Quản lý nhà nước đối với tăng trưởng kinh tế tỉnh Đắk Lắk

Y THANH HÀ NIÊ KDĂM (Đảng ủy Khối các doanh nghiệp nhà nước)

TÓM TẮT:

     Đắk Lắk là một tỉnh nằm ở trung tâm Tây Nguyên. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững trong thời gian tới, chỉnh quyền tỉnh cần phải tiếp tục cải thiện công tác quản lý nhà nước về tăng trưởng kinh tế. Bài viết này trình bày thực trạng quản lý nhà nước về tăng trưởng kinh tế tại tỉnh Đắk Lắk, trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả hoạt động này trong thời gian tới.

    Từ khóa: Quản lý nhà nước, tăng trưởng kinh tế, kinh tế, tỉnh Đắk Lắk.

1. Thực trạng quản lý nhà nước về tăng trưởng kinh tế tại tỉnh Đắk Lắk

1.1. Bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tại tỉnh Đắk Lắk

     Đơn vị thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về kinh tế chủ đạo tại tỉnh Đắk Lắk là UBND tỉnh. UBND tỉnh là cơ quan thực hiện các đường lối, chủ trương phát triển kinh tế của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh và các nhiệm vụ phát triển kinh tế khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao. UBND tỉnh có phòng ban, gồm: Văn phòng, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Tài chính, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Thanh tra tỉnh, Sở Ngoại vụ, Ban Dân tộc, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tài và tìm kiếm cứu nạn, UBND các đơn vị cấp huyện/xã và các tổ chức chính trị, xã hội.

1.2. Kết quả triển khai các hoạt động phát triển kinh tế của chính quyền tỉnh Đắk Lắk

Dựa trên định hướng và các chính sách phát triển kinh tế được xây dựng và ban hành, trong thời gian qua, chính quyền tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện đồng bộ nhiều hoạt động để thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh theo hướng bền vững.

1.2.1. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống đường giao thông

     Hệ thống giao thông là một yếu tố rất quan trọng quyết định đến môi trường đầu tư. Nhằm nâng cải thiện môi trường đầu tư từ đó tạo thêm động lực thu hút đầu tư tư nhân, chính quyền tỉnh Đắk Lắk đã rất chú trọng công tác phát triển hệ thống đường giao thông trên địa bàn tỉnh. Hệ thống đường giao thông trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk luôn được ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp và sửa chữa qua các năm, nổi bật là hệ thống đường bộ và đường hàng không.

Bảng 1. Hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

he_thong_giao_thong_tren_dia_ban_tinh_dak_lak

Nguồn: UBND tỉnh Đắk Lắk

     + Đến nay, hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk gồm có: 05 tuyến Quốc lộ 26, 27, 29, 14, 14C (tổng chiều dài 576,5 km, nhựa hóa 81%); 11 tuyến đường tỉnh (tổng chiều dài 351km, nhựa hóa 95%), 751 km đường đô thị (tỷ lệ nhựa hóa 100%), 71 tuyến đường huyện (dài 1.403km, tỷ lệ nhựa hóa 68%), 760 tuyến đường xã (dài 3.220 km, tỷ lệ nhựa hóa 28%) và 4.079km đường thôn buôn, tỷ lệ nhựa hóa 11%.

     + Đường thủy: Hiện nay, Đắk Lắk có khoảng 544 km đường sông do các sông Sêrêpôk, Krông Nô, Krông Na,… tạo thành.

     + Đường hàng không: Hiện nay, Cảng hàng không Buôn Ma Thuột đã có các chuyến bay tới thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Vinh và ngược lại, tạo thuận lợi cho vận chuyển hành khách và hàng hóa. Từ năm 2010, Cảng hàng không Buôn Ma Thuột đã được đầu tư, nâng cấp, cải tạo đường hạ cất cánh có chiều dài 3.000 m, rộng 45 m với các trang thiết bị phụ trợ, đèn đêm. Tháng 12/2011 đã đưa vào sử dụng nhà ga mới với tổng diện tích sàn 7.200 m2, công suất 1 triệu hành khách/năm. Nhà ga mới đáp ứng 04 chuyến bay giờ cao điểm (2 chuyến đi, 2 chuyến đến) với loại máy bay Airbus321 và tương đương, phục vụ 400 hành khách/giờ cao điểm (2 chiều).

