Phân tích đóng góp của TFP trong tăng trưởng kinh tế khu vực thương mại dịch vụ của tỉnh Kiên Giang

TS. NGUYỄN HỮU ĐẶNG (Khoa Kinh tế - Trường Đại học Cần Thơ)

TÓM TẮT:

Mục tiêu của nghiên cứu này là phân tích đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng kinh tế khu vực thương mại - dịch vụ của tỉnh Kiên Giang bằng phương pháp hàm sản xuất Cobb-Douglas, dựa trên bộ dữ liệu thời gian 2000-2015. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hệ số đóng góp của vốn (α) là 0,4223, hệ số đóng góp của lao động (β) là 0,5777; tốc độ tăng trưởng TFP bình quân của khu vực thương mại - dịch vụ trong mỗi giai đoạn 5 năm 2001-2005, 2006-2010 và 2011-2015 lần lượt là -1,34%/năm, 0,89%/năm và 2,03%/năm và đóng góp của TFP trong tăng trưởng kinh tế khu vực thương mại - dịch vụ lần lượt là -13,77%, -10,77 và 14,54%.

Từ khóa: TFP, tăng trưởng kinh tế, khu vực thương mại - dịch vụ, tỉnh Kiên Giang.

1. Giới thiệu

Lý thuyết tăng trưởng kinh tế của Solow (1994) khẳng định: Tăng vốn và lao động có thể dẫn đến tăng trưởng kinh tế ngắn hạn, phù hợp với giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa, còn tăng năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP - Total Factor Productivity) mới là nguồn gốc tăng trưởng trong dài hạn. TFP là một chỉ tiêu quan trọng được sử dụng trong nghiên cứu về tăng trưởng kinh tế, nó phản ánh sự đóng góp của các yếu tố khó lượng hóa như kiến thức - kinh nghiệm - kỹ năng lao động, tái cấu trúc nền kinh tế hay hàng hóa - dịch vụ, chất lượng vốn đầu tư mà chủ yếu là chất lượng thiết bị công nghệ, kỹ năng quản lý,… (Viện Năng suất Việt Nam, 2016).

Hiện nay, trên thế giới có khá nhiều các nghiên cứu về TFP. Nổi bật như các nghiên cứu của Ozyurt (2009), Vander Eng (2009), Jajri (2007), Amador và Coimbra (2007), Nachega và Fontaine (2006),… Các tác giả này đã phân tích và làm nổi bật lên được sự đóng góp của TFP vào tăng trưởng của các nền kinh tế, từ các nước Đông Nam Á đến các nước châu Á, châu Phi, các nước G7,… Ở Việt Nam, các tác giả như Đặng Hoàng Thống và Võ Thành Danh (2011), Trần Thọ Đạt (2004, 2010), Cù Chí Lợi (2008), Tăng Văn Khiên (2005),… đã nghiên cứu về đóng góp của TFP đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và các địa phương nhằm đề xuất các giải pháp chiến lược đẩy mạnh tăng trưởng, tăng đóng góp của TFP trong tăng trưởng kinh tế, tạo bước đi bền vững cho tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Phát triển thương mại - dịch vụ (TM-DV) là một nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Kiên Giang nhằm phát huy tiềm năng lợi thế lớn về kinh tế biển gắn với ngành Du lịch và khai thác, chế biến thủy hải sản. Trong 3 khu vực kinh tế của tỉnh (bao gồm khu vực Nông - Lâm - Ngư nghiệp, khu vực Công nghiệp - Xây dựng và khu vực TM-DV) thì khu vực TM-DV có tỷ trọng đóng góp trong tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2011 - 2015 là 35,75%, tăng thêm 4,76% so với giai đoạn 2006 - 2010 và đây là khu vực đóng góp lớn thứ hai sau khu vực Nông - Lâm - Ngư nghiệp (chiếm tỷ trọng 40,14% trong giai đoạn 2011 - 2015).

Tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực TM-DV trong giai đoạn 2011-2015 là 14,96%/năm, tăng trưởng vốn đầu tư bình quân giai đoạn này là 24,37%/năm, trong khi đó, tốc độ tăng trưởng lao động tăng bình quân là 7,17%/năm. Dấu hiệu trên cho thấy tăng trưởng kinh tế khu vực TM-DV của tỉnh Kiên Giang chủ yếu dựa vào vốn. Theo Solow (1996), nếu tăng trưởng chỉ dựa vào vốn thì tăng trưởng chỉ đạt được trong ngắn hạn. Do vậy, bên cạnh việc tạo môi trường đầu tư tốt để thu hút đầu tư, tạo đà cho tăng trưởng trong ngắn hạn, tỉnh Kiên Giang cần có các giải pháp phù hợp nhằm đẩy mạnh tăng trưởng TFP khu vực TM-DV để góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định, bền vững trong dài hạn. Mục tiêu của nghiêu cứu này là phân tích đóng góp của TFP trong tăng trưởng kinh tế khu vực TM-DV của tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2001 - 2015.

2. Số liệu và phương pháp nghiên cứu

2.1. Số liệu

Dữ liệu trong nghiên cứu này là dữ liệu chuỗi thời gian (time series data) về các chỉ tiêu: tổng sản phẩm trên địa bàn thuộc khu vực TM-DV, vốn đầu tư, lao động trong giai đoạn 2001 - 2015 được thu thập từ Niên giám thống kê (NGTK) tỉnh Kiên Giang.

2.2. Phương pháp tiếp cận

TFP được đánh giá dựa trên hai chỉ số chính là tốc độ tăng TFP và tỷ trọng đóng góp của TFP trong tăng trưởng kinh tế. Để tính tốc độ tăng trưởng của TFP, hầu hết các nghiên cứu trên thế giới đều sử dụng 02 phương pháp tiếp cận: Phương pháp hạch toán tăng trưởng (Growth Accounting Approach) và phương pháp hàm sản xuất (Production Function Approach).

Phương pháp hàm sản xuất được nhiều tác giả sử dụng như Tăng Gia Khiên (2005) để tính TFP Việt Nam trong giai đoạn 1991-1999; Saikia (2009) tính TFP ngành nông nghiệp của Ấn Độ trong giai đoạn 1950-1995. Trong nghiên cứu này, phương pháp tiếp cận hàm sản xuất Cobb-Douglas (Cobb-Douglas Production Function Approach) được sử dụng và có dạng sau:

Trong đó:

α và β là hệ số đóng góp của vốn cố định và lao động, được ước lượng từ phương trình (2).

- Xác định đóng góp của TFP trong tăng trưởng kinh tế:

2.3. Xác định các dữ liệu trong tính toán TFP

- Giá trị tổng sản phẩm khu vực TM-DV (Y): Số liệu này có đầy đủ trong Niên giám thống kê (NGTK) hàng năm của Cục Thống kê tỉnh Kiên Giang. Để thống nhất hệ thống giá so sánh, các dữ liệu theo giá so sánh 1994 được quy đổi theo giá so sánh 2010 theo hướng dẫn tại Thông tư 02/2012/TT-BKHĐT, ngày 04/04/2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Lao động (L): Lao động trên 15 tuổi trong khu vực TM-DV, được lấy từ NGTK hàng năm.

- Xác định giá trị trữ lượng vốn khu vực TM-DV(K) (capital stock): Giá trị trữ lượng vốn được sử dụng để tính TFP là trữ lượng vốn đang được sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế, chỉ tiêu này không có trong NGTK ở tỉnh Kiên Giang và cả nước.

