TÓM TẮT:
Bài viết nghiên cứu thực trạng pháp luật Việt Nam về tình hình phá sản của các doanh nghiệp trước đại dịch Covid-19, những bất cập và xu hướng vận động các quan hệ xã hội. Từ đó, đề xuất các giải pháp pháp lý nhằm góp phần hoàn thiện các quy định pháp luật về phá sản.
Từ khóa: Phá sản, Luật Phá sản, Covid-19, chủ thể kinh doanh.
1. Đặt vấn đề
Trải qua hơn 5 năm đi vào thực tiễn, bên cạnh những điểm tiến bộ, tích cực, một số quy định trong Luật Phá sản 2014 đã bộc lộ các hạn chế, bất cập nhất định cần phải được nhìn nhận, giải quyết, nhất là trong tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam có nhiều biến động, xuất hiện các quan hệ xã hội mới và những điều kiện làm thay đổi các quan hệ xã hội liên quan đến quá trình giải quyết phá sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.
Tình hình dịch bệnh do vi rut SARS - CoV2 gây ra (sau đây gọi là dịch Covid-19) không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân, mà nó còn có khả năng gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu. Do đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp) Việt Nam bắt đầu gặp những khó khăn và nguy cơ mất khả năng thanh toán.
Bởi vậy, tác giả tập trung nghiên cứu pháp luật thực định trong tình hình mới phức tạp nhằm chỉ ra những bất cập và xu hướng vận động các quan hệ xã hội, từ đó đề xuất giải pháp góp phần hoàn thiện các quy định pháp luật về phá sản, tạo điều kiện cho các chủ thể kinh doanh tiếp tục hoạt động, bảo vệ quyền hợp pháp của các chủ nợ, góp phần cân bằng, bình ổn kinh tế - xã hội và phát triển đất nước.
2. Một số bất cập trong lĩnh vực pháp luật về phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã và các giải pháp pháp lý cụ thể
Thứ nhất, liên quan đến quy định về xác định điều kiện nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Luật Phá sản 2014 quy định điều kiện nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán1. Đây là điều kiện phát sinh quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Trong điều kiện, tình hình các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về mọi mặt, do hậu quả của dịch bệnh Covid-19 gây ra, việc mất khả năng thanh toán và làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là điều tất nhiên.
Luật Phá sản 2014 đã chưa dự liệu được các quan hệ xã hội phát sinh có liên quan đến hoạt động và khả năng tài chính của chủ thể kinh doanh khi xảy ra các tình huống đặc biệt như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, khủng bố… Thực tế cho thấy, trong khoảng thời gian không dài kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, các doanh nghiệp, hợp tác xã nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã gặp rất nhiều khó khăn và ảnh hưởng đến khả năng thanh toán các khoản nợ. Với tinh thần quy định của Luật Phá sản 2014, nếu người có quyền nộp đơn không nộp đơn thì người có nghĩa vụ vẫn phải nộp đơn. Vì thế, khả năng các doanh nghiệp phải chịu thêm áp lực, chấp nhận để doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản là rất cao. Việc nộp đơn yêu cầu giải quyết phá sản hàng loạt sẽ khiến Tòa án nhân dân khó tránh khỏi tình trạng quá tải không chỉ để giải quyết các vụ việc phá sản mà các cơ quan tư pháp còn phải thực hiện giải quyết các vụ án, vụ việc bị tồn đọng do phải thi hành các quyết định áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế hậu quả lây lan của dịch bệnh.
Rõ ràng, tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản trong hoàn cảnh này về mặt pháp lý không sai nhưng nó đã không thể hiện mục đích và tính nhân văn, hợp lý của pháp luật, không phản ánh đúng bản chất của pháp luật về phá sản.
Giải pháp đề xuất: Cần nhanh chóng ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung điều khoản quy định về điều kiện mất khả năng thanh toán. Theo đó, ngoài quy định về trường hợp được xem là mất khả năng thanh toán như trong Luật Phá sản 2014 hiện nay, cần quy định thêm về mất khả năng thanh toán trong trường hợp đặc biệt, thời gian 3 tháng sẽ được tính từ ngày đầu tiên sau khi cơ quan, cá nhân có thẩm quyền tuyên bố kết thúc tình huống đặc biệt đó2.
Thứ hai, về thẩm quyền giải quyết phá sản.