1.2.2. Xây dựng và hoàn thiện các khu, cụm công nghiệp, trung tâm thương mại
  • Khu, cụm công nghiệp

     Khu, cụm công nghiệp được xem là cơ sở để các doanh nghiệp hoạt động, đặc biệt là các doanh nghiệp chế biến. Để định hướng quá trình thu hút đầu tư nói chung, đặc biệt là thu hút các nhà máy, doanh nghiệp vào hoạt động, tỉnh Đắk Lắk đã hoàn thành và công bố quy hoạch 02 khu công nghiệp (Hòa Phú và Phú Xuân) và 14 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.349,58 ha. Hiện mới chỉ có KCN Hòa Phú và 8 CCN đang hoạt động (Tân An 1, Tân An 2, Ea Ral, Ea Lê, Ea Dar, Krông Búk 1, M’Đrăk, Cư Kuin).

  • Trung tâm thương mại

     Toàn tỉnh Đắk Lắk hiện nay có 148 chợ, 07 siêu thị và trung tâm mua sắm tập trung chủ yếu tại thành phố Buôn Ma Thuột. Nhìn chung, hệ thống trung tâm mua sắm và siêu thị đã cơ bản đáp ứng nhu cầu mua sắm và phân phối hàng hàng hóa của nhân dân, các chủ thể sản xuất - kinh doanh trong tỉnh. Các chợ đều cơ bản ổn định theo vị trí quy hoạch.

1.2.3. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống điện, cung cấp nước, thông tin liên lạc, hệ thống y tế
  • Đối với hệ thống điện: Hiện nay 100% xã, phường trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có điện lưới quốc gia và 94,5% thôn, buôn đã có điện. Tỷ lệ số hộ được dùng điện sinh hoạt ước đạt 95%. Tuy nhiên, điện phục vụ sản xuất còn thiếu, đặc biệt là vào mùa khô.
  • Đối với hệ thống cung cấp nước: Hiện chỉ có thành phố Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ và các thị trấn thuộc các huyện Krông Pắc, Cư M’gar, M’Đrắk có hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung. Đến năm 2019, tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 100%, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh đạt 89,2%. Dân cư khu vực nông thôn chủ yếu sử dụng nguồn nước do họ tự khai thác ở dưới lòng đất hay nguồn nước từ các sông, suối, ao hồ,...
  • Đối với hệ thống thông tin liên lạc: Trong những năm qua, hệ thống bưu chính, viễn thông của Đắk Lắk đã phát triển mạnh mẽ và rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông tin liên lạc trong tỉnh, trong nước và quốc tế. Hiện nay, có 184/184 xã phường, thị trấn có điện thoại, đạt tỉ lệ 100%; mạng di động đã phủ sóng 15/15 huyện, thị xã, thành phố. Tốc độ phát triển máy điện thoại hàng năm tăng nhanh. Hiện nay, tổng thuê bao điện thoại khoảng 1.577.976 thuê bao đạt mật độ 87,83 thuê bao/100 dân. Tổng số thuê bao internet khoảng 42.524 thuê bao, đạt mật độ 13,38 máy/100 dân; tỷ lệ người sử dụng 46,82%.
  • Đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe: Toàn tỉnh hiện có 22 bệnh viện gồm 05 bệnh viện tuyến tỉnh, 04 bệnh viện tư nhân, 14 bệnh viện đa khoa cấp huyện và mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp với hơn 5.350 cán bộ y tế gồm các bác sỹ, y sỹ, y tá và trình độ khác phục vụ từ tỉnh xuống cơ sở, với gần 4.000 giường bệnh.
1.2.4. Xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp lý

