Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của sinh viên các trường đại học tại Việt Nam

TS. LÊ ANH ĐỨC (Trường Đại học Kinh tế quốc dân)

TÓM TẮT:

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đang là chủ đề được cả nước quan tâm, nhiều chương trình, cuộc thi khởi nghiệp của các tổ chức đã được triển khai nhằm thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đối với sinh viên trong các trường đại học. Bài viết này làm rõ cơ sở lý luận và vai trò của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo qua việc phân tích thực trạng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của sinh viên các trường đại học tại Việt Nam và đề xuất một số giải pháp thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của sinh viên các trường đại học trong thời gian tới.

Từ khóa: khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, sinh viên, trường đại học, startup.

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh công nghiệp 4.0, sự chuyển dịch từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế số trong khoảng hơn một thập niên trở lại đây đã và đang mang lại những chuyển biến tích cực trên mọi phương diện của đời sống kinh tế - xã hội. Cuộc cách mạng này đã tạo ra sự tăng trưởng mạnh mẽ của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và thuật ngữ "khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" đã trở thành chủ đề nóng đang được cả nước quan tâm.

Trường đại học với vai trò tiên phong thực hiện sứ mệnh thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua việc cung cấp cho xã hội những nhân lực được trang bị tư duy và kỹ năng cần thiết cùng các kết quả nghiên cứu mang tính ứng dụng. Các trường đại học tại Việt Nam cũng đã bắt đầu phát triển đội ngũ giảng viên nguồn khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, đây là đội ngũ giảng viên đến từ các khoa quản trị kinh doanh, đổi mới sáng tạo của nhà trường hoặc các khoa về kinh doanh, công nghệ của nhà trường. Bên cạnh đó, còn tạo điều kiện để đội ngũ giảng viên về hỗ trợ khởi nghiệp học tập nâng cao trình độ chuyên môn để trực tiếp giảng dạy các chuyên đề về khởi nghiệp, tinh thần doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo, đổi mới xã hội tại trường, hỗ trợ sinh viên phát triển ý tưởng trên tinh thần đổi mới sáng tạo, tư vấn, hỗ trợ sinh viên các giải pháp để nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ trong các dự án, ý tưởng của sinh viên.

Nội dung tiếp theo của bài viết sẽ làm rõ cơ sở lý luận về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và vai trò của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Sau đó là phân tích thực trạng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của sinh viên các trường đại học tại Việt Nam và đề xuất một số giải pháp thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của sinh viên các trường đại học trong thời gian tới.

2. Khái quát về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là bắt đầu một sự nghiệp bằng tất cả niềm đam mê khao khát và trải nghiệm tột độ cùng với nền công nghệ kỹ thuật cao nhằm tạo ra các mô hình hoặc sản phẩm có tính mới lạ, sáng tạo, đem lại sự tăng trưởng vượt trội và bứt phá trong cạnh tranh. Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giúp giải quyết những khoảng trống của thị trường và đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội hiện đại. Nhắc đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trước hết là nhắc đến sự vươn lên đỉnh cao của nền khoa học và công nghệ. Trong nhiều trường hợp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không phải chỉ trong lĩnh vực công nghệ thông tin hay công nghệ mới nhưng doanh nghiệp khi lên kế hoạch thực hiện đòi hỏi phải có sự mới mẻ, bước tiến đột phá trong kỹ thuật công nghệ hay một mô hình kinh doanh mới. Sự khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của một tổ chức hay cá nhân nào đều bắt đầu từ những ý tưởng mới lạ. Có những ý tưởng vô cùng lạ, thậm chí được xem là khó tin sẽ thành công tại thời điểm khởi sự. Mark Zuckerberg khi lên ý tưởng xây dựng một trang niên giám ảo độc quyền đã bị nhiều ý kiến cho rằng khó có thể áp dụng vào thực tế, hoặc chỉ nở rộ trong phạm vi nhỏ hẹp. Thời điểm bấy giờ, các trang mạng xã hội được yêu thích và vô cùng phổ biến như MySpace, Yahoo đang được cộng đồng mạng quan tâm và tìm kiếm. Ít ai ngờ được rằng, trang niên giám ảo ngày đó đã trở thành trang mạng xã hội có sức lan tỏa lớn nhất trên thế giới hiện nay.

