Nâng cao văn hóa kinh doanh trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay

TS. NGÔ MINH THUẬN (Học viện Chính sách và Phát triển)

 TÓM TẮT:

Bài viết nghiên cứu về xây dựng và phát triển văn hóa kinh doanh trong doanh nghiệp là yêu cầu tất yếu, khách quan không thể thiếu được trong nền kinh tế thị trường và xu thế toàn cầu hóa kinh tế đối với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: văn hóa, văn hóa kinh doanh, kinh tế thị trường, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

1. Sự cần thiết xây dựng và phát triển văn hóa kinh doanh trong doanh nghiệp

Kinh doanh là một trong những hoạt động phong phú nhất của loài người. Hoạt động kinh doanh thường được thông qua các thể chế kinh doanh như tập đoàn, công ty nhưng cũng có thể là hoạt động tự thân của các cá nhân như sản xuất - buôn bán nhỏ kiểu hộ gia đình. Do đó, kinh doanh được coi là một hoạt động sáng tạo của loài người như sáng tạo ra sản phẩm mới và dịch vụ mới cho con người, cho xã hội, tạo ra việc làm cho xã hội, tạo ra các khoản thuế nộp ngân sách để xây dựng đất nước và cuối cùng là tạo động lực thúc đẩy xã hội phát triển. Chính nhờ tính chất này mà kinh doanh trở nên phổ biến và thu hút sự tham gia của hầu hết người dân trong xã hội. Theo Luật Doanh nghiệp 2014, “Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi”[1].

Chủ thể kinh doanh là tổ chức, cá nhân, tổ hợp tác, hộ gia đình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (hoặc giấy phép đầu tư đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) và thực hiện trên thực tế các hoạt động kinh doanh thu lợi nhuận.

Nghiên cứu chỉ ra, hoạt động sản xuất - kinh doanh muốn phát triển bền vững, không chỉ đem lại giá trị cho chủ thể doanh nghiệp, mà còn mang lại giá trị chung xã hội. Chính vì vậy, đòi hỏi chủ thể doanh nghiệp phải xây dựng và thực thi văn hóa kinh doanh trong doanh nghiệp.

Văn hóa kinh doanh là sự kết tinh của hệ thống giá trị, trí tuệ, năng lực sáng tạo  của cả doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất và kinh doanh. Do đó, nó trở thành phương thức tồn tại và phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

“Văn hóa kinh doanh (tiếng Anh: Business culture) là toàn bộ các giá trị vật chất và tinh thần do chủ thể kinh doanh sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động kinh doanh, trong sự tương tác giữa chủ thể kinh doanh với môi trường kinh doanh”[2].

Xết về mặt bản chất, văn hóa trong kinh doanh là việc sử dụng các nhân tố văn hóa vào hoạt động kinh doanh của chủ thể, là cái văn hóa mà các chủ thể kinh doanh tạo ra trong quá trình kinh doanh, hình thành nên những kiểu kinh doanh ổn định và đặc thù trong doanh nghiệp. Việc sử dụng các nhân tố văn hóa vào hoạt động kinh doanh sẽ đem lại cho kinh doanh và chủ thể kinh doanh một sứ mạng cao cả, đó chính là sứ mệnh phát triển con người, đem lại sự giàu có, hạnh phúc cho mọi người, sự phồn vinh và vững mạnh của đất nước, sự vẻ vang của dân tộc. Nhận thức được sứ mệnh ấy, con người sẽ hay say lao động, không ngại khó khăn gian khổ, thậm chí hy sinh cả lợi ích riêng của mình đóng góp vào lợi ích chung vì xã hội. Do đó, văn hóa trong kinh doanh là bộ phận cấu thành của nền văn hóa dân tộc, phản ánh trình độ của con người trong lĩnh vực kinh doanh. Văn hóa trong kinh doanh đó là làm cho cái lợi gắn chặt chẽ với cái đúng cái tốt, cái đẹp. Cái lợi đó tuân theo cái đúng, cái tốt, cái đẹp. Ngược lại, cái đúng, cái tốt, cái đẹp là cơ sở bền vững cho hoạt động sinh ra cái lợi. Văn hóa kinh doanh của các nhà kinh doanh, của doanh nghiệp được nhận biết trên hai cấp độ.

