Nghiên cứu văn hóa kinh doanh làng nghề: Từ góc nhìn của làng nghề Bát Tràng

TS. NGUYỄN THÙY DUNG (Khoa Quản trị kinh doanh 1, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông)

TÓM TẮT:

Bài viết so sánh văn hóa kinh doanh của các hộ kinh doanh tại Bát Tràng và các cửa hàng bán lẻ Vinmart+ tại Hà Nội như hai sự tương phản về cách thức bán hàng truyền thống và hiện đại. Từ đó, rút ra tầm quan trọng của văn hóa kinh doanh và sự cần thiết phải thay đổi văn hóa kinh doanh của các hộ kinh doanh tại Bát Tràng hiện nay. Tác giả cũng đưa ra một số khuyến nghị về văn hóa kinh doanh tại Bát Tràng nói riêng và các hộ kinh doanh/doanh nghiệp thuộc các làng nghề tại Hà Nội nói chung nhằm hướng tới mục tiêu vừa tôn vinh giá trị văn hóa, vừa nâng cao năng lực cạnh tranh trước xu thế mua hàng trực tuyến ngày càng phổ biến.

Từ khóa: Văn hóa kinh doanh, bán hàng trực tuyến, thương mại điện tử, làng nghề Bát Tràng.

1. Đặt vấn đề

Trong thời kỳ hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, mọi sản phẩm dịch vụ đều phải hướng tới những tiêu chuẩn cần thiết mới được thị trường chấp nhận. Thực tế cho thấy, một thông tin không tốt về sản phẩm, về cách thức phản hồi khách hàng của một doanh nghiệp có thể nhanh chóng “hạ gục” doanh nghiệp đó. Ví dụ minh chứng gần nhất cho điều này là vụ pate Minh Chay, Trần Anh và Khải silk trước đây. Điều đó dẫn đến yếu tố cạnh tranh trên thị trường không còn quyết định bởi nguồn lực tài chính, nguồn nhân lực, hay các nguyên vật liệu đầu vào..., mà ở chính những hành vi, biểu hiện ra bên ngoài của doanh nghiệp. Đó là văn hóa và đạo đức kinh doanh.

Bán hàng trực tuyến đang là xu hướng của thế giới và tại Việt Nam hiện nay, đặc biệt với những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, hành vi mua hàng của người tiêu dùng đang có sự thay đổi đáng kể. Theo báo cáo của Nielsen (7/2020), thì 63% người dân sẽ tiếp tục mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng mở rộng kênh bán hàng trực tuyến song song với kênh trực tiếp. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp phải thay đổi phương thức kinh doanh truyền thống của mình.

Trong nghiên cứu này, tác giả phân tích so sánh văn hóa kinh doanh của các hộ kinh doanh tại Bát Tràng và chuỗi bán lẻ Vinmart+ tại Hà Nội. Việc so sánh này cho thấy sự khác biệt trong văn hóa kinh doanh của hai hình thức kinh doanh hiện đại và truyền thống. Điều này cũng cho thấy một cách rõ nét những mặt mạnh và điểm hạn chế trong văn hóa kinh doanh của người Việt Nam và sự cần thiết phải thay đổi văn hóa kinh doanh trong các làng nghề truyền thống hiện nay nhằm đáp ứng sự thay đổi mạnh mẽ của môi trường kinh doanh.

Văn hóa kinh doanh (business culture) theo nghĩa rộng là toàn bộ các giá trị vật chất và các giá trị tinh thần do chủ thể kinh doanh sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động kinh doanh, trong sự tương tác giữa chủ thể với môi trường kinh doanh [2]. Giá trị văn hóa kinh doanh thể hiện qua hình thức mẫu mã và chất lượng sản phẩm, trong thông tin quảng cáo về sản phẩm, qua cách thức bày bán sản phẩm, qua phong cách giao tiếp ứng xử của người bán đối với người mua, qua tâm lý và thị hiếu tiêu dùng, rộng ra là cả quá trình tổ chức sản xuất kinh doanh với toàn bộ công đoạn của quá trình sản xuất nhằm tạo ra chất lượng - hiệu quả kinh doanh nhất định.