Luật Phá sản 2014 quy định3 thẩm quyền giải quyết phá sản cấp tỉnh trong 4 trường hợp và được toà án nhân dân tối cao hướng dẫn chi tiết. Tuy nhiên, việc xác định thẩm quyền giải quyết phá sản trong trường hợp “doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có bất động sản ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau” vẫn còn bỏ ngõ. Trên thực tế, các doanh nghiệp kể cả doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hay không kinh doanh bất động sản đều có thể có tài sản là các bất động sản ở những địa phương khác nhau. Theo đó, việc xác định thẩm quyền của tòa án trong trường hợp này trên thực tế gặp khó khăn. Ví dụ: Doanh nghiệp A phát sinh quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp B (trụ sở tại tỉnh X), nhưng tại thời điểm nộp đơn, B đang tranh chấp về xác định quyền sở hữu bất động sản với C (tỉnh Y). Rõ ràng, người có quyền nộp đơn khó biết được tình hình bên nợ có đang tranh chấp liên quan đến bất động sản ở nhiều tỉnh thành khác nhau hay không, ngay cả khi biết có tranh chấp thì cũng không thể xác định được khi nào bản án có hiệu lực. Trong khi đó, việc xác định thẩm quyền tòa án để nộp đơn lại phụ thuộc vào kết quả của bản án xác định bất động sản đang tranh chấp thuộc về ai. Ở ví dụ trên, nếu bất động sản đang tranh chấp thuộc về C thì thẩm quyền giải quyết phá sản doanh nghiệp B là tòa án nhân dân cấp huyện - nơi đặt trụ sở chính doanh nghiệp B; nhưng nếu bất động sản thuộc sở hữu của B thì đồng nghĩa với việc doanh nghiệp B đã sở hữu bất động sản thuộc tỉnh thành khác nên A phải nộp đơn tại tòa án cấp tỉnh X để yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với B.
Thêm vào đó, khoản 4 Nghị quyết số 03/2016/NQ-HĐTP có quy định về giải quyết hậu quả pháp lý trong trường hợp có sự thay đổi thẩm quyền tòa án nhân dân do phát sinh các điều kiện làm cho vụ việc phá sản từ cấp huyện thuộc cấp tỉnh4. Tuy nhiên, Nghị quyết vẫn còn bỏ ngỏ trường hợp thay đổi từ cấp tỉnh xuống cấp huyện thì trước đó Tòa án ban đầu ra quyết định mở thủ tục phá sản có chuyển về lại cho cấp huyện hay không.
Thứ ba, bất cập trong quy định về quyền và nghĩa vụ nộp đơn theo quy định tại Điều 5 Luật Phá sản 2014.
So với cổ đông chiếm cổ phần lớn công ty cổ phần và thành viên hợp tác xã thì thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên không có quyền này. Như vậy, nếu thành viên chiếm vốn chi phối của công ty nhận thấy doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thì cũng không có quyền nộp đơn mà chỉ trông chờ vào người đại diện theo pháp luật hoặc chủ tịch Hội đồng thành viên nộp đơn với tư cách là người có nghĩa vụ. Điều này phần nào gây bất lợi cho thành viên, bởi nếu tình hình kéo dài có thể gây ảnh hưởng nhiều đến lợi ích của thành viên đó.
Giải pháp đề xuất: Nên bổ sung thêm quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của thành viên có số vốn điều lệ chiếm từ 65% trên tổng vốn điều lệ của công ty.
Thứ tư, quy định liên quan đến hoạt động thương lượng của các các chủ nợ và doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
Luật Phá sản 2014 quy định về quyền đề nghị được thương lượng của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và chủ nợ để được rút đơn. Điều này đồng nghĩa với việc Tòa án phải luôn chấp nhận cho sự yêu cầu được thương lượng của các bên, nhưng có phải trong mọi trường hợp, thỏa thuận rút đơn đều được chấp nhận hay không. Rõ ràng, Luật Phá sản đã cho các bên quyền thương lượng việc rút đơn nhưng lại quy định phải đề nghị tòa án để được rút đơn là không phù hợp.