Cấp độ rộng, văn hoóa kinh doanh là toàn bộ các giá trị vật chất và các giá trị tinh thần do chủ thể kinh doanh sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động kinh doanh, trong sự tương tác giữa chủ thể kinh doanh với môi trường kinh doanh.

Cấp độ hẹp, văn hóa kinh doanh là một hệ thống các giá trị, các chuẩn mực, các quan niệm và hành vi do chủ thể kinh doanh tạo ra trong quá trình hoạt động kinh doanh, được thể hiện trong cách ứng xử của họ với xã hội, tự nhiên ở một cộng đồng hay một khu vực.

Như vậy, văn hóa kinh doanh là một hệ thống các giá trị chuẩn mực, bao gồm:

Các nhân tố văn hóa (hệ giá trị, triết lý sống, tâm lý) được vận dụng vào quá trình kinh doanh để tạo ra các sản phẩm hàng hóa về dịch vụ phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của khách hàng. Thực chất đó là kiểu kinh doanh có văn hóa, kiểu kinh doanh phù hợp với nét đẹp của văn hóa dân tộc. Ngoài ra, cái giá trị, sản phẩm văn hóa như hệ giá trị, triết lý, tập tục riêng, nghệ thuật kinh doanh, mà chủ thể kinh doanh tạo ra trong quá trình hoạt động và làm nghề kinh doanh của chủ thể doanh nghiệp, có tác dụng cổ vũ biểu dương đối với kiểu kinh doanh có văn hóa mà họ đang theo đuổi, là lối sống có văn hóa của các chủ thể kinh doanh.

2. Cấu trúc hình thành và phát triển văn hóa kinh doanh trong doanh nghiệp

Văn hóa kinh doanh là một ph­ương diện của văn hóa trong xã hội, là văn hóa trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh, bao gồm toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần, những ph­ương thức và kết quả hoạt động của con ng­ười đư­ợc tạo ra và sử dụng trong quá trình hoạt động kinh doanh. Do đó, cấu trúc văn hóa kinh doanh là thể thống nhất trong đa dạng, bao gồm các nhân tố cơ bản sau:

Thứ nhất, triết lý kinh doanh.

Theo cách tiếp cận quản trị doanh nghiệp, triết lý kinh doanh có rất nhiều cách định nghĩa khác nhau. Tuy nhiên, để hiểu đơn giản nhất triết lý kinh doanh là gì thì đây được xem như tuyên bố về tầm nhìn của một doanh nghiệp. Các nhà quản trị chiến lược của tổ chức, khi hình thành triết lý kinh doanh, xuất phát từ những lý do cơ bản, như: Họ muốn tuyên bố lý do tồn tại của tổ chức và khẳng định đặc trưng nổi bật của tổ chức này so với tổ chức khác về đạo lý kinh doanh và về biện pháp hành động, họ muốn phát triển và thành công lâu dài. Ngoài ra, cách tiếp cận thị trường cho thấy, “Triết lý kinh doanh là những tư tưởng chủ thể kinh doanh hình thành để hướng dẫn tư duy và hành động cho toàn thể các thành viên trong tổ chức”[3]. Triết lý kinh doanh bắt nguồn từ thực tiễn cuộc sống, từ quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh,… được con người tổng kết và rút ra những tư tưởng chủ đạo như là những nguyên tắc về đạo lý và phương pháp quản lý để dẫn dắt hành vi”. Triết lý kinh doanh thường thể hiện qua lý do tồn tại và các quan điểm hành động, liên quan đến các bộ phận chức năng, các đơn vị trong tổ chức.

Thí dụ trên thị trên thị trường hiện nay:

Doanh nghiệp Honda: “Không mô phỏng, kiên trì, sáng tạo, độc đáo và dùng con mắt của thế giới mà nhìn vào vấn đề”.

