TÓM TẮT:
Ý định kinh doanh (YĐKD) và động lực kinh doanh (ĐLKD) có hàm ý tương tự nhau, cùng là hành vi có kế hoạch để hướng đến kết quả tạo lập và điều hành một doanh nghiệp (DN). Do đó, lý thuyết Hành vi dự định là lý thuyết nền tảng xác định các nhân tố cá nhân và môi trường ảnh hưởng tới ĐLKD.
Bài viết tập trung nghiên cứu về nền tảng lý thuyết xác định các nhân tố cá nhân và môi trường ảnh hưởng tới động lực kinh doanh.
Từ khóa: Lý thuyết TPB, lý thuyết TRA, động lực kinh doanh.
1. Nguồn gốc Lý thuyết Hành vi dự định
Lý thuyết Hành vi dự định được phát triển từ lý thuyết Hành động hợp lý (Fishbein and Ajzen, 1975) TRA (Theory of Reasoned Action) được xem là học thuyết tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu tâm lý xã hội. TRA cho thấy, hành vi được quyết định bởi ý định thực hiện hành vi đó. Mối quan hệ giữa ý định và hành vi được đưa ra và kiểm chứng thực nghiệm trong rất nhiều nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực.
Hai nhân tố chính ảnh hưởng đến ý định là thái độ cá nhân và chuẩn mực chủ quan. Trong đó, thái độ của một cá nhân đối với hành vi thể hiện mức độ đánh giá tiêu cực hoặc tích cực của cá nhân đối với hành vi dự định thực hiện, như động lực để bắt đầu và điều hành một DN. Đó không chỉ đơn giản là cảm giác của cá nhân (tôi thích, nó làm cho tôi cảm thấy được, ổn thỏa) mà nó còn bao hàm cả việc cân nhắc, đánh giá giá trị của việc bắt đầu và điều hành một DN (nó có khả năng đem lại lợi nhuận, có nhiều ưu điểm hơn) và “Tôi có muốn làm việc đó không?” (Ajzen, 1991).
Khái niệm này được đánh giá gần với cảm nhận về mong muốn bắt đầu một DN trong mô hình SEE của Shapero and Sokol. Chuẩn mực chủ quan đo lường các áp lực của xã hội mà một cá nhân tự cảm nhận được về việc tiến hành hoặc không tiến hành các hành vi bắt đầu và điều hành một DN. Cụ thể, đó là dự cảm của một cá nhân về việc những người xung quanh có ủng hộ quyết định bắt đầu và điều hành một DN hay không, hay chính là trả lời câu hỏi: “Những người khác có muốn tôi làm việc đó không?” (Ajzen, 1991). Thể hiện sự liên quan đến nhận định của người khác (gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, doanh nhân khác,…) như thế nào khi một cá nhân liên quan thực hiện hành vi đó, gọi là ý kiến của những người xung quanh, hay rộng hơn, đó cũng chính là ảnh hưởng xã hội, những áp lực của xã hội lên cá nhân. Những áp lực là quan trọng với mong muốn cá nhân tuân thủ các quy tắc đã định, có thể định hình động lực để bắt đầu và điều hành một DN của cá nhân (Malebana, 2014).
Theo Ajzen (1991), lý thuyết Hành vi dự định TPB (Theory of Planned Behavior), hành vi của con người là kết quả của dự định thực hiện hành vi và khả năng kiểm soát của họ hay một hành vi có thể được dự báo hoặc giải thích bởi các xu hướng hành vi để thực hiện nó, xuất phát từ giới hạn của hành vi mà con người có ít sự kiểm soát. Nhân tố thứ ba, theo Ajzen, có ảnh hưởng đến ý định của con người là yếu tố nhận thức kiểm soát hành vi.
