Nhiều quy tắc xuất xứ hàng hóa cần lưu ý khi xuất khẩu theo Hiệp định ACFTA

Ngày 30/7/2019, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 12/2019/TT-BCT quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định ACFTA, mang khá nhiều điểm mới so với trước đây.

Ngày 21/11/2015, tại Malaysia, Bộ trưởng các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc đã ký Nghị định thư sửa đổi Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc (ACFTA). Sau khi ký Nghị định thư sửa đổi ACFTA, các nước thành viên tiếp tục đàm phán Quy tắc cụ thể mặt hàng (PSR) và tiến hành chuyển đổi PSR sang Phiên bản HS 2017.

Ngày 30/7/2019, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 12/2019/TT-BCT quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định ACFTA với nhiều điểm mới so với trước đây. Thông tư có hiệu lực từ ngày 12/9/2019.

Cụ thể, đối với quy tắc xuất xứ hàng hóa, hàng hóa được coi là có xuất xứ và đủ điều kiện hưởng ưu đãi thuế quan nếu có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại một nước thành viên Hiệp định; hoặc được sản xuất tại một nước thành viên chỉ từ nguyên liệu có xuất xứ của một hay nhiều nước thành viên (nguyên tắc cộng gộp).

Nếu không đạt hai điều kiện này, hàng hóa cần có hàm lượng giá trị khu vực (RVC) không thấp hơn 40% trị giá hàng hóa đã giao qua mạn tàu (FOB) và công đoạn sản xuất cuối cùng được thực hiện tại một nước thành viên; hoặc hàng hóa sử dụng nguyên liệu không có xuất xứ trải qua quá trình chuyển đổi mã số hàng hóa ở cấp độ 4 số (CTH) được quy định rõ tại Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa (hệ thống mã HS).

Hàng hóa cũng được coi là có xuất xứ nếu đạt quy định về tỷ lệ nguyên liệu không đáp ứng tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa (De Minimis), tức là trị giá/trọng lượng của tất cả nguyên liệu không có xuất xứ không đáp ứng tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa (CTC) được sử dụng để sản xuất ra hàng hóa không vượt quá 10% trị giá FOB của hàng hóa.

Việc xác định các nguyên liệu giống nhau và có thể dùng thay thế lẫn nhau là nguyên liệu có xuất xứ hay không có xuất xứ được thực hiện bằng phương pháp chia tách thực tế từng nguyên liệu; hoặc áp dụng các nguyên tắc kế toán về quản lý kho được áp dụng rộng rãi, hoặc các thông lệ quản lý kho tại nước thành viên xuất khẩu. Khi quyết định sử dụng phương pháp kế toán về quản lý kho nào thì phương pháp đó phải được sử dụng suốt trong năm tài chính.

Các xe hàng tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn)

Đối với quy tắc cụ thể mặt hàng (PSR), ngoài quy tắc xuất xứ chung, PSR được xây dựng trên Phiên bản HS năm 2017, bổ sung tiêu chí xuất xứ hàng hóa đối với nhiều dòng hàng.

Đối với nguyên liệu đóng gói và bao bì hàng hóa, trường hợp nguyên liệu đóng gói và bao bì dùng để vận chuyển, không cần xét đến nguyên liệu đóng gói và bao bì này khi xác định xuất xứ của hàng hóa.

Trường hợp nguyên liệu đóng gói và bao bì dùng để đóng gói hàng hóa nhằm mục đích bán lẻ và được phân loại cùng với hàng hóa, cần tính trị giá của nguyên liệu đóng gói và bao bì khi xác định xuất xứ hàng hóa áp dụng tiêu chí RVC. Không cần xét đến xuất xứ nguyên liệu đóng gói và bao bì khi xác định xuất xứ hàng hóa áp dụng tiêu chí CTC.

Đối với phụ kiện, phụ tùng và dụng cụ, được mô tả và phân loại cùng với hàng hóa được coi là một phần của hàng hóa nếu được lập hóa đơn cùng với hàng hóa; có số lượng và trị giá phù hợp với hàng hóa theo thông lệ.

Trường hợp hàng hóa áp dụng tiêu chí CTC, không cần xét đến xuất xứ của phụ kiện, phụ tùng và dụng cụ khi xác định xuất xứ hàng hóa.

Trường hợp hàng hóa áp dụng tiêu chí RVC, trị giá của phụ kiện, phụ tùng và dụng cụ, tùy từng trường hợp, được tính là trị giá nguyên liệu có xuất xứ hoặc không có xuất xứ khi tính RVC.

Ngoài ra, khi xác định xuất xứ hàng hóa theo Hiệp định ACFTA, không cần xác định xuất xứ của các yếu tố trung gian:

1. Nhiên liệu, năng lượng, chất xúc tác và dung môi.

2. Trang thiết bị, máy móc và vật tư dùng để thử nghiệm hoặc kiểm tra hàng hóa.

3. Găng tay, kính, giày dép, quần áo, vật tư và trang thiết bị bảo hộ lao động.

4. Dụng cụ, khuôn rập và khuôn đúc.

5. Phụ tùng và vật liệu dùng để bảo dưỡng thiết bị và nhà xưởng.

6. Dầu, mỡ bôi trơn, hợp chất và các nguyên liệu khác được sử dụng trong quá trình sản xuất hoặc được sử dụng để vận hành thiết bị và nhà xưởng.

7. Bất kỳ nguyên liệu nào khác không cấu thành nên sản phẩm nhưng việc sử dụng chúng trong quá trình sản xuất phải được chứng minh là cần thiết để sản xuất ra sản phẩm đó.

Thy Thảo