Kết quả nghiên cứu này được thực hiện bằng việc khảo sát và phỏng vấn sâu 7 hộ kinh doanh, 12 khách hàng và người dân tại Bát Tràng. Việc thực hiện nghiên cứu tại Vinmart+ cũng bằng phương pháp tương tự. Trong đó, tác giả chọn ngẫu nhiên 3 cửa hàng tại các địa bàn quận Thanh Xuân và 2 cửa hàng tại quận Cầu Giấy, 2 cửa hàng thuộc quận Hai Bà Trưng, phỏng vấn sâu 8 khách hàng đến mua hàng tại các cửa hàng này, đồng thời tham khảo ý kiến của 7 khách hàng khác thường xuyên mua hàng tại một số cửa hàng Vinmart+ ở Hà Nội.

2. Các biểu hiện văn hóa kinh doanh theo kết quả khảo sát

2.1. Về hình thức, chất lượng sản phẩm

Kết quả nghiên cứu tại Bát Tràng cho thấy, điểm tích cực trong văn hóa kinh doanh của các hộ kinh doanh tại đây thể hiện ở kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm. Chất lượng gốm sứ Bát Tràng nổi tiếng không chỉ tại Việt Nam mà còn được ưa chuộng trên thế giới. Có được những điều này là do thói quen cẩn thận, tỉ mỉ trong khâu sản xuất (từ khâu chọn đất, xử lý và pha chế đất; tạo hình, vẽ hoa văn,…) và ý thức trong việc giữ gìn thương hiệu làng nghề. Nhiều sản phẩm mang tính nghệ thuật cao, thể hiện được tài năng cũng như văn hóa kinh doanh đáng quý của con người Bát Tràng, đặc biệt là các nghệ nhân nơi đây.

Tuy nhiên, bên cạnh những điều kể trên, hiện tại Bát Tràng còn tồn tại khá phổ biến văn hóa kinh doanh chưa trung thực. Nhiều người bán hàng đã trà trộn hàng kém chất lượng, hàng nhái, đặc biệt là trong các cửa hàng tại khu chợ Trung tâm, nơi tiếp xúc phần lớn với khách tham quan du lịch. (Hình 1, Hình 2). Một người dân bán hàng ăn uống tại khu chợ cho biết:

Hình 1: Sản phẩm giữa hai kệ có hình thức không khác nhau nhưng có sự khác biệt lớn về chất lượng

Sản phẩm giữa hai kệ có hình thức không khác nhau nhưng có sự khác biệt lớn về chất lượng

Nguồn: Khảo sát của tác giả

Hình 2: Sự trà trộn của sản phẩm không rõ nguồn gốc tại Bát Tràng

Sự trà trộn của sản phẩm không rõ nguồn gốc tại Bát Tràng

Nguồn: Khảo sát của tác giả

- “… các mẫu sản phẩm mới và những mẫu được ưa chuộng dễ dàng và nhanh chóng được làm nhái. Việc khắc thương hiệu những cơ sở sản xuất có tiếng trên sản phẩm là khá dễ dàng đối với người sản xuất gốm xứ…”.

