra một luồng di cư từ các địa phương khác tới các tỉnh ĐBSCL và di cư giữa các tỉnh trong khu vực này.

Luồng di cư này đã góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội thông qua quá trình dịch chuyển lao động nhằm đáp ứng nhu cầu lao động trong các khu công nghiệp và trong các khu vực có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Nó không chỉ góp phần tăng phúc lợi và an sinh cho người di cư thông qua việc tạo thu nhập cao và đa dạng hóa các nguồn thu nhập, mà còn mang lại lợi ích cho các hộ gia đình và cộng đồng có người di cư từ việc nhận được các khoản tiền gửi về quê hương của người di cư.

Vì vậy, trong nghiên cứu này, tác giả muốn phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến quá trình di cư lao động ở ĐBSCL.

2. Tổng quan nghiên cứu

2.1. Khái niệm về người di cư (di cư lao động)

Trong các nghiên cứu khoa học, xác định khái niệm người di cư rất khác nhau. Nguyên nhân được đưa ra là do sự khác nhau về thời gian cũng như không gian hay cách xác định di cư (Phuong,NT và các đồng nghiệp, 2008). Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam thì “người di cư được xác định là những người có nơi cư trú 5 năm trước thời điểm điều tra dân số khác với nơi ở hiện tại của họ Theo Bilsborrow (1996), di cư liên quan đến 2 vấn đề: (1) không gian di cư: người tham gia di cư phải vượt qua một ranh giới địa lý hành chính, chính trị nào đó; (2) thời gian di cư: người di cư phải tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định. Không phải mọi cuộc di chuyển nào cũng xem xét là di cư.

Như vậy, di cư được xác định khi các tổ chức cá nhân di chuyển đến một nơi khác để sinh sống cách xa nơi họ thường cư trú vì các mục đích khác nhau trong một khoảng thời gian nhất định. Vì vậy, di cư thường được xem xét 2 khía cạnh, đó là không gian và thời gian.

2.2. Các nghiên cứu trước đây

2.2.1. Di cư trong nước thách thức và cơ hội cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội (United nation, 2010)

Trong nghiên cứu này, các tác giả sử dụng dữ liệu điều tra mức sống của hộ gia đình ở Việt Nam (VHLSS, 2004, 2002, 1998) để phân tích các nhóm người di cư vì mục đích kinh tế chiếm đến 70%, phần còn lại người di cư vì nhiều mục đích khác. Qua kết quả phân tích, tác giả thấy đây là nguồn lực quan trọng cho quá trình phát triển kinh tế. Trong đó những phụ nữ tuổi từ 15 - 29 ngày càng di cư lên thành phố nhiều, mà đây lại là độ tuổi chưa lập gia đình, là nguồn nhân lực cần cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh. Số lao động nữ làm trong các khu công nghiệp cũng ngày càng vượt xa nam giới. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tùy thuộc vào từng khu vực mà tỷ lệ di cư ròng cũng hoàn toàn khác nhau.

2.2.2. Di cư và đô thị hóa: Mô hình, xu hướng và sự khác biệt (GSO, 2009)

Tổng cục Thống kê đã phân tích cho thấy xu hướng di cư của người dân Việt Nam qua 2 thập kỷ, từ năm 1989 đến năm 2009.

Bảng 1. Xu hướng di cư của người dân Việt Nam qua 2 thập kỷ

ĐVT: %

di cư

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Trong giai đoạn này, tỷ lệ tăng dân số do di cư ngày càng cao. Ngoài ra, tỷ lệ phụ nữ di cư giữa các thành phố có xu hướng ngày càng giảm. Trong giai đoạn 1984 – 1989, tỷ lệ phụ nữ di cư là khoảng 50%, cho đến giai đoạn 1989 - 1999 tỷ lệ này chỉ còn dưới 50%. Trong giai đoạn 1999 - 2009, tỷ lệ phụ nữ di cư giữa các thành phố lại tăng hơn 50%, nguyên nhân được chỉ ra là do giai đoạn gần đây trong các hoạt động nông nghiệp được cơ giới hóa, nhu cầu sử dụng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng giảm, lực lượng lao động dư thừa (đặc biệt là lao động nữ) (Dang 2003; Kabeer and Tran, 2006).

Bên cạnh đó, tỷ lệ di cư giữa khu vực thành thị và nông thôn ngày càng có xu hướng tăng nhanh (tăng 7,2%-8,9%) trong khi đó, di chuyển giữa 2 khu vực thành thị với nhau có xu hướng giảm (Dang et al. 2007; GSO & UNFPA 2006).

