Giải pháp khắc phục khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng của hợp tác xã

THS. VŨ THỊ ANH (Khoa Tài chính Ngân hàng và Bảo hiểm,Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Để mô hình hợp tác xã (HTX) hoạt động hiệu quả thì nguồn vốn, đặc biệt là vốn tín dụng ngân hàng được xem là nhân tố quan trọng. Vì vậy, việc nghiên cứu, rà soát, đánh giá tổng thể về các cơ chế, chính sách tín dụng hiện hành cho HTX là hết sức cần thiết. Trên cơ sở đó, đưa ra giải pháp nhằm đưa mô hình HTX tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng.

Từ khóa: vốn tín dụng, hợp tác xã, ngân hàng nhà nước, ngân hàng thương mại, giải pháp, khắc phục khó khăn.

1. Đặt vấn đề

Ở Việt Nam, kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX đã hình thành và phát triển gần 70 năm, có đóng góp quan trọng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo số liệu thống kê, hiện có 17,3 triệu hộ ở địa bàn nông thôn, trong đó 9 triệu hộ nông dân có diện tích canh tác bình quân ở mức thấp (đồng bằng sông Cửu Long là 0,71 ha, đồng bằng sông Hồng là 0,22 ha, duyên hải miền Trung là 0,01 ha, bình quân 2,5 thửa ruộng/hộ). Do vốn và tài sản hạn chế, các hộ nông dân, hộ cá thể cần phải liên kết, hợp tác tổ chức sản xuất - kinh doanh theo mô hình kinh tế tập thể, HTX để có hiệu quả bền vững.

Theo đó, căn cứ định hướng của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước, thực tiễn phát triển kinh tế tập thể, HTX ở Việt Nam và trên thế giới, có thể khẳng định: phát triển kinh tế HTX là tất yếu khách quan, có ý nghĩa chiến lược và lâu dài trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Tuy vậy, kinh tế tập thể, HTX ở nước ta phát triển chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, đang có những tồn tại, bất cập, hạn chế cần được quan tâm, giải quyết như: tỉ lệ lớn hộ cá thể ở địa bàn nông thôn chưa tham gia HTX, tổ hợp tác; một bộ phận lớn HTX có quy mô nhỏ, vốn ít, năng lực quản trị hạn chế, liên kết thành viên còn thấp, chưa có uy tín và thương hiệu trên thị trường, năng lực quản trị của HTX còn yếu; việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các HTX vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất - kinh doanh.

2. Thực trạng tiếp cận vốn tín dụng của các hợp tác xã

Ngân hàng Nhà nước cho biết, có trên 40 tổ chức tín dụng tham gia cho vay kinh tế tập thể, hợp tác xã. Dư nợ cho vay đến cuối năm 2022 đạt 6316 tỷ đồng (giảm 12,45% so với cuối năm 2021), với gần 1.200 hợp tác xã, Liên minh Hợp tác xã còn dư nợ. Dư nợ tín dụng đối với cá nhân, hộ gia đình, trong đó có các cá nhân thành viên hợp tác xã, đến cuối tháng 12/2022 đạt 5.884.058 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 50% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế; trong đó dư nợ cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất - kinh doanh trong khu vực nông nghiệp, nông thôn là 2.030.0167 tỷ đồng.

Theo đó, dư nợ cho vay các hợp tác xã, Liên minh Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ chiếm tỷ trọng 52%; giao thông, vận tải chiếm 15%; nông, lâm, ngư, diêm nghiệp chiếm 13%; xây dựng chiếm 9,7%; trong các lĩnh vực khác và cho vay tổ hợp tác chiếm 10,3%. Thời hạn cho vay vốn ngắn hạn để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh (67%), vay trung và dài hạn (33%). Dư nợ cho vay chủ yếu tập trung ở nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước chiếm trên 70%; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần khác chiếm 19%; nhóm khác chiếm 11%. Điều này cho thấy kết quả đầu tư tín dụng cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa cao.

Thực tế chỉ có khoảng 2% số HTX trong cả nước tiếp cận được vốn các tổ chức tín dụng, chỉ khoảng 10% số hợp tác xã được vay vốn của các Quỹ Trung ương và địa phương; 0,5% số hợp tác xã tiếp cận được vốn vay của các tổ chức tín dụng. Do đó, nhiều HTX phải vay trên thị trường phi chính thức và tín dụng "đen" với lãi suất cao, thời hạn rất ngắn. Theo số liệu điều tra, khảo sát của Liên minh HTX Việt Nam, trong những năm tới, nhu cầu về vốn phát triển sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế tập thể, HTX, có thể lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng mỗi năm và có xu hướng tăng để đáp ứng yêu cầu phát triển, tăng sức cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập.

