Hoàn thiện pháp luật về hàng rào kỹ thuật về môi trường tại Việt Nam

ThS. NGUYỄN THỊ THẢO ANH (Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội)

TÓM TẮT:

Theo dự báo, các tác động tiêu cực đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường sẽ ngày càng gia tăng khi Việt Nam đang chủ trương tham gia hội nhập quốc tế và khu vực sâu rộng. Việc tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, cùng với các định chế kinh tế toàn cầu, khu vực khác đang và sẽ đặt ra những áp lực, thách thức lớn đối với công tác xây dựng, thiết lập và hoàn thiện. Bài viết nghiên cứu và phân tích một cách toàn diện, đồng bộ, đầy đủ để làm cơ sở cho việc xây dựng “rào cản thương mại” nói chung hay “rào cản thương mại về môi trường” nói riêng của hệ thống pháp luật Việt Nam trong thời gian tới.

Từ khóa: Hàng rào kỹ thuật trong thương mại, môi trường, xuất nhập khẩu hàng hóa.

1. Đặt vấn đề

Sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các quốc gia trên thế giới ngày càng có khoảng cách rõ rệt. Do đó, để bảo hộ nền sản xuất, các nước phát triển đều xây dựng các hàng rào thuế quan và phi thuế quan. Việc tham gia vào Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (Hiệp định TBT) nhằm thống nhất các quy tắc về xây dựng, chấp nhận; áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp trong hiệp định thương mại quốc tế. Tuy nhiên, việc này không nhằm tạo ra các rào cản để hạn chế đối với tự do hóa thương mại.

Hàng rào kỹ thuật về môi trường là một loại hàng rào phi thuế quan được dựng lên không chỉ nhằm mục đích bảo hộ cơ bản mà còn hướng đến bảo vệ chất lượng môi trường sinh thái của quốc gia. Từ đó, có thể nhận thấy đây cũng chính là cơ sở vững chắc cho loại hình bảo hộ này được tiếp tục duy trì, hoàn thiện và phát triển.

2. Cơ sở lý luận và thực trạng về hàng rào kỹ thuật về môi trường trong thương mại quốc tế tại Việt Nam

Hàng rào kỹ thuật về môi trường (hay gọi cách khác là "rào cản xanh"), theo Trung tâm nghiên cứu APEC: "Hàng rào kỹ thuật về môi trường được định nghĩa như là các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định môi trường chặt chẽ tác động đến thương mại; các biện pháp thương mại phân biệt đối xử đặt ra vì những mục đích bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; các hạn chế thương mại đơn phương; các biện pháp thâm nhập thị trường với điều kiện chấp nhận các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; các hạn chế thương mại đặt ra theo quy tắc MEAs"[1].

Việt Nam trở thành thành viên chính thức và đầy đủ của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) từ năm 2007, đến nay đã ký kết và tham gia khoảng trên 40 hiệp định khác nhau về thương mại, trong đó có Hiệp định TBT. Lâu nay, ở nước ta, đề tài chủ đạo trong các bài báo, hội nghị vẫn là làm cách nào để hàng hóa Việt vượt qua được các hàng rào cản kĩ thuật nói chung, hàng rào kĩ thuật về môi trường nói riêng của các quốc gia khác, nhất là các nước phát triển. Trong khi đó, vấn đề xây dựng một hệ thống “hàng rào kĩ thuật xanh” để bảo vệ môi trường Việt Nam, tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái cũng như sức khỏe của người dân trước các tác động tiêu cực của hàng hóa nhập khẩu dường như chưa được quan tâm đúng mức. Mặc dù, trong khía cạnh nhập khẩu, Việt Nam đã xây dựng và ban hành một số quy định, quy chuẩn kỹ thuật, tuy nhiên hệ thống hàng rào về môi trường còn rất đơn giản. Cụ thể, chúng ta chỉ mới dừng lại ở việc quy định về mức độ ảnh hưởng đến môi trường của sản phẩm nhập khẩu mà chưa có quy định cụ thể hay hàng rào bảo vệ nào đối với tiêu chuẩn của sản phẩm nhập khẩu sau khi hết hạn sử dụng, không còn giá trị sử dụng, phân hủy hay quan tâm đến quá trình sản xuất ra sản phẩm, tái chế sản phẩm sẽ ảnh hưởng đến môi trường như thế nào. Bởi xu hướng hiện nay tập trung không chỉ từ góc độ sản xuất và còn ở cả góc độ tiêu dùng. Hơn thế nữa, dưới góc độ tiêu dùng và quan điểm về trách nhiệm toàn cầu, việc bảo vệ môi trường gắn với hoạt động nhập khẩu còn ảnh hưởng tới cả quá trình sản xuất tại nước xuất khẩu. Do đó, cần phải có những biện pháp quản lý chất thải của hàng hóa nhập khẩu sau tiêu dùng. Để có thể áp dụng được biện pháp kỹ thuật liên quan tới môi trường đối với hàng hóa nhập khẩu, công việc cần thiết là đánh giá ảnh hưởng của các mặt hàng này, biết được những biện pháp xử lý, trong đó có cả những biện pháp kỹ thuật như quy định về bao bì và hàm lượng chất được phép nhập khẩu.

