TÓM TẮT:
Nghiên cứu nhằm giải quyết các mục tiêu: (1) Mức độ ảnh hưởng của các nhân tố lao động di cư đến tỉnh Trà Vinh; (2) Những khó khăn của người lao động di cư đến và khuyến nghị nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người di cư đến trên địa bàn tỉnh.
Nguồn số liệu được sử dụng trong nghiên cứu bao gồm 300 mẫu số liệu sơ cấp được thu thập bằng phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên thuận tiện kết hợp với chọn mẫu tỷ lệ và số liệu thứ cấp được thu thập từ các Sở, ban ngành của tỉnh Trà Vinh. Kết quả cho thấy, bên cạnh những khó khăn của vấn đề di cư đến tỉnh, còn có nhiều mặt tích cực rất cần được phát huy. Nếu có những chủ trương, chính sách hợp lý sẽ làm giảm sự di cư đến tự phát và phát huy tính hiệu quả của vấn đề di cư đến.
Từ khóa: di cư tại tỉnh Trà Vinh, yếu tố ảnh hưởng đến di cư.
1. Đặt vấn đề
Sự phát triển nhanh chóng của các khu công nghiệp, khu chế xuất, một mặt giảm bớt đáng kể diện tích đất đai sản xuất, mặt khác tạo ra một lượng lớn việc làm phi nông nghiệp, thúc đẩy quá trình chuyển dịch lao động ngày càng tăng và có tính rộng khắp trên các vùng, địa phương. Điều này đã tạo ra xu hướng người lao động di cư tìm kiếm việc làm, từ nông thôn ra thành thị và các khu công nghiệp. Theo số liệu của Bộ Xây dựng, diện tích đô thị ở Việt Nam đã tăng từ 630 km2 năm 1995 lên 1.380 km2 vào năm 2000 (tăng 2,2 lần trong 5 năm), dự kiến tăng lên tới 2.430 km2 vào năm 2010 (tăng 3,9 lần trong 15 năm) và tăng lên tới 4.600 km2 vào năm 2020.
Di cư là nhân tố chủ yếu giúp cung cấp nhân lực cho các khu vực cần lao động, đồng thời đóng góp nhiều lợi tức cho quê hương nơi có người di cư. Tuy nhiên, di cư cũng kéo theo không ít những vấn đề khó khăn cho đến nay vẫn còn là bài toán khó đòi hỏi các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương cần quan tâm giải quyết: Trật tự an ninh xã hội, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, thất nghiệp, hộ khẩu,… Vì vậy, cần phải cải thiện sự hiểu biết của chúng ta về di cư là cần thiết và cấp bách (Lê Văn Sơn, 2014).
Di cư để nhằm mục đích chính tìm kiếm việc làm, lao động kiếm sống, tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống. Bởi ở khu vực nông thôn đang rất thiếu việc làm, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp thấp, tỷ lệ nghèo đói cao; trong khi ở khu vực đô thị có nhiều cơ hội tìm được việc làm hơn, họ có thể cải thiện tình trạng nghèo khổ, mặc dù mức thu nhập của họ có thể thấp hơn so với người dân thành phố, nhưng lại cao hơn thu nhập mà họ có thể thu được từ sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, ở Thành phố Hồ Chí Minh, các nguyên nhân di cư đó là: Lý do kinh tế chiếm đến 79,7%; Lý do hợp lý hóa/ xây dựng gia đình chỉ chiếm 10%; Lý do học tập chỉ chiếm 5,1%.
2. Nhân tố ảnh hưởng đến di cư đến lao động trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
Số lượng phiếu khảo sát trên địa bàn tỉnh Trà Vinh được thể hiện như ở Bảng 1.
Bảng 1. Số lượng phiếu khảo sát trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
Nguồn: Số liệu khảo sát, 2020
Theo đó, lao động di cư 100 phiếu, gồm 50 phiếu lao động là công nhân - chiếm tỷ lệ 16.7%; và 50 phiếu là lao động tự do di cư - chiếm tỷ lệ 16.7%. Hầu hết 2 đối tượng di cư này đều chọn những công việc không đòi hỏi cao về trình độ và sự đầu tư lớn về vốn.
Trong số lao động trên thì mức độ tác động của các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định di cư đến của lao động được thể hiện ở Bảng 2.
Bảng 2. Mức độ tác động của các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định di cư
Nguồn: Kết quả khảo sát, 2020
Bảng 2 cho thấy, kết quả mức độ tác động của các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định di cư, đáp viên đánh giá các nhân tố từ thấp đến rất cao. Với cùng một quan điểm, có người đồng ý, có người rất không đồng ý. Kết quả này có được do mẫu được lấy từ nhiều lao động trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Mỗi lao động sẽ có cách nhìn khác nhau về cùng một quan điểm.