Sonny: “Sáng tạo là ly do tồn tại của chúng ta”.

Panasonic Corporation: “Tinh thần xí nghiệp phục vụ đất nước, kinh doanh là đáp ứng phần lớn của người tiêu dùng trên toàn thế giới với giá cả phải chăng”.

Triết lý kinh doanh được coi là kim chỉ nam dẫn dắt hoạt động kinh doanh. Yếu tố cấu thành của triết lý kinh doanh bao gồm: lý tưởng, phương châm hoạt động, hệ giá trị và các mục tiêu của doanh nghiệp. Triết lý kinh doanh được hình thành từ thực tiễn kinh doanh và khả năng khái quát hóa, sự suy ngẫm, trải nghiệm của chủ thể kinh doanh. Triết lý kinh doanh là yếu tố nền tảng cấu thành nên văn hóa kinh doanh. Nó thể hiện tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi của doanh nghiệp đó. Một doanh nghiệp có nền tảng văn hóa mạnh trước hết phải có triết lý kinh doanh mạnh, có tầm ảnh hưởng sâu sắc. Mặt khác, một doanh nghiệp muốn có văn hóa kinh doanh bền vững phải bắt đầu từ yếu tố cơ bản nhất là có quan niệm đúng kinh doanh, không chỉ mang lại giá trị cho bản thân doanh nghiệp, mà còn mang lại giá trị chung cho xã hội.

Thứ hai, đạo đức kinh doanh.

“Đạo đức kinh doanh là một tập hợp các nguyên tắc, chuẩn mực có tác dụng điều chỉnh, đánh giá, hướng dẫn và kiểm soát hành vi của các chủ thể kinh doanh. Đạo đức kinh doanh chính là đạo đức được vận dụng vào trong hoạt động kinh doanh”[4].

Trong văn hóa kinh doanh luôn chứa đựng yếu tố nhân văn và đạo đức cho con người, vì con người. Do đó, văn hóa kinh doanh thể hiện ở hành vi, ở phẩm chất đạo đức, tài năng và phong cách của nhà kinh doanh. Biểu hiện ra bên ngoài là những phẩm chất đạo đức, nh­­ư: tính trung thực, sự tôn trọng con ngư­­ời, luôn v­ươn tới sự hoàn hảo,…; là sự hiểu biết về thị tr­­ường, về nghề kinh doanh, khả năng xử lý tốt các mối quan hệ, nhanh nhạy, quyết đoán và khôn ngoan; là phong cách làm việc, phong cách ứng xử và sinh hoạt, phong cách diễn đạt,… của nhà kinh doanh. Ngoài ra, đạo đức kinh doanh là thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, như: đóng góp đầy đủ cho ngân sách nhà nước, tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, bảo vệ môi trường sinh thái, tôn trọng những quy phạm đạo đức trong quan hệ xã hội, quan hệ kinh doanh, tôn trọng các giá trị truyền thống,… cũng là một sắc thái của văn hóa kinh doanh trong doanh nghiệp.

Thí dụ: Tại Công ty IBM, toàn thể công nhân viên được hướng dẫn một mục tiêu “Kính trọng đối với mọi người, phục vụ khách hàng tốt nhất, mọi nhân viên trong công ty đều phải có thành tích tối ưu”.

Công ty Dược phẩm Merck:

“Trách nhiệm xã hội của công ty

Tính ưu việt nổi bật trong mọi khía cạnh của công ty

Sự đổi mới dựa trên khoa học

Tính chân thật và kiên định

Lợi nhuận nhưng là thứ lợi nhuận bằng lao động và có lợi ích cho nhân loại”[5].

Như vậy, các chuẩn mực đạo đức kinh doanh là cơ sở tình cảm và trí tuệ cụ thể định hướng trong các hoạch định của tổ chức kinh doanh để đảm bảo được sự phát triển kinh tế - xã hội cho doanh nghiệp.

Thứ ba, văn hóa doanh nhân.