Drucker (1999) cũng như nhiều học giả khác khẳng định khởi nghiệp luôn gắn bó chặt chẽ với đổi mới sáng tạo, hay nói ngược lại đổi mới sáng tạo chính là công cụ chính hình thành nên khởi nghiệp. Sự sáng tạo là yếu tố không thể thiếu trong các cuộc khởi nghiệp thành công của các doanh nghiệp. Bất kỳ một tổ chức cá nhân nào nếu không muốn chọn lựa đi lối mòn như những doanh nghiệp đang tồn tại trên thị trường, đều phải thay đổi tư duy và tạo ra sự khác biệt. Có như vậy, sản phẩm tạo ra mới đem lại sức hút và phát triển vượt trội. Robinson (1987) đã trích dẫn nhận định của nhà kinh tế học kinh điển Schumper, nhà nghiên cứu Robinson làm rõ sự khác nhau giữa một giám đốc và nhà khởi nghiệp ở chỗ giám đốc chỉ đơn giản điều hành một công ty, trong khi nhà khởi nghiệp chính là nhà cải cách sáng tạo. Shane (2003) đã đưa ra khái niệm cơ bản của khởi nghiệp là "một hoạt động liên quan tới sự khám phá, đánh giá, khai thác cơ hội nhằm giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ mới, cách thức mới điều hành doanh nghiệp, thị trường hay nguồn nguyên vật liệu mới mà trước đây chưa từng xuất hiện". Barbara (2013) đã định nghĩa: “Startup chỉ sự khởi nghiệp của một doanh nghiệp mới hình thành trên nền tảng kết quả khoa học công nghệ”.

Cơ quan phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa Hoa Kỳ - SBA (US Small Business Administrator) đưa ra khái niệm: Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Startup) là việc doanh nghiệp dựa trên công nghệ và có khả năng tăng trưởng nhanh (business that is typically technology oriented and has high growth potential). Nhà nghiên cứu về khởi nghiệp Steve Blank, Bob Dorf cho rằng: Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là tổ chức được hình thành để tìm kiếm mô hình kinh doanh có khả năng tăng trưởng và nhân rộng nhanh (organization formed to search for a repeatable and scalable business model).

Tại Việt Nam, theo Đề án Hỗ trợ Hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 844/QĐ-TTg Chính phủ ngày 18/5/2016, thì khởi nghiệp sáng tạo là quá trình hiện thực ý tưởng kinh doanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ và mô hình kinh doanh mới nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có khả năng tăng trưởng nhanh. Chủ thể thực hiện khởi nghiệp theo nghĩa này cũng có thể là cá nhân, nhóm cá nhân hoặc tổ chức. Với cách hiểu này, các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không giống như các công ty thương mại, sản xuất truyền thống, vì yếu tố nghiên cứu công nghệ và sáng tạo trong các doanh nghiệp khởi nghiệp rất cao. Do đó, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn liền với nhiều rủi ro. Nhưng nếu vượt qua các khó khăn thì có thể đem lại các giá trị kinh tế rất lớn vì sản phẩm, mô hình của các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có giá trị gia tăng cao và đặc biệt là có khả năng nhân rộng được.

3. Vai trò của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có những vai trò quan trọng cụ thể như sau:

Thứ nhất, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo góp phần tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch kinh tế: với những ngành có nhiều doanh nghiệp tham gia, các doanh nghiệp luôn tìm cách để thúc đẩy cạnh tranh, củng cố và nâng cao vị trí của mình. Theo Liñán và các cộng sự (2011), khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tạo ra cơ chế làm giảm tính không hiệu quả của nền kinh tế. Các doanh nghiệp ở nông thôn, vùng núi sẽ làm giảm tỷ trọng nông nghiệp ở những vùng này và tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ.

Thứ hai, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tạo nên tính đa dạng thị trường: những người khởi nghiệp góp phần tạo nên cho thị trường những ý tưởng, sự đổi mới, tính sáng tạo. Nhờ quy mô nhỏ mà các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo có khả năng chuyển đổi mặt hàng nhanh, phù hợp với nhu cầu thị trường. Các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo cạnh tranh nhau sẽ phải đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Họ luôn phải đổi mới sản phẩm của mình để tạo nên tính khác biệt trong thị trường.