Giải pháp đề xuất: Tác giả cho rằng, về mặt tinh thần của luật cũng như về mặt câu chữ nên quy định rằng: Trong vòng 20 ngày, kể từ ngày doanh nghiệp, hợp tác xã nhận được thông báo bị nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có quyền thương lượng với chủ nợ nộp đơn về việc rút đơn không cần phải có đơn đề nghị được thương lượng, các bên có nghĩa vụ gửi kết quả thương lượng về cho tòa án trong vòng 03 ngày kể từ ngày kết thúc việc thương lượng. Với quy định này, sẽ tạo cho các bên chủ động hơn trong việc tiến hành thương lượng, hạn chế tốn kém tài chính và thời gian đi lại. Thêm vào đó, Luật Phá sản cần quy định rõ hơn thế nào là thỏa thuận trái với tinh thần của pháp luật về phá sản và hậu quả pháp lý của từng hành vi đó. Quy định trên tạo nên sự thuận lợi và hợp lý hơn, khẳng định thoả thuận rút đơn là quyền nhưng không phải mọi thỏa thuận rút đơn điều được chấp nhận. Tòa án vẫn là chủ thể quyết định cuối cùng sau khi xem xét kết quả thương lượng được gửi lên.
Thứ năm, bất cập trong quy định về đơn hợp lệ trong thủ tục phá sản.
Một trong những yêu cầu để xem đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là hợp lệ đó là kèm theo đơn phải có chứng cứ chứng minh các khoản nợ đến hạn. Hay nói đúng hơn, chủ nợ phải chứng minh được doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán. Thực tế, để chứng minh doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán không phải là điều dễ dàng, nhất là khi các khoản nợ không phải xuất phát từ các hợp đồng vay, mượn về tài chính mà xuất phát từ khả năng thực hiện thanh toán các hợp đồng mua bán hàng hoá hoặc cung ứng dịch vụ. Đơn cử trong tình huống thực tế sau5:
Ngày 13/11/2018, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Trường Sinh (gọi tắt là Công ty Trường Sinh), có địa chỉ tại Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Công ty TNHH Bình An (gọi tắt là Công ty Bình An) tại Tòa án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Đến ngày 10/01/2019, Tòa án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 02/2019/QĐ-TLĐ trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Công ty Bình An đối với Công ty Trường Sinh với lý do “căn cứ vào Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Công ty Trường Sinh tại trang 1 có nêu “… Công ty Bình An chưa hoàn tất nghĩa vụ nhận hàng và thanh toán nợ của mình theo các hợp đồng mua bán hàng hóa…”. Nộp kèm theo đơn yêu cầu có biên bản đối chiếu xác nhận nợ ngày 15/01/2017, tuy nhiên biên bản này không xác nhận số nợ của hợp đồng nào. Mặt khác, các tài liệu Công ty Trường Sinh cung cấp đều thể hiện các bên vẫn còn mâu thuẫn về giá trị hàng hóa liên quan đến các hợp đồng mua bán hàng hóa đã ký, chưa có sự thống nhất về các khoản nợ đến hạn giữa các bên”. Công ty Trường Sinh không đồng ý với Quyết định này vì cho rằng, việc Công ty Bình An không thực hiện các đợt thanh toán trong hợp đồng quá 3 tháng kể từ ngày thực hiện nghĩa vụ thanh toán được xem là đủ điều kiện để khẳng định Bình An mất khả năng thanh toán nên đã làm đơn yêu cầu xem xét lại Quyết định trả lại đơn của TAND Quận 1 lên TAND Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, ngày 19/01/2019, TAND Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 21/2019/QĐ-GQKN. Theo đó, TAND Thành phố Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên Quyết định trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản số 02/2019/QĐ-TLĐ của TAND Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Với lý do: Nội dung biên bản đối chiếu xác nhận nợ ngày 15/01/2017 không xác định nợ của hợp đồng nào và thời hạn trả nợ, đồng thời sau ngày 15/01/2017 các bên vẫn tiếp tục giao dịch và ký thêm nhiều hợp đồng khác. Đến nay, Công ty Trường Sinh không xuất trình được văn bản nào thể hiện Công ty Bình An xác nhận nợ và cam kết trả nợ trong thời hạn cụ thể theo quy định tại khoản 1 và khoản 2, Điều 26 Luật Phá sản. |
Từ tình huống trên, có thể thấy vấn đề đặt ra như sau:
Mặc dù Công ty Trường Sinh có cung cấp biên bản đối chiếu xác nhận nợ, tuy nhiên trong các biên bản không có thời hạn phải thanh toán các khoản nợ đó. Do vậy, theo tác giả, việc TAND Quận 1 và TAND Thành phố Hồ Chí Minh trả lại đơn là phù hợp với quy định của Luật Phá sản năm 2014.