Theo thống kê, hiện cả nước có từ 200 - 250 doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, chủ yếu là phế liệu sắt, thép, nhựa và giấy[2]. Tuy nhiên, thông qua hình thức này, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu rác thải, tạo ra các vấn đề môi trường như chi phí rất lớn cho việc xử lý rác thải; thải bỏ nhiều chất thải độc hại, nguy hiểm tới môi trường và sức khỏe con người; ô nhiễm môi trường không khí với các khí bụi như CO, CO2, SO2 và Nox; ô nhiễm môi trường đất từ chất thải rắn.

Bình quân mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng 4 - 4.5 triệu m3 gỗ tròn, các loại có kim ngạch nhập khẩu lớn như lim, dầu, hương, tếch,… Gỗ được nhập khẩu không chỉ để chế biến gỗ xuất khẩu mà còn phục vụ cả cho thị trường nội địa. Gỗ được nhập khẩu vào Việt Nam có nguồn gốc từ các khu rừng trồng hoặc các nước ôn đới có rủi ro thấp về pháp lý và nhập khẩu gỗ từ các khu rừng nhiệt đới và có rủi ro cao về mặt pháp lý. Quá trình chế biến gỗ gây ảnh hưởng tới môi trường gồm chất thải rắn và chất thải nguy hại như: Thùng dung môi, thùng sơn, hóa chất, hộp mực in, mùn cưa, vỏ bào, giấy giáp, giấy lót,…; Tiếng ồn phát sinh trong quá trình cưa, xẻ, bào, phay; Bụi ô nhiễm không khí trong quá trình cưa, bào, xẻ, đánh giấy ráp; Nước thải từ công đoạn đánh giấy ráp, mạ bề mặt, ngâm gỗ.

Tiếp theo có thể kể đến, việc nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu phục vụ sản xuất trong nước, trong đó nhập khẩu máy móc thiết bị chiếm gần 30% tổng kim ngạch nhập khẩu. Hiện nay, cơ cấu hàng nhập khẩu chuyển dịch theo hướng tăng nhập khẩu máy móc thiết bị. Tuy nhiên, một số công nghệ lạc hậu, lỗi thời đã được nhập khẩu vào Việt Nam và biến Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi rác của sản phẩm công nghệ. Chính phủ Việt Nam đã ban hành danh mục cấm nhập một số sản phẩm công nghệ đã qua sử dụng hoặc muốn nhập khẩu phải qua quá trình đánh giá, thẩm định.

Cuối cùng, mặc dù nhập khẩu hàng tiêu dụng bị hạn chế nhưng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc đạt 3,1 tỷ USD năm 2019 - tăng 71% về lượng và 69% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018[3]. Ô tô đem lại rất nhiều tiện dụng cho cuộc sống hiện đại, tuy nhiên cũng cần lưu ý một số vấn đề về môi trường do ô tô gây ra như: Khói bụi, ô nhiễm tiếng ồn, chất thải rắn.

