Khai thác các giá trị văn hóa của người Cơ Tu tại huyện Hòa Vang, Thành phố Đà Nẵng trong hoạt động du lịch theo hướng bền vững

ThS. NGUYỄN HOÀI NHÂN - NGUYỄN THANH TÚ (Khoa Kinh tế - Quản trị, Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai)

 

TÓM TẮT:

Mục đích của nghiên cứu này là đánh giá các giá trị văn hóa (VH) của người Cơ Tu tại huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng và thực trạng khai thác các giá trị VH ấy trong hoạt động du lịch (DL). Nghiên cứu chỉ ra rằng hoạt động DL của địa phươnghiện nay đang gặp nhiều khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Địa phương chưa chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống trong phát triển DL.

Ngoài ra, trở ngại về tài chính và cơ sở vật chất kỹ thuật cũng là yếu tố hạn chế để phát triển DL của huyện. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm khai thác có hiệu quả các giá trị VH của người Cơ Tu trong hoạt động DL theo hướng bền vững và gợi mở một số hàm ý giúp chính quyền địa phương và các doanh nghiệp hoàn thiện sản phẩm DL của mình.

Từ khóa: du lịch văn hóa, văn hóa Cơ Tu, du lịch bền vững, tài nguyên du lịch, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng.

1. Đặt vấn đề

Việt Nam có 54 dân tộc cùng sinh sống và được phân bố rải rác từ Bắc đến Nam. Mỗi dân tộc đều mang bản sắc riêng đã tạo ra một nền văn hóa hết sức phong phú, đa dạng và có thể khai thác để phát triển DL. Đà Nẵng là vùng đất có bề dày lịch sử và văn hóa, có nhiều tiềm năng phát triển DL. Nhóm dân tộc thiểu số Cơ tu sống tập trung trong mấy làng nhỏ ở huyện Hòa Vang đã góp phần tô thêm cho bức tranh văn hoóa Đà Nẵng thêm đa dạng, đặc sắc. Hiện nay Hòa Vang đang phát triển một cách tự phát loại hình DL cuối tuần. Định hướng của chính quyền huyện Hòa Vang nói riêng và thành phố Đà Nẵng nói chung là quy hoạch thành một điểm DL của Đà Nẵng.

Do đó, những giá trị văn hóa dân tộc Cơ tu nơi đây sẽ đóng vai trò không nhỏ cho việc phát triển một loại hình DL sinh thái - văn hóa độc đáo, hấp dẫn, thu hút được nhiều du khách, không chỉ du khách thành phố và các tỉnh lân cận mà còn cả du khách trong nước, thậm chí là du khách quốc tế khi đến với Đà Nẵng nếu được khai thác tốt. Chủ đề về khai thác các giá trị VH của người Cơ tu tại huyện Hòa Vang, Đà Nẵng trong hoạt động DL chưa có nhiều công trình nghiên cứu và đánh giá cụ thể. Ngoại trừ nghiên cứu của Nguyễn Thị Ngọc Trinh “VH vật chất của người Cơ Tu ở xã Hòa Bắc huyện Hòa Vang, Thành phố Đà Nẵng”. Tuy nhiên, các nghiên cứu trước đó chỉ tập trung vào việc mô tả, đánh giá các giá trị VH của người Cơ Tu,chưa tập trung vào việc phân tích, đánh giá thực trạng khai thác các giá trị VH của người Cơ Tu trong hoạt động DL.

2. Cơ sở lý thuyết

2.1. DL văn hóa và nguồn lực phát triển DL văn hóa

Theo Trần Văn Thông (2005, Tr. 30), du lịch văn hóa “là loại hình DL mà du khách muốn được thẩm nhận bề dày VH của một nước, một vùng thông qua các di tích lịch sử, VH, những phong tục tập quán còn hiện diện”. Hình thức DL VH dựa vào bản sắc VH dân tộc, có sự tham gia cộng đồng nhằm hướng đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị VH truyền thống (Luật DL, 2005). Do vậy, DL VH chủ yếu dựa vào những sản phẩm VH, những lễ hội truyền thống dân tộc, kể cả những phong tục tín ngưỡng để tạo sức hút đối với khách DL bởi đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu, khám phá VH và phong tục tập quán địa phương.