Văn hóa doanh nhân là hệ thống các giá trị, các chuẩn mực, các quan niệm và hành vi của doanh nhân trong quá trình lãnh đạo và quản lý doanh nghiệp. Qua quá trình hình thành và phát triển doanh nghiệp, văn hóa của người lãnh đạo hình thành lên văn hóa kinh doanh. Những công việc làm nhà lãnh đạo quan tâm, khuyến khích thực hiện, cách thức mà người lãnh đạo đánh giá, khen thưởng hoặc khiển trách nhân viên sẽ thể hiện cách suy nghĩ và hành vi của họ và điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới hành vi của toàn bộ nhân viên dưới quyền. Doanh nhân là những người có vai trò quyết định văn hóa kinh doanh thông qua việc kết hợp hài hòa các lợi ích chung và lợi ích riêng, cá nhân và tập thể, gia đình và xã hội để doanh nghiệp trở thành ngôi nhà và là vận mệnh chung của tất cả mọi người.

Thứ tư, văn hóa doanh nghiệp.

“Văn hóa doanh nghiệp là toàn bộ các giá trị văn hóa được được xây dựng trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của doanh nghiệp đó. Nó bao gồm tất cả các giá trị, quan niệm và truyền thống đã ăn sâu vào các hoạt động của doanh nghiệp. Nó chi phối đến tình cảm, nếp sống, suy nghĩ và hành vi của các thành viên trong nghiệp. Nó thúc đẩy các thành viên thực hiện tốt các mục đích của doanh nghiệp phát triển của doanh nghiệp”[6].

Văn hóa doanh nghiệp tạo nên nét đặc trưng của văn hóa kinh doanh. Mỗi doanh nghiệp có một đặc trưng kinh doanh riêng và chính văn hóa doanh nghiệp tạo nên nét khác biệt đó. Các giá trị cốt lõi, các thói quen hay cách họp hành, đào tạo, thậm chí đến cả đồng phục, giao tiếp,… đã tạo nên văn hóa kinh doanh riêng biệt cho từng doanh nghiệp. Việc hình thành văn hóa doanh nghiệp có được điều này là rất quan trọng để doanh nghiệp đứng vững trên thị trường, dễ nhận biết và có một định vị tốt trong tâm trí khách hàng và đối tác. Khả năng kinh doanh, cũng như uy tín của doanh nghiệp theo đó cũng được đẩy mạnh. Nhìn chung, văn hóa doanh nghiệp là những đặc trưng cụ thể riêng biệt của từng công ty. Nó là sản phẩm do những người làm trong doanh nghiệp tạo nên và đem lại các giá trị tinh thần bền vững. Nhờ có văn hóa doanh nghiệp mà một hệ thống các giá trị được mọi người làm trong doanh nghiệp chia sẻ và cùng hành động theo những giá trị văn hóa đó.

Nghiên cứu từ Khoa Kinh tế của Đại học Warwick chỉ ra rằng: “một nhân viên cảm thấy hạnh phúc, hài lòng sẽ có năng suất lao động cao hơn 12% so với bình thường”[7].

Văn hóa kinh doanh được thể hiện ở một số yếu tố như không khí làm việc hợp tác, vui vẻ, kích thích và truyền cảm hứng để mỗi nhân viên đều muốn đến công sở mỗi ngày.

Thứ năm, văn hóa ứng xử trong kinh doanh.

Văn hóa kinh doanh còn thể hiện ở sự giao l­­ưu, giao tiếp trong hoạt động kinh doanh. Hoạt động kinh doanh là mối quan hệ giữa ngư­­ời bán và ngư­­ời mua trên thị trường, là văn hóa trong giao tiếp với khách hàng để tạo ra sự thích thú đối với họ; đó là thái độ với đối tác làm ăn, với đối thủ cạnh tranh; là văn hóa trong đàm phán, ký kết các hợp đồng th­­ương mại, là văn hóa trong soạn thảo các thông điệp quảng cáo,… Thực chất, đó còn là sự giao l­­ưu văn hóa giữa các vùng, miền của từng quốc gia và giữa các quốc gia.