Thứ ba, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo góp phần tăng tốc độ áp dụng công nghệ mới trong sản xuất: việc gia tăng các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo nhỏ dấn đến gia tăng sự cạnh tranh. Các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo muốn cạnh tranh cần phải luôn luôn thay đổi, tìm cách đổi mới công nghệ, giảm thiểu chi phí đầu vào, chi phí sản xuất. Họ luôn là những người tiên phong trong việc tìm tòi những phương thức sản xuất mới. Những sáng kiến của họ đôi khi không được áp dụng vào thực tiễn nhưng đã được các doanh nghiệp lớn mua lại để phát huy.

Thứ tư, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo góp phần sử dụng tốt vốn tri thức và năng lực của con người: thành lập doanh nghiệp đổi mới sáng tạo là cơ sở cho gia tăng việc khai thác, vận dụng các tri thức mới một cách hiệu quả hơn. Một cá nhân có thể khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần có đầy đủ năng lực phẩm chất, tầm nhìn chiến lược. Đây cũng là môi trường để cá nhân học hỏi tiếp thu, rút ra các bài học, đồng thời cũng sử dụng tốt khả năng vốn có của bản thân. Sự gia tăng trao đổi giữa các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và các ngành kinh doanh là cơ sở cho các hoạt động đổi mới và phát triển công nghệ, kinh tế.

Thứ năm, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nuôi dưỡng nguồn thu, tạo cơ hội phát triển kinh tế đột phá trong tương lai: với bản chất khởi nghiệp là quá trình chuẩn bị, hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh, đóng góp lớn nhất của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là giải quyết việc làm cho người lao động, chứ chưa thể đóng góp nhiều cho GDP hay ngân sách nhà nước như các doanh nghiệp vừa, doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp đã hoạt động lâu năm. Tuy nhiên, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là khởi nguồn của các nguồn thu cho ngân sách nhà nước trong tương lai. Làn sóng startup ở Việt Nam mới phát triển trong thời gian gần đây, có lẽ đánh dấu từ sự kiện của Nguyễn Hà Đông với Flappy Bird vào năm 2014. Chính yếu tố công nghệ của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã giúp các startup có thể nhân rộng rất nhanh với chi phí thấp, đem lại lợi nhuận rất lớn so với các doanh nghiệp truyền thống. Chính vì vậy chỉ trong một thời gian ngắn, Flappy Bird đã đem lại doanh thu hàng tỷ đồng cho Nguyễn Hà Đông và đóng góp ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, những câu chuyện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nổi tiếng trên thế giới như Apple, Facebook hay Uber đã minh chứng startup đang thay đổi thế giới và tạo ra giá trị kinh tế khổng lồ, thậm chí thay đổi thói quen của người sử dụng. Do đó, chỉ cần một vài doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công là có thể đem lại tác động to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Thứ sáu, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có vai trò quan trọng đối với định hướng tương lai nghề nghiệp của sinh viên: tại lễ phát động chương trình “Thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2016 - 2021 và Ngày hội Thanh niên khởi nghiệp tại Đại học Quốc gia Hà Nội ngày 16/10/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trong bài phát biểu của mình đã chia sẻ rằng: “Tôi nghĩ ở đây có rất đông các bạn trẻ, những ai có ước mơ, hoài bão, muốn trở thành người thành danh trong nghề nghiệp của mình, thành chủ doanh nghiệp, nhà lãnh đạo, muốn cống hiến cho xã hội trí lực và cống hiến hết sức tiềm năng bản thân mình thì phải cố gắng, vươn lên, khắc phục khó khăn để phát triển ngay khi còn ngồi ở giảng đường hay khi ra trường”. Ông khẳng định: "Khởi nghiệp là một trong những thước đo thành công của Chính phủ kiến tạo. Ngược lại, người dân, đặc biệt là lớp trẻ khởi nghiệp càng nhiều thì nền kinh tế càng năng động, chất lượng nguồn nhân lực được rèn luyện, nâng cao. Chưa bao giờ khởi nghiệp được sự quan tâm của Chính phủ và toàn bộ hệ thống chính trị như lúc này''. Chưa bao giờ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có những điều kiện thuận lợi như lúc này. Điều đó có thể thấy rằng, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của sinh viên hiện nay đang được Chính phủ rất quan tâm và đầu tư, chiếm một vai trò quan trọng trong việc định hướng sự phát triển trong tương lai không chỉ ở mỗi cá nhân mà còn mở ra một Chính phủ năng động, sáng tạo và tự chủ trong từng bước đi.