co tu
Lễ hội cồng chiêng của đồng bào Cơ tu ở thôn Tà Lang và Giàn Bí, xã Hòa Bắc

2.2. DL bền vững và nguyên tắc phát triển DL bền vững

Tổ chức DL Thế giới (UNWTO) (1992) đã đưa ra định nghĩa: “DL bền vững là việc phát triển các hoạt động DL nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại của khách DL và người dân bản địa trong khi vẫn quan tâm đến việc bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên cho việc phát triển hoạt động DL trong tương lai.

DL bền vững sẽ có kế hoạch quản lý các nguồn tài nguyên nhằm thỏa mãn các nhu cầu về kinh tế, xã hội, thẩm mỹ của con người, trong khi đó vẫn duy trì được sự toàn vẹn về VH, đa dạng sinh học, sự phát triển của các hệ sinh thái và các hệ thống hỗ trợ cho sự phát triển của con người”. Để khai thác có hiệu quả các giá trị tài nguyên VH trong hoạt động DL, chúng ta cần phải thực hiện các nguyên tắc cơ bản sau: (i) Bảo tồn bản sắc VH của dân tộc và (ii) Phát huy bản sắc VH dân tộc; (iii) Tạo việc làm và mang lại lợi ích cho cộng đồng cư dân địa phương (Luật DL, 2005).

3. Các giá trị văn hóa và hoạt động khai thác giá trị văn hóa của người Cơ tu trong hoạt động DL tại huyện Hòa Vang, Đà Nẵng theo hướng bền vững

Xét một cách tổng thể, tài nguyên sử dụng trong hoạt động DL VH được lấy từ tài nguyên DL nhân văn gồm 2 dạng: (i) VH vật thể và (ii) VH phi vật thể (Luật Di sản, 2010). Dân tộc Cơ tu là dân tộc mang bản sắc văn hóa đặc sắc cả về văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Nhiều giá trị văn hóa vẫn được người Cơ tu gìn giữ, bảo tồn cho đến ngày nay.

3.1. VH vật thể

Nét VH của người Cơ tu còn được thể hiện thông qua kiến trúc nhà ở, trang phục, ẩm thực và làng nghề truyền thống. Đây là những giá trị VH vô cùng đặc sắc, có tính thẩm mỹ rất cao và mang giá trị về mặt tôn giáo, tín ngưỡng.

Lối kiến trúc của người Cơ Tu ở huyện Hòa Vang, Đà Nẵng mang những nét VH riêng đi liền với tôn giáo, tín ngưỡng, trong đó phải kể đến ngôi nhà Gươl. Gươl là nơi cư ngụ của thần linh, là không gian sinh hoạt và cũng là nơi biểu tượng cho sức mạnh cộng đồng.Nhà ở của người Cơ tu ngày nay là kiểu nhà đất với sự hội nhập điều kiện sống mới. Tuy nhiên, trước đây ngôi nhà sàn hoặc nửa sàn nửa đất đã từng tồn tại trên vừng đất này. Nhà sàn của người Cơ tu được làm từ vật liệu tre nứa và được trang trí bằng một số hình thù như những mảnh gỗ hình mặt trăng khuyết, cặp sừng trâu, tượng chim,… ở trên đường bờ nóc hai phía 2 đầu hồi.

hoa vang
Du khách xem trình diễn dệt thổ cẩm Cơ tu

Trang phục truyền thống cũng là một yếu tố rất quan trọng góp phần làm nên bản sắc văn hóa của một cộng đồng dân tộc nói chung của tộc người Cơ Tu nói riêng. Sắc màu chủ đạo của trang phục người Cơ Tu là màu đen thẫm chen lẫn các dải màu.

Nét nổi bật trong trang phục của người Cơ Tu là hoa văn trang trí được dệt trực tiếp bằng hạt cườm với nhiều loại khác nhau: cườm nhựa, cườm chì, cườm mã não. Đi kèm với trang phục là đồ trang sức bằng chất liệu như: răng nanh heo, bạc, cườm nhựa, mã não...