Thí dụ: Người Trung Quốc quan niệm: “Không nở nụ cười thì đừng mở cửa tiệm”. Mục đích nhằm tạo sự thân thiện, gần gũi giữa người bán và người mua.

Người Nhật Bản: “Văn hóa cúi đầu chào trong giao tiếp với khách hàng” thể hiện sự tôn trọng đối với khách hàng. Đây cũng chính cách xây dựng niềm tin, thiện cảm đối với khách hàng, tin dùng sản phẩm của họ.

Theo  Bill Gates (Nhà sáng lập Microsoft) chỉ ra: “Những khách hàng khó tính nhất chính là nguồn học vĩ đại nhất của bạn”.

Như vậy, trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế, sự cạnh tranh trên thị trường xét đến cùng là cạnh tranh của sắc thái văn hóa kinh doanh. Văn hóa kinh doanh ngày càng trở thành một xu thế tất yếu, khách quan trong xã hội hiện đại ngày nay.

3. Phương thức tổ chức hoạt động văn hóa kinh doanh trong doanh nghiệp

Thứ nhất, đối với chủ thể doanh nghiệp.

“Bước 1: Đặt nền móng và xác định giá trị cốt lõi

Với vai trò là một lãnh đạo công ty, hãy xác định giá trị cốt lõi mà công ty đang hướng đến. Sau đó bàn bạc và thảo luận chuyên sâu cùng các lãnh đạo khác để xây dựng nền móng đầu tiên cho văn hóa doanh nghiệp.

Một số câu hỏi xác định giá trị cốt lõi doanh nghiệp:

  • Sứ mệnh, tầm nhìn và mục tiêu dài hạn của công ty là gì?
  • Bạn muốn công ty mình được biết đến như thế nào? 
  • Mục tiêu kinh doanh của công ty có phù hợp với giá trị cá nhân của tập thể nhân viên?
  • Mục tiêu văn hóa công ty hướng đến là gì? (Ví dụ, tinh thần làm việc nhóm được nâng cao, thành công của nhân viên được công nhận,...)

Bước 2: Thực hành văn hóa

Sau khi xác định được giá trị cốt lõi của văn hóa công ty, nhà lãnh đạo sẽ đưa các giá trị văn hóa đi vào thực tiễn bằng hành động cụ thể. Bạn có thể tham khảo 3 hành động cơ bản như sau:

  • Phổ biến kiến thức chung: Ban hành quy định, quy chế chung và tổ chức các buổi trò chuyện giữa lãnh đạo và tập thể nhân viên về giá trị văn hóa công ty. Mục tiêu là giúp đội ngũ nhân viên hiểu rõ và ý thức được lợi ích của văn hóa nội bộ đến sự phát triển của bản thân và công ty.
  • Triển khai hoạt động văn hóa công ty cụ thể: Kiến trúc và nội thất văn phòng, đồng phục, nghi thức, team building, hệ thống khen thưởng, du lịch công ty.
  • Ổn định và phát triển văn hóa: Nhà lãnh đạo phải duy trì và cập nhật những yếu tố mới để phát triển thêm giá trị hữu ích cho văn hóa doanh nghiệp để nó không bị lạc hậu khi môi trường xung quanh thay đổi.

Bước 3: Đánh giá và điều chỉnh văn hóa công ty thường xuyên.

Sự phản hồi của nhân viên là cơ sở quan trọng để đánh giá văn hóa công ty có phù hợp với hoạt động hàng ngày và giá trị nhân viên mong muốn. Bởi vậy, người quản lý nhân sự cần thực hiện khảo sát hàng năm và các buổi trò chuyện cùng nhân viên để đánh giá văn hóa công ty. 

Văn hóa công ty luôn chịu ảnh hưởng từ môi trường bên ngoài như: Văn hóa dân tộc, công nghệ, sự thay đổi nguồn lực đa quốc gia, chính sách vĩ mô nhà nước,... nên cần được điều chỉnh kịp thời và thích hợp trên cơ sở giá trị cốt lõi để gia tăng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp”[8].