Hệ thống chính sách môi trường của Việt Nam không phân biệt giữa doanh nghiệp sản xuất cho tiêu dùng hay nhập khẩu. Nhà nước đã ban hành các chính sách hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho những sản phẩm được cấp các chứng nhận về môi trường. Cụ thể, Luật Bảo vệ môi trường 2014 ưu đãi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thân thiện môi trường, xây dựng cơ sở tái chế, xử lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại, khu chôn lấp. Thông tư số 128/2016/TT –BTC ngày 09/08/2016 của Bộ Tài chính quy định miễn, giảm thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm thân thiện môi trường; sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải. Trong Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26/11/2014 do Quốc hội ban hành ưu đãi về thuế nhập khẩu đối với sản phẩm tiết kiệm năng lượng, tái chế, sử dụng chất thải. Tuy nhiên, những hỗ trợ này còn rất ít so với trợ cấp của các nước phát triển. Đồng thời với ban hành ưu đãi, Việt Nam cũng có quy định cấm nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, cụ thể như tại Nghị định số 23. Định hướng của Việt Nam năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 phát triển công nghệ sạch, công nghệ cao, trong đó liên quan tới môi trường là tập trung vào công nghệ tiết kiệm năng lượng. Đối với xu hướng của thế giới thì ngày nay áp dụng các biện pháp kỹ thuật cả bắt buộc lẫn tự nguyện, cũng như quy trình đánh giá hợp chuẩn hợp quy trên thế giới giúp bảo vệ nền sản xuất trong nước và hạn chế thương mại quốc tế đối với những lĩnh vực sản xuất hoặc sản phẩm mà Nhà nước cần bảo vệ.

Trước tiên cần khẳng định rằng, khi áp dụng một rào cản môi trường trong thương mại cần xem xét các yếu tố: Mục tiêu hướng đến có thực sự nhằm bảo vệ môi trường không; Có cách thức nào khác để đạt được mục đích đó với hiệu quả tương đương không; Các bằng chứng hoặc nghiên cứu khoa học đối với yêu cầu về việc áp dụng biện pháp môi trường đó, ảnh hưởng cụ thể của nhóm sản phẩm bị áp dụng biện pháp môi trường.

Bên cạnh đó, khi dự định áp dụng các rào cản kỹ thuật trong thương mại, Việt Nam cần đảm bảo rằng việc đặt ra những rào cản đó không vi phạm hai nguyên tắc cơ bản của WTO cũng như của Hiệp định TBT, đó là nguyên tắc đối xử quốc gia và nguyên tắc tối huệ quốc.

Về nguyên tắc đối xử quốc gia, có thể thấy trong một số vụ tranh chấp được đưa ra bởi WTO, việc áp dụng rào cản kỹ thuật trong thương mại thực sự nhằm mục đích bảo vệ môi trường và sức khỏe con người, nhưng lại vi phạm nguyên tắc đối xử quốc gia khi có sự phân biệt đối xử giữa sản phẩm của nhà sản xuất trong nước và nhà sản xuất của quốc gia khác.

Về nguyên tắc tối huệ quốc, chưa có vụ việc nào trong WTO liên quan đến việc áp dụng rào cản kỹ thuật trong thương mại được kết luận là vi phạm nguyên tắc này. Tuy nhiên, hiện nay, đa phần các hiệp định thương mại tự do đều tôn trọng và áp dụng nguyên tắc tối huệ quốc. Do vậy, nếu Việt Nam đặt ra các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường trái với các nguyên tắc này thì sẽ phải chịu nguy cơ bị các quốc gia khác khiếu nại/khởi kiện, từ đó quan hệ thương mại quốc tế của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.

Tuân thủ tối đa nguyên tắc minh bạch là một trong những việc làm cần thiết mà Việt Nam cần quan tâm khi thực hiện các quy định của Hiệp định TBT, trong đó có việc đặt ra các rào cản kỹ thuật đối với thương mại.

3. Định hướng và giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật ở Việt Nam

Trong khuôn khổ Hiệp định TBT cũng như nhiều hiệp định thương mại tự do khác, minh bạch luôn được coi là một trong những nguyên tắc chủ chốt để đảm bảo rằng việc áp dụng rào cản kỹ thuật của một quốc gia được thực hiện hiệu quả, đúng mục đích nhưng không gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến các đối tác thương mại khác. Cơ chế thông báo, quy định về việc đặt ra các điểm hỏi đáp (enquiry point) hay việc hình thành Ủy ban TBT đều nhằm phục vụ mục tiêu này. Do đó, Việt Nam cần tuân thủ triệt để các yêu cầu về minh bạch trong Hiệp định TBT và các hiệp định thương mại tự do khác, đồng thời tận dụng tối đa các cơ hội trao đổi, thảo luận để đưa ra và tiếp thu các góp ý một cách kịp thời.

Hơn nữa, Việt Nam nên áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong việc đặt ra các rào cản kỹ thuật. Đây được coi là một phương án tiếp cận an toàn, khi cả Hiệp định TBT và nhiều hiệp định thương mại tự do khác đều khuyến khích các quốc gia áp dụng tiêu chuẩn quốc tế.