Giá trị trung bình của các biến khá cao và được xếp vào mức độ quan trọng, trong đó biến được đánh giá thang điểm cao nhất - với giá trị trung bình là 3,92, chính là biến “Số người trong gia đình đông, chi tiêu cao nên khả năng di cư cao”. Biến này trong nhóm nhân tố ảnh hưởng đến quyết định di cư được đánh giá là có mức độ quan trọng nhất. Trong khi đó, biến có điểm thấp nhất là 3,41, chính là biến “Quyền càng nhiều thu hút nhiều lao động”. Lao động di cư đến không đánh giá mức quan trọng của việc có được nhiều quyền trong cuộc sống.
3. Những khó khăn của lao động di cư đến trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
Những khó khăn của lao động di cư đến trên địa bàn tỉnh Trà Vinh gồm 100 quan sát được thể hiện rõ ở Bảng 3.
Bảng 3. Những khó khăn của lao động di cư đến trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
Nguồn: Kết quả khảo sát, 2020
Đối với người di dân để tìm kiếm việc làm, vấn đề nhà ở càng khó khăn hơn. 71/100 lao động trả lời gặp khó khăn về nhu cầu chỗ ở. Hiện, chưa có những chính sách giải quyết nhà ở cho đối tượng này, họ đang phải thuê nhà ở trọ, tạm bợ với giá cao hơn nhiều so với mức thu nhập của mình. Do việc làm và mức thu nhập bấp bênh, không ổn định nên người di cư đến phải thuê và tập trung nhiều người ở trong một không gian chật hẹp, vừa ăn, ở, sinh hoạt trong cùng một không gian.
Nguồn tiền tiết kiệm của lao động di cư hầu hết là từ lương và tiền công lao động mỗi tháng trừ đi chi phí. Do giá cả đắt đỏ, nhu cầu tiêu dùng nhiều nên chi phí cho những sinh hoạt thông thường tại thành phố cũng rất tốn kém. Chi tiêu 1 triệu đồng/người/tháng ở thành phố, nếu so với thu nhập trung bình khoảng 2,3 triệu đồng mỗi tháng thì người lao động một tháng sẽ tiết kiệm được ít nhất 1 triệu đồng. Phụ nữ thường rất dè sẻn và ít chi phát sinh cho bản thân.
Khó khăn được lao động đánh giá thấp nhất chính là khó khăn về trường học/sở y tế. Từ đó cho thấy được sự khả quan về tham gia hòa nhập cộng đồng đến trường của trẻ em cũng như cơ sở khám chữa bệnh tương đối đảm bảo. Lao động có cơ hội thụ hưởng những chính sách an sinh xã hội của Nhà nước, nhất là khi hết độ tuổi lao động.
4. Khuyến nghị cho vấn đề di cư đến tại Trà Vinh
Việc người lao động di cư trong bối cảnh hiện nay là xu hướng tất yếu, có vai trò to lớn đối với nơi xuất cư cũng như nhập cư lao động. Tuy nhiên, nhiều người vẫn quan niệm chưa đúng về vai trò của người lao động di cư; chính sách xã hội đối với lao động di cư cũng còn những bất cập, chưa đáp ứng thực tiễn xã hội. Để nhận thức đúng về vai trò của người lao động di cư và để có chính sách phù hợp cho đối tượng này, tác giả xin có một số khuyến nghị sau:
4.1. Trách nhiệm bốn bên
Với bốn bên: Chính phủ, xã hội, doanh nghiệp và chính người lao động sẽ tạo điều kiện giúp lao động di cư đến có được việc làm ổn định.
Chính phủ thông qua các tổ chức, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội của mình phải cung cấp, hỗ trợ miễn phí các thông tin, đặc biệt là thông tin về việc làm và thị trường lao động. Phổ biến các thông tin về pháp luật và trợ giúp các dịch vụ pháp lý cho người lao động. Tổ chức và tăng cường đào tạo, tái đào tạo, nâng cao trình độ cho người lao động, đặc biệt là lao động di cư đến, trong đó có ưu tiên cho lao động là nữ.
4.2. Tạo nhiều cơ hội việc làm tại địa phương
Tăng cường tạo việc làm cho khu vực nông thôn sẽ làm giảm dòng người lao động di cư. Do đích đến của họ chủ yếu là các khu công nghiệp, khu chế xuất nên thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp phân tán về khu vực nông thôn và các đô thị nhỏ sẽ làm giảm dòng di cư lao động này. Và đương nhiên, khi xây dựng các khu công nghiệp cần chú ý quỹ đất làm nhà ở cho công nhân, vì đây là khó khăn hàng đầu chính sách phát triển các khu công nghiệp đồng đều ở các vùng sẽ phân tán lao động dư thừa từ nông thôn, giúp họ có việc làm ngay trên quê hương.
4.3. Thực hiện chương trình, dự án hỗ trợ người lao động di cư
Cho lao động di cư đến vay vốn ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm. Mục 1, Chương II Luật Việc làm, Nghị định số 61/2015/NĐ-CP, Thông tư số 45/2015/TT-BLĐTBXH, Thông tư số 24/2017/TT-BLĐTBXH: Người lao động có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, cư trú hợp pháp tại địa phương có nhu cầu vay vốn để tự tạo việc làm hoặc thu hút thêm lao động thì được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm. Mức vay tối đa 50 triệu đồng/người lao động.