Cảm nhận về khả năng kiểm soát hành vi được định nghĩa là quan niệm của cá nhân về độ khó hay dễ trong việc thực hiện hành vi bắt đầu và điều hành một DN (Tôi thấy là tôi có khả năng làm và đủ nguồn lực để làm việc đó không?). Đây là định nghĩa rất gần với khái niệm về năng lực bản thân của Bandura (1997) và cũng tương ứng với khái niệm cảm nhận về tính khả thi (sự tự tin) trong mô hình SEE. Bởi vì, chúng đều đề cập tới khả năng của một cá nhân trong việc hoàn thành các hành vi bắt đầu và điều hành một DN. (Hình 1)
2. Lý thuyết Hành vi dự định trên thực nghiệm
Lý thuyết về hành vi dự định dựa trên tiền đề rằng, nhiều hành vi của con người được dự định và vì thế ý định có trước hành vi đó (Fishbein and Ajzen, 1975). Điều này khẳng định, ý định là một dự đoán chính xác của hành vi có kế hoạch, hành vi kinh doanh thể hiện những đặc điểm này. Các lập luận trên lý giải tại sao một số nghiên cứu thực nghiệm điển hình về các nhân tố ảnh hưởng đến ĐLKD đã sử dụng lý thuyết Hành động hợp lý và lý thuyết Hành vi dự định như Malebana (2014), Taormina and Lao (2007), Yushuai và cộng sự (2014), Cheng and Soo (2015), Fereidouni và cộng sự (2010) làm lý thuyết nền tảng trong nghiên cứu của mình.
Thứ nhất, ĐLKD và YĐKD có hàm ý tương tự nhau
Theo nghiên cứu Malebana (2014), ĐLKD là lý do, động cơ hoặc mục tiêu để cá nhân bắt đầu và điều hành một DN. Ý định khởi nghiệp là sự liên quan về suy nghĩ của một cá nhân để bắt đầu xây dựng một DN (Souitaris and cộng sự, 2007). Điều này cho thấy, hai khái niệm này có hàm ý tương tự nhau, được thể hiện rõ trong nghiên cứu của Yushuai và cộng sự “ĐLKD và YĐKD khác nhau đối với khoa học tâm lý nhưng trong nghiên cứu này, cả hai đều được hiểu như là một khát vọng kinh doanh, ý tưởng và động cơ” (trích trong Yushuai và cộng sự, 2014. p 771).
Qua Hình 1 cho thấy, hành vi kinh doanh là kết quả. Muốn có được kết quả này phải có kế hoạch, dự định trước đó. Hành vi kinh doanh ở đây cũng chính là kết quả của ĐLKD “bắt đầu và điều hành một DN”. ĐLKD có thể giải thích và dự đoán hành vi kinh doanh (Carsrud and Brännback, 2011). Vì vậy, lý thuyết hành vi dự định lý giải cho việc một cá nhân muốn thành lập, duy trì và phát triển DN cần phải lên kế hoạch từ trước và đó chính là ĐLKD.
Thứ hai, ĐLKD và YĐKD đều được định hình bởi các yếu tố cá nhân và môi trường
YĐKD có 3 nhân tố ảnh hưởng (Hình 1), từng nhân tố giải thích cho YĐKD (ĐLKD) và kết quả chính là hành vi bắt đầu kinh doanh (bắt đầu và điều hành một DN). 3 nhân tố bao gồm 3 câu hỏi: “Tôi có muốn làm việc đó không?”, “Những người khác có muốn tôi làm việc đó không?” và “Tôi thấy là tôi có khả năng làm và đủ nguồn lực để làm việc đó không?”. Trong trường hợp này, 3 câu hỏi chuyển thành: Tôi có muốn bắt đầu và điều hành một DN hay không? Người khác có muốn tôi bắt đầu và điều hành một DN hay không? Tôi có đủ khả năng và nguồn lực để bắt đầu và điều hành một DN hay không?
Nhiều nghiên cứu trước đây đã trả lời các câu hỏi này trên những phương diện, mục đích khác nhau. Một số nghiên cứu như Cheng and Soo (2015) chỉ với các nhân tố đặc điểm tính cách: Nhu cầu thành đạt, năng lực bản thân, chấp nhận rủi ro, chấp nhận sự không chắc chắn, khả năng kiểm soát. Qua đó, nhằm xem xét mối quan hệ giữa các nhân tố này với động lực để bắt đầu một DN và chúng trả lời cho 2 câu hỏi: Tôi có muốn làm việc đó không, hay tôi có muốn bắt đầu và điều hành một DN không (4 nhân tố đầu); Tôi thấy tôi có khả năng làm và đủ nguồn lực để làm việc đó không, hay tôi có đủ khả năng và nguồn lực để bắt đầu và điều hành một DN không (nhân tố thứ 5, khả năng kiểm soát).
