Nghiên cứu các yếu tố tác động, ảnh hưởng đến phát triển ngành công nghiệp hóa chất cơ bản Việt Nam

NGUYỄN CHÍ THANH1*- MAI VĂN BƯU2 - TẠ THỊ HỒNG NHUNG1 (1Viện Nghiên cứu Da - Giầy, Bộ Công Thương; 2Trường Đại học Kinh tế quốc dân)

TÓM TẮT:

Theo thống kê của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp của nhóm hóa chất cơ bản mới chiếm khoảng 7% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của toàn ngành, đứng thứ tư sau nhóm sản phẩm phân bón, cao su và chất tẩy rửa. Để có thể đánh giá một cách đầy đủ, tổng quát về vị trí, vai trò của nhóm sản phẩm hóa chất cơ bản cũng như mối quan hệ của sản phẩm hóa chất cơ bản đến sự phát triển của ngành công nghiệp hóa chất và các ngành công nghiệp khác trong nền kinh tế quốc dân, bài báo trình bày nội dung nghiên cứu về các yếu tố tác động đến phát triển ngành công nghiệp hóa chất cơ bản Việt Nam, qua đó đánh giá những thuận lợi, khó đến phát triển sản xuất các sản phẩm hóa chất cơ bản. 

Từ khóa: công nghiệp hóa chất, hóa chất cơ bản, hóa chất, khoa học quản lý.

1. Đặt vấn đề

Ngành công nghiệp hóa chất cơ bản Việt Nam (HCCB) có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, sản xuất HCCB đặt nền móng cho ngành công nghiệp hóa chất (CNHC) và tạo ra vô số giá trị cho các ngành khác (hóa dầu, vật liệu xây dựng, luyện kim, dệt may, dược phẩm, ô tô, điện tử viễn thông, hàng không vũ trụ,...), góp phần rất quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước. Tuy nhiên đến nay, ngành HCCB mới chỉ chiếm vị trí khiêm tốn trong nhóm các sản phẩm hóa chất. Theo thống kê của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp của nhóm mới chiếm khoảng 7% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của toàn ngành, đứng thứ tư sau nhóm sản phẩm phân bón, cao su và chất tẩy rửa.

Các sản phẩm HCCB được sản xuất đi từ các nguyên liệu tự nhiên như dầu khí, than đá, không khí, nước và các loại quặng. Trong khi đó, đa phần các sản phẩm hóa chất hạ nguồn (là nguyên liệu cho các ngành công nghiệp khác) đều sử dụng nguyên liệu thuộc nhóm HCCB. Do vậy, sự phát triển của ngành CNHC và các ngành công nghiệp nói chung phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp các sản phẩm HCCB, có mối liên hệ mật thiết với nhau và là ví dụ điển hình cho việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả, cân đối hài hòa các nguồn lực, bảo vệ môi trường nhằm mục đích cuối cùng là phát triển bền vững.

Như vậy, để có thể đánh giá một cách đầy đủ, tổng quát về vị trí, vai trò của nhóm sản phẩm HCCB cũng như mối quan hệ của sản phẩm HCCB đến sự phát triển của ngành CNHC và các ngành công nghiệp khác trong nền kinh tế quốc dân, cần xem xét vai trò và tác động của các mối quan hệ đó trong sơ đồ chuỗi giá trị ngành công nghiệp hóa chất. (Hình 1)

Vì các lý do nêu trên, nhóm nghiên cứu tập trung phân tích các yếu tố tác động đến phát triển ngành công nghiệp HCCB Việt Nam, tập trung vào các nhân tố trong nước, các điều kiện phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ có liên quan, tác động của các FTA đến ngành HCCB.

2. Các yếu tố tác động, ảnh hưởng đến phát triển ngành HCCB Việt Nam

2.1. Những nhân tố trong nước

Về tài nguyên thiên nhiên, Việt Nam có lợi thế rất thuận lợi cho việc phát triển ngành sản xuất sản phẩm HCCB như dầu thô, khí thiên nhiên, than đá, các loại quặng… Tuy nhiên do thiếu vốn và công nghệ cùng với công tác quản lý khai thác kém hiệu quả nên chưa tận dụng được các lợi thế này để phát triển ngành sản xuất HCCB, mang lại giá trị gia tăng cao cho sản phẩm hóa chất Việt Nam.

Về vị trí địa lý, Việt Nam nằm ở trục giao thương nhộn nhịp nhất thế giới với bờ biển dài, hệ thống sông ngòi dày đặc, đặc biệt thuận lợi cho việc sản xuất HCCB để phân phối đến các nước trong khu vực.