Cũng giống như những dân tộc thiểu số khác cư trú trên khu vực Trường Sơn-Tây Nguyên, trang phục truyền thống của Cơ Tu ởHòa Vang nói riêng, của dân tộc Cơ Tu nói chung có sự phân chia theo giới tính nam, nữ cũng như mục đích sử dụng (thường ngày, lễ cưới, lễ hội…) và không có sự phân chia đẳng cấp giàu nghèo.

Người Cơ tu là một trong những nét văn hóa độc đáo với những món ăn và đồ uống rất đặc trưng. Các món ăn, thức uống được sử dụng một cách phổ biến cả trong đời sống hằng ngày lẫn trong các lễ nghi tín ngưỡng, đình đám, hội hè. Các món ăn thường chế biến theo cách riêng phù hợp với đặc điểm  dân tộc Chăm nên sẽ lạ miệng và hấp dẫn du khách. Điển hình như: Kdal um (là món ăn đặc sản của bà con), Mối rang (Clap padieng), Zờ rá, bánh Acuốc, bánh Pó, rượu cần và rượu tàvak.

Tóm lại, kho tàng VH của người Cơ Tu là một kho tàng đa dạng, đặc sắc và bảo lưu nhiều giá trị truyền thống của dân tộc. Trên cơ sở nền tảng chung này, các giá trị, thành tố VH cụ thể được hình thành, chi phối, nuôi dưỡng và phát triển không ngừng. Đồng thời từ đó, chúng lại bổ sung và bồi đắp trở lại để làm giàu thêm bản sắc VH của dân tộc góp phần vào việc phát triển kinh tế của vùng và địa phương.

co tu
Mâm cỗ truyền thống của người Cơ Tu

3.2. VH phi vật thể

Giá trị văn hóa của người Cơ Tu tại huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng chứa đựng cả một kho tàng VH phi vật thể vô cùng phong phù, hấp dẫn và có giá trị. Đây được xem như là một bảo tàng sống của cộng đồng người Cơ Tu đã sáng tạo và bảo tồn những giá trị VH độc đáo riêng có của dân tộc mình về mặt âm nhạc, lễ hội, phong tục tập quán. Những nét VH ấy đã góp phần tạo nên sự đa dạng cho nền VH Việt Nam, góp phần làm đa dạng hóa sản phẩm DL cho thành phố Đà Nẵng. Trong đó, lễ hội là một nét văn hóa độc đáo mang đặc tính riêng của họ còn tồn tại tương đối nguyên sơ, trong đó lễ hội tiêu biểu nhất đó là: Lễ hội Đăh t`rí (đâm trâu) và Lễ hội mừng lúa mới.

Lễ hội đâm trâu là lễ hội dân gian truyền thống của dân tộc Cơ Tu và một số dân tộc khác ở vừng Trường Sơn - Tây Nguyên. Đối với dân tộc Cơ Tu ở huyện Hòa Vang, lễ hội này vẫn được dân làng gìn giữ và tổ chức khi có điều kiện với đầy đủ các nghi thức, nghi lễ và ý nghĩa của nó. Đối với đồng bào Cơ Tu, con trâu tiêu biểu cho quyền lực, uy tín của làng. Đâm trâu là dịp đồng bào chung vui, hỏi thăm nhau, báo với thần linh, với Yàng về sức  khỏe, công việc làm ăn của cộng đồng.

Lễ hội mừng lúa mới là một lễ hội mang đậm bản sắc của dân tộc Cơ Tu. Tuy lễ hội này không lớn và tổ chức công phu bằng lễ hội Đăh t`rí, nhưng ý nghĩa của nó cũng vô cùng sâu sắc, mang tính nhân văn và tính cộng đồng cao cả. Đây là lễ hội ăn mừng một mùa vụ thu hoạch mới. Được tổ chức vào khoảng tháng 8, tháng 9 và tháng 10 hàng năm.