Cũng giống như nhiều hộ kinh doanh tại Bát Tràng, tất cả các gian hàng của Vinmart+ cũng bày bán đa dạng mặt hàng với mong muốn đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, với quan điểm đề cao quyền lợi của khách hàng, Vinmart+ có những quy định và triển khai các hoạt động nhằm kiểm soát tốt cả về hình thức, mẫu mã và chất lượng sản phẩm. Công ty đưa ra những quy định chặt chẽ và chọn lựa kỹ lưỡng các đối tác uy tín trong nước và quốc tế theo quy trình quản lý chất lượng nghiêm ngặt với 33 trạm kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế trước khi đưa sản phẩm vào cửa hàng. Đối với các sản phẩm thuộc hệ sinh thái của tập đoàn Vingroup như VinEco, Vinmart Cook, Vinmart Home; công ty kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất, chế biến, phân phối. Vinmart+ cũng đã công bố thông tin chi tiết về 347 sản phẩm bày bán trong cửa hàng tại website của mình để minh bạch hóa và cam kết về chất lượng sản phẩm, giữ chữ Tín trong kinh doanh, như: Tên, địa chỉ, mã số doanh nghiệp, số giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; thông tin sản phẩm, như: Tên sản phẩm, thành phần, hạn sử dụng, quy cách đóng gói, tên địa chỉ cơ sở sản xuất, v.v.; công bố về mẫu mã sản phẩm như: Khối lượng, ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần, hướng dẫn sử dụng, thông tin cảnh báo,...; công bố về yêu cầu an toàn thực phẩm, như: Các quy định, tiêu chuẩn, quyết định về chất lượng, an toàn thực phẩm mà sản phẩm bán tuân thủ [4]. Điều này đã thể hiện sự chính trực, trung thực trong văn hóa kinh doanh của Vinmart+.

2.2. Về cách thức quảng cáo, bày bán sản phẩm

Một số đặc thù nổi bật về văn hóa kinh doanh thể hiện trong cách thức quảng cáo và bày bán sản phẩm tại Bát Tràng là còn ít hộ có trang web quảng cáo và bán hàng online, đa phần các hộ kinh doanh bày bán trực tiếp tại cửa hàng hoặc ngay tại xưởng sản xuất. Các gian hàng tại chợ trung tâm thường nhỏ, bày bán đa dạng các mặt hàng.

Một biểu hiện khác trong văn hóa kinh doanh tại Bát Tràng là niềm tin về sự may rủi trong kinh doanh. Hầu như cửa hàng nào cũng có một nơi thờ thần tài. Mức độ to nhỏ của khu thờ này tùy thuộc vào quy mô của cửa hàng và quan điểm của người kinh doanh. Bắt đầu một ngày mới, người bán hàng thường thắp hương thần tài mong thần phù hộ cho một ngày bán hàng “đắt khách”. Vì có niềm tin vào sự may rủi này nên người bán hàng thường kén người mở hàng và có hành động “đốt vía” nhằm “đuổi đi” sự xui xẻo nếu một người mở hàng nào đó đem lại. Đây cũng là một nét đặc thù trong văn hóa kinh doanh của người Việt.

Một số đặc điểm khác là vẫn còn sự tùy tiện, chưa văn minh trong việc trang trí cửa hàng, cho dù đó là hình ảnh “mặt tiền”, nơi khách hàng tiếp xúc đầu tiên khi vào cửa hàng. Cách bày trí cửa hàng chưa hợp lý. Một số cửa hàng còn để đồ lộn xộn, bày trí thiếu khoa học như được ghi lại trong Hình 3.

Hình 3: Cách bày trí lộn xộn, thiếu khoa học tại mặt tiền của một cửa hàng

Cách bày trí lộn xộn, thiếu khoa học tại mặt tiền của một cửa hàng

Nguồn: Khảo sát của tác giả

Những nét đặc thù về văn hóa kinh doanh như việc “đốt vía”, kén người mở hàng, thiếu tư duy tổng thể đã dẫn đến hình ảnh thiếu chuyên nghiệp, mất vệ sinh tại nhiều gian hàng tại đây.