Bằng cách tiếp cận này, Việt Nam có thể đưa ra các rào cản kỹ thuật cần thiết để bảo vệ môi trường mà vẫn hạn chế được rủi do bị khiếu nại/khởi kiện do vi phạm các quy định của pháp luật quốc tế. Tuy nhiên, Việt Nam hiện là một quốc gia đang phát triển, do đó nếu áp dụng các tiêu chuẩn quá cao, các nhà sản xuất trong nước có thể gặp khó khăn để đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế đó. Cụ thể, có những giải pháp thiết thực như sau:

Đẩy mạnh việc rà soát văn bản chứng nhận và hợp tác với các bộ ngành: Hiểu biết của các doanh nghiệp liên quan tới các biện pháp môi trường là vấn đề quan trọng để doanh nghiệp có thể sử dụng các công cụ này tạo ra lợi thế trong kinh doanh. Sự hiểu biết về các biện pháp thương mại không chỉ giúp doanh nghiệp hạn chế được những tranh chấp thương mại khi xuất khẩu mà còn nâng cao được lợi thế cạnh tranh tại thị trường nội địa, hạn chế và phòng ngừa được hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh khi hàng hóa nước ngoài nhập khẩu ồ ạt vào thị trường trong nước, gây thiệt hại cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Để tăng cường nhận thức của doanh nghiệp cần phải cung cấp thông tin thường xuyên và cập nhật tới doanh nghiệp thông qua các hiệp hội hoặc email/website. Bên cạnh đó, cần phải nâng cao trình độ và chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ tại các hiệp hội cũng như các cơ quan quản lý về lĩnh vực này.

Cần xây dựng hệ thống nhóm các email của nhà nhập khẩu, hiệp hội nhập khẩu để gửi thông báo về sự thay đổi các vấn đề liên quan tới TBT. Việc gửi thông báo qua thư điện tử hiện nay rất phát triển, đem lại nhiều thuận tiện trong hệ thống thông tin liên lạc vì những ưu thế về thời gian. Phân loại doanh nghiệp theo đăng ký kinh doanh, đưa vào một nhóm liên lạc. Khi cần gửi thông tin về việc lấy ý kiến đóng góp hoặc gửi thông báo về những thay đổi trong chính sách thương mại, chỉ cần gửi email theo group đó. Chỉ với những thông tin bí mật mới cần phải thông báo riêng và sử dụng gửi trực tiếp, như vậy hình thức gửi thông tin điện tử giảm được rất nhiều chi phí khi cần gửi thông báo tới doanh nghiệp.

Hiệp hội nhập khẩu, đại diện các doanh nghiệp, các nhà nhập khẩu không thu thập thông tin về các yêu cầu kỹ thuật liên quan tới môi trường. Do đó, văn phòng TBT Việt Nam cần đóng một vai trò chính trong việc thu thập và cung cấp thông tin đến với các doanh nghiệp.

Việc dịch và cung cấp thông tin về các yêu cầu kỹ thuật mới chỉ đáp ứng được yêu cầu là đưa thông tin lên hệ thống mạng lưới của TBT và trao đổi giữa các điểm đầu mối tại các Bộ chuyên ngành, mà chưa chú trọng đến việc cung cấp các thông tin này đến các nhà nhập khẩu. Điều này làm giảm tính hiệu quả của hoạt động và gây khó khăn hơn trong việc quản lý các hoạt động phân phối nhập khẩu cũng như xây dựng cơ sở dữ liệu về TBT. Do đó, cần phải phát triển một mạng lưới cung cấp các thông tin về TBT cho các hiệp hội nhập khẩu, doanh nghiệp và đại diện nhập khẩu. Từ đó, xây dựng được cơ sở dữ liệu thông tin cập nhật liên quan tới yêu cầu của TBT, nhằm hỗ trợ tốt hơn hoạt động nhập khẩu.

Do một vài yêu cầu liên quan tới nhãn sinh thái hoặc nhãn môi trường, không được xem xét như là các yêu cầu kỹ thuật của TBT, do đó văn phòng TBT cũng chưa cập nhật hoặc thông báo tới Ủy ban TBT của WTO về vấn đề này. Tuy nhiên, những thông báo này lại đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống thông báo liên quan tới vấn đề môi trường để lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong nước và quốc tế.