+ Xác định giá trị trữ lượng vốn tại năm gốc (K0): Dựa trên chuỗi dữ liệu thống kê của địa phương đang có, năm gốc được chọn là năm 1996 (K0). Nghiên cứu này sử dụng phương pháp kê khai thường xuyên (perpetual method) đã được nhiều nước thành viên của APO sử dụng (Nguyễn Thị Việt Hồng, 2004), K0 được xác định theo công thức sau:

Trong đó: I0 là tổng vốn đầu tư tài sản cố định gộp tại năm gốc (1996) theo giá so sánh 2010, chỉ tiêu này có sẵn trong NGTK nhưng phải quy đổi theo giá so sánh 2010 từ giá so sánh 1994; δ là tỷ lệ tăng trưởng của trữ lượng vốn hàng năm, được giả định là 6%; d là tỷ lệ khấu hao TSCĐ hàng năm được giả định theo công văn số 2389/BKHCN-VCLCS của Bộ KH&CN ngày 6/7/2015, cụ thể như sau: tỷ lệ khấu hao từ năm 2000 trở về trước là 5%, từ năm 2001 - 2005 là 5,5%, từ năm 2006 - 2010 là 6%, từ năm 2011 - 2015 là 6,5%.

+ Xác định trữ lượng vốn tại các năm t (Kt): Giá trị trữ lượng vốn tại năm t được xác định theo công thức sau:

Trong đó: Kt là giá trị của trữ lượng vốn có đến cuối năm t; Kt-1 là giá trị của trữ lượng vốn có đến cuối năm t-1; It là giá trị của vốn đầu tư tài sản cố định gộp trong năm t, chỉ tiêu này có trong NGTK tỉnh Kiên Giang theo giá hiện hành và được quy đổi ra giá so sánh 2010 theo hướng dẫn tại Thông tư 02/2012/TT-BKHĐT, ngày 4/4/2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Dt là giá trị khấu hao của trữ lượng vốn tại năm t và được xác định theo công thức sau:

3. Kết quả và thảo luận

3.1. Kết quả ước lượng hàm sản xuất

Kết quả phân tích hàm sản xuất Cobb-Douglas ở bảng 1 cho thấy, hệ số đóng góp của vốn (α) là 0,4176 và hệ số đóng góp của lao động (β) là 0,5824. Hệ số α và β được sử dụng để thế vào phương trình (3) nhằm tính toán tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng đóng góp TFP vào tăng trưởng kinh tế khu vực TM-DV tỉnh Kiên Giang trong giai đoạn 2001 - 2015.

3.2. Đánh giá tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng vốn, lao động và TFP

Tăng trưởng kinh tế khu vực TM-DV: Bảng 2 cho thấy, GDP khu vực TM-DV tỉnh Kiên Giang có sự tăng trưởng cao và ổn định trong giai đoạn 2001 - 2015 với tốc độ tăng trưởng bình quân là 14,96%/năm; trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân khu vực TM-DV trong giai đoạn 2001 - 2005 là 13,53%/năm; giai đoạn 2006 - 2010 là 17,62%/năm; giai đoạn 2011 - 2015 là 13,73%/năm. Tốc độ tăng trưởng của khu vực TM-DV cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng của khu vực công nghiệp và nông nghiệp đã giúp đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn liền với phát huy lợi thế và tiềm năng của tỉnh.

Tăng trưởng trữ lượng vốn đầu tư: Trữ lượng vốn có tốc độ tăng trưởng rất cao trong thời kỳ trước 2010; cụ thể tăng trưởng trữ lượng vốn trong giai đoạn 2001-2005 là 25,3%, giai đoạn 2006-2010 là 33,38% và giai đoạn gần nhất 2011-2015 là 14,35%. Với các dữ liệu thống kê này cho thấy tỉnh Kiên Giang đã thu hút được một lượng vốn lớn vào lĩnh vực TM-DV trong giai đoạn 2001-2015. Đây cũng là tác nhân chính tạo ra sự tăng trưởng ngoạn mục của khu vực TM-DV thời gian qua.

Tăng trưởng lao động: Quy mô lao động khu vực TM-DV có xu hướng tăng dần trong giai đoạn 2001 - 2015 với tốc độ tăng trưởng bình quân là 7,17%/năm, cho thấy khu vực TM-DV đang thu hút ngày càng nhiều lao động vào làm việc. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng lao động khu vực TM-DV giai đoạn 2001 - 2005 và 2006 - 2010 lần lượt là 7,22%/năm và 4,57%/năm. Giai đoạn 2011 - 2015 là giai đoạn có tốc độ tăng trưởng quy mô lao động làm việc trong khu vực TM-DV cao nhất với tốc độ tăng trưởng bình quân là 9,73%/năm.