Hình 4: Chậu sắt “đốt vía” và khung cảnh thiếu thẩm mỹ phía sau một số cửa hàng

Chậu sắt “đốt vía” và khung cảnh thiếu thẩm mỹ phía sau một số cửa hàng

Nguồn: Khảo sát của tác giả

Khác với Bát Tràng, hệ thống các cửa hàng của Vinmart+ được thiết kế đồng bộ theo chuỗi bán hàng trực tiếp và trên website Vinmartplus.vn. Đối với hình thức bán hàng trực tiếp, tùy từng vị trí theo mật độ dân cư, các gian hàng của Vinmart+ dao động từ 50 đến 100 m2, được trang trí thống nhất với màu đỏ chủ đạo. Các sản phẩm bày bán trên các kệ, cách bố trí theo nguyên tắc khoa học, trong đó các mặt hàng thiết yếu, tươi sống được bố trí ở phía trước. Vị trí đặt các cửa hàng của Vinmart+ thường tại nơi đông dân cư, thuận tiện giao thông, dễ dàng cho khách vào mua hàng. Đối với các khu chung cư, các cửa hàng VinMart+ thường đặt tại tầng 1, gần sảnh ra vào tòa nhà. Cửa hàng luôn được nhân viên lau dọn nên khá sạch sẽ.

Đặc biệt, tại các gian hàng này không có bàn thờ thần tài, nhân viên Vimart+ cũng không có văn hóa đốt vía như cách thức kinh doanh truyền thống. Khi được hỏi về điều này, một số nhân viên cho rằng để đảm bảo các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, hơn thế nữa, họ quan niệm Phật ở trong tâm, cứ có sản phẩm tốt, giá cả phải chăng, cách phục vụ tận tâm thì khách hàng ắt đến với mình.

Hình 5: Hình ảnh mặt tiền và cách bày trí bên trong một gian hàng của Vinmart

Hình ảnh mặt tiền và cách bày trí bên trong một gian hàng của Vinmart

Nguồn: Khảo sát của tác giả

Đối với kênh bán hàng trực tuyến, khách hàng có thể dễ dàng chọn lựa các sản phẩm trên trang web Vinmart.com, giao diện của trang web này rất thân thiện, khoa học, đặc biệt đồng nhất với cách bày trí và thương hiệu của kênh trực tiếp. Điều này tạo niềm tin cho khách hàng dù mua hàng theo kênh bán hàng nào.

Như vậy, cách bày trí bán hàng và quảng cáo của Vinmart+ thể hiện một văn hóa kinh doanh chuyên nghiệp. Vinmart+ đã kết hợp những điểm tích cực trong văn hóa kinh doanh truyền thống là mang đến cho người mua một không gian quen thuộc, đơn giản nhưng tiện lợi như cách bán hàng tại các hàng xén trước đây với phương châm “Một điểm đến, trọn nhu cầu”.

2.3. Văn hóa ứng xử với khách hàng

Văn hóa giao tiếp với khách hàng là một điều đáng quan tâm tại Bát Tràng. Văn hóa giao tiếp này thể hiện từ việc ăn mặc đến hành vi ứng xử với khách hàng. Khách hàng dễ dàng thấy hình ảnh những người bán hàng với trang phục đơn giản, thậm chí mặc đồ ở nhà khi đi bán hàng. Khi khách hàng vào cửa hàng, họ ít khi chào đón ngay, thường nói một câu: “Em cứ xem đi nhé, mua thì gọi chị”. Rồi tiếp tục làm việc riêng như sử dụng điện thoại hay vẫn tiếp tục những câu chuyện với những người bán hàng gần đó về chuyện gia đình, về bộ phim đang chiếu trên truyền hình… [1]

Văn hóa nói thách, bắt chẹt khách khá phổ biến, nhất là khi khách là nam giới và người nước ngoài. Ngoài một số ít cửa hàng niêm yết giá sản phẩm, nếu khách hàng không khéo mặc cả có thể phải trả giá cao hơn thậm chí trả gấp 2 lần so với giá thực tế mà cửa hàng có thể bán. Những câu nói rất quen thuộc thường được sử dụng khi khách hàng mặc cả giá là: “Không mua ở đây thì chẳng mua được hàng nào tốt hơn đâu”, “Em cứ đi khảo giá khắp chợ đi nếu không đâu đẹp hơn, rẻ hơn thì lại đây mua cho chị nhé!”, “Chị mà nói dối chị không bằng con em đâu”… Nhiều người bán hàng còn tỏ thái độ khó chịu, thậm chí quát mắng, xua đuổi khách hàng (qua việc “đốt vía”) nếu khách hàng không mua hàng [1].

