Sóc Trăng khẩn trương hoàn thành kế hoạch phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025

Chiều ngày 06/02, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Lâm Hoàng Nghiệp đã chủ trì cuộc họp để nghe báo cáo về kế hoạch phát triển dịch vụ logistics tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025.

Theo kế hoạch phát triển dịch vụ logistics, Sóc Trăng sẽ tập trung đầu tư hệ thống giao thông thủy, bộ quan trọng, có tính kết nối cao, nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, liên kết nội bộ của tỉnh và vùng. Tập trung thu hút các nguồn lực vào đầu tư để từng bước phát triển về hạ tầng kho bãi, giao thông vận tải, thông tin liên lạc; đồng bộ với việc hình thành các Cảng biển theo Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, hướng tới quy hoạch 4 Trung tâm logistics tại Trần Đề, Long Phú, Vĩnh Châu và thị xã Ngã Năm.

dịch vụ logistics
Ông Lâm Hoàng Nghiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng chủ trì cuộc họp

Phát triển dịch vụ logistics giúp nâng cao năng lực cạnh tranh

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Sóc Trăng hồi tháng 4 năm 2022, Sóc Trăng đã công bố bốn hành lang kinh tế thu hút đầu tư của địa phương giai đoạn 2022-2025, bao gồm hành lang kinh tế ven biển với trọng tâm là phát triển dịch vụ du lịch, kinh tế biển.

Hành lang kinh tế Bắc- Nam sẽ tập trung thu hút phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị;

Hành lang kinh tế Đông- Tây tập trung thu hút phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến.

Cuối cùng, với tuyến hành lang kinh tế trung tâm sẽ tập trung thu hút phát triển dịch vụ chất lượng cao và phát triển đô thị kết nối TP Sóc Trăng với các địa phương chiến lược trong tỉnh như: huyện Trần Đề, thị xã Vĩnh Châu.

Từ định hướng bốn hành lang kinh tế nêu trên, tỉnh đã đề ra năm trụ cột thu thút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, đó là dịch vụ logistics cảng biển; hạ tầng công nghiệp- đô thị; nông nghiệp công nghệ cao; du lịch và năng lượng tái tạo.

Đối với dịch vụ logistics cảng biển, tỉnh sẽ tập trung phát triển dịch vụ logistics các ngành công nghiệp phục vụ kinh tế biển nhằm khai thác lợi thế vị trí cảng biển nước sâu và đường bờ biển dài 72 km của tỉnh, trong đó, trọng tâm là dự án cảng biển Sóc Trăng (khu bến Trần Đề.

Đối với hạ tầng công nghiệp- đô thị, Sóc Trăng sẽ đa dạng hóa các hình thức đầu tư nhằm phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại 3 khu công nghiệp và 9 cụm công nghiệp. Trong đó, các dự án trọng điểm bao gồm, nhóm dự án đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp tại Kế Sách, Vĩnh Châu, Long Phú với tổng diện tích gần 700 héc ta dọc theo tuyến Nam Sông Hậu; dự án khu đô thị 1 và 2 huyện Trần Đề với tổng diện tích trên 40 héc ta; dự án khu đô thị Nam Sông Hậu, khu đô thị mới huyện Long Phú với tổng diện tích gần 70 héc ta.

Để thực hiện những mục tiêu trên, Sóc Trăng sẽ hình thành Trung tâm giao nhận hàng hóa tại thành phố Sóc Trăng, gắn liền với chợ đầu mối; phát triển Trung tâm giao nhận hàng hóa tại huyện Trần Đề, gắn với Cảng nước sâu; hoàn thiện các dự án tuyến đường giao thông thủy, bộ theo kế hoạch đến năm 2025 để đưa vào vận hành, lưu thông trong trung chuyển hành khách, hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của người dân, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả trong việc khai thác và phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch cũng nêu rõ nhiệm vụ và các giải pháp về cơ chế và chính sách; hoàn thiện các kết cấu hạ tầng và cung ứng dịch vụ logistics để thực hiện; nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ logistics; thu hút các nguồn lực cho ngành logistics và phát triển thị trường dịch vụ logistics. Phấn đấu hoàn thành và đưa vào hoạt động các dự án kết cấu hạ tầng giao thông có tính kết nối cao nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa được thông suốt, làm động lực để phát triển hệ thống dịch vụ logistics của tỉnh.

Thực hiện thành công những mục tiêu này sẽ giúp tỉnh phát triển dịch vụ logistics phù hợp với tiềm năng và lợi thế của mình, từ đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Xây dựng và phát triển tốt hạ tầng logistics sẽ góp phần đẩy mạnh lưu thông hàng hóa trong tỉnh, liên kết vùng và hội nhập quốc tế.

dịch vụ logistics
Phát triển Cảng Trần Đề thành trung tâm dịch vụ logistics biển lớn nhất của Sóc Trăng cũng như vùng ĐBSCL

Bổ sung, hoàn thiện kế hoạch phát triển dịch vụ logistics

Theo lãnh đạo Sở Công Thương, được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Trung ương, nhiều công trình giao thông trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng được đầu tư hoàn thành, đưa vào sử dụng, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo tiền đề để phát triển dịch vụ logistics. Hạ tầng logistics trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các hình thức tổ chức, vận hành kho, bãi gắn liền với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cơ sở.

Do đó, phát triển dịch vụ logistics cần phải phù hợp với tiềm năng và lợi thế của tỉnh, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; tận dụng lợi thế cửa ngõ của tỉnh, phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông làm tiền đề phát triển dịch vụ, để phục vụ tốt nhất hoạt động giao dịch kinh doanh. Trong đó, tập trung đầu tư hệ thống giao thông thủy, bộ quan trọng có tính kết nối cao, nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, liên kết nội bộ tỉnh và vùng, góp phần phát triển dịch vụ logistics.

Tập trung thu hút các nguồn lực vào đầu tư để từng bước phát triển về hạ tầng kho bãi, giao thông vận tải, thông tin liên lạc đồng bộ với việc hình thành các cảng biển theo quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; quy hoạch 4 trung tâm logistics tại Trần Đề, Long Phú, thị xã Vĩnh Châu và thị xã Ngã Năm. Đồng thời, thúc đẩy đào tạo nhân lực có trình độ về logistics, góp phần phát triển dịch vụ logistics của tỉnh phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Đồng thời, triển khai áp dụng có hiệu quả các chính sách, pháp luật về phát triển dịch vụ logistics; các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án lĩnh vực logistics trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính, giải quyết các thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận lợi, trọng tâm là lĩnh vực giao thông vận tải và công thương, đầu tư…

Phát biểu tại cuộc họp, ông Lâm Hoàng Nghiệp - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nhận định, đây là công việc mới của địa phương nên đòi hỏi cần có sự chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ để khi triển khai kế hoạch đạt được mục tiêu mong muốn.

Ông Lâm Hoàng Nghiệp cũng đề nghị các sở, ngành có liên quan đánh giá tình hình thực hiện những kết quả đã đạt được về phát triển dịch vụ logistics thời gian qua mà các đơn vị đã làm được; qua đó, nêu rõ những thuận lợi, khó khăn gặp phải và đề xuất giải pháp, làm cơ sở để xây dựng kế hoạch phát triển dịch vụ logistics tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025.

Bên cạnh đó, khi xây dựng kế hoạch cần căn cứ vào tài liệu, văn bản có liên quan của tỉnh đã được phê duyệt để làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch một cách khoa học. Giao Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành tiếp thu các ý kiến đóng góp, sớm hoàn chỉnh kế hoạch trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét.

 

Nguyên Vỵ