Với người Cơ Tu, âm nhạc và múa có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần, là những thành tố tạo nên tinh hoa di sản VH phi vật thể của đồng bào Cơ Tu. Trong đó, có hai di sản thuộc loại hình diễn xướng dân gian: Vũ điệu tung tung za zá và nghệ thuật hát lý - nói lý của đồng bào Cơ Tu  đã được đưa vào danh mục di sản VH phi vật thể quốc gia. Tài sản tinh thần quý giá đó đã được đồng bào tích lũy bao đời, làm nên bản sắc VH đặc trưng của dân tộc, mang giá trị VH tinh thần rất hấp dẫn khách DL.

lua moi
Đồng bào Cơ Tu vào hội mừng lúa mới

3.3. Hoạt động khai thác các giá trị văn hóa của người Cơ tu dưới góc độ phát triển DL bền vững

Hoạt động DL tại huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng vốn có, trong đó phải kể đến các giá trị VH của người Cơ Tu. Sự hạn chế đó xuất phát từ thực trạng khai thác thiếu tính bền vững các giá trị VH trong phát triển DL. Cụ thể:

DL khám phá VH người Cơ Tu tại huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng mới chỉ dừng lại ở việc đưa du khách “đi xem” chứ chưa thực sự trải nghiệm để tìm hiểu đầy đủ về VH bản địa. Du khách vào các buôn làng chỉ để xem các điệu múa truyền thống, xem người dân bản địa dệt thổ cẩm, thưởng thức đặc sản của người Cơ Tu hoặc Trekking trong rừng và tham gia các hoạt động Team building... Nội dung VH được truyền đạt một cách sơ sài, cốt yếu là phục vụ nhu cầu giải trí, thỏa mãn sự tò mò của du khách. Các điểm giao lưu VH vẫn chủ yếu khai thác VH một cách đơn giản như nói ở trên. VH dân gian nguyên bản mới thực sự là sản phẩm DL văn hóa đúng nghĩa.

VH truyền thống bị mai một và chịu tác động của cơ chế thị trường. Hiện nay, khu vực huyện Hòa Vang có sự cộng cư của người Kinh và các công ty DL trong và ngoài Thành phố Đà Nẵng đang triển khai các dự án phát triển tour, tuyến nhằm khai thác các giá trị VH của người Cơ Tu trong hoạt động DL, điển hình như mô hình DL cộng đồng, DL homestay, DL VH - sinh thái,... Do vậy, áp lực về bảo tồn VH của người Cơ Tu là rất lớn. Mặt khác, nền tảng của VH Cơ Tu là núi rừng đã bị tàn phá nhiều, điều đó đẩy nhanh quá trình biến đổi VH của người dân nơi đây.

Các lễ hội truyền thống của người Cơ Tu chưa được khai thác đúng mức phục vụ DL. Một mặt vì mùa cao điểm DL nội địa (từ tháng 6 đến tháng 8) không trùng khớp với thời điểm diễn ra lễ hội, trong khi thị trường khách quốc tế chưa đáng kể. Mặt khác, nhiều lễ hội đứng trước nguy cơ mai một do sự thay đổi cơ cấu kinh tế hoặc các điều kiện khách quan khác. Đơn cử như: lễ hội mừng lúa mới, lễ hội đâm trâu… về lâu về dài nếu chúng ta không có các giải pháp khai thác hiệu quả thì rất dễ bị thương mại hóa, làm mất đi giá trị truyền thống vốn có của nó.

Mặc khác, với những khó khăn đang gặp phải, đặc biệt là về vấn đề tài chính như cơ sở hạ tầng kỹ thuật của huyện (đường giao thông, điện, nước,… ) và của ngành DL (khách sạn, nhà hàng, điểm vui chơi giải trí, phương tiện vận chuyển…) chưa được đầu tư xây dựng thỏa đáng, nhiều chính sách phát triển chưa khả thi, hợp lí. Vì vậy, nhiều tài nguyên DL hấp dẫn của huyện vẫn đang bị bỏ ngỏ trong đó có làng văn hóa dân tộc Cơ tu. Nếu được quan tâm đúng mức thì Hòa Vang chắc chắn sẽ thu hút được nhiều khách DL đến và sẽ tăng thu nhập rất lớn cho người dân địa phương.