Tăng trưởng TFP: Tăng trưởng TFP bình quân trong giai đoạn 2001 - 2015 là 0,53%/năm, cho thấy TFP được cải thiện qua các năm. Cụ thể, tăng trưởng TFP khu vực TM-DV trong giai đoạn 2001 - 2005 là -1,34%/năm; trong giai đoạn 2006 - 2010 là 0,89%/năm; và giai đoạn 2011 - 2015 là 2,03%/năm. Mặc dù tăng trưởng TFP khá thấp nhưng đang được cải thiện qua các thời kỳ.

3.3. Đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế

Trong giai đoạn 2001 - 2015, đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế khu vực TM-DV là 13,77%. Sự đóng góp âm của TFP là do sự lấn át đóng góp của vốn trong tăng trưởng kinh tế (91,16%). Điều này cho thấy, tăng trưởng kinh tế giai đoạn này hầu hết đều do đóng góp của vốn. Đây là dạng tăng trưởng trong ngắn hạn và kém bền vững (Solow, 1996). Trong giai đoạn 2006 - 2010, đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế khu vực TM-DV là 10,77%. Sự đóng góp của TFP có chút cải thiện so với giai đoạn trước nhưng vẫn đóng góp âm. Sự đóng âm của TFP tiếp tục do sự lấn át đóng góp của vốn trong tăng trưởng kinh tế (96,21%). Nhìn lại bảng 2 cho thấy, tăng trưởng của trữ lượng vốn trong giai đoạn này rất cao (33,36%), trong khi tăng trưởng của lao động và GDP ngành TM-DV lần lượt là 4,57% và 17,62%, thấp hơn nhiều so với tăng trưởng của trữ lượng vốn. Đây là nguyên nhân làm tăng trưởng của TFP âm.

Trong giai đoạn 2011 - 2015, đóng góp của TFP trong tăng trưởng kinh tế của khu vực TM-DV đã có sự cải thiện ngoạn mục, đạt bình quân 14,54%/năm. Các dòng vốn đấu tư của các giai đoạn trước bắt đầu phát huy hiệu quả là một trong những yếu tố quan trọng giúp cải thiện đóng góp của TFP trong giai đoạn này.

Nhìn chung, tăng trưởng TFP và đóng góp của TFP trong tăng trưởng kinh tế khu vực TM-DV mặc dù còn khá khiêm tốn nhưng đang trong xu hướng cải thiện mạnh mẽ.

4. Kết luận

Nghiên cứu này nhằm phân tích đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng kinh tế khu vực TM-DV của tỉnh Kiên Giang bằng phương pháp hàm sản xuất Cobb Douglas, dựa trên bộ dữ liệu thời gian 2000-2015. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hệ số đóng góp của vốn (α) là 0,4223, hệ số đóng góp của lao động (β) là 0,5777; tốc độ tăng trưởng TFP bình quân của khu vực TM-DV trong mỗi giai đoạn 5 năm 2001-2005, 2006-2010 và 2011-2015 lần lượt là -1,34%/năm, 0,89%/năm và 2,03%/năm và đóng góp của TFP trong tăng trưởng kinh tế khu vực TM-DV lần lượt là -13,77%, -10,77 và 14,54%. Tăng trưởng của TFP và đóng góp của TFP trong tăng trưởng kinh tế của khu vực TM-DV tương đối thấp do sự lấn át đóng góp của vốn; nhưng đang cải thiện mạnh mẽ trong thời gian gần đây nhờ vào các giải pháp đồng bộ theo Chương trình hành động số 36-CTr/TU ngày 27/2/2013 của Tỉnh ủy Kiên Giang. Để TFP khu vực TM-DV tiếp tục cải thiện, nghiên cứu đề xuất cần tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế sâu trong nội bộ ngành TM-DV theo các ngành có TFP cao; hướng dòng vốn đầu tư vào các ngành có hiệu quả lao động, vốn cao; tiếp tục chính sách khuyến khích mạnh mẽ phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ; tăng cường đầu tư, ứng dụng khoa học và công nghệ trong quản lý; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là những nhóm giải pháp then chốt cho nâng cao tăng trưởng và đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế khu vực TM-DV tỉnh Kiên Giang trong thời gian tới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Amador, J., and Coimbra, C., 2008. Total Factor Productivity in the G7 Countries: Difference or Alike? Bank for International Settlements (ed.). The IFC's contribution to the 56th ISI Session, Lisbon, August 2007. 28: 3-11.