     Dựa trên các chỉ đạo của Trương ương, trong thời gian vừa qua, chính quyền tỉnh Đắk Lắk cũng chú trọng thực hiện cải cách hành chính và đạt được một số kết quả tích cực. Thời gian đăng ký doanh nghiệp, giải quyết thủ tục hành chính và tiếp cận các dịch vụ công đã được rút ngắn xuống. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã giảm thời gian giải quyết 26 thủ tục đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp từ 03 ngày theo quy định xuống còn 01 ngày, rút ngắn thời gian lấy ý kiến thẩm định đối với hồ sơ đề xuất dự án đầu tư từ 15 ngày theo Luật Đầu tư xuống còn 07 ngày làm việc. Sở Xây dựng thực hiện rút ngắn thời gian đối với các thủ tục hành chính, như: Cấp phép xây dựng từ 30 ngày theo quy định xuống còn 10 ngày, thẩm định thiết kế cơ sở từ 20 ngày xuống còn 15 ngày đối với dự án nhóm B, 10 ngày đối với dự án nhóm C; thẩm định thiết kế bản vẽ thi công từ 30 ngày còn 25 ngày đối với công trình cấp II, cấp III và từ 20 ngày còn 15 ngày đối với các công trình còn lại. Cảnh sát PCCC tỉnh thực hiện rút ngắn thời gian thẩm duyệt thiết kế về PCCC từ 10 ngày xuống còn 07 ngày; chấp thuận địa điểm xây dựng công trình từ 05 ngày xuống còn không quá 03 ngày; đối với thiết kế cơ sở rút ngắn từ 10 ngày xuống còn 07 ngày đối với dự án nhóm A, từ 05 ngày xuống còn 03 ngày đối với dự án nhóm B và C; đối với thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công rút ngắn từ 15 ngày xuống còn 10 ngày đối với dự án, công trình nhóm A; từ 10 ngày xuống còn 07 ngày đối với dự án, công trình nhóm B và C; rút ngắn thời gian tổ chức kiểm tra nghiệm thu về PCCC từ  07 ngày còn 05 ngày. Cục Thuế tỉnh đã thực hiện rút ngắn thời gian cho ý kiến về việc sử dụng hóa đơn đặt in, tự in của người nộp thuế từ 05 ngày xuống còn 02 ngày; rút ngắn thời gian nộp thuế xuống còn 117 giờ/năm; sử dụng duy nhất 01 hệ thống Dịch vụ thuế điện tử tích hợp tạo thuận lợi cho người nộp thuế trong các giao dịch điện tử với cơ quan thuế; đẩy mạnh việc kê khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử, hỗ trợ người nộp thuế qua email, teamviewer,… tạo thuận lợi và giảm thiểu chi phí khi thực hiện nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế.

1.2.5. Đào tạo lao động

     Trên địa bàn tỉnh có 43 cơ sở giáo dục và giáo dục nghề nghiệp gồm 02 trường đại học, 04 trường cao đẳng, 03 trường trung cấp, 22 trung tâm dạy nghề, 14 cơ sở khác có tham gia dạy nghề với quy mô tuyển sinh và đào tạo hàng năm hơn 32.000 người, đảm bảo cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu đào tạo lao động ở nhiều trình độ khác nhau theo yêu cầu của doanh nghiệp.

    Ngoài ra, tỉnh Đắk Lắk cũng đã tổ chức được 05 khóa đào tạo, tập huấn ngắn hạn về Khởi sự kinh doanh và Quản trị doanh nghiệp tại thành phố Buôn Ma Thuột (năm 2016 tổ chức 03 khóa; năm 2017 tổ chức 02 khóa) với tổng số 172 lượt học viên của hơn 120 doanh nghiệp, hợp tác xã tham dự. Các học viên tham dự chủ yếu là giám đốc, kế toán, người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã, trong đó có 20 doanh nghiệp nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, ngoài việc tổ chức tập huấn, đến nay, các nội dung đào tạo lao động và đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp chưa được triển khai.

1.2.6. Tiếp thị địa phương

     Bên cạnh các hoạt động cải thiện môi trường đầu tư, chính quyền tỉnh Đắk Lắk cũng chú trọng công tác tiếp thị để các doanh nghiệp tiềm năng biết về các lợi thế, thế mạnh của tỉnh cũng như những kết quả cải cách môi trường đầu tư mà tỉnh đạt được, như: tổ chức đoàn công tác đi xúc tiến đầu tư tại một số địa phương có nhiều kinh nghiệm và thành công trong công tác quảng bá, thu hút đầu tư; kêu gọi xúc tiến đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Xây dựng và vận hành trang thông tin điện tử về pháp luật, chính sách, thủ tục đầu tư, tiềm năng và cơ hội đầu tư, đối tác đầu tư,... Tổ chức đoàn công tác mời gọi, xúc tiến đầu tư trực tiếp với các Tập đoàn, Tổng Công ty trong nước, Hiệp hội doanh nghiệp,...  Tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp, tham gia các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư nhằm giới thiệu, quảng bá về môi trường đầu tư và mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh. Tổ chức lễ hội cà phê định kỳ 2 năm/lần để quảng bá Ngành Cà phê cũng như kết hợp để thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quảng bá các lợi thế, môi trường đầu tư của tỉnh cũng như xúc tiến đầu tư cho tỉnh,…