Chủ thể doanh nghiệp với tư cách là cá nhân, hay tập thể lãnh đạo doanh nghiệp phải tổ chức xây dựng và thực thi rộng rãi văn hóa kinh doanh trong doanh nghiệp. Tích cực tuyên truyền, phổ biến văn hóa kinh doanh trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, bản thân là người lãnh đạo doanh nghiệp phải là một tấm gương sáng về văn hóa, đạo đức kinh doanh, về văn hóa lối sống có trách nhiệm với mình, với người, với việc, quán triệt phương châm “nói đi đôi với làm”, đoàn kết vì mục tiêu chung của doanh nghiệp. Ngoài ra, phải kết hợp hài hòa lợi ích chung và lợi ích riêng, cá nhân và tập thể, gia đình và xã hội trong xây dựng và phát triển bền vững doanh nghiệp. Tích cực đẩy mạnh sản xuất, cung ứng những sản phẩm và dịch vụ có giá trị xã hội cao nhằm phục vụ đông đảo lợi ích cho cộng đồng. Qua đó, góp phần nâng cao văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ hai, đối với đội ngũ nhân viên.

Đội ngũ nhân viên phải là những người nhiệt tình, tâm huyết, say mê nghề nghiệp, tuân thủ các quy định, thiết chế văn hóa của doanh nghiệp đề ra. Phải đoàn kết cùng nhau vượt qua những khó khăn và trở lực; đồng thời phấn đấu xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp. Mặt khác, cần chủ động và tích cực đấu tranh chống lại các hành vi vi phạm văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh; đồng thời bảo vệ cái đúng, cái tốt, cái đẹp mà doanh nghiệp đã xây dựng qua nhiều năm.

Theo Denis Waitley chỉ ra: “Lợi thế của người chiến thắng không nằm ở năng khiếu, IQ cao hay tài năng. Lợi thế của người chiến thắng tất cả nằm trong thái độ. Thái độ là tiêu chí để thành công”.

Chính vì vậy, đội ngũ nhân viên cần tôn trọng nguyên tắc làm việc nhất quán trong doanh nghiệp. Dưới đây là 7 nguyên tắc căn bản cần áp dụng đối với những người lao động tại doanh nghiệp:

“Nguyên tắc 1: Công việc không nuôi người nhàn hạ, tập thể không nuôi những kẻ lười.

Nguyên tắc 2: Vào một đơn vị làm việc, đừng chỉ chăm chăm vào việc kiếm tiền, trước tiên hãy học sao cho mình đáng tiền.

Nguyên tắc 3: Không có ngành nào là dễ kiếm tiền cả.

Nguyên tắc 4: Làm việc, không có nơi nào là thuận lợi cả, ức chế bực dọc là chuyện bình thường.

Nguyên tắc 5:

- Không kiếm được tiền, thì kiếm được kiến thức.

- Không kiếm được kiến thức thì kiếm được kinh nghiệm.

- Không kiếm được kinh nghiệm, thì kiếm được trải nghiệm.

- Khi kiếm được những thứ trên rồi, thì không sợ không kiếm được tiền.

Nguyên tắc 6: Chỉ khi thay đổi thái độ của bản thân, ta mới có thể thay đổi được chỗ đứng của mình trong xã hội. Chỉ khi thay đổi thái độ làm việc của bản thân, ta mới có được vị trí cao trong nghề nghiệp.

Nguyên tắc 7: Nguyên nhân khiến con người ta cảm thấy mơ hồ chỉ có một. Đó chính là trong những năm tháng mà đáng ra ta nên phấn đấu, nên làm việc chăm chỉ thì ta lại nghĩ quá nhiều, nhưng lại làm quá ít!

Hãy luôn nhớ: Làm việc bằng cái tâm!”[9]

Việc xây dựng môi trường ứng xử văn hóa đối với khách hàng trên tinh thần 4 xin: “xin phép, xin lỗi, xin chào, xin cảm ơn”. Tôn trọng khách hàng, phục vụ khách hàng coi “khách hàng là thượng đế”, nhằm nâng cao văn hóa kinh doanh, văn hóa ứng xử trong doanh nghiệp.

