Theo Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương, Việt Nam không bị áp thuế tự vệ do nằm trong nhóm các nước đang phát triển được loại trừ do lượng nhập khẩu không đáng kể.
Thuế tự vệ sẽ có hiệu lực trong vòng ba (03) năm kể từ khi Cơ quan Hải quan Philippines ra lệnh thu thuế. Mức thuế tự vệ lần lượt qua các năm như sau: 1.338 Php/MT cho năm đầu tiên; 1.271 Php/MT cho năm thứ hai; và 1.208 Php/MT cho năm cuối cùng. Tuy nhiên, DTI có thể tiến hành rà soát điều chỉnh mức thuế hoặc danh sách các nước được loại trừ nếu nhập khẩu từ các nước này tăng lên.
Trước đó, ngày 27/6/2022, Ủy ban Thuế quan (TC) Philippines đã ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với hạt nhựa mật độ cao (HDPE) nhập khẩu từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Theo đó, TC kiến nghị Bộ Công Thương Philippines áp dụng mức thuế tự vệ 2% trong vòng 03 năm đối với mặt hàng này nhằm ngăn chặn nguy cơ hạt nhựa HDPE nhập khẩu gây ra thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành sản xuất trong nước. Tuy nhiên, mức thuế này sẽ không áp dụng đối với hạt nhựa HDPE nhập khẩu từ Việt Nam do Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia đang phát triển có lượng nhập khẩu dưới 3%. Dự kiến trong khoảng 2 tuần tới, Bộ Công Thương Philippines sẽ có quyết định chính thức về vấn đề này.
Trước đó, vào ngày 3/6/2022, Bộ Công Thương Philippines cũng đã quyết định không áp dụng thuế tự vệ đối với hạt nhựa mật độ thấp (Linear Low-Density Polyethylene - LLDPE) do không có sự gia tăng nhập khẩu (cả ở mức tuyệt đối và tương đối) trong thời kỳ điều tra.
Bộ Công Thương Philippines trước đó đã tiến hành 2 vụ việc điều tra tự vệ đối với hạt nhựa mật độ cao (HDPE) và hạt nhựa mật độ thấp tuyến tính (LLDPE). Sản phẩm bị điều tra là hạt nhựa mật độ cao HDPE có mã AHTN 3901.20.00; và hạt nhựa mật độ thấp tuyến tính LLDPE có mã AHTN 3901.10.12; 3901.10.92; 3901.40.00; 3901.90.90. Giai đoạn điều tra từ năm 2015 - 2019.
Như vậy, cả 2 sản phẩm hạt nhựa mật độ cao và hạt nhựa mật độ thấp của Việt Nam đều không bị áp dụng biện pháp phòng vệ tại thị trường Philippines.