2. Các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với tăng trưởng kinh tế tỉnh Đắk Lắk trong thời gian tới

2.1. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư tỉnh Đắk Lắk

     Môi trường đầu tư tỉnh Đắk Lắk đã có sự chuyển biến tích cực, tuy nhiên môi trường đầu tư tỉnh vẫn có một số rào cản để thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh. Chính vì vậy, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại tỉnh Đắk Lắk, ưu tiên đầu tiên là cần phải cải thiện môi trường đầu tư. Cụ thể, các giải pháp cụ thể để cải thiện môi trường đầu tư tỉnh Đắk Lắk trong thời gian tới gồm: giảm chi phí, thời gian gia nhập thị trường, nâng cao khả năng tiếp cận đất đai, tăng cường tính minh bạch, giảm chi phí không chính thức, giảm chi phí thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, nâng cao sự bình đẳng trong cạnh tranh, nâng cao tính năng động của chính quyền tỉnh, tăng cường và nâng cao hiệu quả các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường thiết chế pháp luật và an ninh trật tự.

2.2. Tăng cường huy động các nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tỉnh Đắk Lắk

     Nguồn ngân sách tỉnh thu và huy động được còn hạn chế, chỉ có thể đáp ứng được một phần nhu cầu chi tiêu phát triển kinh tế. Chính vì vậy, bên cạnh nguồn lực nhà nước, tỉnh Đắk Lắk cần tăng cường huy động các nguồn lực khác.

     Để thực hiện được giải pháp này, tỉnh Đắk Lắk cần:

     + Ban hành cơ chế, chính sách để khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào một số lĩnh vực cung cấp dịch vụ công, như: đầu tư cơ sở hạ tầng, thu gom - xử lý chất thải,…

     + Truyền thống cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút vực tư nhân tham gia vào một số lĩnh vực cung cấp dịch vụ công tới các nhà đầu tư tiềm năng.

     + Cam kết thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút vực tư nhân tham gia vào một số lĩnh vực cung cấp dịch vụ công theo nội dung cơ chế, chính sách đã được ban hành.

2.3. Tiếp tục tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư và tiếp thị địa phương

     Các hoạt động tiếp thị địa phương vẫn còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Nhiều nhà đầu tư tiềm năng vẫn chưa biết được các lợi thế, thế mạnh của tỉnh Đắk Lắk. Cần cải thiện hoạt động này trong thời gian tới.

     Để thực hiện được điều này, tỉnh Đắk Lắk cần:

     + Thực hiện tốt các hoạt động xúc tiến thương mại và tiếp thị địa phương được đề xuất trong các chủ trương, chính sách của tỉnh.

     + Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các hoạt động xúc tiến thương mại và tiếp thị địa phương mới, phù hợp, cũng như điều chỉnh những hoạt động tiếp thị trong các chủ trương, chính sách đã ban hành nếu tính khả thi của những hoạt động này thấp do điều kiện thực hiện nó đã bị thay đổi.

     + Các cơ quan có thẩm quyền cần thường xuyên theo dõi, giám sát, đôn đốc quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách về xúc tiến thương mại và tiếp thị địa phương.

     + Tỉnh Đắk Lắk cũng cân đối, đảm bảo nguồn ngân sách để thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại và  tiếp thị địa phương.

2.4. Nâng cao hiệu quả xây dựng và thực hiện các định hướng, chính sách tăng trưởng kinh tế

     Nhiều nội dung định hướng phát triển kinh tế nói chung, tăng trưởng kinh tế  chưa phù hợp với thực tiễn, quá trình cụ thể hóa và thực hiện các định hướng này trong thực tế gặp nhiều khó khăn và không đạt được mục tiêu đề ra. Nội dung nhiều chính sách vẫn còn chung chung, chưa cụ thể và phù hợp với điều kiện thực tế. Điều này đã tạo ra sự khó khăn trong quá trình thực hiện và không đạt được các mục tiêu đề ra. Do vậy, việc cải thiện các hoạt động này trong thời gian tới là hoạt động cần thiết.

     Để thực hiện giải pháp này, Tỉnh cần phải:

     + Thu hút thêm sự tham gia của các chuyên gia có chất lượng trong công tác xây dựng các định hướng, chính sách.