Fereidouni và cộng sự (2010) lại đưa ra các nhân tố thuộc về môi trường kinh tế, xã hội, chính trị là tầm quan trọng của môi trường kinh doanh thuận lợi, các xung đột bên ngoài quốc gia và tình trạng xã hội (địa vị xã hội của chủ DN), cũng chỉ trả lời 2 câu hỏi như trong nghiên cứu Cheng and Soo. Các môi trường này tác động đến hoạt động kinh doanh bằng cách đóng góp vào việc hình thành thái độ tích cực và tăng cường nhận thức kiểm soát hành vi của cá nhân. Để gia tăng độ giải thích cho ĐLKD, một số nghiên cứu khác đã cùng lúc trả lời cả 3 câu hỏi trên thông qua mô hình tích hợp các nhân tố cá nhân và môi trường.
Mặc dù không khẳng định rằng YĐKD và ĐLKD là một, như Yushuai và cộng sự (2014), nhưng theo Malebana: “Cả YĐKD và ĐLKD được định hình bởi các yếu tố cá nhân và môi trường”. Điều này cũng được Lý thuyết về Ý tưởng kinh doanh chỉ ra, các yếu tố cá nhân và môi trường có thể ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến YĐKD, ĐLKD bằng cách tác động đến niềm tin và thái độ về tinh thần của doanh nhân (Liñán và cộng sự, 2013; Boyd and Vozikis, 1994, Liñán and Chen, 2009) (trích dẫn trong Malebana, 2014. p 710). Trong nghiên cứu của mình, Taormina and Lao (2007) đã cố gắng kiểm tra cả tính cách cá nhân và môi trường bên ngoài vì ảnh hưởng tương đối của chúng đối với ĐLKD.
Để đánh giá tầm quan trọng tương đối này, Taormina and Lao sử dụng đồng thời cả đặc điểm tâm lý và nhận thức của con người về môi trường kinh doanh (chứ không phải bằng cách đánh giá các yếu tố môi trường từ xa). Cách tiếp cận này, dựa trên ý tưởng các yếu tố môi trường, chỉ có thể ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến động lực của một người để bắt đầu một DN nếu những yếu tố này được nhận thức trước tiên và sau đó được các doanh nhân hoặc doanh nhân tiềm năng đánh giá.
Các biến tâm lý/hành vi gồm: Phấn đấu thành đạt, lạc quan, mạng lưới xã hội (là biến hành vi bên ngoài đem lại và có thể được xem xét như một yếu tố môi trường) và biến môi trường bên ngoài (là một tập hợp các yếu tố thuộc môi trường kinh doanh). Tương tự, theo Yushuai và cộng sự (2014), ĐLKD là một hiện tượng tâm lý rất rộng và phức tạp bị tác động bởi các yếu tố cá nhân (năng lực bản thân, xu hướng rủi ro) và môi trường (bầu không khí kinh doanh/ý kiến người xung quanh, huy động tài nguyên/khả năng huy động vốn, chính sách kinh doanh).
Lý thuyết về Hành vi dự định tiếp tục được Malebana (2014) sử dụng để khám phá ảnh hưởng của các yếu tố quyết định YĐKD (thái độ, ý kiến người xung quanh, nhận thức kiểm soát hành vi) và YĐKD với ĐLKD. Ngoài ra, ĐLKD cũng có thể được định hình bằng các khía cạnh môi trường nhất định bao gồm: Việc tiếp xúc với các hình mẫu chủ DN; vị trí xã hội của chủ DN; về hỗ trợ kiến thức kinh doanh sẵn có; các rào cản của việc bắt đầu và điều hành một DN.
3. Kết luận
Lý thuyết Hành vi dự định TPB đã giải thích cho bản thân khái niệm ĐLKD. Cụ thể, kết quả cuối cùng của ĐLKD là việc bắt đầu và điều hành một DN, đây là hành vi có dự định. Cá nhân có ĐLKD khi người đó quyết định tìm kiếm, đánh giá và khai thác các cơ hội kinh doanh trong quá trình thành lập, duy trì và phát triển DN. Theo Ajzen, có 2 nhóm yếu tố ảnh hưởng tới ý định kinh doanh: Nhóm các yếu tố bên trong (cá nhân) như thái độ đối với hành vi bắt đầu một DN, niềm tin của bản thân đối với sự thành công của hoạt động bắt đầu, điều hành DN và Nhóm các yếu tố bên ngoài (môi trường) như ý kiến người xung quanh (Đoàn Thị Thu Trang, 2018).