Các dịch vụ vận chuyển, chăm sóc khách hàng sau mua cũng là vấn đề đáng nói. Gần như không có một cửa hàng nào quan tâm đúng mức đến vấn đề này. Một khách hàng phàn nàn: “Em mua một chiếc bình to, yêu cầu người bán bao gói cẩn thận vì em đi đường xa, họ chỉ quấn cho em ít giấy, hỏi thêm thì họ cằn nhằn nhà chị chỉ gói thế này thôi, buôn bán lãi lời bao nhiêu đâu em…” [1].

Như vậy, chúng ta có thể thấy một bức tranh khá rõ về văn hóa giao tiếp trong kinh doanh của các hộ kinh doanh tại Bát Tràng. Theo đó, các hộ kinh doanh ở đây vẫn còn hành vi kinh doanh chộp giật, chưa chuyên nghiệp, chưa vì khách hàng. Đây là được coi là những biểu hiện văn hóa kinh doanh truyền thống, rất đáng quan tâm của người Việt Nam.

Khác với các hộ kinh doanh tại Bát Tràng, tại các cửa hàng Vinmart+, văn hóa giao tiếp với khách hàng thể hiện ở sự ân cần, tận tâm với triết lý phụng sự khách hàng. Giá cả tại Vinmart được niêm yết công khai nên không có hiện tượng nói thách hay bắt chẹt khách hàng. Không những thế, giá tại Vinmart+ rất cạnh tranh, thường thấp hơn so với các chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị khác do được chiết khấu đến 30%. VinMart+ còn công bố giá cả từng loại mặt hàng trên trang web, trên cuốn cẩm nang mua sắm sản phẩm của mình để người tiêu dùng có thể đánh giá, so sánh trước khi bước chân vào cửa hàng [4].

Kết quả khảo sát tại nhiều cửa hàng cho thấy, khi khách hàng đến, nhân viên thường theo chân khách để nói chuyện, trao đổi thông tin về sản phẩm, về khuyến mại hay tư vấn cho khách tìm được sản phẩm mong muốn, hướng dẫn, hỗ trợ việc thanh toán hàng hóa. Khách hàng còn được cung cấp cuốn “Cẩm nang mua sắm sản phẩm” hoặc trực tiếp nghe các thông tin, chương trình khuyến mại tại màn hình TV được trình chiếu tại mỗi cửa hàng. Nhân viên Vinmart+ đều mặc đồng phục (màu đỏ chủ đạo theo màu thương hiệu của công ty) khi bán hàng. Họ giao tiếp ân cần, xưng hô lễ phép theo vai vế, tuổi tác của khách hàng. Nhân viên thường dùng hai tay khi đưa hàng và trả tiền cho khách. Khi khách hàng ra về, thường có một nhân viên mở cửa, hỗ trợ mang đồ ra xe và không quên kèm theo nụ cười, lời cảm ơn khách hàng.