     + Đảm bảo sự tham gia của tất cả các bên liên quan trong quá trình xây dựng các định hướng, chính sách, đặc biệt là các đối tượng chịu tác động.

     + Bảo đảm sự minh bạch trong công tác tuyển chọn các chuyên gia tư vấn xây dựng các định hướng, chính sách.

2.5. Tiếp tục đầu tư, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, trung tâm thương mại, tài chính

     Chất lượng đường giao thông ở nhiều vùng vẫn còn kém, gây khó khăn cho các chủ thể sản xuất - kinh doanh.

     Tỉnh Đắk Lắk vẫn thiếu các trung tâm thương mại, tài chính tầm cỡ để tạo động lực hỗ trợ các chủ thể sản xuất, kinh doanh trong tỉnh phát triển.

     Để thực hiện giải pháp này, tỉnh Đắk Lắk cần:

     + Tăng cường thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước để đầu tư vào hệ thống giao thông.

     + Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra và nâng cao hiệu quả quá trình đầu tư của nhà nước vào hệ thống giao thông, cụm công nghiệp, trung tâm thương mại.

     + Tiếp tục ưu tiên phân bổ nguồn vốn ngân sách nhà nước để hoàn thiện các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

2.6. Nâng cao trình độ cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế cho tỉnh Đắk Lắk

     Chất lượng nhiều cán bộ quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh cũng còn nhiều hạn chế. Cần tiếp tục cải thiện vấn đề này trong thời gian tới.

     Để thực hiện giải pháp này cần:    

     + Rà soát nhu cầu tập huấn, đào tạo cho cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

     + Xây dựng kế hoạch đào tạo.

     + Thực hiện hoạt động đào tạo và đánh giá kết quả đào tạo theo kết hoạch xây dựng.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Phạm Thị Thanh Bình (2017), Kinh tế tư nhân: Động lực quan trọng trong phát triển kinh tế, <http://www.tapchicongsan.org.vn>, xem 26/12/2018.

2. Cục Thống kê tỉnh Đắk Lắk (2019), Niên giám thống kê 2019, Nhà xuất bản Thanh niên, Đắk Lắk.

3. Vũ Đình Dũng, Trần Thị Huệ và Trần Hữu Dào (2018), Quản  lý  hành  chính  nhà  nước cấp  tỉnh  gắn  với  phát  triển  kinh tế tại Bắc Kạn, <http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/quan-ly-hanh-chinh-nha-nuoc-cap-tinh-gan-voi-phat-trien-kinh-te-tai-bac-kan-53708.htm>, xem 26/12/2018.

4. Nguyễn Thị Thu Nguyên (2019), Quản lý nhà nước đối với đất nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk, Luận văn Thạc sỹ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

5. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (2015, 2016, 2017, 2018), Báo cáo PCI các năm 2015, 2016, 2017 và 2018, <http://pcivietnam.org>, xem 24/12/2018.

6. Đặng Văn Sáng (2015), Vai trò của chính quyền địa phương trong việc tạo lập môi trường đầu tư để thu hút đầu tư tư nhân - Nghiên cứu tại Long An, Luận án tiến sĩ, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

7. Ngô Văn Thiện (2015), Các  yếu  tố ảnh  hưởng  đến  tình  hình  thu  hút  vốn  đầu  tư  cho phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc, <http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/phan-tich-cac-yeu-to-anh-huong-den-thu-hut-von-dau-tu-cho-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-dao-phu-quoc-27727.htm>, xem 24/12/2018.

8. UBND tỉnh Đắk Lắk (2019), Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2019 và kế hoạch năm 2020, Đắk Lắk.

9. UBND tỉnh Đắk Lắk (2015, 2016, 2017, 2018, 2019), Báo cáo Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh Đắk Lắk, Đắk Lắk.

 

THE STATE MANAGEMENT OF ECONOMIC GROWTH

IN DAK LAK PROVINCE

Y THANH HA NIE KDAM 

Party Committee of the Centrally-run Businesses’ Sector

ABSTRACT:

      Dak Lak is a province located in the heart of the Central Highlands, Vietnam. In order to promote the provincial sustainable economic growth in the coming time, the local authorities need to continue to improve their state management of economic growth. This article presents the status quo of state management of economic growth in Dak Lak Province, thereby proposing appropriate solutions to improve the state management’s efficiency in the coming time.

Keywords: State management, economic growth, economics, Dak Lak Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,

Số 19, tháng 8 năm 2020]