3. Phương pháp nghiên cứu

3.1. Lý thuyết về hành vi dự kiến (Khanh, NH, 2021)

Lý thuyết hành vi dự kiến (TPB - Theory of Planned Behavior) được Ajzen phát triển từ lý thuyết hành vi hợp lý của mình năm 1975. Lý thuyết TPB giúp chúng ta hiểu hành vi của con người thay đổi như thế nào. Sự thay đổi hành vi của con người hoàn toàn không là tự nguyện cũng như không hoàn toàn do điều khiển. Trong lý thuyết này đề cập đến 3 khía cạnh tham gia quyết định hành vi của con người bao gồm: hành vi thái độ (Behavioural Attitude - BA); chuẩn mực chủ quan (Subjective Norm - SN) và nhận thức kiểm soát hành vi (Perceived behavioural control - PBC) (ScienceDirect Freedom Collection, 2018).

Hành vi di cư của các cá nhân do 3 nhân tố này tham gia quyết định (Khanh, 2021). Theo TPB, quyết định di cư của con người được quyết định bởi nhiều nhân tố bao gồm các nhân tố về nhân khẩu học, các yếu tố về kinh tế, môi trường. Các nhân tố này có thể quy tụ thành 3 nhóm nhân tố chính trong lý thuyết TPB.

Nhân tố 1 (Hành vi thái độ (BA): Người di cư tin rằng họ sẽ đạt được những thành quả nhờ tham gia di cư. Đây là động cơ giúp họ đưa ra quyết định di cư của mình. Nhân tố này rất quan trọng vì nó giúp tạo lòng tin cho người di cư để đạt mục đích của họ.

Nhân tố 2: Chuẩn mực chủ quan (SN): đây là nhân tố giúp họ nhận thức các chuẩn mực hay áp lực xã hội mà họ gặp phải trong quá trình di cư. Các trợ giúp mà họ nhận được khi di cư và các chuẩn mực xã hội mà họ phải chấp nhận khi di cư.

Nhân tố 3: Nhận thức kiểm soát hành vi (PBC): đây là nhân tố cuối cùng trong quá trình dự đoán hành vi di cư. Đồng thời nó là nhận thức của mỗi người trong quá trình di cư và tận dụng hiệu quả các trợ giúp trong quá trình di cư của mọi người.

Trong nghiên cứu của Huy (2011), các nhân tố tác động đến di cư từ  nông thôn lên thành thị bao gồm nhân tố kéo (pull) và nhân tố đẩy “push”. Những người dân sống nông thôn bị các nhân tố như nghèo đói, tiền lương thấp, mật độ dân cư dày, các thảm họa môi trường như lũ lụt, bão,... thúc đẩy họ rời quê hương để tìm đến một nơi có điều kiện sống tốt hơn.

3.2. Mô hình lý thuyết

Trong mô hình này chúng ta quan tâm đến vấn đề liệu các cá nhân trong độ tuổi lao động có di cư không. Chính vì vậy, biến phụ thuộc Y là biến có giá trị nhị phân. Y nhận giá trị bằng 1 khi cá nhân đó di cư và nhận giá trị bằng 0 khi họ không di cư. Để dự đoán cá nhân này có di cư hay không chúng ta có thể sử dụng các mô hình sau: xác suất đường thẳng, logit và Probit.

Trong bài nghiên cứu này, tác giả chọn mô hình logic bởi vì độ chính xác trong tính toán cũng như đơn giản trong tính toán. Theo Gujarati (1988), mô hình Logit dựa trên xác suất tích lũy và có dạng sau:

Li = ln(O) = Zi = Zi = β1 + β1X1 + β2X2 + … + βkXk + uj

Trong đó: Zi là xác suất của việc di cư, bằng 1 nếu di cư và ngược lại bằng 0; Xk là biến đặc tính của hộ gia đình; uj là sai số ước lượng.

Khung phân tích

di cư

4. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

4.1. Thống kê mô tả

Dữ liệu được trích từ bộ dữ liệu VHLSS 2018 và tập trung vào khu vực ĐBSCL với số quan sát là 13.523. Sau khi lọc dữ liệu theo yêu cầu của bài nghiên cứu, dữ liệu còn lại là 2.929 quan sát. Sau khi trích lục cho các dữ liệu phù hợp như loại các biến outliers hay các biến không thu thập được của các hộ dân như thu nhập của người dân trong khu vực, trình độ học vấn thì kết quả còn lại là 1378 quan sát. Trong đó có 99 quan sát người di cư ở khu vực ĐBSCL, chiếm 7,2% và những người không di cư chiếm 92,7%.