Tương tự, nhiều nghiên cứu thực nghiệm đã chứng minh YĐKD và ĐLKD có hàm ý tương tự nhau và đều là loại hành vi có dự định. Hơn nữa, hầu hết các nghiên cứu thực nghiệm này trên nền tảng Lý thuyết Hành vi dự định đã chỉ ra các nhân tố cá nhân và môi trường đều giúp giải thích và xác định ĐLKD. Các nhân tố cá nhân gồm: Nhu cầu thành đạt, nhận thức được cơ hội, tinh thần lạc quan, năng lực bản thân, dám chấp nhận rủi ro, khả năng kiểm soát… Nội hàm các nhân tố này thể hiện niềm tin, thái độ tích cực hoặc tiêu cực hay khả năng kiểm soát bản thân đến hành vi bắt đầu và điều hành một DN.
Những cá nhân với thái độ nghiêm túc bằng sự cố gắng nỗ lực; với tinh thần, niềm tin lạc quan tràn đầy hy vọng hay tự tin vào năng lực của bản thân, đương đầu với những thách thức, rủi ro sẽ thúc đẩy động lực thực hiện hành vi bắt đầu và điều hành một DN. Tuy nhiên, các cá nhân này không thực hiện hành vi bắt đầu và điều hành DN một cách độc lập mà tồn tại trong môi trường đầy biến động. Nếu họ tin vào mạng lưới xã hội thuận lợi hay quan sát thấy các hình mẫu doanh nhân có thể học hỏi, bắt chước cũng như sự đánh giá, nhìn nhận của những người xung quanh, cộng đồng, xã hội về giá trị của chủ DN hay họ dễ dàng kiểm soát được việc tiếp cận vốn sẽ kích thích hành vi bắt đầu và điều hành DN của họ. Còn nếu, họ nhận thức được càng nhiều rào cản thì động lực để bắt đầu và điều hành một DN sẽ càng giảm xuống.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Ajzen, I. (1991). Theory of planned behavior. Organizational Behavior and Human Decision Processes, 50(2), 179-211.
- Bandura, A. (1997). Self-efficacy: The exercise of control. New York, USA: Freeman.
- Carsrud, A. and Brännback, M. (2011). Entrepreneurial Motivations: What Do We Still Need to Know?. Journal of Small Business Management, 49(1), 9-26.
- Cheng, L. T. and Soo, H. N. (2015). Motivation to start a small business: a study among generation Y in Taiwan. Problems and Perspectives in Management, 13(2), 320-329.
- Đoàn Thị Thu Trang (2018), Đánh giá những yếu tố ảnh hưởng tới ý định khởi nghiệp của sinh viên Việt Nam: Nghiên cứu trường hợp sinh viên khối ngành kỹ thuật, Luận án tiến sĩ Đại học Bách Khoa Hà Nội.
- Fereidouni, H. G., Masron, T. A., Nikbin, D and Amiri, R. E. (2010). Consequences of external environment on entrepreneurial motivation in Iran. Asian Academy of Management Journal, 15(2), 175-196.
- Fishbein, M and Ajzen, I. (1975), Bilief, attitude, intention and behavior: An introduction to theory and research. Reading, MA, USA: Addison-Wesley.
- Malebana, M. J. (2014). Entrepreneurial Intentions and Entrepreneurial Motivation of South African Rural University Students. Journal of Economics and Behavioral Studies, 6(9), 709-726.
- Souitaris, V., Zerbinati, S. and Al-Laham, A. (2007). Do entrepreneurship programmes raise entrepreneurial intention of science and engineering students? The effect of learning, inspiration and resources. Journal of Business Venturing, 22(4), 566-591.
- Taormina, R. J. and Lao, S. K. (2007). Measuring Chinese entrepreneurial motivation personality and environmental influence. International Journal of Entrepreneurial Behaviour & Research, 13(4), 200-221.
- Yushuai, W., Na, Y. and Changping, W. (2014). An Analysis of Factors Which Influence Entrepreneurial Motivation Focused on Entrepreneurs in Jiang Xi Province in China.Journal of Applied Sciences, 14(8), 767-775.
Theoritical foundation to identify individual and environment factors affecting the driving forces of a business
Master. Vu Quang Hung
Faculty of Economics, Tay Bac University
ABSTRACT:
The business intention and driving forces of a business share same implications and they are planned behaviors towards the goal of establishing and operating an enterprise. Therefore, the Theory of Planned Behavior is the fundamental theory that identifies individual and environmental factors affecting the business motivation. This research studies the theoretical foundation to identify individual and environment factors affecting the driving forces of a business.
Keywords: TPB theory, TRA theory, driving forces of a business.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 11, tháng 5 năm 2020]