Về dân số, Việt Nam là nước đông dân thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động (15 - 64 tuổi) chiếm 69,4%. Thị trường tiêu thụ hàng hóa nội địa lớn kéo theo nhu cầu các sản phẩm HCCB ngày càng tăng, đồng thời tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động cao cung cấp nguồn nhân lực dồi dào, chi phí lao động thấp, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành HCCB. Tuy nhiên, trình độ chuyên môn của lực lượng lao động chậm được cải thiện, nhất là nhóm lao động trẻ tuổi đã và đang là rào cản đối với năng suất lao động trong ngành CNHC. Công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển các ngành công nghiệp, đặc biệt là ngành sản xuất sản phẩm HCCB đang còn nhiều bất cập.

Về cơ sở hạ tầng, chất lượng hạ tầng giao thông, mạng lưới cung cấp điện, nước, xử lý chất thải, bưu chính viễn thông, dịch vụ logistics, dịch vụ công và các dịch vụ hỗ trợ khác tại Việt Nam đang dần được hoàn thiện và nâng cao chất lượng, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thu hút các nhà đầu tư lớn trên thế giới.

Về môi trường chính trị - pháp luật, thể chế chính trị ở Việt Nam tương đối ổn định, quy định pháp luật được sửa đổi phù hợp với quy luật thị trường, bộ máy nhà nước trong sạch, hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật công minh, qua đó thúc đẩy hình thành và phát triển thị trường một cách minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất- kinh doanh của doanh nghiệp.

Như vậy, nhìn chung, Việt Nam có nhiều điều kiện trong nước thuận lợi để phát triển ngành CNHC nói chung và ngành HCCB nói riêng.

2.2. Ảnh hưởng từ các ngành công nghiệp hỗ trợ có liên quan

Theo chuỗi sản xuất, sản phẩm HCCB cả vô cơ và hữu cơ được sản xuất sau quá trình tinh chế hóa chất từ khai thác chế biến các nguyên vật liệu thô. HCCB là nguyên liệu đầu vào cho các quá trình chế biến tiếp theo, trở thành các sản phẩm phân bón, hóa chất công nghiệp, chất dẻo, propylen oxide,… Các sản phẩm đó một số trở thành sản phẩm cuối cùng đem đi tiêu thụ, một số khác chưa phải là sản phẩm cuối cùng để có thể sử dụng được mà là nguyên liệu của quá trình chế biến tiếp theo trước khi trở thành sản phẩm cung cấp cho người dùng cuối cùng. Do vậy, phát triển sản xuất HCCB không thể tách rời với sự liên kết theo chuỗi sản xuất sản phẩm hóa chất mà là quy luật có tính bất biến.

Sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) liên quan thể hiện trong việc cung cấp các dịch vụ phục vụ cho ngành sản xuất HCCB, đó là các ngành công nghiệp khai khoáng, năng lượng, dịch vụ tư vấn khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo. Các ngành CNHT cung ứng vật tư, phụ tùng dịch vụ xây dựng, duy tu bảo dưỡng thiết bị, dây chuyền công nghệ sản xuất với chất lượng và giá cả cạnh tranh tạo thêm lợi thế so sánh vi mô cho các sản phẩm HCCB.

Việc xây dựng và tạo các mối quan hệ liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong ngành hóa chất, giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khoa học kỹ thuật, đào tạo với doanh nghiệp sản xuất HCCB, giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước sẽ giúp giải quyết các vấn đề liên quan đến quá trình vận hành sản xuất, kiểm soát chất lượng sẽ mang lại nhiều lợi thế giúp doanh nghiệp cải thiện năng lực cạnh tranh. 

Ngoài ra, sự phát triển của ngành HCCB còn phụ thuộc rất nhiều vào sự tiến bộ của khoa học công nghệ trong nước do ngành sản xuất sản phẩm HCCB thường sử dụng quy trình công nghệ khép kín và phải đảm bảo các quy định nghiêm ngặt về môi trường; máy móc, trang thiết bị, dụng cụ, vật liệu sử dụng ngoài việc phải thỏa mãn các điều kiện vận hành trong môi trường khắc nghiệt chống ăn mòn hóa chất còn phải có trình độ tự động hóa rất cao để đảm bảo yếu tố an toàn.

Hình 2 cho thấy các mối liên kết giữa các nhân tố có ảnh hưởng liên quan đến động lực phát triển của ngành sản xuất sản phẩm HCCB trong bối cảnh toàn cầu hóa.

2.3. Tác động của các FTA đến sự phát triển sản xuất sản phẩm HCCB

Cho đến nay, Việt Nam đã hoàn thành đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại CPTPP, RCEP, FTA với EU (EVFTA), với Liên minh Thuế quan (Nga, Belarus, Kazakhstan), các nước EFTA và Hàn Quốc... Trong đó, việc tham gia hiệp định EVFTA với liên minh châu Âu và CPTPP với đối tác là 11 nước có trình độ phát triển rất cao và là thị trường xuất khẩu chiếm tỷ trọng rất cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Nhận thức rõ cơ hội và thách thức để nắm bắt và thực hiện cải cách toàn diện sẽ đưa kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. Tham gia tích cực vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy các nước có thu nhập trung bình trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2035.

