Tuy nhiên, hiện khung khổ pháp lý cho việc phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp này vẫn chưa thực sự đầy đủ. Do đó, yêu cầu cấp thiết đặt ra là cần sớm hoàn thiện các cơ chế, chính sách để Việt Nam có thể phát triển thành công ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi.
Điện gió ngoài khơi và quan điểm, định hướng phát triển điện gió tại Việt Nam
Trong thời gian qua, ngành năng lượng tái tạo được quan tâm, nhiều cơ chế, chính sách phát triển năng lượng tái tạo đã được ban hành theo hướng tập trung khuyến khích phát triển nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo (đặc biệt là nguồn điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối...) và đã đạt được những bước phát triển vượt bậc.
Trong tương lai gần, ngành điện Việt Nam ngày càng gặp nhiều thách thức trong việc đáp ứng nhu cầu cho tăng trưởng kinh tế. Một số thách thức lớn đối với ngành điện như: Nhu cầu điện đang và sẽ tăng trưởng cao, nguồn năng lượng sơ cấp đang dần cạn kiệt dẫn đến sớm phải nhập khẩu nhiên liệu…
Ở Việt Nam cho thấy, nhiệt điện gây ô nhiễm, thủy điện đã đến giới hạn, trong xu thế chung của thế giới đang chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo nhằm hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai. Chính vì thế phát triển năng lượng tái tạo trở thành xu thế tất yếu ở Việt Nam trong đó có điện gió ngoài khơi là giải pháp đột phá.
Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII nhấn mạnh: phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng, ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch. Đồng thời, đặt ra nhiệm vụ xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch. Nghị quyết 140 Chính phủ ban hành mới đây về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu đầy tham vọng với tỷ lệ các nguồn NLTT trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% vào năm 2030; 25-30% vào năm 2045.
Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết về Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018), Nghị quyết đã đưa ra các đột phá về phát triển kinh tế biển, trong đó tại vị trí số 6 có nhấn mạnh về “Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới”.
Trong Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045 (Quy hoạch điện VIII) đã đề ra mục tiêu cụ thể, tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng công suất điện dự kiến tăng từ 27% năm 2021 lên 29% trong năm 2025 và 40% vào năm 2045.
Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050, giảm 30% tổng phát thải khí metan vào năm 2030. Các nguồn điện gió trên bờ, gần bờ và ngoài khơi chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng nguồn phát điện vào năm 2045. Phát triển điện gió ngoài khơi, ngoài việc khai thác tiềm năng to lớn về năng lượng còn đảm bảo thực hiện tầm nhìn phát triển kinh tế biển...
Đề xuất giải pháp phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam
Thứ nhất, cần sớm nghiên cứu xây dựng hệ thống văn bản pháp lý cho phát triển điện gió (luật, cùng các văn bản, nghị định, thông tư, quy định kỹ thuật, quy chuẩn quốc gia về điện gió ngoài khơi). Đặc biệt là tập trung xây dựng Luật phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió ngoài khơi theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 55-NQ/TW và Nghị quyết số 140/NQ-CP của Chính phủ.
Thứ hai, tạo cơ chế hỗ trợ cho việc nghiên cứu thúc đẩy việc sản xuất, nội địa hóa thiết bị cho việc phát triển và sử dụng các nguồn điện gió ngoài khơi.
Thứ ba, tham vấn các quốc gia có thế mạnh trong việc phát triển điện gió ngoài khơi. Xây dựng kế hoạch hợp tác ngắn và dài hạn với các tổ chức quốc tế trong việc phát triển nguồn nhân lực, đào tạo và tập huấn về nguồn điện gió ngoài khơi.
Thứ tư, Xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam. Đặc biệt là chính sách tín dụng xanh, chính sách cacbon với điện gió ngoài khơi.