4. Thực trạng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của sinh viên các trường đại học tại Việt Nam

Trong những năm gần đây, Chính phủ đã ban hành rất nhiều chính sách hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Điều này thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong việc tạo dựng môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển và vươn ra quốc tế. Do (2021), Le và các cộng sự (2020) đã khẳng định khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đang là chủ đề được cả nước quan tâm, nhiều chương trình, cuộc thi khởi nghiệp của các tổ chức đã được triển khai nhằm khuyến khích tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên để lập nghiệp.

Trong khuôn khổ hoạt động của Diễn đàn Khởi nghiệp quốc gia 2019 (lần thứ 4) với chủ đề “Hoàn thiện chính sách hỗ trợ khởi nghiệp”, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã khẳng định "chìa khóa" của sự phát triển quốc gia ở thời điểm hiện tại nằm ở 2 cụm từ quan trọng là nâng cao chất lượng nguồn vốn con người và khởi nghiệp sáng tạo, đây là đôi cánh của nền kinh tế. VCCI đã báo cáo trên cả nước có chưa đến 10% doanh nghiệp khởi nghiệp thành công. Trong đó, hơn 60% doanh nghiệp được khảo sát yếu trong khâu tìm kiếm khách hàng, 42% doanh nghiệp phá sản do vấn đề sản phẩm (tạo ra các sản phẩm mà thị trường không cần). Điều này ngược lại với kinh nghiệm của các nước khác, đó là sự tập trung vào nghiên cứu phát triển sản phẩm để doanh nghiệp khởi nghiệp hạn chế rủi ro, tăng được số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp thành công. Theo kết quả khảo sát của mạng lưới kết quả toàn cầu, trong số 60 quốc gia tham gia khảo sát, Việt Nam nằm trong nhóm nước có tinh thần khởi nghiệp cao nhất thế giới, nhưng khả năng hiện thực các ý tưởng sáng tạo thì thuộc 20 nhóm cuối cùng.

Báo cáo “Bức tranh khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam 2019” do Cơ quan Thương mại và Đầu tư của Australia (Austrade) công bố cũng cho biết, hiện Việt Nam đang đứng thứ 3 ở Đông Nam Á về số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp. Theo đó, hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam đã phát triển qua 3 giai đoạn: làn sóng đầu tiên (2004 - 2007); làn sóng thứ hai (2007 - 2010); và làn sóng thứ ba (2011 đến nay). Trong đó, riêng làn sóng thứ ba, Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Nếu như năm 2012, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chỉ là 400 doanh nghiệp thì đến năm 2015, con số này đã lên tới gần 1.800 và 3.000 trong năm 2017. Cùng với đó, các không gian làm việc chung (co-working space), vườn ươm khởi nghiệp (Incubator) và tăng tốc khởi nghiệp (Accelerator) cùng các chương trình cho cộng đồng khởi nghiệp cũng bùng nổ từ năm 2016. Báo cáo cho rằng, hệ sinh thái đổi mới của Việt Nam tạo cơ hội đặc biệt cho các nhà đầu tư công nghệ. Việt Nam hiện có nhiều thuận lợi để thúc đẩy khởi nghiệp ở lĩnh vực này như: sự khuyến khích của Chính phủ, dân số trẻ, tỷ lệ người am hiểu công nghệ và hoạt động kỹ thuật số cao. Báo cáo của Austrade cũng chỉ ra 5 thách thức cơ bản của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam là: khả năng tiếp cận tài chính, tài năng và kỹ năng điều hành, hệ sinh thái phân mảnh, khả năng nghiên cứu và phát triển, vấn đề sở hữu trí tuệ.