3. Khó khăn và thuận lợi tác động đến sự phát triển sản xuất sản phẩm HCCB

3.1. Những yếu tố thuận lợi

Các cơ chế quản lý và chính sách của Nhà nước ngày càng thông thoáng. Trong bối cảnh một nền kinh tế thị trường năng động, một hệ thống chính trị ngày càng cởi mở, cùng với chế độ chính trị ổn định, môi trường kinh doanh bình đẳng, đã tạo điều kiện thu hút mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển kinh tế nói chung và ngành CNHC nói riêng, trong đó có ngành HCCB. Chính sự xã hội hóa đầu tư này giúp cho ngành HCCB có điều kiện để phát triển với cơ cấu sản phẩm phong phú, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu tiêu dùng của xã hội.

Các nguồn lực, bao gồm nguồn nhân lực dồi dào, ham hiểu biết, cần cù lao động… và tài nguyên thiên nhiên phong phú, bao gồm các loại khoáng sản, nguồn nguyên liệu từ nước biển… tạo điều kiện cho sự phát triển một ngành công nghiệp hóa chất cân đối, đảm bảo phục vụ cho nhu cầu trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

3.2. Những khó khăn, thách thức

Thiếu vốn, kỹ thuật và công nghệ hiện đại đang là những ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của ngành, đặc biệt đối với những dự án cần vốn đầu tư lớn, như những dự án lọc dầu, các dự án sản xuất HCCB như Sô đa, xút, methanol,…

Cơ sở hạ tầng trong những năm gần đây tuy đã được cải thiện nhiều song vẫn còn yếu kém bao gồm cả đường giao thông, bến cảng, hạ tầng các KCN, hạ tầng mềm và CNHT khác… đang cản trở quá trình đẩy nhanh việc hình thành các tổ hợp CNHC lớn.

Lao động và nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, chất lượng thấp và thiếu tính linh hoạt trên thị trường lao động. Vẫn chưa có cơ chế tốt để phát huy được nguồn nhân lực Việt Nam trong và ngoài nước.

4. Kết luận

Nhìn chung, sản xuất HCCB Việt Nam có những lợi thế cạnh tranh nhất định như nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, quy mô dân số, nguồn lao động dồi dào, chính trị ổn định…, tuy nhiên cũng có những khó khăn, thách thức lớn cần phải vượt qua, đặc biệt là các yếu tố về vốn, khoa học công nghệ, thu hút đầu tư FDI.

Bài báo đã trình bày tóm tắt kết quả nghiên các yếu tố tác động đến phát triển ngành công nghiệp HCCB Việt Nam, qua đó đánh giá những thuận lợi, khó khăn đến phát triển sản xuất các sản phẩm HCCB. Kết quả nghiên cứu tạo tiền đề cho việc đề xuất những giải pháp, chính sách phù hợp, nhằm phát triển ngành HCCB Việt Nam trong thời gian tới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đỗ Hoàng Toàn (2008), Quản lý nhà nước về kinh tế, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.
  2. Hoàng Văn Tuyên và Nguyễn Thị Minh Nga (2019), Chính sách công nghiệp thân công nghệ, một số kinh nghiệm quốc tế và gợi suy cho Việt Nam, JSTPM, tập 8, số 1, tr. 71-80.
  3. Nguyễn Hoàng Mạnh (2016), Phát triển Tập đoàn Hóa chất Việt Nam trong nền kinh tế thị trường, Luận án tiến sĩ kinh tế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Hà Nội.
  4. Nguyễn Chí Thanh (2013), Xây dựng Danh mục và Cơ sở dữ liệu, nguyên liệu, hóa chất để sản xuất vật liệu nổ công nghiệp tại Việt Nam, Đề tài cấp Bộ, Bộ Công Thương, Hà Nội.
  5. Phạm Văn Dũng (2012), Kinh tế chính trị đại cương, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia, Hà Nội.
  6. Phùng Hà (2010), Nghiên cứu đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý hóa chất phải khai báo, Đề tài cấp Bộ, Bộ Công Thương, Hà Nội.

A  study  on the factors affecting the development of basic chemical sector in Vietnam

Nguyen Chi Thanh1

Mai Van Buu2

Ta Thi Hong Nhung1

1Leather and Shoes Research Institute

 2National Economics University

Abstract:

According to the Vietnam Chemical Group, the proportion of industrial production value of basic chemicals only accounts for about 7% of the total industrial production value of the whole industry, ranking fourth place after the industrial production values of chemical products, fertilizers, rubber and detergents. In order to fully and comprehensively evaluate the position and role of basic chemical products in the development of the chemical industry and other industries in the national economy, this study explores the factors affecting the development of Vietnam's basic chemical industry. The study also assesses the advantages and disadvantages of manufacturing basic chemical products in Vietnam.

Keywords: chemical industry, basic chemicals, chemistry,  management science.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 26 tháng 12  năm 2022]