Cần bổ sung vào văn bản pháp luật quy định về việc cung cấp thông tin đến các đối tượng bị ảnh hưởng cả trực tiếp và gián tiếp của quy định mới, đặc biệt là cung cấp thông tin đến doanh nghiệp, các hiệp hội đại diện cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Thiếu sự cung cấp thông tin đến doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức, cá nhân có liên quan, từ đó thiếu sự tham gia đóng góp ý kiến của những tổ chức, cá nhân này vào trong quá trình xây dựng. Đây là lý do vì sao hầu như các doanh nghiệp, cá nhân lại ít biết đến thông tin về quy chuẩn cũng như tiêu chuẩn kỹ thuật. Việc thiếu thông tin sẽ làm giảm hiệu quả thực thi của các văn bản pháp luật, đồng thời cũng giảm sự giám sát của việc thực thi.

Xây dựng diễn đàn mở cho các đối tác quan tâm trên cơ sở đẩy mạnh truyền tải thông tin về tiêu chuẩn: Cho đến thời điểm hiện nay, việc tham gia và quan tâm của công chúng tới lĩnh vực tiêu chuẩn của Việt Nam còn rất thấp. Do đó, diễn đàn này là một công cụ để thúc đẩy sự tham gia của công chúng với lĩnh vực này. Đây là diễn đàn để mọi cá nhân, tổ chức có quan tâm phản ánh quan điểm về các hoạt động liên quan tới tiêu chuẩn hóa và thúc đẩy việc kiểm soát chất lượng và hiệu quả của tiêu chuẩn. Các bên quan tâm ở đây có thể là hiệp hội công nghiệp, người tiêu dùng, các trường đại học, các chuyên gia.

Đồng thời với việc tạo điều kiện mở cho đóng góp ý kiến với các tiêu chuẩn, hình thành một hội đồng tiêu chuẩn được tổ chức với sự tham gia là đại diện của các ngành công nghiệp, của người tiêu dùng và các trường đại học. Hội đồng này sẽ hoạt động dưới sự hướng dẫn và quy định của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

Bên cạnh đó, thúc đẩy sự hợp tác trong những khởi xướng về tiêu chuẩn hóa và kiểm soát tiêu chuẩn. Diễn đàn này sẽ mở thêm một diễn đàn nhỏ hơn để thảo luận về các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường của các quốc gia khác. Tạo ra một mạng lưới mang tính chất quốc tế, dành cho những cá nhân, tổ chức quan tâm đến một lĩnh vực cụ thể. Chẳng hạn như, bảo tồn thiên nhiên, đánh bắt thủy sản có ảnh hưởng như thế nào đối với rùa biển hoặc bóng đèn tiết kiệm năng lượng, hoặc nhãn sinh thái và việc trao đổi có thể dùng ngôn ngữ tiếng Anh.

Đẩy mạnh truyền tải thông tin về tiêu chuẩn: Do việc áp dụng tiêu chuẩn này là tự nguyện, do đó khác với các tiêu chuẩn bắt buộc, trách nhiệm để phổ biến thông tin về tiêu chuẩn và chứng nhận sẽ ít động lực lơn. Qua khảo sát các tiêu chuẩn Việt Nam, phần lớn các TCVN sử dụng ISO làm nền tảng kỹ thuật. Tuy nhiên, trên thế giới có rất nhiều tiêu chuẩn khác nhau, Việt Nam cũng áp dụng cả các tiêu chuẩn đó đối với hàng hóa được sản xuất, tiêu dùng trong nước, tuy nhiên nó cũng chưa phản ánh đầy đủ hết thông tin về các tiêu chuẩn khác đang áp dụng trên thế giới. Do đó, nhiều sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam có những tiêu chuẩn rất khác và mới, khiến cho người tiêu dùng Việt khó hiểu hoặc hiểu nhầm về các thông tin đó, dẫn đến giảm độ tin cậy và uy tín với các tiêu chuẩn. Do đó, cần cập nhật cả thông tin về các tiêu chuẩn quốc tế để mọi cá nhân, tổ chức có thể nắm bắt được. Ngoài ra, cung cấp thêm thông tin cho người tiêu dùng và các tổ chức quan tâm, giúp nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tầm quan trọng của các tiêu chuẩn đó trong việc đánh giá hàng hóa.

Nâng cao độ tin cậy của hệ thống chứng nhận và giấy chứng nhận: Mở rộng phạm vi sản phẩm được cấp giấy chứng nhận. Hiện nay, số lượng được cấp nhãn sinh thái, ISO 14000 hay chứng nhận hữu cơ còn rất ít và chỉ tập trung vào một số sản phẩm nhất định, do đó cần thiết phải mở rộng phạm vi những hàng hóa được cấp giấy chứng nhận.