Ngoài ra, có 642 quan sát là nữ giới chiếm 46,6% và nam giới 736 quan sát chiếm 53,4%. Về dân tộc, có 108 quan sát thuộc dân tộc khác chiếm 7,8% và 1270 quan sát là dân tộc Kinh chiếm 92,2%. Về vị trí địa lý, có 203 quan sát sống ở thành thị chiếm 14,7%, 1175 quan sát sống ở nông thôn chiếm 85,3%. Về trình độ học vấn, số quan sát thấp nhất có trình độ lớp 1 chiếm 1,4% với tổng số quan sát là 19 quan sát và số quan sát nhiều nhất có trình độ lớp 12 chiếm 18% với 248 quan sát. Thu nhập trung bình của các quan sát là 169.636 nghìn đồng/năm, với mức thu nhập cao nhất là 399.760 nghìn đồng/năm và thấp nhất là 15.000 nghìn đồng/năm.

4.2. Phân tích các yếu tố di cư tại ĐBSCL

Kết quả ước lượng bằng mô hình Logit, tác giả sử dụng 2 mô hình ước lượng: Mô hình 1. Tác giả ghi nhận tất cả các biến (bao gồm các biến có và không có ý nghĩa thống kê), Mô hình 2 tác giả chỉ ghi nhận trong mô hình các biến có ý nghĩa thống kê. Kết quả được trình bày ở Bảng 2.

Bảng 2. Kết quả ước lượng của 2 mô hình

di cư

(***, **, *: Có ý nghĩa thống kê tương ứng ở mức 1%, 5%, 10%)

Nguồn: Tính toán của tác giả từ bộ dữ liệu VHLSS 2018

Từ mô hình ước lượng cho thấy, một số đặc trưng của hộ ảnh hưởng đến khả năng di cư của các nông hộ như tình trạng hôn nhân của chủ hộ hay tuổi của chủ hộ. Ngoài ra, trong mô hình còn cho thấy những người di cư thường là nữ. Ngày nay, các công việc nặng nhọc đều được thay thế bằng máy móc từ việc đồng áng cho đến các nhà máy xí nghiệp. Vì vậy, các xí nghiệp thường có nhu cầu sử dụng lao động để thực hiện những công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận và chính xác. Các lao động nữ được tuyển dụng nhiều hơn tại các xí nghiệp làm cho có sự di chuyển lao động nữ trong khu vực ĐBSCL. Kết quả này cũng đồng nhất với kết quả nghiên cứu của Thảo và các đồng nghiệp (2020) khi nghiên cứu của mình về di cư nghề nghiệp tại Việt Nam. Ngoài ra, kết quả phân tích cũng cho thấy xu hướng di cư tại ĐBSCL chỉ xảy ra theo hướng những người có học vấn thấp di cư còn những người có học vấn càng cao càng ít di cư. Theo báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam, đầu tư nước ngoài tại ĐBSCL ngày càng nhiều, tính đến năm 2015, khu vực ĐBSCL thu hút được 985 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư là 12,2 tỷ USD trải đều cho 13 tỉnh. Vì vậy, những người có trình độ cao dễ dàng tìm được việc làm ngay trên quê hương của họ (MPI, 2015). Về dân tộc, người Kinh ở ĐBSCL có xu hướng di cư nhiều hơn các dân tộc khác, vì họ dễ dàng tìm được việc hơn các dân tộc khác do các phong tục tập quán của người Kinh (Khôi và đồng sự, 2011).

Bên cạnh các đặc trưng của gia đình, một đặc trưng khác cũng ảnh hưởng đến quá trình di cư của các cá nhân ở ĐBSCL đó là các đặc trưng về kinh tế. Trong mô hình cho thấy đó là các nhân tố rất quan trọng liên quan trực tiếp đến việc di cư. Các nhân tố đó bao gồm tổng thu nhập của cá nhân, diện tích đất sở hữu, loại hình doanh nghiệp đang làm. Trong nghiên cứu này cho thấy những nơi nào có thu nhập cao thì các lao động di cư về khu vực đó. Trong nghiên cứu của Huỳnh và các đồng sự (2011) về di cư lao động ở ĐBSCL và nghiên cứu của Thảo và các đồng sự (2020) cũng có cùng kết luận. Thêm vào đó, các người di cư có xu hướng đi đến và mua đất để lập nghiệp. Trong ước lượng này chỉ ra diện tích đất sở hữu càng lớn thì thúc đẩy di cư. Cuối cùng, loại hình doanh nghiệp cũng là một nhân tố ảnh hưởng đến di cư lao động. Các lao động tham gia vào các doanh nghiệp nhà nước ít có khả năng di cư.