Một biểu hiện khác trong văn hóa kinh doanh là các cửa hàng trong chuỗi của Vinmart+ đều mở phục vụ khách hàng từ 6h00 sáng đến 10h00 đêm hàng ngày, chia làm 3 ca và không nghỉ thứ bảy, chủ nhật. Dịp Tết Nguyên Đán, nhiều cửa hàng chỉ nghỉ ngày mồng 1 và mồng 2 tiếp tục hoạt động trở lại để phục vụ khách hàng. Thời gian nhập và kiểm kê hàng bán được tiến hành sau 10h00 đêm để kịp thời phục vụ khách hàng, đáp ứng thói quen mua hàng tươi vào sáng sớm của người dân. Ngoài ra, VinMart+ còn áp dụng thẻ tích điểm VinID nhằm hoàn tiền theo tỷ lệ trên mỗi hóa đơn mua hàng (tùy từng sản phẩm) cho khách bằng các lợi ích ưu đãi khi dùng chung dịch vụ trong hệ sinh thái VinGroup. Các dịch vụ sơ chế thực phẩm ngay tại cửa hàng, đi chợ hộ miễn phí với các đơn hàng trên 50.000 đồng trong phạm vi 5km và không hạn mức nếu khách hàng là cư dân nơi tòa nhà có VinMart+.

Như vậy, chúng ta đã thấy rõ sự khác biệt trong văn hóa kinh doanh tại Bát Tràng và chuỗi Vinmart+ tại Hà Nội. Bảng 1 sẽ tổng kết sự khác biệt này.

Bảng 1. So sánh các biểu hiện văn hóa kinh doanh tại Bát Tràng và Vinmart+

So sánh các biểu hiện văn hóa kinh doanh tại Bát Tràng và Vinmart+

Nguồn: Tổng hợp của tác giả

3. Bình luận kết quả nghiên cứu và hàm ý đối với các hộ kinh doanh tại làng nghề Bát Tràng

Như vậy, văn hóa kinh doanh của các hộ kinh doanh tại Bát Tràng là đại diện cho văn hóa kinh doanh truyền thống. Bên cạnh một số điểm tích cực, còn khá nhiều biểu hiện cần phải khắc phục, trong đó hành vi kinh doanh chộp giật, không vì lợi ích của người tiêu dùng là điều rất đáng quan tâm. Vấn đề này vừa thể hiện tư duy “ăn sổi” trong kinh doanh, vừa thể hiện sự thiếu hiểu biết về hành vi khách hàng, về kiến thức và kỹ năng bán hàng.

Vinmat+ đã duy trì được những nét đẹp trong văn hóa kinh doanh truyền thống như đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu của khách hàng với phương châm “Một điểm đến, trọn nhu cầu” vào bất kể thời gian mà khách hàng cần đến. Hơn thế nữa, Vinmart+ đã khắc phục được nhiều điểm còn hạn chế trong văn hóa kinh doanh truyền thống như đã được phân tích. Theo đó, văn hóa kinh doanh của Vinmart+ là minh chứng rõ ràng cho sự cần thiết phải điều chỉnh - thay đổi - phát triển văn hóa kinh doanh của người Việt Nam.

Với sự phát triển công nghệ, môi trường kinh doanh cũng thay đổi không ngừng. Khách hàng có nhiều thông tin, có nhiều sự lựa chọn hơn thì việc vẫn giữ những điểm còn hạn chế trong văn hóa kinh doanh tại Bát Tràng sẽ tạo ra những thách thức không nhỏ trong hoạt động kinh doanh của các hộ kinh doanh tại đây và với thương hiệu Bát Tràng nói chung.