Nguyên nhân cản trở hợp tác xã tiếp cận vốn tín dụng

Thứ nhất, đa số HTX không có dự phòng tài chính, nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Số HTX hoạt động có hiệu quả chỉ chiếm 45%, nên khả năng đáp ứng các điều kiện của ngân hàng còn hạn chế. Bên cạnh đó, phương tiện sản xuất, cơ sở vật chất của HTX còn yếu, trong khi để triển khai một dự án mới khi vay vốn đòi hỏi HTX phải có nguồn vốn tự có đối ứng từ 20 - 30% vốn đầu tư, nên nhiều HTX không đáp ứng được.

Thứ hai, nhiều HTX còn hạn chế trong quản trị, điều hành, hiệu quả hoạt động yếu kém, sản xuất chưa gắn với thị trường tiêu thụ, chưa có phương án sản xuất - kinh doanh hiệu quả; chưa chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX 2012 hoặc chỉ chuyển đổi về mặt hình thức, thiếu vốn tự có, không có tài sản bảo đảm… Hơn nữa, một số HTX sử dụng không hiệu quả nguồn vốn vay, sử dụng vốn vay sai mục đích, nợ quá hạn kéo dài, có tâm lý ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước. Ngân hàng đã có nhiều cơ chế ưu đãi về tín dụng cho HTX, như: cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa lên đến 3 tỷ đồng, hoặc 80% giá trị của dự án, phương án sản xuất - kinh doanh theo mô hình liên kết; HTX hoạt động trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn hoặc sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu hay phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ khi vay vốn ngắn hạn tại các ngân hàng cũng được hưởng mức lãi suất ưu đãi theo chính sách chung của NHNN, thấp hơn 1-2%/năm so với mặt bằng lãi suất chung của thị trường.

Thứ ba, liên kết trong sản xuất của các HTX còn hạn chế, chủ yếu quy mô nhỏ, chưa hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, từ đầu vào - sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nên còn nhiều rủi ro về thị trường, giá cả dẫn đến phương án sản xuất - kinh doanh khi vay vốn còn kém khả thi, không hiệu quả. 

Thứ tư, các HTX thường không có tài sản bảo đảm khi vay vốn, một số ít được thành viên dùng tài sản thế chấp để đảm bảo cho khoản vay, tuy nhiên, giá trị không nhiều. Ngoài ra, các thành viên góp vốn vào HTX bằng tài sản, nhưng vẫn mang tên cá nhân của người chủ sở hữu chưa chuyển tên cho HTX, gây khó khăn cho HTX trong việc sử dụng tài sản để thế chấp vay vốn. 

Thứ tư, quá trình khảo sát các HTX ở vùng sâu vùng xa cho thấy, nhiều HTX phải thuê kế toán, hạch toán, báo cáo tài chính không theo quy định. Trong khi đó, các ngân hàng cho vay doanh nghiệp quy định phải có báo cáo kiểm toán độc lập. Đây là khó khăn để các ngân hàng và Quỹ hỗ trợ phát triển HTX xét duyệt hồ sơ cho vay.

Thứ năm, hiện nay Đảng và Nhà nước có chủ trương hỗ trợ đối với các HTX nhưng các tổ chức tín dụng (TCTD) cho vay tự chịu trách nhiệm khi rủi ro xảy ra, trong khi nhu cầu vay từ các HTX chủ yếu với hình thức không đảm bảo tài sản nên một số ngân hàng vẫn còn e dè khi cho vay vốn đối các HTX, chủ yếu cho vay trực tiếp các thành viên của HTX.

3. Giải pháp cho các hợp tác xã tiếp cận được nguồn vốn tín dụng của ngân hàng

Thứ nhất, cần cân đối vốn, tập trung tín dụng cho các tổ chức kinh tế hợp tác, HTX hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, các mô hình HTX kiểu mới làm ăn có hiệu quả, HTX tham gia phát triển các sản phẩm có thế mạnh, sản xuất theo chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao, có giá trị thương mại cao, HTX đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phù hợp với quy định của pháp luật. Ngân hàng phải nhìn nhận HTX khác doanh nghiệp, để đưa ra những điều kiện ưu tiên, dành riêng cho mô hình này. Để làm được điều này cần ban hành các văn bản từ Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ để khơi thông nguồn lực vào HTX; trong đó có nguồn lực từ ngân hàng.