Diễn đàn Khởi nghiệp Sáng tạo Hà Nội 2019 được diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia là diễn đàn quy mô cấp quốc gia và quốc tế, lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội bởi Tổ chức đổi mới sáng tạo toàn cầu Schoolab (Pháp), dưới sự bảo trợ của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tham dự diễn đàn có lãnh đạo Chính phủ, các Bộ ngành, cơ quan Trung ương và thành phố Hà Nội; Đại sứ quán một số nước tại Hà Nội; các diễn giả trong nước và quốc tế (chủ yếu là các chuyên gia cao cấp thuộc các lĩnh vực: công nghệ thông tin, tài nguyên môi trường, sáng tạo khởi nghiệp, tài chính,...); các nhà đầu tư, tập đoàn công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp trong và ngoài nước; đại diện một số học viện, trường đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn Hà Nội.

Thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 08/7/2019, nhằm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2019 - 2025, trong đó có bổ sung rất nhiều chính sách hỗ trợ, như: hỗ trợ hoạt động truyền thông; hỗ trợ hoạt động đào tạo phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ kinh phí phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, mặt bằng; hỗ trợ kinh phí thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, liên kết, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ tư vấn sở hữu trí tuệ,... với mục tiêu khuyến khích hỗ trợ phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Hà Nội. Đây là cơ hội kết nối cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố Hà Nội với cộng đồng các nhà khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với thế giới; kết nối các nhà đầu tư, chuyên gia, các tập đoàn lớn, các trường đại học, các viện nghiên cứu trong nước và quốc tế; khích lệ, động viên và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo trong cộng đồng người dân Việt Nam nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng, đặc biệt là với giới trẻ của thành phố Hà Nội. Đề án đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, hỗ trợ phát triển 500 dự án khởi nghiệp sáng tạo; 150 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thương mại hóa được sản phẩm, trong đó có ít nhất 20% doanh nghiệp gọi được vốn thành công từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập với tổng giá trị ước tính khoảng 500 tỷ đồng.

Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại đại đa số các trường đại học còn tồn tại một số hạn chế về mô hình tổ chức, nhận thức của sinh viên, giảng viên và nhà trường chưa cao; hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các bên liên quan chưa tốt, đặc biệt sự phối hợp giữa doanh nghiệp và nhà trường thiếu thông tin và cơ chế. Hành lang pháp lý cho quá trình khởi nghiệp dựa vào đổi mới sáng tạo chưa có đầy đủ. Sau một thời gian thực hiện Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (Đề án 1665) của Chính phủ,  Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Quyết định số 1230/QĐ-BGDĐT ngày 30/3/2018 ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” của ngành Giáo dục với mục tiêu: (1) Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục, đào tạo; (2) Tạo môi trường và cơ chế hoạt động khởi nghiệp, tạo chuyển biến mang tính đột phá về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại các cơ sở đào tạo. Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tích cực tham khảo các chương trình đào tạo của các nước tiên tiến trên thế giới, các nhà trường trong khu vực và tham vấn ý kiến chuyên gia, ý kiến doanh nghiệp để đưa vấn đề khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào chương trình đào tạo bắt buộc hoặc tự chọn hoặc lồng ghép các chuyên đề khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào các chương trình ngoại khóa, các cuộc thi dưới dạng trò chơi để thu hút sinh viên tham gia. Năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2020 (SV_STARTUP-2020). Có 50 dự án, ý tưởng dự thi của sinh viên đến từ các trường cao đẳng, đại học trong cả nước, đa dạng các khối ngành (kỹ thuật, kinh tế,…). Kết quả vòng chung kết, có 10 dự án, ý tưởng của sinh viên các trường đại học được trao giải thưởng (1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, 4 giải khuyến khích).

5. Một số giải pháp thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của sinh viên trong các trường đại học tại Việt Nam

Trong thời gian gần đây, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đối với sinh viên đã được đề cập mạnh nhưng chủ yếu ở quyết tâm chính trị, chưa thực sự tích cực và sâu. Mặt khác, hệ thống chính sách chung về khuyến khích khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiện nay được đánh giá là thiếu đồng bộ, chưa có văn bản thống nhất, gây khó khăn cho việc thực thi. Hơn nữa, chính sách đặc thù hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dường như còn thiếu vắng, dẫn đến hiệu quả chính sách chưa cao hoặc chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của sinh viên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các giải pháp sau sẽ góp phần thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sinh viên các trường đại học.