Do đó, tác giả cho rằng các hộ kinh doanh tại Bát Tràng có thể học tập mô hình bán hàng của Vinmart+, thay đổi tư duy và kỹ năng bán hàng, chuyên nghiệp trong việc hỗ trợ khách hàng trước, trong và sau bán hàng. Hơn thế nữa, Bát Tràng cũng cần phát triển truyền thông trực tuyến qua website chung của làng nghề. Giống như thông tin trên web Vinmartplus.vn, kênh truyền thông này sẽ công bố giá trị cốt lõi, giới thiệu danh mục sản phẩm, giá cả, nguồn gốc của sản phẩm, các thông tin về ưu đãi, khuyến mãi, các hoạt động khác để kích cầu mua sắm, hình thành tập khách hàng rộng lớn hơn cho Bát Tràng,… Để làm được điều này cần có một tổ chức quản lý với vai trò giống như Vincomerce trước đây và Masan hiện nay. Tổ chức này sẽ quản lý tổng thể các hộ kinh doanh tại Bát Tràng, kiểm soát và đưa ra các quy định chặt chẽ đối với các hộ kinh doanh. Các hộ kinh doanh sẽ có được nhiều lợi ích, được hưởng quyền lợi khi bán hàng trên trang web chung này. Khách hàng sẽ có được những thông tin đầy đủ về sản phẩm, có niềm tin hơn khi mua hàng. Tổ chức này cũng hỗ trợ các hộ kinh doanh khâu bao gói, vận chuyển sản phẩm, giống như mô hình của Tiki hiện nay. Do vậy, các hộ kinh doanh sẽ chỉ chuyên sâu vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Như vậy, cùng với việc phát triển trang web truyền thông chung, Bát Tràng sẽ phát triển song song hai kênh bán hàng. Kênh bán hàng trực tiếp sẽ chú trọng thêm mảng du lịch làng nghề. Điều này sẽ nâng cao hiệu quả kinh doanh cho các hộ kinh doanh tại Bát Tràng và kinh tế làng nghề nói chung. 

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, việc kinh doanh trực tuyến tại Việt Nam nói chung và các hộ kinh doanh/doanh nghiệp nói riêng tại các làng nghề sẽ gặp một số thách thức từ niềm tin của người tiêu dùng nếu các doanh nghiệp không thực sự đặt trọng tâm cho vấn đề văn hóa kinh doanh bằng cách khắc phục những thói quen, hành vi văn hóa kinh doanh chưa tích cực đã tồn tại bao đời nay. Điều này cũng sẽ dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý vĩ mô của Chính phủ đối với chủ trương hạn chế sử dụng tiền mặt trong các giao dịch của người dân. Do đó, nghiên cứu này cũng cung cấp thông tin và hỗ trợ các nghiên cứu tiếp theo trong việc đẩy mạnh văn hóa kinh doanh trực tuyến nhằm nâng cao niềm tin của người dân và hạn chế sử dụng tiền mặt trong các giao dịch hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Thùy Dung, Nguyễn Thanh Tùng (2019), ‘Văn hóa kinh doanh các sản phẩm truyền thống tại Việt Nam - Nghiên cứu điển hình tại làng nghề Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội’, Tạp chí Khoa học Thương mại, Đại học Thương Mại, 134, 59-72.
  2. Dương Thị Liễu (2011), Giáo trình văn hóa kinh doanh, NXB Đại học Kinh tế quốc dân.
  3. Phương Mai (2020), Doanh số bán hàng qua mạng năm 2020 sẽ vượt mức 15 tỉ USD, truy cập tại https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/doanh-so-ban-hang-qua-mang-nam-2020-se-vuot-muc-15-ti-usd-1243253.html
  4. Website: Vinmartplus.vn

A STUDY ON THE BUSINESS CULTURE OF CRAFT VILLAGES:

 CASE STUDY OF BAT TRANG CRAFT VILLAGE

• Ph.D NGUYEN THUY DUNG

Faculty of Business Management 1

Posts and Telecommunications Institute of Technology

ABSTRACT:

This paper compares the business culture of traditional business households in Bat Trang craft village to the modern convenience store chain Vinmart+ in Hanoi. The paper’s results indicate the importance of business culture and the necessity for Bat Trang craft village’s business households to change their business culture. This paper also proposes some recommendations on the business culture of Bat Trang craft village in particular and Hanoi City’s craft villages in general in order to honor the traditional cultural values and enhance the competitiveness of craft villages in the context of Vietnam’s rapid growing e-commerce sector.

Keywords: Business culture, online sales, e-commerce, Bat Trang craft village.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 27, tháng 11 năm 2020]