Khuyến khích và hỗ trợ người sử dụng lao động sử dụng đầu tư xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo, cơ sở y tế, công trình văn hóa và các công trình phúc lợi; nhà ở cho công nhân... (Nghị định số 85/2015/NĐ-CP ngày 01/10/2015 quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ).
4.4. Tích cực bảo đảm việc thực hiện an sinh xã hội đối với lao động di cư
Đảm bảo an sinh xã hội là khâu then chốt đối với người lao động di cư và thực sự hữu ích cho người nghèo và các nhóm yếu thế khác, không phân biệt vị thế cư trú.
Cần hướng tới việc bảo vệ quyền của người di cư lao động ở nơi đến và bảo đảm cho họ được tiếp cận các dịch vụ xã hội, y tế, nhà ở mà không nhất thiết phải có hộ khẩu. Chính quyền các cấp cần quán triệt quan điểm coi người lao động di cư là một nguồn lao động bổ sung cho địa phương; coi vấn đề người lao động di cư là một vấn đề phát triển chứ không phải là một “vấn đề xã hội”. Sự tồn tại của hạn chế do quy định về hộ khẩu gây ra cho người lao động di cư là kết quả của cách thức quản lý hành chính với một hiện tượng kinh tế. Việc hạn chế người lao động di cư bằng các biện pháp hành chính sẽ không làm giảm được số người lao động di cư mà chỉ làm tăng tính dễ bị tổn thương của đối tượng đặc biệt này hay thậm chí là “vấn đề dẫn đến tệ nạn”.
4.5. Đẩy mạnh công tác giáo dục, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm
Cần phải chăm lo công tác đào tạo giáo dục hoặc bổ túc văn hóa cho học sinh phổ thông như kiến thức, văn hóa, đạo đức, sự tự lập,…, quan tâm công tác hướng nghiệp cho học sinh ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường để cho các em lựa chọn những ngành nghề phù hợp với năng lực học tập và điều kiện gia đình.
Quan tâm đào tạo nghề cho lao động trước khi họ di cư bằng cách thu thập danh sách những lao động chưa có việc làm, nắm bắt nhu cầu lao động trên thị trường, mở những lớp đào tạo nghề phù hợp, miễn phí cho lao động các ngành nghề điển hình như: May mặc, sửa xe,… Tạo điều kiện và động viên họ tham gia khóa học.
Bên cạnh đó, cần liên kết với các công ty có nhu cầu lao động, để đảm bảo việc làm cho lao động sau khi hoàn thành khóa học. Đồng thời, tổ chức các hoạt động đào tạo và cung ứng lao động cho các công ty xuất khẩu lao động. Hầu hết lao động di cư ở tỉnh Trà Vinh đều tìm kiếm việc làm thông qua người thân trong gia đình, họ hàng, bạn bè, còn các nguồn thông tin khác thì rất hạn chế.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bộ Xây dựng (2010), Số liệu của về diện tích đất đô thị tại Việt Nam năm 2010.
- Trần Nguyệt Minh Thu (2013), “Vài nét về nhóm lao động di cư tự do nông thôn - đô thị trong vai trò hỗ trợ kinh tế gia đình”. Tạp chí Xã hội học, 2, 71-80.
- Trương Xuân Trường (2013), "Đô thị - nông thôn và một số vấn đề về việc làm hiện nay ở nước ta”. Tạp chí Xã hội học, 1, 38-51.
- Lê Đăng Bảo Châu (2016), “Trẻ em lao động di cư ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay”. Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế, 4(2), 171-178.
- Lê Văn Sơn (2014), “Lao động di cư nội địa ở Việt Nam hiện nay”. Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế, 1(74), 57-66.
- Cu Chi Loi. (2005). Rural to urban migration in Vietnam. Institute of Developing Economies. 5(15), 115-143.
- Derek Byerlee. (1974). Rural-urban migration in Africa: Theory, policy and research implications. International Migration Review. 8(4), 543-566.
- Yaohui Zhao. (1999). Leaving the countryside: Rural to urban migration decision in China. The American Economic Review, 89(2), 281-286.
THE MIGRATION ISSUE IN TRA VINH PROVINCE:
CASE STUDY OF MIGRANT WORKERS AND FREELANCERS
• Master. NGUYEN THI HONG PHUC
Tra Vinh University
ABSTRACT:
This study aims to address the following goals: (1) Examining the influencing level of factors affecting labor migration in Tra Vinh Province; and (2) Understanding the difficulties of migrant workers and proposing recommendations to create favorable conditions for migrants in Tra Vinh Province.
This study was conducted by using primary data collected from 300 samples and secondary data collected from Tra Vinh Province’s authorities. The study’s findings show that besides the challenges posed by the labor migration issue, there are many positive aspects which need to be promoted. The study finds out that appropriate policies and guidelines would curb the spontaneous migration while promoting the advantages of migration in Tra Vinh Province.
Keywords: migration in Tra Vinh Province, factors affecting the migration.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 5, tháng 3 năm 2021]