2. Baier, S.L., Dwyer, G.P., and Tamura, R., 2002. How Important Are Capital and Total Factor Productivity for Economic Growth?. Economic Inquiry. 44(1): 23-49.

3. Cù Chí Lợi, 2008. Chất lượng tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, Số 336: 3-9.

4. Đặng Hoàng Thống và Võ Thành Danh, 2011. Phân tích các yếu tố tác động đến tăng trưởng của Thành phố Cần Thơ: Cách tiếp cận Tổng năng suất các yếu tố. Tạp chí Khoa học Đại học Cần Thơ. Số 17b: 120-129.

5. Jajri, I., 2007. Determinants of Total Factor Productivity Growth in Malaysia. Journal of Economic Cooperation, 28(3): 41-58.

6. Nachega, J.C., and Fontaine, T., 2006. Economic Growth and Total Factor Productivity in Niger. IMF Working Paper. 6(208): 1-30.

7. Nguyễn Thị Việt Hồng, 2006. Giới thiệu phương pháp tính giá trị tài sản cố định và thử nghiệm vào Việt Nam. Thông tin Khoa học thống kê, 4: 20-24.

8. Ozyurt, S., 2007. Total Factor Productivity Growth in Chinese Industry: 1952-2005. Oxford development studies. 37(1): 1-17.

9. Solow, R., 1956. A Contribution to the Theory of Economic Growth. Quarterly Journal of Economics. 70(1): 65-94.

10. Tăng Văn Khiên, 2005. Tốc độ tăng năng suất các nhân tố tổng hợp phương pháp tính và ứng dụng. Nhà xuất bản Thống kê. Hà Nội. 131 trang.

11. Trần Thọ Đạt, 2005. Các mô hình tăng trưởng kinh tế. Nhà xuất bản Thống kê. Hà Nội. 286 trang.

12. Viện Năng suất Việt Nam, 2016. Báo cáo Năng suất Việt Nam 2015.

ANALYZING THE CONTRIBUTIONS OF TFP TO THE

ECONOMIC GROWTH OF KIEN GIANG PROVINCE’S TRADE

AND SERVICES SECTOR DURING THE 2000 - 2015 PERIOD

Ph.D. NGUYEN HUU DANG

Faculty of Economics, Can Tho University

ABSTRACT:

This study analyzed the contribution of the Total Factor Productivity (TFP) to the economic growth of the trade and services sector of Kien Giang province by using the Cobb-Douglas production function with data of the period from 2000 to 2015. The study’s results showed that the coefficients of labor (α) and the capital stock (β) of this production function were 0.4223 and 0.5777, respectively. In addition, the average growth of TFP of the provincial the trade and services sector during the 2001 - 2015 period was -1.34%. The figures for 2006 - 2010 period and 2011 - 2015 period were 0.89% and 2.03%, respectively. Moreover, the contributions of TFP to the economic growth of the provincial the trade and services sector during 2001 - 2015, 2006 - 2010 and 2011 - 2015 periods were -13,77%, -10,77 và 14,54%, respectively.

Keywords: Total Factor Productivity (TFP), economic growth, trade and service sector, Kien Giang province.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 03 tháng 03/2017 tại đây