Thứ ba, đối với khách hàng.

Khách hàng khi trả phí thì là người có quyền được thụ hưởng các giá trị về vật chất và tinh thần, cùng với chính sách ưu đãi và cam kết về chất lượng sản phẩm do chủ thể doanh nghiệp tạo ra. Vì vậy, khách hàng có quyền đánh giá các chuỗi cung ứng sản phẩm hàng hóa và dịch của doanh nghiệp. Yêu cầu đặt ra, khách hàng khi sử dụng quyền lực và quyền làm chủ mình của mình, phải thật sự khách quan và trung thực để đánh giá đúng chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp, chất lượng dịch vụ, thái độ phục của đội ngũ nhân viên đối với khách hàng thông qua bảng câu hỏi khảo sát,… Ngoài ra, khách hàng có thể đề xuất những thứ cần phải bổ sung, cần phải đổi mới để mang lại giá trị sử dụng cho bản thân, đồng thời giúp doanh nghiệp, chủ động điều chỉnh phương hướng sản xuất và kinh doanh, cung ứng dịch vụ, nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng.

Như vậy, phương thức tổ chức hoạt động văn hóa kinh doanh trong doanh nghiệp cần có sự thống nhất, đồng thuận và cùng hành đồng giữa chủ thể doanh nghiệp, đội ngũ nhân với khách hàng trên tinh thần vì sự tiến bộ chung của toàn xã hội.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:

[1] Quốc hội (2014). Luật Doanh nghiệp năm 2014, Khoản 16 Điều 4.

[2] Diệu Nhi (2019). Văn hóa kinh doanh (Business culture) là gì? Vai trò của văn hóa kinh doanh. Truy cập tại: https://vietnambiz.vn/van-hoa-kinh-doanh-business-culture-la-gi-vai-tro-cua-van-hoa-kinh-doanh-20190831233412368.htm

[3] Tai Nguyen (2016). Triết lý kinh doanh là gì?. Truy cập tại: http://www.nguyenduongtai.com/2016/04/triet-ly-kinh-doanh-la-gi.html

[4] Nguyễn Tuyết Anh (2021). Đạo đức kinh doanh là gì? Sự cần thiết của đạo đức kinh doanh. Truy cập tại: https://luanvan1080.com/dao-duc-kinh-doanh-la-gi.html

[5] Hệ thống giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Truy cập tại: http://www.inhonghac.com/2018/03/he-thong-gia-tri-cot-loi-cua-doanh-nghiep.html

[6] Văn hóa doanh nghiệp là gì?. Truy cập tại: https://anviethung.vn/van-hoa-doanh-nghiep-la-gi.html

[7] Bài học văn hóa khởi nghiệp những startup hàng đầu thế giới. Truy cập tại: https://enternews.vn/bai-hoc-van-hoa-khoi-nghiepnhungstartup-hang-dau-the-gioi-130698.html

[8] Văn hóa doanh nghiệp là gì? Hướng dẫn xây dựng văn hóa doanh nghiệp từ A- Z. https://resources.base.vn/hr/tong-quan-huong-dan-xay-dung-van-hoa-doanh-nghiep-223

[9,10] loại người không bao giờ có được lương cao, cũng không đáng để bồi dưỡng. Truy cập tại: https://www.danhngoncuocsong.vn/tin-tuc/10-loai-nguoi-khong-bao-gio-co-duoc-luong-cao-cung-khong-dang-de-boi-duong.html.

 

IMPROVING THE BUSINESS CULTURE IN VIETNAM’S CURRENT SOCIALIST-ORIENTED MARKET ECONOMY

Ph.D NGO MINH THUAN

Academy of Policy and Development

ABSTRACT:

This paper researches the development of business culture which is an indispensable requirement for many enterprises in the market economy and in Vietnam’s current economic international integration process.

Keywords: culture, business culture, market economy, socialist-oriented market economy.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 21, tháng 9 năm 2021]