5. Kết luận

Qua kết quả ước lượng trên, quyết định di cư không chỉ phụ thuộc vào các yếu tố đặc trưng của chủ hộ như tuổi, tình trạng hôn nhân của chủ hộ mà còn phụ thuộc vào đặc trưng của các cá nhân như độ tuổi, thu nhập cũng như trình độ. Bên cạnh đó, nó còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố kinh tế như tổng thu nhập, diện tích đất đai cũng như loại hình doanh nghiệp. Chính vì vậy, Chính phủ cũng như chính quyền địa phương cần có các chính sách phù hợp để có thể thu hút lao động di cư có trình độ cao vào địa phương mình nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của địa phương mình. Bên cạnh đó, lãnh đạo công ty, xí nghiệp cũng có những chính sách nhằm giữ chân các lao động đang làm việc trong công ty mình. Điều này giúp cho các công nhân an tâm làm việc, cống hiến vì sự phát triển của công ty nói riêng và địa phương nói chung.

Tuy nhiên, trong nghiên cứu này, do hạn chế về thời gian cũng như nguồn nhân lực, tác giả cũng chưa phân tích các yếu tố văn hóa, y tế giáo dục đến lao động di cư trong vùng ĐBSCL. Vì vậy, các nghiên cứu tiếp theo cần bổ sung các yếu tố này, nhằm giúp các nhà quản lý có cái nhìn sâu sắc hơn về lực lượng lao động di cư. Một lực lượng dễ tổn thương nhất nhưng đem lại hiệu quả phát triển kinh tế tốt nhất. từ đó, các nhà quản lý có các chính sách một cách hiệu quả phù hợp và thúc dẩy phát triển kinh tế tốt nhất.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. FDI của khu vực đồng bằng sông Cửu Long (2015). Truy cập tại https://fia.mpi.gov.vn/Detail/CatID/f3cb5873-74b1-4a47-a57c-a491e0be4051/NewsID/275ed197-2e53-40ab-941f-83283e1eb1ec
  2. Trần Ngọc (2021). Lao động di cư ảnh hưởng đến tái cơ cấu kinh tế Việt Nam. Truy cập tại https://vov.vn/kinh-te/lao-dong-di-cu-anh-huong-den-tai-co-cau-kinh-te-viet-nam-852421.vov
  3. Ngo Phuc Hanh, Dao Van Hung, Nguyen Thac Hoat, Dao Thi Thu Trang. (2017). Improving the quality of FDI attraction in Vietnam in the coming years - approaching from the institutional perspective GSO. International Journal of Quality Innovation, 3(1), 1-16.
  4. Đỗ Thị Thu (2021). Đầu tư trực tiếp nước ngoài và vấn đề phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Truy cập tại https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM205169
  5. Tổng cục Thống kê, (2009). Tổng điều tra Dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009: Di cư và đô thị hóa: Thực trạng, xu hướng và sự khác biệt. Hà Nội: NXB Thống kê.
  6. United Nations Viet Nam, (2010). Di cư trong nước cơ hội và thách thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Truy cập tại https://vietnam.unfpa.org/sites/default/files/pub-pdf/Migration%20Main%20Paper_VIE_ FINAL%20%282%29.pdf
  7. Phuong, Nguyen Hoan và John G. Mcpeak. (2010). Leaving or Staying: Inter-Provincial Migration in Vietnam. Asian and Pacific migration journal: APMJ, 19(4), 473-500.
  8. International Organization for Migration. (2018). World Migration report 2018. [Online] Available at https://www.iom.int/sites/g/files/tmzbdl486/files/country/docs/china/r5_world_migration_report_2018_en.pdf
  9. Huynh, Truong Huy and Khoi Le Nguyen Doan. (2011). Analysis of labour Maigration Flows in the Mekong Delta of Vietnam. In book: Environmental Change and Agricultural Sustainability in the Mekong Delta, Advances in Global Change Research (pp.115-140), Editors: M.A. Stewart and P.A. Coclanis. USA: Springer.
  10. Hung Khanh, Nguyen và các cộng sự. (2021). Understanding the dynamics of inter - provincial migration in the Mekong Delta, Vietnam: An agent - based modeling study. Transactions of The Society for Modeling and Simulation International, 97(4), 1019.
  11. Gujarati, D. (1988). Basic Econometrics, 2rd Edition. Singapore: MacGraw - Hill, Inc. Press.
  12. ScienceDirect Freedom Collection, (2018). [Online] Avalaible at elsevier.com/sciencedirect/books

FACTORS AFFECTING THE MIGRATION TREND

IN THE MEKONG DELTA

• LE CONG TAM

Ho Chi Minh City Open University

ABSTRACT:

This study uses the Logit regression method to estimate the migration probability of workers through the use of the Living Standards Survey’s dataset. The study’s proposed research model consists of variables which describe demographic characteristics of the household head, the characteristics of the household, and the economic situation of the household. The study finds out that factors relating to the demographic characteristics of the household head, the characteristics of the migrants, and economic situation of the workers strongly impact the migration trend of surveyed households.

Keywords: migration, economic development, the Mekong Delta.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 9, tháng 5 năm 2022]