Giải pháp đề xuất: Cần phải xác định thế nào là một khoản nợ trong thủ tục phá sản. Quan điểm của tác giả, khoản nợ không chỉ là những khoản tiền, tài sản theo các hợp đồng vay, mượn tài sản. Đối với một thương nhân hoạt động thương mại, việc giao kết và thực hiện nghĩa vụ thanh toán trong hợp đồng mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ là điều thường xuyên phải thực hiện. Luật Phá sản không xem khoản tiền chậm thanh toán là một món nợ để làm cơ sở nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản mà đó chỉ là một hành vi vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của các bên. Do vậy, trường hợp này, các bên có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng và yêu cầu bên còn lại thanh toán. Tuy nhiên, sau khi có bản án xác định khoản nợ và thời hạn thanh toán cho bên bị vi phạm, thì liệu, nội dung bản án có được xem là giấy xác nhận nợ của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán hay không? Ở tình huống trên, vì chưa có bản án giải quyết tranh chấp về chậm thanh toán nên việc tòa án trả lại đơn là hoàn toàn phù hợp. Nhưng, nếu như tranh chấp trên đã được giải quyết bằng một vụ án đã có hiệu lực pháp luật và chuyển qua cơ quan thi hành án thì cần phải xem bản án như là một minh chứng cho khoản nợ không có đảm bảo.
3. Kết luận
Trên đây là một số những bất cập, vướng mắc trong các quy định của pháp luật về phá sản. Những phân tích, gợi mở và những đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật trong bài viết sẽ góp phần hoàn thiện các quy định của pháp luật về phá sản, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội có nhiều biến động, các quy định của pháp luật về phá sản cần phải nhanh chóng, kịp thời và phù hợp điều chỉnh các quan hệ mới phát sinh nhằm góp phần ổn định xã hội, vực dậy sản xuất của các chủ thể kinh doanh, phát triển kinh tế đất nước.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
1Khoản 1, Điều 4 Luật Phá sản 2014 quy định: “Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ trong thời hạn ba tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán”.
2Theo quan điểm của tác giả, các tình huống đặc biệt có thể bao gồm: Thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh, khủng bố thậm chí là các hiệu ứng từ công nghệ môi trường..., vì vậy, xác định trường hợp mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp trong các trường hợp trên khó mà chuyển tải trong nội dung một điều khoản, Luật Phá sản chỉ nên quy định về tinh thần chung và giao về cho Chính phủ hướng dẫn.
3Điều 8 Luật Phá sản 2014 quy định về thẩm quyền giải quyết phá sản của tòa án quy định:
“1.Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tòa án nhân dân cấp tỉnh) có thẩm quyền tuyên bố phá sản doanh nghiệp đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã tại tỉnh đó và thuộc trong các trường hợp sau đây:
a) vụ việc phá sản có tài sản ở nước ngoài hoặc người tham gia thủ tục phá sản ở nước ngoài;
b) Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có chi nhánh, văn phòng đại diện ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau;
c) Doanh nghiệp, hợp tác xã có bất động sản ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau;
d) Vụ việc phá sản thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh mà tòa án nhân dân cấp tỉnh lấy lên để giải quyết do tính chất phức tạp của vụ việc.
…"
4Khoản 4 điều 3 Nghị quyết số 03/2016/NQ-HĐTP quy định: “Trường hợp Tòa án nhân dân cấp huyện đã thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đúng thẩm quyền nhưng trong quá trình giải quyết phá sản có sự thay đổi nơi cư trú, địa chỉ của người tham gia thủ tục phá sản hoặc xuất hiện tình tiết mới làm cho vụ việc phá sản thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 8 của Luật Phá sản và hướng dẫn tại khoản 1 Điều này thì Tòa án nhân dân cấp huyện vẫn tiếp tục giải quyết”.
5Đây là tình huống thực tế đã xảy ra tại Tòa án Nhân dân Quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Để đảm bảo quyền lợi của các chủ thể, tác giả đã thay đổi tên và địa chỉ của doanh nghiệp trong tình huống trên.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Quốc hội (2014). Luật số: 51/2014/QH13 Luật Phá sản, ban hành ngày 19/6/2014.
LAW ON BANKRUPTCY: SOME INADEQUACIES AND SOLUTIONS
• CHE VAN TRUNG
Master’s student, Hoa Binh University,
Vice Director, District 2 Public Services
Single-member Limited Liability Company
ABSTRACT:
This paper examines the current situation of the bankruptcy of Vietnamese enterprises during the Covid-19 pandemic, the status quo of Vietnam’s laws on bankruptcy and their inadequacies and also the changes in social relations. Based on this paper’s findings, some legal solutions were proposed to perfect Vietnam’s provisions on bankruptcy.
Keywords: Bankruptcy, Law on Bankruptcy, Covid-19, business entity.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16, tháng 7 năm 2020]