Thứ nhất, Nhà nước cần tạo dựng khung pháp lý thống nhất, đồng bộ, đặc biệt là cần có đạo luật dành riêng cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói chung và của sinh viên nói riêng. Trong thời gian chờ hoàn thiện khung pháp lý, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần chủ động tìm hiểu, nắm bắt rõ ràng các quy định pháp luật liên quan, đặc biệt là các chính sách ưu đãi của Nhà nước để tránh trường hợp không được hưởng ưu đãi vì thiếu hiểu biết pháp luật.

Thứ hai, Việt Nam cần có chính sách phù hợp cho nhóm nhà đầu tư thiên thần (là giai đoạn sớm nhất trong quá trình hoàn thiện ban đầu về kế hoạch khởi nghiệp đổi mới sáng tạo). Từ năm 2014 trở lại đây, tại Việt Nam xuất hiện nhiều tổ chức đầu tư chuyên nghiệp và nhà đầu tư thiên thần có nhu cầu góp vốn hình thành quỹ đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo.

Thứ ba, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học cần tăng cường các chương trình giáo dục về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để trang bị cho sinh viên các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; khơi dậy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của sinh viên.

Thứ tư, Nhà nước cần có chính sách cho sinh viên tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đất đai hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; các trường đại học cần có quỹ hỗ trợ để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sinh viên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Barbara, S. T. (2013). Essential aspects of entrepreneurship measurement. Organization and Management, 3 (156), 91-106.
  2. Do A.D. (2021). An empirical investigation of students' startup intention in Vietnam. Journal of Economics and Development, Special Issue 2021, 85-96.
  3. Drucker, P. F. (1999), Innovation and entrepreneurship: practice and principles, edn.
  4. Le D., Ha D.L., Trinh D.U., Nguyen T.P. (2020. Start-up research's experience of students approaching the process of forming start-up intentions of some European countries. Proceedings International Conference Trade and International Economic impacts on Vietnam Firms - TEIF.
  5. Liñán, F., Rodríguez-Cohard, J. C., và Rueda-Cantuche, J. M. (2011). Factors affecting entrepreneurial intention levels: A role for education.International entrepreneurship and management Journal, 7(2), 195-218.
  6. Robinson, P. B. (1987), Prediction of entrepreneurship based on an attitude consisency model(Doctoral dissertation, Brigham Young University, Department of Psychology),
  7. Shane, S. A. (2003).A general theory of entrepreneurship: The individual-opportunity nexus.  Cheltenham, United Kingdom: Edward Elgar Publishing.
  8. Đỗ Anh Đức (2020), "Đổi mới sáng tạo tại Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp 4.0", Tạp chí Kinh tế và Quản lý, số 33, 57-60.
  9. Huỳnh Quốc Tuấn, Phạm Ánh Tuyết (2018), "Khơi dậy ý tưởng khởi nghiệp trong sinh viên", Tạp chí Kinh tế - Kỹ thuật, Số đặc biệt, 74-79.
  10. Lê Thị Khánh Vân (2017), "Tạo lập môi trường khởi nghiệp - Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam", Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, 9.
  11. Lê Anh Đức (2020). Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dành cho sinh viên tại các trường đại học trong bối cảnh công nghiệp 4.0.  Tạp chí Công Thương, số23, 123-129.
  12. Thủ tướng Chính phủ (2016), Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.
  13. Thủ tướng Chính phủ (2021), Quyết định số 188/QĐ-TTg ngày 09/02/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.
  14. Thủ tướng Chính phủ (2017), Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”.
  15. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018), Quyết định số 1230/QĐ-BGDĐT ngày 30/3/2018 ban hành kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” của ngành Giáo dục.
  16. Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội (2019), Nghị quyết số 05/NQ-HĐND ngày 08/7/2019 thông qua chủ trương ban hành Đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019 - 2025 và các chính sách khởi nghiệp sáng tạo thuộc Đề án.

The innovative entrepreneurship of students in Vietnamese universities

Ph.D Le Anh Duc

National Economics University

ABSTRACT:

Start-up topic has attracted a lot of attention in Vietnam. Many startup competitions have been held by organizations to promote start-up of students. This paper clarifies the theoretical basis and the role of innovative startups by analyzing the current start-up of students in Vietnamese universities. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to support the start-up of Vietnamese university students in the coming time.

Keywords: start-up, student, university.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 21, tháng 9 năm 2021]