Với thực trạng của công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của người Cơ Tu trong hoạt động DL đã nêu ở trên, chúng ta dễ dàng nhận thấy bản thân người Cơ Tu cũng như các cơ quan có trách nhiệm của huyện Hòa Vang và thành phố Đà Nẵng phải thực hiện những giải pháp gì để bảo tồn các giá trị văn hóa ấy.

le hoi
Vũ điệu tung tung za zá của đồng bào Cơ Tu  đã được đưa vào danh mục di sản VH phi vật thể quốc gia

4. Giải pháp phát triển hoạt động DL văn hóa của người Cơ Tu tại huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng theo hướng bền vững

Trên cơ sở một số hạn chế trong khai thác các giá trị văn hóa của người Cơ Tu trong phát triển DL tại huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng, nhóm tác giả đề xuất các giải pháp sau:

  • Quy hoạch phát triển DL văn hóa một cách khoa học

Trước hết, không để việc khai thác diễn ra một cách tự phát, không những không mang lại hiệu quả mà còn có nguy cơ phá hoại những giá trị VH đó, mà phải được quy hoạch một cách khoa học, quy củ để các giá trị văn hóa đó vừa được bảo tồn, vừa được phát huy một cách có hiệu quả nhất. Để làm được việc này, cần xây dựng được khung pháp lý cần thiết để quản lý các loại hình DL mới và bảo vệ quyền lợi của các cộng đồng cư dân địa phương. Khi ban hành và thực thi các chính sách về kinh tế - xã hội…, cần xem xét đến các vấn đề đặc trưng của VH của người Cơ Tu, tạo điều kiện cho người dân tham gia giữ gìn và phát huy các giá trị VH của dân tộc mình thông qua hoạt động DL theo hướng bền vững.

  • Nâng cao nhận thức của cộng đồng cư dân địa phương

Trước tiên, chính quyền các cấp phải giáo dục cho người Cơ Tu nhận thức được các di sản văn hóa truyền thống, văn hóa dân gian của họ là một di sản vô cùng quý giá, phong phú và đa dạng, chứa đựng nhiều giá trị, vì văn hóa chính là tiêu chí đầu tiên và quyết định trong việc phân loại tộc người. Nếu như bị mất các di sản này hoặc bị đồng hóa VH thì bản sắc Cơ Tu sẽ không còn nữa mà đó là một nền VH nói chung của các tộc người nói chung trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Khi đó, hiển nhiên một điều tất yếu sẽ xảy ra đó là cái tên “dân tộc Cơ tu” chỉ còn trên danh nghĩa. Khi đã giúp được người Cơ tu nhận thức được vấn đề đó, chắc chắn họ sẽ tự có ý thức để bảo tồn các di sản VH đầy giá trị đó mà chính họ và chỉ có bản thân họ mới đóng vai trò quan trọng nhất trong việc giữ gìn chúng mà thôi.

  • Phát triển mô hình làng DL

Để xây dựng làng DL, việc làm trước tiên là phải có quy hoạch đồng bộ; kết hợp với việc giới thiệu, cung ứng các các sản phẩm dịch vụ DL mang đậm bản sắc địa VH địa phương trong thời gian khách lưu trú tại các buôn làng. Các cơ sở lưu trú ở đây phải phù hợp với cảnh quan thiên nhiên; cần tạo điều kiện cho khách tham gia trực tiếp vào việc tự tay chế biến các món ăn, các loại đồ uống giải khát dưới sự hướng dẫn của người dân địa phương. Tạo điều kiện để du khách được thưởng thức các món đặc sản của địa phương; kết hợp với việc cho thuê hoặc bán các trang phục truyền thống của cộng đồng để khách DL có tâm lý thật sự được hoà mình vào cuộc sống của người dân bản địa.

Tổ chức các buổi sinh hoạt dưới mái nhà Gươl, cùng uống rượu cần, cùng hát múa các bài ca, điệu múa truyền thống của đồng bào, cùng nghe già làng kể chuyện bên bếp lửa ấm cúng,… Ngoài ra, còn có thể tổ chức các hoạt động trò chơi dân gian, các hoạt động thể thao dân gian của đồng bào dân tộc nơi đây. Một điều đặc biệt hơn cả là việc tổ chức các lễ hội truyền thống với đầy đủ trình tự và mang đầy đủ ý nghĩa của nó, điển hình là lễ hội Cồng Chiêng, lễ hội đâm trâu, lễ hội mừng lúa mới.