Thứ hai, rà soát, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách về hoạt động ngân hàng, tạo điều kiện mở rộng đầu tư tín dụng và tăng khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng của khu vực kinh tế tập thể. Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị các tổ chức tín dụng, cân đối vốn, tập trung tín dụng cho các tổ chức kinh tế hợp tác, HTX hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao, chuỗi giá trị liên kết đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phù hợp với quy định của pháp luật.

Ngoài Ngân hàng Nhà nước, các Bộ, ngành ,cần vào cuộc tiếp tục nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ, các ủy ban của Quốc hội trong quá trình hoàn thiện, trình Quốc hội Dự thảo Luật HTX sửa đổi nhằm khắc phục tồn tại, nâng cao năng lực quản trị điều hành và hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, HTX; ban hành các giải pháp chính sách hỗ trợ đồng bộ cho kinh tế tập thể, trong đó có giải pháp huy động nguồn lực phục vụ sản xuất - kinh doanh của HTX (huy động vốn từ thành viên, huy động vốn khác theo quy định của pháp luật, vốn tài trợ, bảo lãnh,...); hoàn thiện cơ chế tăng hiệu quả hoạt động của các Quỹ Bảo lãnh HTX (Trung ương và địa phương).

Thứ ba, thường xuyên nghiên cứu phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng; rà soát, cải tiến, đổi mới quy trình, thủ tục, điều kiện cấp tín dụng phù hợp với yêu cầu và thực tiễn hoạt động của HTX để từng bước mở rộng và tăng cường hỗ trợ vốn, cũng như khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng cho các loại hình kinh tế tập thể. Bên cạnh đó, ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu và đề xuất hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng, trong đó chú trọng hoàn thiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của HTX. Mặt khác, cần tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng hỗ trợ lãi suất, các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm hỗ trợ đối với HTX ổn định, phục hồi và phát triển kinh tế; thường xuyên nắm bắt và kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động vay vốn của HTX. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố phải chủ động phối hợp với các sở, ngành, các tổ chức chính trị xã hội và các đơn vị liên quan nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh của HTX, từ đó kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển các thành phần kinh tế tập thể trên địa bàn.

Thứ tư, sớm có hướng dẫn thành lập, tổ chức và hoạt động của các Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX ở địa phương sẽ giúp hoàn thiện hệ thống các quỹ từ trung ương đến địa phương, từ đó có căn cứ để mở rộng hơn nữa các hoạt động hỗ trợ HTX, tổ hợp tác và liên hiệp HTX, góp phần đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Thứ năm, cần thí điểm và nhân rộng mô hình HTX hiệu quả phù hợp với các điều kiện vùng, miền địa phương. Vận động HTX thu hút thêm thành viên, hợp nhất, sáp nhập HTX cùng ngành, nghề và địa bàn hoạt động để tăng tiềm lực tài chính và quy mô hoạt động của HTX. Tập trung tháo gỡ khó khăn, để các HTX yếu kém củng cố tổ chức lại hoạt động, sản xuất - kinh doanh… Tăng cường đầu tư của Nhà nước và xã hội, ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến cho kinh tế tập thể, trong đó HTX là nòng cốt.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2012), Luật số: 23/2012/QH13 - Luật Hợp tác xã.
  2. Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (2021), “Báo cáo tình hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và hoạt động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam năm 2020, nhiệm vụ trọng tâm năm 2021”, 10-11.
  3. Dương Ngọc Thành, Nguyễn Công Toàn và Hà Thị Thu Hà (2018), “Đánh giá yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động hợp tác xã nông nghiệp tại tỉnh An Giang”, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, (4), 212-219.
  4. Huỳnh Bích Như (2017), Các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
  5. Lê Khương Ninh và Phạm Văn Dương (2011), “Các yếu tố quyết định lượng vốn vay tín dụng chính thức của nông hộ ở Hậu Giang”, Tạp chí Ngân hàng, (09), 42-48.

Solutions to help cooperatives better access to the bank’s credit source

Master. Vu Thi Anh

Faculty of Finance, Banking and Insurance, University of Economics - Technology for Industries

Abstract:

The capital, especially the credit source from banks, play a key role in the operation of cooperatives. It is necessary to analyze and evaluate the current credit mechanisms and credit policies for cooperatives. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to help cooperatives better access to the bank’s credit source.

Keywords: credit, cooperatives, the State Bank of Vietnam, commercial bank, solution, overcoming difficulties.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 7  tháng 3 năm 2023]

Tạp chí Công Thương