Thường xuyên nâng cao tiêu chuẩn so với tiêu chuẩn cơ bản. Các tiêu chuẩn liên quan tới lĩnh vực môi trường đòi hòi tiêu chuẩn cao hơn so với các yêu cầu kỹ thuật khác. Do đó, hệ thống chứng nhận thường cần được nâng cao hơn để có thể đáp ứng được với những tiêu chuẩn cao của hàng hóa nhập khẩu đến từ các nước phát triển.

Cuối cùng, hỗ trợ nâng cao năng lực cho các tổ chức chứng nhận để họ có thể nâng cao năng lực chứng nhận. Việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chứng nhận xem xét với các hệ thống chứng nhận của nước nhập khẩu để hài hòa với các tiêu chuẩn đó. Vì các tiêu chuẩn tự nguyện là cạnh tranh, do đó sự hài hòa càng cần thiết để tạo sự tin cậy đối với người sử dụng thông tin của tổ chức chứng nhận trong việc đánh giá hàng hóa.

4. Kết luận

Trên cơ sở các vấn đề nghiên cứu thực tiễn của thế giới và Việt Nam, nghiên cứu đã đưa ra một số giải pháp mang tính chất bắt buộc và tự nguyện đối với những mặt hàng cụ thể, theo mức độ ưu tiên từ thấp đến cao nhằm thúc đẩy quá trình tham gia các Hiệp định thương mại tự do cũng như hạn chế các rào cản và tranh chấp thương mại liên quan tới môi trường. Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra những giải pháp cụ thể đối với các quy định kỹ thuật bắt buộc cũng như tự nguyện và thủ tục đánh giá hợp chuẩn hợp quy đối với từng mặt hàng nhập khẩu.

Như vậy, các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan tới môi trường, quy trình đánh giá sự phù hợp đã có những đóng góp nhất định cho sự phát triển thương mại quốc tế của Việt Nam, đồng thời làm căn cứ, chuẩn mực để bảo vệ cuộc sống của con người và bảo vệ môi trường. Mặc dù, xây dựng hệ thống pháp luật quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan tới môi trường của Việt Nam đang tiếp tục được thực hiện, sửa đổi phù hợp với tình hình thực tế trong nước và những biến đổi của thế giới, nhưng nếu hệ thống thực thi pháp luật của Việt Nam được hiệu quả hơn nữa, hoạt động kinh tế - xã hội của nước ta trong thời gian tới sẽ ngày càng hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống, chất lượng cuộc sống của người dân; đồng thời nâng cao uy tín hàng hóa Việt trên thị trường quốc tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN:

  1. Nguyễn Việt Khôi, Lê Thị Thanh Thủy (2014), Thương mại xanh và xuất khẩu nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.
  2. Báo Hải quan (2017), Chậm ban hành Danh mục hàng hóa XNK thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành, xem tại web: http://www.baohaiquan.vn, ngày truy cập: 23/5/2019.
  3. Báo Hải quan (2017), Tình hình nhập khẩu ô tô nguyên chiếc của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2017 và cập nhật quý I năm 2018, xem tại web: http://www.baohaiquan.vn, ngày truy cập: 23/5/2019.
  4. Quốc hội (2014), Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.
  5. WTO (2017), Báo cáo nghiên cứu khả năng tác động của “Dự thảo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ về bảo tồn năng lượng đối với các loại sản phẩm làm lạnh” đến xuất khẩu của Việt Nam.
  6. Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại 1979.
  7. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (2016), Rào cản kỹ thuật đối với thương mại, Hà nội, xem tại web: http://www.trungtamwto.vn, ngày truy cập: 20/5/2019.

 

PERFECTING VIETNAM’S LAWS ON

ENVIRONMENTAL TRADE BARRIERS

Master. NGUYEN THI THAO ANH

School of Law, Vietnam National University - Hanoi

ABSTRACT:

The increasingly international and regional integration of Vietnam could have negative impacts on the country’s natural resources and environment. The participation of Vietnam in the Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership, ASEAN Economic Community and other global and regional economic institutions has posed great pressures and challenges to the establishment, enforcement and amendment of laws. This article presents a comprehensive analysis of Vietnamese laws which is expected to serve as a basis for the establishment of Vietnam’s trade barriers in general and environmental trade barriers in particular.

Keywords: Technical barriers in trade, environment, imports and exports of goods.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 12, tháng 5 năm 2020]