Để xây dựng các làng DL với các đặc điểm trên cần phải kêu gọi sự đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong việc xây dựng các cơ sở vật chất kỹ thuật DL. Cần thực hiện các chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư.

  • Đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển DL

Tăng cường đầu tư hơn nữa vào việc xây dựng các công trình công cộng và các cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành DL, đặc biệt là hệ thống các cơ sở lưu trú các nhà hàng đặc sản với kiến trúc riêng mang những nét đặc trưng của dân tộc và phù hợp với cảnh quan thiên nhiên xung quanh.

Đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, có tâm huyết gắn bó với VH - xã hội người Cơ tu để phát huy tốt giá trị VH gắn với phát triển xã hội; tạo điều kiện cho các chủ thể VH được hưởng lợi từ các dự án, chính sách phát triển DL. Đối với việc trao truyền cho thế hệ trẻ, cần phải đầu tư hơn nữa việc mở các lớp đào tạo cán bộ văn hóa người dân tộc địa phương. Trang bị, đào tạo cho họ những phương pháp hữu ích nhất trong việc tuyên truyền để đồng bào nhận thức những giá trị văn hóa truyền thống của mình và công tác bảo tồn phát huy những giá trị đó. Cần phải tạo điều kiện cho con em người Cơ Tu được học hành đến nơi đến chốn cùng với con em người Kinh để tiếp thu những tinh hoa VH ngoại sinh và loại trừ những hủ tục lạc hậu còn tồn tại trong buôn làng.

  • Công tác tuyên truyền, quảng bá DL

Hiện nay số lần tổ chức lễ hội trong năm của người Cơ tu còn rất thưa thớt do thiếu nguồn kinh phí tổ chức. Để các lễ hội diễn ra nhiều hơn nhưng không lãng phí cần phải có sự đầu tư của các cấp chính quyền để tạo điều kiện cho đồng bào tổ chức lễ hội mang màu sắc văn hóa truyền thống để thu hút khách DL đến với buôn làng nhiều hơn. Các buổi giao lưu văn hóa, liên hoan văn nghệ cần được tổ chức thường xuyên.

Các tranh ảnh, sách báo và một số hiện vật hay sản phẩm văn hóa đặc trưng của người Cơ Tu cần phải được đưa đến trưng bày tại các viện bảo tàng để mọi người được biết, đặc biệt là khách DL có thể hiểu hơn về những giá trị văn hóa của địa phương, từ đó thôi thúc họ đến với đồng bào để chiêm nghiệm, tìm hiểu và thực hiện mục đích chuyến đi của mình. Tăng cường sự giao lưu hơn nữa giữa khách DL với cư dân địa phương để tạo ra một mối quan hệ thân mật, giúp khách DL thực sự sống với đồng bào và giúp họ có cảm nhận và những trải nghiệm sâu sắc sau chuyến đi của mình.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chính phủ (2011), Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030.
  2. Quốc hội (2017), Luật Du lịch Việt Nam.
  3. Trần Văn Thông (2005), Tổng quan Du lịch, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội.
  4. Nguyễn Thị Ngọc Trinh (2018), Văn hóa vật chất của người Cơ Tu ở xã Hòa Bắc huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, Luận văn Thạc sĩ, Học viện Khoa học Xã hội.
  5. Nguyễn Ngọc Hòa (2014), Xây dựng đời sống Văn hóa của người Cơ Tu ở Quảng Nam, Tạp chí Tuyên giáo, Số 4.
  6. Thái Bình (2020), Đồng bào Cơ Tu bảo tồn Văn hóa, Báo Quảng Nam.
  7. Vy Hậu (2019), Nét đẹp Văn hóa Cơ Tu ở Đà Nẵng, Báo Công an Nhân dân Thành phố Đà Nẵng.